28 octobre 2015

Điều cần đổi mới là dân chủ trong bầu cử


 
Ông Võ Viết Thanh, nguyên ủy viên Trung ương Đảng khóa VI, nguyên chủ tịch UBND TP.HCM: "Phải thay “Đảng cử Dân bầu” bằng “Dân bầu Đảng cử”. Trước nay, chúng ta tìm cán bộ trong đội ngũ, lấy quan điểm đấu tranh giai cấp làm động lực phát triển.

Hiện nay phải lấy lòng yêu nước làm động lực phát triển, tạo điều kiện để mọi người Việt Nam dù xuất thân từ đâu, có là đảng viên hay không, nếu có tài, có đức, được dân chúng lựa chọn, tín nhiệm bầu chọn đều có thể trở thành lãnh đạo, cầm quyền ở các cấp của hệ thống chính trị."

 

 

Ông Võ Viết Thanh, nguyên ủy viên Trung ương Đảng khóa VI, nguyên chủ tịch UBND TP.HCM, vào thẳng ngay vấn đề khi trao đổi với chúng tôi về những điều mà ông mong mỏi nhất trước thềm Đại hội Đảng toàn quốc.         


Tiến sĩ Phạm Bá Khoa (đứng) góp ý về công tác cán bộ: “Trẻ ở đây không chỉ tuổi mà còn có cách nhìn, tư duy mới, sáng tạo, sát cuộc sống và gần dân hơn” - Ảnh: Lâm Hoài
           
"Đảng đã đi tiên phong trong đổi mới kinh tế, giờ đây Đảng cũng phải đi tiên phong trong lộ trình đổi mới hệ thống chính trị với tư duy tiến bộ. Đó là quy luật khách quan và tất yếu...

Tại Đại hội Đảng toàn quốc tới đây, điều cốt tử cần đổi mới là dân chủ trong bầu cử".

Ông Võ Viết Thanh, nguyên ủy viên Trung ương Đảng khóa VI, nguyên chủ tịch UBND TP.HCM, vào thẳng ngay vấn đề khi trao đổi với chúng tôi về những điều mà ông mong mỏi nhất trước thềm Đại hội Đảng toàn quốc.

Thực hiện “Dân bầu Đảng cử”

*Hẳn nhiên là điều đó ông đã rút ra từ kinh nghiệm tham dự liên tiếp sáu kỳ đại hội Đảng toàn quốc của mình?

- Ông Võ Viết Thanh: Từ những trải nghiệm của mình qua nhiều công việc khác nhau và từ những thúc đẩy, đòi hỏi đổi mới, điều chỉnh không ngừng của sự hội nhập ngày một sâu rộng của đất nước, tôi không thể không nói ra những bức xúc này dù có chạm vào vấn đề thường được coi là nhạy cảm.

Đảng của chúng ta đã đủ trưởng thành và từng trải để chủ động đổi mới một cách trí tuệ, không chờ đợi hoặc bị tác động tiêu cực từ bất cứ đâu.

Tôi muốn trong văn kiện đại hội lần này phải nêu thật rõ ràng: thực hiện thể chế dân chủ trong Đảng một cách thực chất, từ đó tiến tới hoàn thiện hơn thể chế dân chủ, tự do trong xã hội.

Nếu trong Đảng không có dân chủ, không tôn trọng tự do của đảng viên thì xã hội còn rất lâu mới có dân chủ. Đảng nhất định phải đi tiên phong trong vấn đề này.

* Cụ thể vấn đề dân chủ trong Đảng mà ông đề cập là gì?

- Thể chế chính trị của chúng ta hiện nay từ phường xã, quận huyện, tỉnh thành, trung ương đều có hệ thống Đảng và chính quyền song hành, mỗi cấp quản lý hàng ngàn, vạn, triệu dân.

Thế nhưng, người dân lại chưa được quyền chọn lựa những cán bộ quản lý họ, chỉ một số người được biết và được bầu ở mỗi cấp. Đường lối cán bộ như vậy không còn phù hợp, khiến cho dân chủ bó hẹp trong một tổ chức, một nhóm người.

Cứ tiếp tục như vậy, ngay những người tài đức trong Đảng cũng khó được phát huy, phát triển, số người tài ngoài Đảng ít có cơ hội.

Lâu nay cơ chế ấy đã sinh ra nạn chạy chức, chạy quyền và sau khi có chức, quyền rồi thì sinh ra nạn tham nhũng mà các cấp lãnh đạo cao nhất đã phải gọi là “quốc nạn, nội xâm”, tức là không còn từ gì nặng hơn nữa nhưng bệnh lại vẫn không chữa được.

