17 octobre 2015

“Bản lên tiếng” kêu gọi không hoan nghênh CT Tập Cận Bình thăm VN

Gia Minh, BTV RFA

Người dân kêu gọi không hoan nghênh chuyến công du Việt Nam của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 11 tới đây. Citizen photo
Người dân kêu gọi không hoan nghênh chuyến công du Việt Nam của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 11 tới đây.
Citizen photo
Hơn 120 người ký tên vào một bản lên tiếng và nhiều cư dân mạng trên Facebook kêu gọi không hoan nghênh chuyến công du Việt Nam của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 11 tới đây.


Bản lên tiếng

Bản lên tiếng về chuyến công du Việt Nam sắp tới của ông Tập Cận Bình và vấn đề Biển Đông được những người ký tên cho rằng trách nhiệm bảo vệ đất nước là của toàn dân và họ là những công dân thấy cần phải lên tiếng để cảnh giác.
Bản Lên tiếng nêu ra ba điểm: thứ nhất là tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc đe dọa tự do hàng hải trong khu vực, gây ảnh hưởng lớn đến phát triển và ổn định của khu vực Châu Á- Thái Bình Dương; trong đó có Việt Nam phải gánh chịu những thiệt hại về kinh tế và đe dọa an ninh quốc phòng.
Thứ hai đây là thời cơ để Việt Nam tăng cường hợp tác với các quốc gia có cùng mối quan tâm về vấn đề Biển Đông, cũng như là thời điểm để xét lại mối quan hệ Việt – Trung với những khẩu hiệu do hai đảng cộng sản nêu ra trong các khẩu hiệu ‘4 tốt’ và ’16 chữ vàng’; Việt Nam cần phải sử dụng luật pháp quốc tế để kiện những hành động vi phạm của Trung Quốc đối với chủ quyền biển đảo của Việt Nam và không bị mắc mưu khi chỉ đàm phán song phương đôi bên theo ý của Trung Quốc.
Và điểm thứ ba là trong khi Trung Quốc cải tạo, bồi đắp biến những đảo chiếm được của Việt Nam thành đảo nhân tạo với mục tiêu quân sự và tiếp tục tấn công ngư dân Việt Nam đánh bắt tại Hoàng Sa và Trường Sa thì không thể tiếp đón ông Tập Cận Bình tại Việt Nam như một vị quốc khách được.
Thầy giáo Phạm Minh Hoàng, một cựu tù nhân chính trị hiện ở Sài Gòn và cũng là một trong những người ký tên vào Bản Lên tiếng cho biết lý do đưa ra bản lên tiếng:
“Bản Lên tiếng này được một số anh em đấu tranh trong nước, trong đó có rất nhiều anh em là cựu tù nhân lương tâm. Sở dĩ chúng tôi ra Bản Lên tiếng này vì thấy rằng trong thời điểm hiện tại Trung Quốc khuynh đảo đất nước chúng ta từ kinh tế đến chính trị, mọi lĩnh vực thậm chí là văn hóa nữa. Trên Biển Đông thì ai cũng biết là họ thường xuyên rượt đuổi, phá nát tàu của ngư dân Việt trên biển. Họ tiếp tục xây những đảo để làm căn cứ quân sự. Tình hình lấn chiếm Biển Đông và tấn công các ngư phủ dân thường là không thể chấp nhận được. Song song đó những ảnh hưởng về kinh tế, chính trị đến đất nước chúng ta là thường xuyên và càng lúc càng nhiều. Trong bối cảnh như thế thì chuyến thăm của ông Tập Cận Bình là không thể chấp nhận được.”

Kêu gọi trên facebook

Blogger Nguyễn Hữu Vinh. Courtesy photo.
Blogger Nguyễn Hữu Vinh. Courtesy photo.
Blogger Nguyễn Hữu Vinh, người tham gia ký tên vào Bản Lên tiếng và đăng hình trên facebook với biểu ngữ không hoan nghênh ông Tập Cận Bình đến Việt Nam, cũng cho biết quan điểm của ông trong việc chính quyền Hà Nội và đảng cộng sản Việt Nam mời ông Tập Cận Bình sang thăm Việt Nam trong bối cảnh như hiện nay:
“Truyền thống của Việt Nam từ xưa đến nay là không có ai rước ‘giặc’ vào nhà. Đó là một nguyên tắc. Tập Cận Bình hiện nay là chủ tịch nước Trung Quốc – đất nước đang xâm lược Việt Nam một cách rất rõ ràng. Hoàng Sa và một phần của Trường Sa- phần thiêng liêng của đất nước đang nằm dưới tay quân xâm lược. Đối với người dân Việt Nam thì đó là giặc. Tôi thấy người cộng sản học tập gương đạo đức Hồ Chí Minh hết đợt này đến đợt khác, tốn bao nhiêu tiền của dân nhưng họ quên mất một điều như Hồ Chí Minh đã nói rằng ‘còn một tên xâm lược nào trên đất nước chúng ta thì phải chiến đấu quét sạch nó đi.’Bây giờ sang làm gì? Bản thân tôi phản đối hành động rước giặc vào nhà.”

