23 mai 2021

Nhà Bác Hồ bị cháy điềm dữ hay lành?

Văn Đạt

Phong phanh được tin nhà Bác Hồ bị cháy. Tôi gọi điện ngay cho một người bạn ở Nghệ An. Bạn tôi xác nhận thông tin đó là có thật. Tôi liền bỏ dở kỳ nghỉ ở Đồ Sơn tức tốc phóng xe máy cả đêm từ Hải Phòng về Nam Đàn, Nghệ An quê Bác. Tôi không giải thích đựơc vì sao cái tin ấy lại khiến tôi hành động điên điên khùng khùng như thế...


8 giờ sáng ngày 3/7 /2008 tôi có mặt tại làng Hoàng Trù, quê ngoại Bác. Tôi gửi xe, tay cầm máy ảnh cùng đoàn người vào tham quan nhà Bà Hoàng Thị Loan. Vẫn đến cái khung dệt vải cũ càng, giọng cô gái xứ Nghệ thuyết minh giàu ngữ điệu lên bổng xuống trầm như mật rót vào tai người nghe. Cảnh vật chẳng khác mấy so với những lần tôi đến thăm trước đây. Có chăng là ánh mắt mấy vị công an nhìn khách soi mói hơn. Tôi để ý thấy dưới hiên nhà còn đọng những vũng nước lớn. Chắc là sáng nay, người ta đã tưới đẫm nước lên mái nhà để đề phòng hoả hoạn. Loanh quanh một lát, tôi chẳng còn gì hứng thú . Tôi trở ra lấy xe máy rồi tạt vào một quán nước giả bộ mệt mỏi:

- Chị ơi! Cho tôi xin một cốc nước. Mệt quá! biết thế này ở nhà cho khoẻ.

Chị bán nước trạc bằng tuổi tôi vừa rót nước vừa tỏ vẻ quan tâm:

- Sao thế hả bác?

- Nghe đồn nhà Bác bị cháy. Tôi vội vã từ trên miền núi về đây xem thực hư thế nào nhưng có thấy gì đâu?

- Có đấy Bác ạ! Cháy nhà Bác bên làng Sen cơ. Hôm cháy, chúng tôi đứng bên này nhìn sang thấy khói cuộn lên ngùn ngụt.

- Sao lại cháy được nhỉ? Công an bảo vệ cẩn mật lắm cơ mà?

- Họ mải xem bóng đá Euro rồi ngủ quên. Mà đâu có phải lần này! Dạo trước họ còn để cho kẻ gian vào trộm cả lư hương lẫn tượng đồng của Bác, chắc cái hồi cần đồng nát để đúc tượng đài chiến thắng điện biên nên cái quân ấy nó mới mò đến ăn trộm. Dân ở đây ai cũng biết cả. Họ phải tìm cái khác thế vào ngay. Nếu không ảnh hưởng chính trị lắm chứ bác.

Thấy chị chủ quán hăng chuyện. Tôi tò mò:

- Chị có biết vì sao nhà Bác bị cháy không?

- Nghe đâu là chập điện, nhưng ai mắc điện vào nhà Bác làm gì. Thắp điện lên thì còn gì là ý nghĩa bảo tồn bảo tảng nữa phải không bác? Nguyên nhân cụ thể thì chưa rõ. Người ta đang điều tra.

- Bây giờ tôi muốn sang bên đó thăm quan có được không?

- Mấy hôm trước họ phủ bạt không cho người vào. Không biết hôm nay họ lại cho khách vào thăm quan lại chưa? Bác thử sang xem.

Tôi chào chị chủ quán rồi vội vã phóng xe sang Làng Sen. Cuối hạ, những ao sen tàn tạ một cách thảm hại. Từng đám lá khô quắt rã rượi trên mặt nước. Sót lại đôi cánh lá cằn cỗi lốm đốm vàng. Nhìn cảnh ấy, tôi chợt thấy lòng mình chùng xuống và nhớ tới câu nói của ông lão hơn 80 tuổi. Ngồi cùng bàn ăn sáng với tôi ở TP Vinh:

- Cái thời "Bò đái thất thanh, Nam Đàn sinh thánh" hết rồi...

Ngôi nhà ngang của Bác bị cháy đã được làm lại. Người ta cố làm mọi cách để xoá đi dấu vết đám cháy. Song nó cứ vẫn lộ ra mồn một. Ngoài nuộc lạt, kèo tre còn tươi xanh, xung quanh nhà dưới mái hiên, trên nền còn vương sót lại không ít tàn tro, xác than của nứa lá.

Tôi kín đáo chụp mấy kiểu ảnh để làm tư liệu cho sự kiện hi hữu này. Tôi thầm nghĩ "Kẻ nào dám châm lửa đốt nhà Bác. Lá gan của người ấy còn to hơn cả trùm khủng bố Bin Laden"

Suốt mấy tiếng đồng hồ tha thẩn để tìm thêm thông tin. Tuyệt nhiên tôi chẳng mò được điều gì nữa. Cuối cùng, tôi đã liều lĩnh hỏi men một cô gái bán nước mía:

- Vừa rồi nhà bác bị cháy hả cô?

