LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC KỸ THUẬT VIỆT NAM
VIỆN NHỮNG VẤN ĐỀ PHÁT TRIỂN – VIDS"Ngay trong nhiệm kỳ khóa XII này cần xây dựng cương lĩnh mới để xây dựng Đảng trở thành đảng của dân tộc và dân chủ, đồng thời xây dựng Hiến pháp mới để thiết lập một nhà nước mọi quyền lực đều thuộc về nhân dân, lấy việc thực thi đầy đủ các quyền công dân, thực hiện sự công khai minh bạch làm động lực tiến hành cuộc cải cách chính trị vĩ đại này trong hòa bình, khép lại quá khứ, không hồi tố, cải cách gắn liền với phát triển, tất cả với tinh thần đoàn kết và hòa giải dân tộc. "
Kiến
nghị của Viện Những Vấn đề Phát triển về
Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam
Kính gửi: Bộ Chính
trị và Ban chấp hành Trung ương Khóa XI
Đảng Cộng sản Việt Nam
Viện Những Vấn đề Phát triển (VIDS)
thành viên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), xuất
phát từ trách nhiệm và theo chức năng của mình, xin nêu lên với Bộ Chính trị và
Ban Chấp hành Trung ương những ý kiến dưới đây về Đại hội XII sắp tới của Đảng
Cộng sản Việt Nam.
Cân nhắc mọi mặt tình hình đất nước,
chúng tôi cho rằng:
Đại hội XII họp vào lúc đất nước đã kết thúc giai đoạn phát triển
theo chiều rộng, kết quả là : không thể hoàn thành công nghiệp hóa vào năm
2020, càng duy ý chí hô hào phát triển càng tụt hậu xa hơn so với các nước chung
quanh và bất bình đẳng ngày càng lớn, thể chế chính trị tỏ ra bất cập, ngày
càng kìm hãm sự phát triển của đất nước, không tạo dựng được khối Đại
đoàn kêt dân tộc, có nguy cơ chia rẽ dân tộc, tình trạng quan liêu tham nhũng
ngày càng nặng nề, quyền tự do, dân chủ của nhân dân bị vi phạm nghiêm trọng,
tình hình văn hóa – xã hội của đất nước bị tha hóa và xuống cấp nguy hiểm; nhân
dân ngày càng mất lòng tin vào Đảng và bức xúc đối với chế độ. Đất nước đang
đối mặt với thách thức nghiêm trọng: sự lệ thuộc bên ngoài về kinh tế đang ngày
càng gia tăng, độc lập chủ quyền, an ninh và sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia đang
ngày càng bị uy hiếp.
Toàn bộ quá trình phát triển và hội
nhập của đất nước kể từ khi tiến hành đổi mới 1986 tuy đã đạt được thành tựu đáng
ghi nhận, song cũng cho thấy cái giá phải trả rất đắt, đất nước đạt được sự
phát triển dưới mức các tiềm năng và khả năng huy động được cùng các cơ hội cho
phép, những yếu kém của hệ thống chính trị và bộ máy nhà nước ngày càng trực
tiếp kìm hãm sự phát triển của đất nước. Nguyên nhân cơ bản của thực trạng này
là sai lầm của Đảng về đường lối, lựa chọn mô hình phát triển, Đại hội VI đã
nhận ra sai lầm và quyết định Đổi mới có ý nghĩa lịch sử, nhưng 30 năm qua đổi
mới chưa đồng bộ giữa kinh tế và chính trị, thể chế vẫn giữ nguyên từ sau khi
thống nhất đất nước, thể hiện trong Cương lĩnh hiện nay.
Để không rơi vào trì trệ, bế tắc, đất
nước đòi hỏi phải cấp bách chuyển sang giai đoạn phát triển theo chiều sâu với
nội dung cốt lõi là phát huy cao độ sức mạnh đoàn kết và nhân tố con người -
nguồn nhân lực trí tuệ của toàn dân tộc, của đất nước. Việc chuyển giai đoạn
như vậy diễn ra trong cục diện chính trị và kinh tế toàn cầu đang thay đổi rất
quyết liệt, chuyển mạnh sang đa cực. Trung Quốc đã trở thành vấn đề của cả thế
giới, Việt Nam là quốc gia đang bị uy hiếp trực tiếp, toàn diện và nghiêm
trọng nhất.
Điều hiển nhiên là Việt Nam không thể
lựa chọn con đường đối đầu với Trung Quốc, lại càng không thể để mình trở thành
chư hầu của Trung Quốc. Lựa chọn duy nhất đúng đắn của Việt Nam là: Phải
sớm trở thành một nước phát triển giầu mạnh, có quan hệ hữu nghị và hợp tác với
cả thế giới tiến bộ. Chỉ có như vậy, Việt Nam mới có thể có quan hệ hợp tác hữu
nghị bình đẳng với Trung Quốc, trong tư thế một quốc gia độc lập, phát triển,
có chủ quyền.
