20 octobre 2015

MỘT TRUYỀN THỐNG ĐẸP CỦA SÀI GÒN

Tương Lai


Đã lâu lắm mới đọc được một câu nói làm ấm lòng người trên một tờ báo “chính thống, nói theo ngôn từ vỉa hè là báo “lề phải”. Đó là câu của ông Chín Đào, nguyên Uỷ viên trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận TƯ nhân ngày khai mạc Đại hội Đảng bộ TPHCM.
 


Đọc một lần. Đọc lại lần thứ hai vì không tin lắm ở đôi mắt vốn đã kèm nhèm. Nhưng đúng, câu ấy như sau: “Tạo điều kiện để mở rộng dân chủ, càng rộng càng tốt. Tôi theo dõi thấy thời gian vừa qua ở TPHCM có diễn ra một số cuộc tuần hành bảo vệ chủ quyền Biển Đông, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ. Rất tốt, rất mừng là một truyền thống đẹp của Sài Gòn đã được sống lại”. Đây là câu ông trả lời câu hỏi của nhà báo Phạm Vũ, “Tuổi Trẻ” ngày 14.10.2015: “Có rất nhiều ý kiến cho rằng thành phố cần phải tiếp tục đổi mới nữa…theo kinh nghiệm của ông, cái cần đổi mới trước nhất là gì”.

Câu hỏi sắc sảo của một nhà báo có nghề. Qua cách hỏi, người đọc cảm nhận được ý tứ nằm ngoài câu chữ nhằm gửi gấm một mong mỏi “sống trong nhân dân và trung thực chia sẻ với nhân dân niềm hy vọng và nỗi lo lắng của họ, tình yêu và lòng căm thù của họ, niềm vui và nỗi buồn của họ”. Đây là một khát vọng của Các Mác vốn đã mang chút màu sắc ảo tưởng đã đậm thêm lên khi đi vào lớp mù sương dày đặc phủ kín gương mặt báo chí buồn tẻ chỉ một giọng điệu như hiện nay, “nói vậy mà không phải vậy”. Cho dù thế, dõi theo một vài thông tin giàu sức cảnh báo với những phân tích, bình luận, những câu hỏi đặt ra mang đậm dấu ấn của trí tuệ và tính cách, có giá trị như những thông điệp giàu ý nghĩa gửi đến người đọc, thì tuy hiếm, nhưng vẫn âm ỷ nung nấu khát vọng có nhuốm chút màu sắc ảo tưởng nói trên. Để làm được điều ấy, nhà báo phải vượt qua rào cản của mạng lưới kiểm duyệt trá hình dày đặc có khả năng xoá sổ một thân phận người làm báo chân chính.

Cho dù có điều đó thì cũng phải có câu hỏi của nhà báo nọ mới có câu trả lời của vị lão thành kia. Ông Chín Đào nói “Tôi nay đã 86 tuổi, không mong gì hơn là được chứng kiến lý tưởng, mục đích của thế hệ mình thành hiện thực: đất nước độc lập, người dân sống tự do hạnh phúc”. Đơn giản và rất dễ hiểu. Thì chân lý vốn luôn đơn giản và dễ hiểu mà. Người sợ chân lý thì mới phải vòng vo nguỵ biện kiểu “biện chứng nửa mùa” để “mập mờ đánh lận con đen” nhằm tránh né những câu hỏi của cuộc sống!

Ấy vậy mà, lịch sử nhân loại đã được đánh dấu thông qua cách trả lời cho một câu hỏi! Đây là lời của Giáo hoàng Francis tại Thánh lễ tiến hành tại Quảng trường Cách mạng La Havana ở Cu Ba ngày 20.9.2015 vừa rồi. Câu hỏi gì vậy? Giáo hoàng nói: “Đó là câu hỏi của các em nhỏ: Ai quan trọng hơn đối với con? Phải chăng câu hỏi này chỉ là một trò chơi đơn giản dành cho các em nhỏ? Vậy mà lịch sử nhân loại đã được đánh dấu thông qua cách thức trả lời cho câu hỏi ấy”. Nhưng xin khoan hãy bàn những chuyện quá to tát ở tầm nhân loại cỡ ấy, hãy trở về với câu hỏi góc cạnh của nhà báo Phạm Vũ và câu trả lời đơn giản của ông Chín Đào.