- Làm gì có chuyện đó!

Cô ta chối phắt, lại nhìn tôi bằng ánh mắt cảnh giác. Đã thế cô ta còn hỏi thêm một câu:

- Bác đi một minh à?

- Không! tôi đi với đoàn

Tôi trả tiền ly nước mía. Cô ta bảo người em gái thối tiền thừa rồi vội đi đâu đó. Ly nước mía được tính 6 nghìn đồng. Nghĩa là giá đắt gấp đôi ngoài Hà Nội, Hải Phòng. Nhưng không sao, điều khẩn thiết lúc này là tôi phải biến nhanh khỏi nơi đây. Linh tính mách bảo cho tôi biết câu hỏi vừa rồi đã lọt vào "Tai mắt nhân dân" rồi. Tôi có thể bị phiền nhiễu ngay tức khắc chứ chẳng vừa. Tôi lẩn nhanh vào đoàn người vừa từ trong nhà Bác đi ra, cởi áo khoác ngoài để thay đổi màu sắc. Lấy được xe máy, tôi lên xe rú ga vội vàng về TP Vinh, để lại phía sau tiếng bác sang sảng đọc tuyên ngôn độc lập từ năm 1945 trên loa phóng thanh: "Mọi người sinh ra đều có quyền...." tan trôi trong gió...

...Đến Vinh, tôi ghé thăm một người bạn có vợ ở làng Sen quê Bác. Anh cho biết:

- Nhà bác bị cháy lúc 6 giờ sáng ngày 28/6/2008. Được tin mình lên ngay. Người ta bảo chập điện nhưng có lẽ không phải. Theo dân ở đó kể lại, trước khi nhà Bác cháy, xuất hiện một thanh niên khoác ba lô lộn đi chiếc xe máy 81. Trên xe còn có chữ số 100 viết bằng mực phấn trắng khó tẩy. Nhà bác bùng cháy thì không thấy anh ta đâu nữa. Hiện nay công an đang tập trung truy tìm người thanh niên này.

Chiều lại, tôi kéo bạn ra quán bia. Ở Vinh, mấy năm gần đây đã tạo ra được một nét sống như thế. Có vẻ cái mốt "Lai rai" này ngày càng thịnh hành. Và ở bất kỳ quán bia nào, ta cũng có thể nghe được vô khôi chuyện. Từ thâm cung bí sử, bên Nga, bên Tàu cho đến những tin tức thời sự mới nhất. Đa phần kênh thông tin được bàn kháo là nằm ngoài luồng. Tính xác của thông tin khá cao và hầu như đi ngược lại kênh thông tin chính thống. Ở đây, người ta thể hiện mọi thái độ, mọi quan điểm mà không sợ bị nhà cầm quyền sách nhiễu. Có lẽ ở Việt Nam, không gian quán bia là dân chủ hơn cả. Nhân chuyện nhà Bác bị cháy. Một đại gia nốc xong vại bia phừng phừng:

- Có gì quan trọng đâu, cháy thì làm lại cái khác, mà không làm cũng được. Đảng ta đang có chủ trương ngói hoá xoá nhà tranh tre. Biết đâu Bác hiện về tự đốt nhà mình để thực hiện chủ trương của Đảng...

Người ngồi bên cạnh có vẻ mặt khắc khổ như đã cam thói quen chịu đựng, góp chuyện giọng hằn học:

- Cho nó cháy mất tang mất tích đi cũng được, quý báu gì đâu mà phải giữ. Nếu không có ông ấy thì ông bà tôi làm gì đến nỗi phải bị hành hạ và chết tức tưởi trong cải cách ruộng đất.

- Dẫu sao thì bác Hồ vẫn là một người tài giỏi trong thế kỷ 20. Cụ đã được thế giới công nhận chứ đâu phải chỉ có Việt Nam mình.

- Bác tài giỏi thì ai cũng công nhận, nhưng thất đức cũng không ai bằng. Từ ngày làm chủ tịch nước mà về thăm quê chỉ có 2 lần. Vịn cớ là bận việc nước tôi thấy là không thoả đáng lắm. Thứ nữa là tự viết sách ca ngợi mình thì khác nào trò bịp. Mà bác là tay đại bịp có đẳng cấp thượng thừa. Có vợ con hẳn hoi mà lại bảo là không. Giết vợ không cho con nhận cha thì còn gì thất đức hơn. Người thường chưa đến nỗi thế, đàng này Bác là thánh nên không thể tha thứ được. Mới 51 tuổi đã bắt mọi người gọi là "Cha già dân tộc". Lừa cả dân tộc này vào chốn binh đao máu lửa. Chết đi còn để lại một đám học trò tham lam tàn bạo, đưa đất nước đến chỗ tăm tối nhất. Di chúc của bác chúng cũng sửa. Chúng dựng cho Bác cái nhà mồ ngoài Hà Nội. Bắt cụ nằm phơi thây dưới bóng điện, rõ tội. Dân Á Đông là kiêng cái chuyện này lắm. Vậy mà lũ học trò khốn nạn cuả cụ vẫn cứ làm. Có lẽ là quả báo đấy các vị ạ!