Tôi cho rằng bầu cử từ cấp thấp đến cấp cao cần phải tổ chức thật dân chủ, tranh cử nhiều người, thực hiện phổ thông đầu phiếu. Chưa thể làm ngay tất cả thì cũng phải để ứng viên tranh cử, người dân bầu cử trực tiếp ở một cấp nào đó, quận huyện, tỉnh thành chẳng hạn. Và tổng bí thư thì đại hội trực tiếp bầu, thủ tướng được bầu tại Quốc hội...

Đường lối thể hiện trong báo cáo chính trị, nghị quyết đại hội không phải là bất biến trong năm năm, nhất là khi tình hình thế giới thay đổi nhanh như lúc này. Chỉ có chọn nhân sự đúng thì mới làm được, đổi mới được, phát triển được.

Ông Võ Viết Thanh - Ảnh: Tự Trung
 
Chọn người có dũng khí

* Như thế nào là một người mà ông gọi là “nhân sự đúng”, và nên làm thế nào để chọn được họ?

- Không cần nói nữa về những tiêu chuẩn “tài, tâm, đức” mà đã có hàng vạn, hàng triệu người dân đòi hỏi. Tôi muốn thêm vào một tiêu chuẩn: nên lựa chọn người có dũng khí, quyết đoán để trong lúc cần sự quyết liệt họ sẽ có được quyết định có lợi cho quốc gia, dân tộc.

Và không nên chọn những người bảo thủ, giáo điều, nói nhiều làm ít, không dám đột phá. Những cán bộ như vậy không nên bầu, chức quyền của họ càng cao thì tác hại cho dân, cho nước sẽ càng nhiều.

Chỉ có thể nhận ra đúng “họ” trong một cuộc tranh cử thật sự dân chủ. Thể chế bầu cử của chúng ta chưa công nhận các hoạt động vận động bầu cử, nhưng thực tế nó vẫn tồn tại, diễn ra ngấm ngầm và biến thành tiêu cực.

Tôi ủng hộ vận động bầu cử công khai, minh bạch, vì lợi ích quốc gia dân tộc. Các ứng cử viên trình bày, tranh luận, trả lời chất vấn trước đại hội và trước những ứng viên khác về những quan điểm của họ, tâm huyết của họ, những gì họ đã làm, sẽ làm, thể hiện những thành công họ đã đạt được, những sai lầm họ đã mắc phải...

Cử tri sẽ nhận ra và hiểu được tâm, đức, tài của họ trong các cuộc tranh luận ấy, sẽ đánh giá được dũng khí của họ nếu họ dám thừa nhận sai và dám sửa...

Cử tri cũng có quyền yêu cầu ứng viên công khai tài sản để kiểm soát. Lúc đó sẽ giảm được tối đa những kẻ cơ hội, bất tài lên làm lãnh đạo, giảm tối đa nạn chạy chức, chạy quyền, tham nhũng...

* Vậy làm thế nào để những mong ước mang tính lý tưởng ấy của ông và nhiều người khác có thể trở thành hiện thực?

- Phải chuẩn hóa thể chế dân chủ ấy bằng luật pháp ở các vấn đề cán bộ, bầu cử. Muốn vậy cần phải thật sự đột phá, thay đổi từ quan điểm.

Phải thay “Đảng cử Dân bầu” bằng “Dân bầu Đảng cử”. Trước nay, chúng ta tìm cán bộ trong đội ngũ, lấy quan điểm đấu tranh giai cấp làm động lực phát triển.

Hiện nay phải lấy lòng yêu nước làm động lực phát triển, tạo điều kiện để mọi người Việt Nam dù xuất thân từ đâu, có là đảng viên hay không, nếu có tài, có đức, được dân chúng lựa chọn, tín nhiệm bầu chọn đều có thể trở thành lãnh đạo, cầm quyền ở các cấp của hệ thống chính trị.

Điều này nhất định phải làm. Tự do, dân chủ, nhân quyền không thuộc sở hữu bất cứ nước nào mà đó là nguyện vọng của nhân loại tiến bộ, trong đó có nhân dân Việt Nam.

Không có dân chủ thì không thể phát huy được tài năng, trí tuệ cá nhân, ẩn chứa những mầm mống mất ổn định xã hội trước mắt và lâu dài.

Trong lịch sử Đảng ta đã có nhiều sai lầm mà đều xuất phát từ nguyên nhân mất dân chủ, thiếu dân chủ, chỉ một số người biết, một số người quyết. Những bài học đó không bao giờ được quên...

                                           
 
PHẠM VŨ thực hiện