Chân Như, phóng viên RFA
22-10-2015
Blogger Hồng Lê Thọ (trái) và nhà văn Nguyễn Quang Lập. Photo courtesy of nguyentandung.org |
Công an thành phố HCM đã quyết định đình chỉ điều tra
blogger Hồng Lê Thọ, chủ trang blog Người Lót Gạch, và trước đó một ngày nhà
văn Nguyễn Quang Lập cũng nhận được quyết định tương tự. Chân Như đã lấy ý kiến
một số các nhà tranh đấu trong và ngoài nước về sự kiện này.
Vì sao đình chỉ?
Quyết định đình chỉ điều tra blogger Hồng Lê Thọ, chủ
trang blog Người Lót Gạch có rất nhiều độc giả trong nước được đại tá công an
Lê Hồng Hà ký, và cho rằng “sau khi tiến hành điều tra và nhận thấy hành vi
tàng trữ, phát tán tài liệu có nội dung đả kích, xuyên tạc đường lối, chính
sách của đảng và nhà nước do bị can Lê Hồng Thọ thực hiện đã được ngăn chận kịp
thời, và không còn nguy hiểm cho xã hội nên không cần thiết phải truy cứu
trách nhiệm hình sự”. Quyết định này được nhiều các nhà blogger và dân chủ
trong nước vui mừng, cũng như cho rằng sự việc này cũng do sức ép từ cả bên
ngoài lẫn bên trong VN.
Chia sẻ với chúng tôi về việc đình chỉ này, nhà báo
Phạm Chí Dũng cho biết đây là một sự trùng lắp, và cho rằng nó có nhiều tác
động đến sự kiện đối ngoại nhân chuyến thăm VN sắp tới đây của TT Hoa Kỳ Obama.
Ông nói:
Nhận xét của tôi, thứ nhất đó là sự trùng lắp. Thứ hai
là thời gian đình chỉ điều tra kéo dài quá lâu vì thường được thả ra sau quá
trình điều tra là khoảng chừng 3 tháng và cùng quá là đến 4 tháng người ta đình
chỉ điều tra. Trường hợp của ông lập và ông Thọ kéo dài gần 9 tháng rồi mới
đình chỉ điều tra.
Theo tôi, thoạt đầu là việc điều chỉnh điều tra đối
với ông Lập và ông Thọ có thể kéo dài qua đại hội XII vì thường trước đại hội
XII giới công an và quan chức không muốn đình chỉ bất kỳ ai vì sợ người ta có
thể viết lại, lúc đó họ có thể “gây rối” và làm tình hình chính trị phức tạp,
cho nên việc đình chỉ đối với ông Thọ và ông Lập chúng ta cần để ý rằng nó có
những tác động gì và nó xuất phát từ nguyên nhân nào. Tất nhiên là người ta có
thể đưa ra một số các nguyên nhân, nhưng theo tôi, nó có liên quan đến một sự
kiện đối ngoại. Đó là chuyến đi thăm dự kiến vào tháng 11 sắp tới của tổng
thống Obama đến Hà Nội. Chúng ta cũng nên để ý lại vào tháng 2 năm 2015 khi ông
Lập và ông Thọ được thả ra thì cũng chỉ khoảng trước chuyến đi Hà Nội của bà
Rose Gottemoeller, thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chừng 3 tuần.
Chuyến đi của bà Rose như vậy đã đặt một dấu ấn rất
quan trọng, để sau đó khoảng hai tuần, lần đầu tiên có một tướng công an Việt
Nam, Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam đi sang Hoa Kỳ với mục đích chuẩn bị tích
cực cho chuyến đi của ông Nguyễn Phú Trọng tới Washington vào tháng 7 năm 2015.
Như vậy, việc thả ông Lập,ông Thọ vào tháng 2 năm 2015
và việc đình chỉ điều tra với cả hai ông vào tháng 10 năm 2015 có lẽ đều liên
quan đến sự kiện đối ngoại.
Việc thả liền một lúc hai người như vậy và không cách
nhau xa, điều đó cho thấy có thể hai người nằm trong chính sách nào đó. Theo
tôi, đó là chính sách đối ngoại với những người đã từng nằm trong khám, trong
tù; Cũng có vẻ như nhà nước và công an muốn “để dành” hai ông Lập và ông Thọ để
chờ có sự kiện đối ngoại nào thì mới đình chỉ điều tra đối với họ.
Tuy nhiên, “nguyên nhân tác động xuất phát tình
hình biến động từ trong chính VN chứ không hẳn chỉ riêng vấn đề đối ngoại”
lại là ý kiến của blogger Nguyễn lân Thắng:
Trước hết là tôi hết sức vui mừng và cũng xin chúc mừng
ông Lê Hồng Thọ cùng gia đình. Việc này tôi cho là ngoài việc vui mừng là
ông Lê Hồng Thọ được tự do thì chúng ta cũng phải suy nghĩ là tại sao ông Bọ
Lập được đình chỉ điều tra, ông Lê Hồng Thọ được tại ngoại. Rõ ràng là cái cách
hành xử của cơ quan công quyền hết sức là tùy hứng. Có nhiều người nhận định
rằng do sức éo của chuyến viếng thăm ngoại giao dự kiến của ông Obama đến Việt
Nam. Tôi nghĩ rằng việc này xuất phát từ tình hình biến động từ trong chính
Việt Nam, chứ không hẳn riêng vấn đề ở nước ngoài. Tuy nhiên, đây cũng là điều
đáng mừng.
