30 octobre 2015

Có lãnh đạo ‘xa lánh trung thần, trọng dụng nịnh thần, gần gũi gian thần’

Phạm Thịnh

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM). Ảnh: VTC
Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM). Ảnh: VTC
(VTC News) – Đại biểu Quốc hội vô cùng xót xa trước thực tế có hiện tượng lãnh đạo xa lánh, nghiêm trị “trung thần”, lắng nghe, trọng dụng “nịnh thần”, gần gũi “gian thần”.


Trong buổi thảo luận các báo cáo về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng, đại biểu quốc hội Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) đã nêu ra thực tế khiến nhiều người dân bức xúc.
Luật sư Trương Trọng Nghĩa cho biết những ý kiến của ông được tập hợp từ phản ánh, kiến nghị của cử tri, từ những người công nhân, nông dân, lao động nghèo đến các doanh nhân, nhà đầu tư nước ngoài, các luật sư, báo chí và các cán bộ lão thành.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng nếu hệ thống chính trị thực sự vì dân, quyết tâm dựa vào nhân dân, nghiêm khắc với mình, làm theo lời di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thì hoàn toàn có thể cải thiện, sửa đổi, khắc phục được.
“Rất nhiều việc, nhiều thiệt hại là do khuyết điểm, sai phạm, suy thoái đạo đức chủ quan của cán bộ, công chức, bộ máy của chúng ta, chẳng phải do âm mưu bên ngoài hay thế lực thù địch nào. Cây có lõi tốt thì không sợ mối mọt. Lịch sử nước ta đã chỉ rõ: vua có đường lối đúng, quan không tham, tướng không hèn, lòng dân yên thì đất nước hưng thịnh, và không sợ bất kỳ thế lực ngoại xâm nào”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nêu quan điểm.
Ông Nghĩa cho rằng không nên coi thường tham nhũng vặt vì nó tác động không nhỏ vào niềm tin nhân dân, đạo đức xã hội.
“Muốn biết về cảnh sát giao thông, hãy nghe tài xế taxi, lái xe đường dài kể thì biết; cán bộ chính quyền cấp cơ sở, thậm chí tổ dân phố, xin gì cũng phải chung chi, chung chi rồi thì vi phạm thoải mái, ví dụ nạn chiếm lòng lề đường diễn ra hàng ngày, trước mắt mọi người”, ông Nghĩa lấy ra ví dụ.
Trước những thực tế nêu trên, ông Nghĩa cho rằng phải nâng cao trách nhiệm người đứng đầu.
“Đảng đã xác định đúng, nhưng cần triệt để trong việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu. Chỉ cần người đứng đầu, cấp trên, người nắm quyền lực ở mỗi vị trí, mỗi cấp gương mẫu, kiên quyết, nghiêm khắc, làm đúng gương Hồ Chí Minh thì mọi việc sẽ tốt hơn lên rất nhiều”, luật sư Trương Trọng Nghĩa nhận định.
“Người lãnh đạo phải trọng dụng, gần gũi, lắng nghe trung thần, xa lánh, cảnh giác trước nịnh thần, nghiêm trị gian thần.Trên thực tế thì có hiện tượng ngược lại: xa lánh, nghiêm trị trung thần, lắng nghe, trọng dụng nịnh thần, gần gũi gian thần”, ông Nghĩa nói.
Mỗi hành vi tiêu cực của người lãnh đạo bao giờ cũng bị phát hiện, và cho dù không bị xử lý, vẫn có tác động xấu lan truyền, người tốt thì họ chê bai, lên án, mất niềm tin vào lãnh đạo, người xấu thì họ lợi dụng “té nước theo mưa”. 
Đại biểu Nghĩa kiến nghị đại hội 12 tới đây, cử tri đề nghị Đảng phải kiên quyết loại trừ những người lãnh đạo thiếu gương mẫu, suy thoái về đạo đức vì nhân sự là khâu quyết định của mọi vấn đề.
Bên cạnh đó, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cũng đề cập nhiều đến những oan sai trong lĩnh vực tư pháp.
Sau khi có bộ luật tố tụng hình sự sửa đổi, ông Nghĩa đề nghị cải cách toàn diện hệ thống tư pháp, cả khâu đào tạo, tổ chức bộ máy; cả điều tra, truy tố, xét xử và luật sư.
“Khi đã phát hiện dấu hiệu oan sai, đề nghị áp dụng nguyên tắc sau đây: việc điều tra, truy tố, xét xử lại nên giao cho người khác, cơ quan khác không chịu ảnh hưởng, tác động của người cũ, cơ quan cũ, hoặc giao cho cấp cao hơn; phải theo quy trình đặc biệt, phải nhanh có kết luận (như vụ Huỳnh văn Nén, dấu hiệu oan sai đã rõ, lại oan sai 2 vụ, đã bị giam cứu hơn 17 năm, mẹ đã qua đời, cha 89 tuổi, không thể bắt người ta chờ lâu hơn)”, đại biểu Nghĩa nói.
Việc bồi thường cũng phải xử lý trên nguyên tắc không vì quy trình của nhà nước mà buộc người dân bị oan sai phải chờ đợi.
Việc quản lý các trại tạm giam, tạm giữ đã không còn phù hợp, phải sửa đổi toàn diện cả về phương thức và cơ sở hạ tầng, công nghệ và nhân sự, nếu không thì không thể khắc phục nạn phạm nhân bị bức cung, nhục hình và chết  trong trại giam.
“Quốc hội cũng cần xem lại cách đánh giá thành tích điều tra, truy tố, xét xử dựa trên tỷ lệ giảm hàng năm. Chỉ thuần túy dựa vào số lượng thì không thể đánh giá chính xác và sẽ gây áp lực lên các cơ quan tiến hành tố tụng một cách nghịch lý, khuyết điểm của người này là thành tích của người kia”, ông Nghĩa thẳng thắn bày tỏ