Hỏi “Gắn bó với Sài Gòn từ những ngày còn chiến tranh, với TPHCM suốt thời bao cấp đến khi đổi mới, ông nhận thấy bài học nào của các cấp lãnh đạo trước còn giá trị cho những người lãnh đạo trẻ hôm nay”. Trả lời: “Bài học thứ nhất là lấy thực tiễn cuộc sống để soi sáng, dẫn đường cho lý luận, không sao chép máy móc, mạnh dạn từ chối những gì không phù hợp với quy luật phát triển. Tôi còn nhớ khi triển khai mô hình hợp tác xã ở Củ Chi, một bà má đã nói: “Xứ này mà làm hợp tác xã từ mười năm trước thì lấy gạo đâu nuôi quân giải phóng”. Chúng tôi chỉ chỉ có cách ủng hộ các má. Đổi mới của chúng ta nảy sinh từ trong những bức bách của cuộc sống, thúc đẩy những hành động “phá rào” như thế”.

Đấy là chuyện “phá rào” thời cả đất nước loay hoay trong mớ giáo điều Mác-Lênin, đắm đuối với mô hình Xô Viết đang trên đà sụp đổ không cách gì cứu vãn. Thế còn hôm nay? Chuyện “phá rào” của hôm nay là gì đây? Liệu có phải là làm sống lại truyền thống của Sài Gòn mà ông Chín Đào nhìn thấy qua “các cuộc tuần hành bảo vệ chủ quyền Biển Đông, toàn vẹn lãnh thổ” mà ông cho là “rất tốt” và “rất mừng”. Phá rào hôm nay từng in đậm bởi dấu ấn của những bàn chân nổi giận trước âm mưu và thủ đoạn trắng trợn và gian manh của thế lực cầm quyền Bắc Kinh được một bộ phận những người cầm quyền hèn nhát và nhu nhược buộc người khác, đặc biệt là tuổi trẻ và trí thức, cũng phải hèn nhát và nhu nhược như họ. Phải xuống đường như trước đây thế hệ Trần Văn Giàu, Phạm Ngọc Thạch, rồi tiếp đó thế hệ Trần Văn Ơn, Quách Thị Trang đã xuống đường trước mũi súng của kẻ thù.

Và câu hỏi đặt ra chính là, tại sao chuyện “rất tốt” và “rất mừng” đó lại đã bị đối xử một cách tàn tệ đến vậy? Mà có chuyện tệ hại đó là vì một số người lãnh đạo chủ chốt của thành phố bị động đối phó với tình hình theo lệnh từ bên trên cứ rối như gà mắc tóc. Họ lúng túng đưa ra những giải pháp vừa thiển cận vừa manh động. Khi thì dùng dùi cui, khi thì mượn tay lũ đâm thuê chém mướn, khi thì dùng kế “phản biểu tình chống xâm lược” bằng cách huy động cả một lực lượng đoàn viên trẻ tay cầm cờ tổ quốc và cờ đảng, miệng hát “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” ngay vào lúc cái giàn khoan ăn cướp 981 của quân xâm lược Trung Quốc đang là nỗi nhục của dân tộc đòi hỏi thế hệ trẻ phải phát huy khí phách của Trần Quốc Toản sục sôi diệt giặc cứu nước.

Vậy thì để làm cái việc dại dột đó, họ đã nói gì với thế hệ trẻ thành phố về hành vi ăn cướp kia, hay là tung ra những lời đường mật: “mọi chuyện đã có Đảng lo”, thế hệ trẻ cứ yên tâm làm những con rối diễn trò ngu ngốc theo thoả thuận với kẻ thù “không để xảy ra những hành vi làm tổn hại đến tình hữu nghị Việt-Trung”!

Hài hước hơn nữa là cùng với cờ búa liềm và cờ đỏ sao vàng vung lên theo bài hát “như có bác Hồ” kia, người ta còn đạo diễn cho một viên luật sư tráo trở, nghe đâu là giữ một chức trưởng hay “phó” gì đó, cướp diễn đàn, giữ chịt lấy micro không cho Huỳnh Tấn Mẫm phát biểu lên án Trung Quốc xâm lược trong cuộc mít tinh trước thềm Nhà hát Thành phố như đã thông báo trước với chính quyền. Chắc là khi nghĩ lại, người ta sẽ thấm thía được cái hệ luỵ của sự lú lẫn, mụ mẫm đã đưa đến những giải pháp thiển cận và dại dột như thế sẽ có sức công phá dữ dội một truyền thống được hun đúc bằng máu xương của các thế hệ Việt Nam bất khuất, quật cường, rồi gây dựng lại sẽ không dễ dàng chút nào.