Nghe khách uống bia kháo chuyện về Bác mà tôi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Thế ra con người bác không hoàn mĩ thánh thiện như tôi đã tưởng. Một con người nổi tiếng vĩ đại như bác chắc chắn sẽ được lịch sử soi rọi từng li từng tí. tại sao bác không để lại một trang hồi ký nào nhỉ? Nếu như bác có hồi ký thì vấn đề đỡ rối rắm hơn nhiều. Cả mấy ông học trò của bác nữa, không ai để lại điều gì hết. Dường như họ không dám đối diện với nguồn gốc cuộc đời bất hảo của mình. Chẳng lẽ lịch sử VIệt Nam có một giai đoạn đóng băng về những con nguời nổi tiếng "vô tiền khoáng hậu" như thế? Các nhà viết sử đương thời suy nghĩ và hành động thế nào đây?

Dạo trước, khi biết được ngài Thích Chân Quang nhận là cháu ruột của bác nhưng lại là người họ Hồ, tôi đã lấy làm lạ. Tôi đến tận nhà thờ họ Hồ ở làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An để tìn hiểu cơ sự. Nhà thờ họ Hồ ở Quỳnh Đôi thờ ông tổ là trạng nguyên thái thú Hồ Hưng Dật. Quê ở Vũ Lâm tỉnh Triết Giang Trung Quốc. Hậu duệ của ngài rất đông. Thời trước có vua Nguyễn Huệ Quang Trung tức Hồ Thơm. Trước nữa có cha con Hồ Quý Ly. Và sau này là Hồ Chi Minh. Nghiã là trong lịch sử Việt Nam dòng họ này 3 lần ở ngôi đấng chí tôn. Nhưng có một nét chung là thời gian trị vì rất ngắn và vô hậu.

Người cai quản nhà thờ họ Hồ ở Quỳnh Đôi cho tôi biết:

- Nhà thờ chúng tôi đã được công nhận khu di tích lịch sử quốc gia. Tượng vua Quang Trung, Hồ Quý Ly đã dựng. Chỉ thiếu tượng bác Hồ nữa thôi.

Tôi đã đọc bút tích của ngài Thích Chân Quang và thấy thái độ tự hào của ông quản nhà thờ họ Hồ là chính đáng. Nếu bác là họ Hồ thật thì cụ đâu phải là con lạc cháu rồng. Oái oăm thay là giang sơn tổ quốc bị con cháu người ngoại bang cai quản mà không ai biết.

Trở lại chuyện nhà bác Hồ bị cháy, nhiều thông tin bàn khá trái ngược nhau khiến tôi hoang mang chẳng biết đường nào mà lần. Thú thật, trong lòng tôi vẫn còn một phần nào kính trọng bác. Sự hoang mang kia có thể là hình tượng bác Hồ kính yêu đang bắt đầu sụp đổ. Thậm chí tôi không dám kiểm chứng thông tin nữa chỉ vì sợ đấy là những thông tin chính xác. Tôi muốn coi tất cả những thông tin đấy là lời đồn đại, để giữ trong lòng ít nhiều sự kính trọng về con người lịch sử tiếng tăm. Tôi thử cất giọng hát lên bài "Lãnh tụ ca", bỗng thấy ngượng và mỉa mai thế nào ấy, quả thật là không hát nổi.

Đã gần 60 tuổi mà không hiểu gì về những người lãnh đạo cai quản mình làm tôi rất buồn. Con trâu còn biết con đầu đàn bản lĩnh ra sao. Đằng này tôi lại là một con người, suốt đời thờ phụng kính trọng một thứ tưởng như có thật. Hoá ra bị một cú lừa ngoạn mục, biết trách ai được bây giờ! Trong cay đắng, tôi muốn được tận mắt thấu suốt mọi ngõ ngách "thâm cung Ba Đình sử" để ngày sang bên kia thế giới được yên lòng. Người bị giết mà không biết kẻ giết mình là ai thì nhắm mắt làm sao được...

...Cũng may là bữa ăn sáng cuối cùng ở TP Vinh, tôi lại được ngồi cùng bàn với ông lão hơn 80 tuổi. Gợi lại chuyện nhà bác bị cháy, tôi hỏi:

- Cụ ơi! Nhà bác bị cháy, điềm lành hay điềm dữ hả cụ?

Cụ nhấp ngụm rượu, vuốt lại chòm râu trắng như cước tủm tỉm cười:

- Điềm lành đấy anh ạ. Khi cái cũ được hoá đi là cái mới xuất hiện. Chừng ít năm nữa thôi Việt Nam mình sẽ thay đổi nhiều lắm. Nhân dân ta sẽ không phải răm rắp ca ngợi mấy thằng khốn nạn đang đè đầu cưỡi cổ nữa đâu. Anh có tin không?

- Cháu tin chứ ạ!

Tạm biệt cụ, tôi lên xe lướt giữa làn gió mùa thu .Trong lòng ngập tràn hứng khởi hi vọng...

Nghệ An - Hà Nội, tháng 7 mùa thu 2008

Văn Đạt

Copy từ fb Nguyen Van Quyet.