Kiện lại công an?
Trong khi đó theo blogger Tạ Phong Tần, với việc đình
chỉ điều tra dành cho 2 blogger Hồng Lê Thọ và nhà văn Nguyễn Quang Lập, cho
thấy bộ công an đã không có cơ sở pháp lý và bằng chứng để khởi tố hai nhân vật
này và cả hai đều có đầy đủ chứng cớ để kiện cơ quan điều tra công an
thành phố. Bà chia sẻ thêm:
Theo quy trình tố tụng được qui định tại bộ luận tố
tụng hình sự Việt Nam thì trước khi khởi tố, bắt giam một người nào đó, cơ quan
điều tra phải thu thập bằng chứng rồi mới khởi tố và có lệnh bắt giam. Ở đây,
việc bắt giam hai ông Lê Hồng Thọ và Nguyễn Quang lập là việc trấn áp quyền tự
do ngôn luận và quyền tự do báo chí nên không có cơ sở pháp lý và cũng không có
bằng chứng . Vì vậy, sau một thời gian cố tình giam giữ để đàn áp thì phải đình
chỉ điều tra. Việc đình chỉ điều tra này cho thấy việc bắt giam đó là không có
bằng chứng và trái pháp luật. Do đó ông Lê Hồng Thọ và ông Nguyễn Quang Lập có
quyền khởi kiện cơ quan điều tra công an thành phố HCM ra tòa dân sự để đòi bồi
thường thiệt hại về vật chất lẫn tinh thần.
Blogger Điếu cày cũng đồng tình với việc quyền khởi tố
công an thành phố HCM, ông cũng cho rằng sự việc đình chỉ này là do sức ép của
dư luận và cũng cho thấy rõ hệ thống pháp luật VN được quyền bắt trước và điều
tra sau, ông chia sẻ:
Khi mà truyền thông ở trong nước đăng tin ông Hồng Lê
Thọ và ông Nguyễn Quang Lập bị bắt và thậm chí là họ còn đăng là bị bắt quả
tang nữa thì chúng ta đều biết nếu bị bắt phạm pháp quả tang phải có chứng cứ
đầy đủ.
Đến bây giờ mới đình chỉ điều tra thì chúng ta thấy
sức ép của dư luận rất là lớn. Vấn đề đình chỉ điều tra như thế này cũng cho
thấy rõ rằng cái hệ thống pháp luật của Việt Nam cho phép người ta bắt trước
điều tra sau. Khi đã bắt người trong trại giam, người ta tìm mọi cách để mà
khép tội họ bởi vì nếu họ không có tội thì ai sẽ bồi thường những thiệt hại mà
họ phải chịu.
Do vậy,trong trường hợp đình chỉ điều tra như thế này
thì tôi cũng đồng ý với Tạ Phong Tần là hai bloggers Hồng Lê Thọ và Nguyễn
Quang Lập có quyền khởi kiện ra tòa án yêu cầu bồi thường về danh dự, vật chất,
tinh thần và tất cả thời gian bị giam giữ như vậy.
Và không chỉ riêng ông Hồng Lê Thọ và ông Nguyễn Quang
Lập mà còn cả trường hợp của ông Nguyễn Ngọc Già và rất nhiều anh em đấu tranh
ở trong nước, những người chỉ biểu đạt chính kiến một cách ôn hòa trên internet
mà bị bắt giam, bị tù đày với những bản án hàng chục năm tù. Trong khi đó,
những chứng cứ mà nhà cầm quyền đưa ra, hầu như là đều vi phạm các luật pháp
quốc tế vì quyền biểu đạt chính kiến một cách ôn hòa là quyền mà người dân được
tất cả các công ước quốc tế qui định cũng như được hiến pháp Việt Nam thừa
nhận.
Vì vậy, việc khởi kiện để đòi lại những quyền lợi
chính đáng của người dân là cách tốt nhất để chúng ta không những là đòi lại
quyền lợi cho riêng mình mà còn để những người sau này nữa cũng tiếp bước chúng
ta để làm cái việc cho nhà cầm quyền Việt Nam chấm dứt cái cảnh bắt giữ, đàn áp
báo chí như vậy.”
Được biết blogger Hồng Lê Thọ bị bắt ngày 29 tháng 11
năm 2014, bị tạm giam đến ngày 11 tháng Hai 2015. Ông bị khởi tố tội tuyên
truyền chống phá nhà nước theo Điều 88 Bộ Luật Hình Sự.
Còn nhà văn, blogger nổi tiếng
Nguyễn Quang Lập bị bắt chiều 6 tháng 12 năm 2015 tại nhà riêng ở TP.HCM.