Cho nên, sự phá rào hôm nay trước hết là phá cái rào cản về tư tưởng sợ dân và hèn với giặc được dẫn dắt bởi những bối rối, bế tắc trong tư duy, đưa đến những sai lầm về đường lối, chính sách và giải pháp mà thực tiễn đã chứng minh là càng dấn tới thì càng bị hút sâu vào ngõ cụt. Chính vì thế, từng trải về công tác vận động quần chúng, người đã là Trưởng ban Dân vận TƯ nói lên một lời khuyên sáng suốt, gắn sát với thực tiễn: “Lãnh đạo thành phố trước hết nên hoan nghênh hình thức biểu lộ tình cảm này của nhân dân, đừng quá lo ngại việc có những người trà trộn vào với mục đích xấu, vì nếu có cũng chỉ là số ít”. Chẳng nhẽ vì một “số ít” đó mà “đẩy quần chúng ra xa mình” như một số những người lãnh đạo thiếu viễn kiến chính trị đã làm. Thế nhưng người từng trải vể hoạt động dân vận như cụ Chín Đào thì nhìn ra ngay cái hệ luỵ rất khó lường để đưa ra lời cảnh báo về một sự thật đang hàng ngày hàng giờ đập vào mắt người dân thành phố.

Tuy vậy, muốn hiểu được cái sự thật ấy thì không thể chỉ nhìn vào những cái đang diễn ra, mà còn phải truy tìm nguyên nhân của chúng.

Vì rằng, tư tưởng sợ dân hơn sợ giặc đã đẩy quần chúng ra xa như lời cảnh báo vừa nêu, những người từng cưu mang giúp đỡ cách mạng nay biến thành đối tượng phải cảnh giác của bộ máy chuyên chính. Lùi xa hơn chút nữa, luận điểm “chính quyền ra đời từ họng súng” và “đấu tranh giai cấp là động lực của sự phát triển xã hội” chính là cội nguồn của sự “cảnh giác” nói trên. Khi đã thấm nhuần nguyên lý ấy rồi thì sẽ đinh ninh rằng “càng tiến gần đến thắng lợi của chủ nghĩa xã hội thì cuộc đấu tranh giai cấp sẽ càng quyết liệt” vì “kẻ thù giai cấp” sẽ quyết liệt chống phá. Cho nên, “bạo lực cách mạng” với “chuyên chính vô sản” là tất yếu, Đảng phải nắm lấy phương tiện và công cụ mầu nhiệm này để thực hiện bước “quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội”. Cái dùi cui đánh vào dân là biểu tượng đáng xấu hổ cứ “cố đấm ăn xôi” tuy biết rằng “xôi đã hẩm” về “bước quá độ” của cái “chủ nghĩa xã hội” đã sụp đổ cả hệ thống! Niềm an ủi cuối cùng về hai tiền đồn “anh thức tôi ngủ” thì tiền đồn phía tây lại đang rung chuông cử hành thánh lễ với lời tuyên bố chấn động của Chủ tịch Cu Ba Raul Castro “sớm hay muộn tôi sẽ bắt đầu cầu nguyện trở lại và tôi sẽ trở về với Giáo Hội Công Giáo. Tôi không đùa đâu tôi sẽ tham dự Thánh lễ của ngài với lòng mãn nguyện. Quảng trường Cách mạng La Havana ào lên trong luồng gió mới với thông điệp của Giáo hoàng Francis “hãy phục vụ con người chứ không phục vụ ý thức hệ. Bình luận về sự kiện này tờ báo Pháp Le Monde viết: “Mọi huyền thoại đều có hồi kết”!Nhưng những người kiên định lập trường của Việt Nam đang cố viết tiếp huyền thoại để chờ hồi kết diễn ra dễ chịu hơn chăng?

