04 mai 2021

CON CÁ SẨY LÀ CON CÁ TO


Trần Ngọc Cư 

Ngô Đình Diệm - Đệ Nhất Cộng Hòa

Nếu muốn mô tả VNCH, tôi chỉ có thể nói rằng đó chỉ là một quốc gia bán máu mà ăn, và ăn mà không phòng hậu, ăn không trừa cặn. Việc buôn bán nào cũng theo luật cung cầu. Khi Mỹ bắt tay được với Trung Cộng để thành lập liên minh chống Liên Xô, thì đầu cầu (demand side) của việc bán máu bị triệt tiêu. 


Một nước mà từ hộp sữa cho con nít bú đến chiếc tàu chiến đều phụ thuộc vào viện trợ Mỹ, thì khi Mỹ chấm dứt việc cung ứng rất hào sảng của mình, nước đó sụp đổ là tất yếu. Một nước không sản xuất được một con bù lon cho ra hồn mà lại có một lực lượng hải quân đứng thứ tám trên thế giới, theo thống kê mà tôi đọc được thời đó, đủ là một cái gì rất trái khuấy. 

Một người ăn mày có chút trí khôn và liêm sỉ, nếu được kẻ khác cho 10 đô thì nên ăn 5 đô và để dành 5 đô để chuẩn bị cho ngày tự lập của mình. Trên cương vị quốc gia, nhiều nước nhờ viện trợ Mỹ mà hóa rồng hoá cọp, cũng trong thời Chiến tranh Lạnh như VN: tấm gương Đài Loan và Đại Hàn bây giờ ai cũng thấy. Đấy là không kể Tây Đức và Nhật Bản trước đó.

Sinh viên Anh văn ở Văn khoa Huế những năm đầu thập niên 1970 chắc đều biết ông Arthur McTaggart, giám đốc Trung tâm Văn hoá Hoa Kỳ. Ông là một nhà ngoại giao từng làm việc và dạy học ở Đại Hàn nhiều năm trước khi đến Việt Nam. Là chỗ quen biết và là một thầy giáo ở Hội Việt Mỹ Huế, tôi có lần xin ông so sánh đời sống người dân Nam Việt và người Đại Hàn, ông nhấn mạnh sự khổ cực của người Đại Hàn, chẳng hạn trong chiến tranh họ ăn cả vỏ cây để sống còn. Tôi nghe qua, cảm thấy mình hỉnh mũi, nhưng về sau hiểu ra thì thấy trẽn, có lẽ ông muốn nói dân Nam Việt phè phỡn trên viện trợ Mỹ hơi nhiều.

Sau khi Việt Cộng chiếm Đà Nẵng, ông McTaggart chạy vào Saigon, có viết cho tôi một lá thư chia buồn vì vợ con tôi bị kẹt lại trong vùng Cộng sản kiểm soát. Trong thư ông mô tả cảnh hỗn loạn, giẫm đạp lên nhau, lính tráng Miền Nam bắn giết lẫn nhau trên đường thoát thân. Lá thư trấn an tôi rằng Việt Cộng sẽ sớm lập lại trật tự, chấm dứt tình trạng hỗn loạn nơi vùng vợ con tôi đang ở. 

Người đời, thường vướng phải cái tâm lý “con cá sẩy là con cá to.” Thậm chí bây giờ nhiều người còn ngoác mồm so sánh VNCH thời đó không thua gì Đài Loan hay Đại Hàn hay, cao hứng hơn nữa, là cả với Singapore.  Có đúng vậy không? Người Sài Gòn có quên không ở gần Sài Gòn có một xa lộ do Đại Hàn xây dựng và người dân quen gọi là Xa lộ Đại Hàn.

Và cho dù sức người sức của của VNCH có thể so sánh với những nước nói trên, liệu chúng ta có dám so sánh với tinh thần chiến đấu và phấn đấu của họ không? Chúng ta có tự huyễn mình nhiều quá trên các vấn đề lịch sử hay không?

Tuy vậy, that being said, có lẽ quan niệm của Ludwig Feuerbach về Thượng Đế giúp tôi hiểu được nguồn cơn của sự tự huyễn ấy.

 

TNC