Muốn làm được điều này, Việt Nam cần
có một thể chế chính trị và bộ máy công quyền phát huy được nội lực dân tộc,
tranh thủ được sự hợp tác và hậu thuẫn của cả thế giới tiến bộ, những điều mà
thể chế chính trị và bộ máy nhà nước hiện hành đã chưa đáp ứng được. Do đó cải
cách thể chế chính trị phù hợp với con đường phát triển sáng tạo, mới đáp ứng
đòi hỏi tất yếu và cấp bách của đất nước.
Cả thế giới tiến bộ đều mong muốn có
một Việt Nam độc lập, phát triển, vững mạnh, coi đấy là một nhân tố quan
trọng của hòa bình hợp tác và an ninh trong khu vực và toàn cầu. Vì lý do ấy,
hầu hết các nước phát triển và nhiều nước khác đã cam kết trở thành đối tác
chiến lược, đối tác toàn diện của Việt Nam, mang lại cơ hội chưa từng có để phát
huy sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc.
Chúng tôi nhận thấy dự thảo Báo cáo
chính trị chưa đánh giá đúng thực trạng đất nước và xu thế vận động của thế
giới, chưa chỉ rõ nguyên nhân cơ bản dẫn đến sự tụt hậu ngày càng xa, thậm chí
bỏ lỡ nhiều cơ hội thay đổi vận mệnh của Dân tộc.
Toàn bộ công việc chuẩn bị Đại hội
XII cho đến nay trên thực tế đã tập trung quá nhiều công sức vào vấn đề nhân sự
theo Quyết định 244. Thực chất Quyết định 244 chỉ nhằm thực hiện việc sắp xếp
cán bộ cho nhiệm kỳ khóa XII theo ý muốn của cấp ủy đương nhiệm, không tính tới
việc đáp ứng những yêu cầu thay đổi của đất nước hiện nay. Đây là cách làm
thiếu dân chủ, trái với Điều lệ của Đảng, vi
phạm nghiêm trọng quyền và trách nhiệm của Đại hội toàn quốc với tính
cách là cơ quan quyền lực cao nhất của Đảng giữa hai nhiệm kỳ, nguy cơ gây chia
rẽ và làm suy yếu Đảng và sẽ để lại nhiều hậu quả lâu dài.
Với tất cả tinh thần trách nhiệm
trước đất nước và trước Đảng, nhân dịp BCH TW kêu gọi toàn dân tham gia các văn
kiện trình Đại hội XII, Viện chúng tôi nhất trí kiến nghị:
1)
Đại hội XII cần đươc tiến hành trên cơ sở nhận thức sâu sắc bước ngoặt lịch sử
của đất nước đặt ra đòi hỏi khách quan phải phấn đấu đưa nước ta trở thành một
nước phát triển với những tiêu chí của văn minh nhân loại ngày nay. Dự thảo Báo
cáo chính trị cần được soạn thảo theo tinh thần và nội dung mới này.
2)
Đại hội XII cần quyết định trong nhiệm kỳ này sẽ thực hiện những bước đi mở đầu
và đặt nền móng cho toàn bộ nhiệm vụ cải cách chính trị sâu rộng, để sớm đưa
nước ta trở thành một nước phát triển (có thể vào khoảng năm 2030). Ngay trong
nhiệm kỳ khóa XII này cần xây dựng cương lĩnh mới để xây dựng Đảng trở thành
đảng của dân tộc và dân chủ, đồng thời xây dựng Hiến pháp mới để thiết lập một
nhà nước mọi quyền lực đều thuộc về nhân dân, lấy việc thực thi đầy đủ các
quyền công dân, thực hiện sự công khai minh bạch làm động lực tiến hành cuộc
cải cách chính trị vĩ đại này trong hòa bình, khép lại quá khứ, không hồi
tố, cải cách gắn liền với phát triển, tất cả với tinh thần đoàn kết và hòa giải
dân tộc.
3)
Bãi bỏ việc thực hiện QĐ 244, để trở lại thực hiện nghiêm túc việc đề cử và bầu
cử theo đúng Điều lệ Đảng, tuân thủ tuyệt đối quyền và trách nhiệm của Đại hội
XII.
Ngay
từ bây giờ, trong quá trình chuẩn bị và trong khi tiến hành Đại hội XII, xin đề
nghị Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương khóa XI tiến hành thảo luận dân
chủ, nhìn thẳng vào sự thật, với tất cả tinh thần trách nhiệm đối với vận mệnh
đất nước, cân nhắc thiệt hơn mọi mặt, không câu nệ vào bất kỳ tiền lệ hay quy
định nào lâu nay thành văn hay không thành văn, tạo mọi điều kiện cho Đại hội
XII bầu chọn được ban lãnh đạo mới có bản lĩnh quyết đoán một lòng vì nước, vì
dân, quyết tiến hành cải cách chính trị sâu rộng nhằm đưa đất nước vươt qua mọi
thách thức, giải phóng mọi tiềm năng, nắm bắt lấy cơ hội mới để giành thắng lợi
mới cho đất nước trên con đường phấn đấu trở thành nước phát triển.
Hà
Nội, ngày 06 – 10 – 2015
Viện
Những Vấn đề Phát triển
& Diễn
đàn Lý luận Phát triển.