16 novembre 2016

Hai dân biểu Hong Kong bị bãi nhiệm vì ủng hộ độc lập


Image copyright AFP Image caption Yau Wai-ching đưa bản phán quyết ra trước máy quay bên ngoài Tòa án Tối cao Hong Kong vào thứ Ba

 
Tòa án Tối cao Hong Kong phán quyết hai dân biểu ủng hộ độc lập ở Hong Kong sẽ không được giữ vị trí trong Hội đồng Lập pháp.

Sixtus Leung (Lương Tụng Hằng, 颂恒, sinh 1986) và Yau Wai-ching (Du Huệ Trinh, 游蕙 sinh 1991) từ chối tuyên thệ trung thành với Trung Quốc vào tháng trước.

 
Vào tuần trước, Bắc Kinh tuyên bố những người dân biểu nếu đưa ra lời tuyên thệ sẽ không được nhậm chức.

 


Hàng nghìn người đã biểu tình phản đối trong dịp cuối tuần, gọi đó là một sự vi phạm các quyền độc lập về luật pháp.

Tuy nhiên cũng có các cuộc biểu tình phản đối việc đòi độc lập hơn cho Hong Kong.

Ông Leung nói sẽ kháng án chống lại phán quyết của tòa án, và nói quyết định này có thể ảnh hưởng đến Hong Kong trong vài thập kỷ tới.

"Tôi sẽ sớm bàn bạc về những hành động pháp lý có thể có với các luật sư của mình", ông Leung nói với South China Morning Post.

Ông Leung nói thêm ông không hối hận về những điều mình đã làm.

Image copyright Reuters Image caption Bà Yau giương biểu ngữ nói "Hong Kong không phải Trung Quốc" trong buổi tuyên thệ nhậm chức

 

Tranh cãi bắt đầu như thế nào?


Ông Leung và bà Yau đều là thành viên đảng chính trị ủng hộ dân chủ có tên Youngspiration. Họ được được bầu vào vị trí dân biểu vào tháng Chín.

Tại buổi lễ nhậm chức hồi tháng 10, hai người đã giương biểu ngữ ủng hộ độc lập cho Hong Kong. Ngoài ra, họ sử dụng ngôn từ được cho là khiếm nhã để chỉ Trung Quốc.

Lời nhậm chức của hai người sau đó bị tuyên bố vô hiệu lực.

Trong lễ nhậm chức của mình, hai người sử dụng tiếng phiên âm Trung Quốc là "Shee-na" - một biến thể của từ Shina, là thuật ngữ được Nhật Bản sử dụng để chỉ Trung Quốc trong giai đoạn thế chiến (thời kỳ Nhật đô hộ Trung Quốc).

Đây được coi là một thuật ngữ mang tính bổ báng đối với Trung Quốc.

Tuy nhiên, ông Leung và bà Yau không phải là người duy nhất thay đổi lời tuyên thệ.

Các nhà chức trách Hong Kong nói có khoảng 15 nhà lập pháp mới nhậm chức cũng từng có một vài thay đổi trong lời tuyên thệ.

Tuy nhiên vẫn chưa rõ những người này phải chịu hình phạt tương tự hay không.

Image copyright Reuters Image caption Một số người biểu tình đã xuống đường để tuần hành phản đối hai ứng cử viên dân biểu ủng hộ độc lập

 
Liệu Bắc Kinh đứng đằng sau động thái này?

Hong Kong đã có trạng thái bán độc lập theo kiểu "một nhà nước, hai chế độ" sau khi được trao trả về Trung Quốc vào năm 1997.

Tuy nhiên, theo Hiến pháp của Hong Kong, được gọi là Luật Cơ bản Hong Kong, quy định rằng Bắc Kinh sẽ có quyết định cuối cùng về việc hiểu luật như thế nào.

Hai ghế dân biểu của ông Leung và bà Yau, từ đảng Youngspiration đã được bỏ trống sau khi hai người này từ chối không tuyên thệ, theo lời thẩm phán Thomas Au là người đưa quyết định không bổ nhiệm nói vào hôm thứ Ba.

Thẩm phán Au nói quyết định của ông là độc lập với phía Bắc Kinh.

Trong khi đó, Li Fei, phó chánh văn phòng của một hội đồng lập pháp cấp cao ở Trung Quốc, cảnh báo rằng sẽ "không có sự tối nghĩa hay khoan dung" trong "thái độ cương quyết và rõ ràng của Bắc Kinh về việc ngăn chặn và dập tắt lực lượng đòi độc lập ở Hong Kong".

 
Image copyright Getty Images Image caption Ông Leung và bà Yau được bầu vào vị trí dân biểu vào tháng Chín

 
Trung Quốc đã làm điều này chưa?

Đây được coi là sự can thiệp sâu nhất của Bắc Kinh tới nền chính trị Hong Kong kể từ sau thời điểm chuyển giao. Tuy nhiên đây là lần thứ năm họ có động thái quy định lại cách hiểu Bộ Luật Cơ bản Hong Kong.

Năm 1999, Bắc Kinh quy định những trẻ em sinh ra ở đại lục là con của công dân Hong Kong sẽ không được trao tư cách thường trú ở Hong Kong. Việc này hoàn toàn loại bỏ phán quyết của Tòa tối cao Hong Kong.

Năm 2004, Ủy bản thường trực đã có buổi tường trình đầu tiên về việc cải tổ chính trị trong kỳ bầu cử cho các vị trí lãnh đạo chủ chốt và thành viên LegCo (Hội đồng Lập pháp).

Năm 2005, họ quy định thời gian nhiệm kỳ của vị trí lãnh đạo chủ chốt tham gia tranh cử tại kỳ bầu cử phụ.

Năm 2011, Tòa tối cao Hong Kong yêu cầu Bắc Kinh làm rõ liệu quan chức Cộng hòa Dân chủ Congo có quyền miễn trừ trên lãnh thổ Hong Kong, nơi họ có thể bị Hoa Kỳ khởi kiện, hay không.