Từ sau Đại hội VI những ngôn từ vừa nhắc ở trên ít dần đi trên các phương tiện truyền thông, báo chí nhưng trong đầu óc của một số người lãnh đạo thì những “nguyên lý” manh tính “kinh điển” ấy vẫn còn ám ảnh nặng nề. Đến Đại hội X và nhất là Đại hội XI thì những “nguyên lý” ấy được phục hồi mạnh mẽ trong “Cương lĩnh 91”. Thậm chí, cách nay 9 năm, báo Sài Gòn Giải phóng còn đăng bài viết phản bác lại ý kiến tâm huyết của Võ Văn Kiệt “không tán thành áp đặt thể chế nhà nước chuyên chính vô sản khi mà nhân dân đã giành lại được quyền làm chủ đất nước mình bằng những hy sinh không sao kể xiết, không thể “vô sản” lại chuyên chính với chính mình, với nhân dân”. Đó là bài viết của Trần Trọng Tân ngày 22.8.2006 khẳng định dứt khoát rằng “các vấn đề lớn trong Văn kiện Đại hội X đều ẩn chứa nội dung và chức năng của chuyên chính vô sản…mặc dầu không nhắc đến cụm từ chuyên chính vô sản”. Đấy là tư tưởng đã được viết ra trên giấy trắng mực đen, đọc thấy ngay. Nhưng tư tưởng chìm sâu trong não trạng, chuyển thành tập quán, thành thói tật trong tư duy để rồi hiện hình lên trong chủ trương, đường lối, chính sách, giải pháp của nhà cầm quyền áp đặt vào đời sống xã hội, lũng đoạn đời sống tinh thần của người dân mới là cái cần phải sòng phẳng chỉ ra.

Phải thật tường minh về điều này thì mới có thể “tạo điều kiện mở rộng dân chủ” như tên của bài báo, và ông Chí Đào thì nhấn mạnh: “càng rộng càng tốt”. Diễn biến của việc “tăng cường chuyên chính vô sản” càng trở nên phức tạp và oái oăm hơn khi đối tượng chuyên chính lại là những người Việt Nam yêu nước, đặc biệt là tuổi trẻ, vốn sục sôi trong huyết quản dòng máu bất khuất quật cường của Trần Bình Trọng “thà làm ma nước Nam không thèm làm vương đất Bắc” dứt khoát không cam tâm hèn nhát, cúi đầu trước hoạ xâm lược của chủ nghĩa bành trướng Đại Hán được che bằng tấm lá nho 16 chữ vàng “cùng chung ý thức hệ XHCN”. Ngay khi cái lá nho kia đã bị rơi xuống với “cái giàn khoan ăn cướp 981 made in China Tập Cận Bình” thì những người được huấn luyện để trở thành công cụ chuyên chính nhục nhã kia cũng chỉ có một lập luận nói với đối tượng bị đàn áp rằng “không được manh động, mọi việc đã có Đảng và Nhà nước lo”. Cuối cùng, khi cuộc sống đã chứng minh rằng sẽ mất hết lòng dân nếu còn tiếp tục chủ trương sai lầm đó. Mà mất dân là mất tất cả, họ buộc phải thay đổi, đương nhiên, diễn biến mới của thời cuộc góp phần quyết định những thay đổi đó.

 Người ta đã cho xây tượng kể kỷ niệm những chiến sĩ ở Gạc Ma, đã sửa sang và dựng lại những tấm bia liệt sĩ hy sinh trong cuộc chiến ở biến giới mà báo chí một thời buộc phải câm như miệng hến.  Thay vì những chỉ thị và chỉ đạo thất nhân tâm giày xéo lên đạo lý, nghĩa tình dân tộc không nhắc đến cuộc chiến tranh biến giới như sự cam kết với kẻ xâm lược thì rồi báo chí cũng đã được nhắc lại cuộc chiến với những kỷ niệm xé lòng. Người ta sẽ nguỵ biện rằng, đấy là mềm dẻo và linh hoạt trong sách lược và cách ứng xử trước kẻ thù. Cứ cho là có chuyện đó đi, thì khi sử dụng bạo lực một cách tàn bạo vời người yêu nước, nhất là với tuổi trẻ để làm an lòng kẻ thù thì gọi đó là gì?

Chẳng hiểu những nhà tư tưởng tinh thông về phép biện chứng có hiểu ra được rằng, một khi làm triệt tiêu mất ý chí quật cường bất khuất và tinh thần yêu nước gắn với lòng tự tôn dân tộc đứng trước một nước láng giềng khổng lồ mà chủ nghĩa bành trướng luôn là liều thuốc vạn năng của mọi triều đại từ xa xưa Hạ, Thương, Chu qua thời Xuân Thu Chiến Quốc đến Tần, Hán chuyển sang Tam Quôc, Thập lục quốc, Nam Bắc triều, rồi Ngũ Đại Thập quốc, dẫn tới Tống , Nguyên, Minh, Thanh cho đến Mao Đặng, Giang, Hồ, Tập với “Chủ nghĩa Xã hội đặc sắc Trung Quốc” hôm nay, thì rồi cơ nghiệp ông cha sẽ ra sao đây.