‘Biện minh’ của Hà Nội

Chuyến thăm Việt Nam của ông Tập Cận Bình trong cương vị chủ tịch nước và tổng bí thư đảng cộng sản Trung Quốc được phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình xác nhận trong cuộc họp báo vào chiều ngày 8 tháng 10 vừa qua là sẽ diễn ra trong tháng 11 tới. Chuyến công du này là theo lời mời của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và chủ tịch nước Trương Tấn Sang.
Lâu nay nhiều quan chức của Hà Nội cho rằng Việt Nam là nước nhỏ bên cạnh nước lớn Trung Quốc và kinh nghiệm lịch sử cho thấy phải nhân nhượng.
Giáo sư Phạm Minh Hoàng có ý kiến về quan điểm đó như sau:
“Tạm gọi những cuộc binh biến giữa chúng ta với Trung Quốc trong quá khứ từ Hai Bà Trưng, rồi Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung… trước khi ‘thần phục’ bao giờ cũng có một cuộc chiến. Như Trần Hưng Đạo đánh thắng quân Nguyên Mông, Vua Lê Lợi sau khi đánh thắng nhà Minh, cũng như Vua Quang Trung sau khi đánh thắng nhà Thanh cũng cử sứ thần sang để (chúng ta tạm gọi là) ‘thần phục’. Nhưng ‘thần phục’ của các triều đại chúng ta ngày xưa là thần phục trong tư thế mạnh; nghĩa là chúng ta vừa đánh thắng xong, chúng ta lại tiếp tục vấn đề hòa hiếu. Chuyện đó xảy ra cách đây đã bao nhiêu thế kỷ rồi; đó là thời ‘chim trời, cá nước’, các nước ai muốn đánh ai cũng được; nhưng bây giờ khác rồi: từ năm 1945 đã có Liên hiệp quốc rồi. Không phải muốn đánh ai cũng được, thậm chí như Mỹ muốn đánh Iraq cũng phải có quyết định của Hội đồng Bảo an.”
Blogger Nguyễn Hữu Vinh cho rằng cách lập luận của các quan chức trong chính phủ Việt Nam về thái độ nhân nhượng Trung Quốc như lâu nay là sự ngụy biện, ông phát biểu:
“Kể từ thời Trần, những thời trước đây, Việt Nam có thể cống nạp, này khác…; nhưng về mặt lãnh thổ chưa bao giờ nhường một tấc đất nào cho giặc. Đất nước này xưa nay chưa bao giờ như vậy, chỉ dưới thời người cộng sản mới xảy ra tình trạng đất nước, lãnh thổ rơi vào tay giặc mà thôi. Và liên tục như thế và dành cho đời con, đời cháu đòi mà thôi!
Như Cuba ở bên Hoa Kỳ nhưng họ vẫn có sự phản kháng, độc lập, tự chủ; nên không thể nói chuyện nước nhỏ, nước lớn ở đây. Thời đại ngày nay trong quan hệ quốc tế không nói chuyện nước lớn hay nước bé. Tôi cho đó là sự ngụy biện.”
Trước đây nhiều người Việt trong nước từng xuống đường tham gia những cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc. Có những đợt kéo dài được hơn 10 tuần lễ như vào năm 2011; tuy nhiên hầu hết những cuộc biểu tình như thế cuối cùng đều bị chính quyền Hà Nội ngăn chặn.
Hầu hết những người Việt Nam quan tâm đến tình hình đất nước và mối quan hệ với quốc gia láng giềng Phương Bắc trong thời gian gần đây đều tỏ ra quan ngại về những động thái của Trung Quốc tại Biển Đông. Họ mong mỏi chính quyền Hà Nội cần phải khéo léo tận dụng sự ủng hộ của quốc tế để kiềm chế thái độ ngày càng hung hăng, hiếu chiến của Trung Quốc tại Biển Đông. Họ kỳ vọng vào một thay đổi trong đối sách với chính quyền Bắc Kinh mà Hà Nội theo đuổi bấy lâu nay.