11 septembre 2015

Chuyên gia Việt giải mã sự phát triển nhanh chóng của Campuchia


Nguyên nhân chính là Campuchia đã có một nền kinh tế thị trường, không bị rơi rớt của chế độ kế hoạch tập trung, quan liêu bao cấp.

PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công thương) nhận xét như vậy khi lý giải về sự phát triển nhanh chóng của đất nước Campuchia.



PV: - Kinh tế Campuchia đang có những bước phát triển nhanh chóng cả về tốc độ tăng trưởng, thu hút FDI, công nghiệp ô tô và cả xuất khẩu lúa gạo... Năm 2014, kinh tế Campuchia tăng trưởng dẫn đầu ASEAN. Ông có bất ngờ trước sự phát triển nhanh chóng của Campuchia? Vì sao Campuchia lại có sự phát triển vượt bậc như vậy?

PGS.TS Nguyễn Văn Nam: - Trước đây Campuchia là nước nghèo nhưng họ cũng đã được hơn 20 năm ổn định. Mặt khác, Campuchia từng là nền kinh tế nông nghiệp hoàn toàn kiệt quệ vì chiến tranh, bây giờ chỉ cần khôi phục nông nghiệp là Campuchia đã có mức tăng trưởng cao.

Nông nghiệp của Campuchia rất mạnh bởi đất đai của họ rất rộng và phì nhiêu, diện tích đất nông nghiệp bình quân đầu người của Campuchia hơn Việt Nam nhiều. Campuchia có sông Mekong và Biển Hồ rất thuận lợi để phát triển nông nghiệp. Đất Campuchia chỉ có phía Tây, Tây Bắc là vùng núi, còn đa số là đồng bằng, chỉ cần làm thuỷ lợi và nông nghiệp thôi Campuchia đã rất giàu. Chưa kể mấy năm nay Campuchia cũng đã bắt đầu làm công nghiệp, xuất khẩu.

Tính đến nay, xuất khẩu gạo của Campuchia đã tăng trưởng hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi Việt Nam lại sụt giảm. Giá gạo Campuchia cũng cao hơn giá gạo Việt Nam 30-50 USD/tấn, chủ yếu là gạo chất lượng cao.

Nhưng căn bản nhất, Campuchia đã hình thành ngay một nền kinh tế thị trường. Các doanh nghiệp của Campuchia chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân theo kinh tế thị trường, cạnh tranh lành mạnh, ai làm ăn tốt thì tồn tại, ai làm ăn kém thì bị thải loại theo đúng quy luật thị trường. Bởi thế, kinh tế Campuchia có điều kiện để phát triển nhanh.
Gạo Campuchia đã tiến sang những thị trường khó tính như Mỹ và châu Âu.
PV: - Xét riêng ở lĩnh vực xuất khẩu gạo, theo Văn phòng Thư ký dịch vụ một cửa về xuất khẩu gạo Campuchia, 7 tháng đầu năm nay, xuất khẩu gạo của Campuchia đã tăng 53% so với cùng kỳ năm ngoái. Dù mới tham gia thị trường xuất khẩu gạo khoảng 5 năm nhưng gạo Campuchia đã xuất sang 53 quốc gia trên thế giới, chủ yếu là gạo chất lượng cao. Nó cho thấy điều gì trong cách làm gạo của Campuchia, thưa ông?

PGS.TS Nguyễn Văn Nam: - Nông dân Campuchia thực ra không giỏi hơn nông dân Việt Nam, các nhà máy xay xát của Campuchia cũng từ Việt Nam đưa sang, không hiện đại hơn. Cái hơn của Campuchia là họ có những nhà kinh doanh gạo thực thụ, sống bằng nghề kinh doanh và lớn lên bằng tài năng kinh doanh. Họ đua chen trên thị trường cạnh tranh nên trưởng thành nhanh chóng. Ở Campuchia, chỉ có doanh nghiệp kinh doanh giỏi mới tồn tại được.

Khi đã có nhà kinh doanh mạnh, chính họ sẽ tác động hình thành liên kết "3 nhà", "4 nhà", họ tác động vào khâu sản xuất, khâu chế biến, xuất khẩu, tạo ra chuỗi giá trị. Ví dụ, đối với nông dân, các nhà doanh nghiệp sẽ tác động trồng giống lúa gì, trồng như thế nào..., hình thành nên những vùng chuyên canh chất lượng cao, giống tốt có thể xuất khẩu.

Nhà kinh doanh gạo Campuchia tự đi tìm thị trường. Do đó, xuất khẩu gạo của Campuchia tiến bước rất vững chắc vì đi theo con đường kinh doanh sòng phẳng. Ở Việt Nam chưa có sự cạnh tranh như vậy nên ra thế giới bị thua. Việt Nam cứ tự hào gạo chất lượng không kém gạo Thái Lan nhưng vẫn phải bán giá thấp hơn, đó là bởi phương thức kinh doanh chưa hợp lý.

Nói cách khác, chúng ta chưa có những nhà kinh doanh gạo thực sự. Nông dân Việt Nam tốt hơn nông dân Campuchia, gạo Việt Nam không kém gạo Campuchia nhưng kinh doanh gạo ở Việt Nam vẫn bị  chi phối bởi những công ty nhà nước: hai tổng công ty lớn và nhiều công ty cấp tỉnh khiến những doanh nghiệp tư nhân khó chen chân vào được


Nguồn: Theo Báo Đất Việt
 

Vài ý kiến bạn đọc:
  • Tõm 09:03 ngày 10/09/2015
Tóm lại, theo chuyên gia thì Campuchia phát triển nhanh là vì họ có đội ngũ cán bộ (ở ta thì gọi là công chức) đúng nghĩa: tận tâm hơn, có trách nhiệm hơn, vì dân hơn....

  • Trung Thành 09:03 ngày 10/09/2015
Đơn giản là ho ít giáo sư, tiến sỹ. Giáo sư, tiến sỹ là để nghiên cứu, còn VN là để chém gió, giáo dục của họ đào tạo ra những con người biết làm việc chứ không để chém gió. Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp chứ không để quản lý.  

  • Huy 09:03 ngày 10/09/2015
Chính là họ có kinh tế tt, còn mình thì kt thị trg không giống ai.

  • Phạm Văn Lợi 09:06 ngày 10/09/2015
Xuất khẩu Cam pu chia phát triển nhanh hơn VN. Đó là sự thật, lý do đổ tại bao cấp là chưa hoàn toàn đúng (vì VN đã xỏa bỏ gần 30 năm rồi). Lý do chính là tác phong lãnh đạo "nói nhiều làm ít", là "quá nhiều trung gian" như VINAFOOD.

  • Minh Ho 09:06 ngày 10/09/2015
Phát triển kinh tế phải giao cho tư nhân hoàn toàn mới tránh khỏi thói ỷ lại và không ai chịu trách nhiệm khi kinh doanh thua lỗ ,thì đất nước mới phát triển được hơn nữa các doanh nghiệp còn bị sách nhiễu và chi phối bởi một số cán bộ xấu trong việc"xin cho" thì khả năng còn tụt hậu nữa...