Liệu cái ôm hôn của Nguyễn Phú Trọng với Tập Cận Bình sắp tới đây có thể thay thế cho lời căn dặn của Trần Hưng Đạo về kế sâu rễ bền gốc được chăng?

Đức Thánh Trần dạy những gì? Người dạy : “trên dưới một dạ, lòng dân không lìa…vua tôi đồng tâm, anh em hòa mục, cả nước góp sức …tùy thời tạo thế, có được đội quân một lòng như cha con thì mới dùng được… khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước vậy”. Dùng dùi cui đập vào đầu dân, dùng giày đạp vào mặt người thanh niên yêu nước hô khẩu hiệu chống Trung Quốc xâm lược, lấy cờ búa liềm và cờ đỏ sao vàng làm lá chắn không cho các cụ già thắp hương tưởng niệm các chiến sĩ chết dưới họng súng lính Tầu xâm lược ở Gạc Ma, dùng một con rôbốt mạt hạng khoác áo luật sư cướp micro không cho phát biểu lên án tội ác của bọn Trung Quốc xâm lược là thực hành kế “sâu rễ bền gốc” kiểu mới đó sao?

Trong sâu thẳm của tâm thức Việt, cái tội theo Tầu đồng nghĩa với phản quốc là tội khó bề dung thứ. Chuyện con voi bị chém cụt đầu trên vùng đất Vua Hùng dựng nước được người Việt ghi xương khắc cốt. Xưa đã như vậy, nay cũng như vậy, nhất là khi cái ung nhọt “Thành Đô” đang vỡ dần ra. Chẳng thế mà hiện nay, nói đến hàng Tầu là người ta nghĩ ngay đến hàng giả, hàng độc hại, huống hồ kẻ theoTầu thì thân phận còn tởm lợm, tệ hại đến đâu. Cho nên, dường như đã trở thành chuyện thời thượng: căm ai, ghét ai, muốn búa rìu của dư luận chĩa vào đó, thì cứ gán cho cái tội “thân Tầu”, “theo Tàu”! Đặc biệt là khi người ta thấy đã hé lộ ra động thái “xoay trục” một cách kín đáo ở trên chín tầng mây kia! Dư luận vỉa hè bàn tán nghe ra khói cũng cũng có lửa đấy.

Chẳng thế sao? Khi đã được tạo ra cho cơ hội để mà rửa cái tội hèn nhát quỵ luỵ giặc ngoại xâm khiến cho “trăm năm về sau tiếng xấu hãy còn mãi mãi” như Trần Hưng Đạo đã từng cảnh báo, ngoại trừ não trạng đã ruỗng nát vì khối u mê muội đã di căn sâu quá rồi, thì e cũng phải xoay thôi. Là để cốt “sao cho khỏi tai vạ về sau” như lời viết trong “Hịch tướng sĩ” từ thế kỷ XIII! Không xoay không được. Đó mới đích thực là biện chứng của cuộc sống đang vận động để mở đường đi cho chính nó. Cho nên, “rất tốt, rất mừng là một truyền thống đẹp của Sài Gòn đã được sống lại” chính là sự “sống lại” của truyền thống người Sài Gòn từng “đi trước về sau” trong cuộc chiến đấu chống ngoại xâm trong thế kỷ XX với ngày 23.9.1945 để 70 năm sau có ngày 30.4.1975 để biết trân trọng và phát huy.

Thực ra thì ngọn lửa truyền thống ấy vẫn được ủ kín trong tro tàn nguội lạnh của một thể chế toàn trị phản dân chủ, song một khi được khơi dậy thì nó sẽ bật cháy và bùng lên mạnh mẽ trước ngọn gió thổi vào. Đó là ngọn gió dân chủ, là “tạo điều kiện để mở rộng dân chủ, càng rộng càng tốt” mà cụ Chín Đào mong mỏi.

Ai khơi dây, ai tạo điều kiện? Cuộc sống! Cuộc sống sẽ mở đường đi cho chính nó.

Bằng cái gì? Bằng sức năng động tự thân của khối quần chúng nhân dân đã tỉnh thức.

Và, nếu có ai đó biết cách làm ngọn gió thổi bùng lên sức mạnh triều dâng thác đổ ấy thì con đường có thể rút ngắn lại.

Chẳng phải lịch sử dân tộc ta từng chứng kiến vô vàn những chuyện như thế sao? Đương nhiên, lịch sử không lặp lại theo kiểu sao y nguyên bản. Nhưng lịch sử lại thường có những bước đi bất ngờ khá ngoạn mục. Biết đâu đấy.

                                                                                                 Ngày 17.10.2015