Nguyễn Thái Nguyên
Theo các thông tin từ phía Mỹ thì hôm 24/9, nhân chuyến
công du của ông Tập Cận Bình sang Mỹ, ông Obama đã tổ chức một bữa ăn tối “rất
riêng tư”, chỉ có 2 vị nguyên thủ cùng một số lượng rất ít các cận thần của 2
ông được chỉ định trước cùng dự bữa ăn tối này. Nước Mỹ chắc không thiếu tiền đến
nỗi phải hạn chế số lượng người ăn tiệc đến vậy mà chủ ý của ông Obama là để tiếp
tục thuyết phục thêm một lần nữa đối với ông Tập Cận Bình, người nắm quyền quyết
định mọi vấn đề lớn của Trung Quốc về việc Trung Quốc chiếm và xây các đảo nhân
tạo, xây căn cứ quân sự trên 2 đảo nhân tạo là Subi và Vành Khăn (Trung Quốc gọi
là đảo Chữ Bích và Mỹ Tế) thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Những việc làm đó là vi phạm luật pháp quốc tế và gây phương hại đến tự do hàng
hải quốc tế. Trước đó, sau đàm
phán chính thức,ông Tập Cận Bình đã long trọng nói trước các hãng truyền thông
quốc tế rằng “Trung Quốc không quân sự hóa các đảo này” (Trường Sa). Nhưng ông
Tập quên, những câu này không phải nói với Việt Nam mà nói ở Mỹ. Người Mỹ đã lịch
sự cho ông Tập xem riêng rất nhiều các thông tin, video về các doanh trại, các trạm Ra đa, các
khẩu pháo tự hành đời mới và các trang thiết bị quân sự khác. Đặc biệt có cả đường
băng rộng 60 m, dài 2,2 km và đang tiếp tục kéo dài cho đủ 3,0 km như kế hoạch
để các máy bay quân sự hiện đại hạng nặng có thể lên xuống dễ dàng. Dù kiên nhẫn cung cấp thông tin
và thuyết phục để Tập Cận Bình hiểu, hầu mong giải quyết những vấn đề lớn và
khó khăn bằng con đường ngoại giao như Obama và Ngoại trưởng của
ông đã từng làm với Iran, với Cuba,
nhưng chính ông Obama mới là người không hiểu Tập Cận Bình. Trước sau Tập vẫn
khăng khăng khẳng định đó là các đảo thuộc chủ quyền của Trung Quốc, vùng biển ấy
là
hải phận của Trung Quốc.
Vì không thể kiên nhẫn hơn được nữa nên Obama đã phải làm một việc bất đắc dĩ đối với một Tổng
thống mà một số không ít người Mỹ đánh giá là “mềm yếu nhất” trong các đời Tổng thống
Hoa Kỳ: Lệnh cho Harry Harris, Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái
Bình Dương của Hải quân Mỹ triển khai chiến hạm đến tuần tra trong phạm vi 12 hải
lý quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã bồi đắp trái phép ở biển Đông. (Thật
ra thì giới quân sự Mỹ đã công khai lên kế hoạch này từ tháng 6/2015, nhưng ông
Obama muốn trì hoãn để thuyết phục thêm Tập Cận Bình trong chuyến thăm Mỹ vừa
qua). Tuy nhiên cuộc thương thuyết cả công khai và không công khai đã thất bại,
Mỹ phải hành động để khẳng định dứt khoát rằng cái gọi là 2 hòn đảo này không hề
là chủ quyền gì của Trung Quốc cả. Trung Quốc thì đương nhiên là rất giận dữ và
cũng chỉ dừng ở mức cao nhất là triệu Đại sứ Mỹ ở Trung Quốc đến Bộ Ngoại giao để
“kịch liệt phản đối” chứ không dám manh động gì. Chính Mỹ đã phải dùng biện
pháp mạnh, mang ít nhiều rủi ro cho họ để khẳng định với toàn thế giới rằng những nơi ấy là vùng biển quốc tế, không thuộc
chủ quyền của riêng ai, bất cứ ai hay phương tiện đường thủy đường hàng không
nào cũng có quyền đi lại mà không cần xin phép hay thông báo với bất cứ ai. Đó
chính là “Quyền đi qua vô hại” (Innocent Passage) theo đúng quy định của Luật
biển năm 1982, nghĩa là chỉ đi qua thôi, không dừng lại vô cớ hay đánh bắt thủy
hải sản, xả rác thải gì ở đây cả. Theo
kế hoạch đã được thỏa thuận từ trước lúc diễn ra vụ tuần du của tàu USS Lassen,
ngày 2/11 tới, ông Harry Harris sẽ đến Bắc Kinh, không biết họ còn giữ kế hoạch
này không và nếu ông Tư lệnh Harry Harris còn giữ chương trình này thì họ sẽ tiếp
nhau thế nào và nói gì với nhau nữa?
Ông
John McCain, một TNS từ xưa tới nay rất có thiện cảm với Việt Nam khẳng định rằng:
“Hoạt động đó của Hải quân Mỹ lẽ ra phải được thực hiện từ lâu” và “Vì Trung Quốc
không ngừng thách thức tự do hàng hải trên khắp khu vực châu Á Thái Bình Dương
nên Hoa Kỳ phải phái máy bay bay qua, phái tàu chiến đi qua và hoạt động tại bất
cứ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép; Đó là việc quan trọng hơn lúc nào hết
và Biển Đông không là ngoại lệ”.
Châu
Á là khu vực bày tỏ thái độ ủng hộ hành động của Mỹ rõ ràng, kiên quyết nhất.
Tiêu biểu hơn hết là Tổng thống Philippines Benigno Aquino. Nhắc lại chuyện
chưa cũ, cách đây 4 tháng, ngày 2/6/2015, trong chuyến thăm Nhật Bản, ông
Aquino đã ví hành động của Tập Cận Bình ở biển Đông giống như hành động của
Hitler. Ông nói: “Tôi chỉ là một người học sử khá Amateur, dù vậy tôi vẫn nhớ Đức
quốc xã đã thử phản ứng của hàng loạt các cường quốc châu Âu khi tiến hành xâm
lược các nước khác trước lúc thế chiến II nổ ra... Thực không may, cho đến khi
Đức quốc xã chiếm Sudetenland và Czechoslovakia cũng không nước nào lên tiếng
yêu cầu chúng dừng lại”. Tập Cận Bình rất cay cú và tức giận với lời ví von
công khai độc địa này của Tổng thống Aquino. Trên thực tế, nếu chúng ta giở lại
lịch sử châu Âu những năm 1933-1939 thì đúng như ông Aquino nói. Ông ấy nói
chính xác chứ không học sử a-ma-tơ tý nào đâu. Dù là một trong những nước đang
tranh chấp chủ quyền trên vùng đảo này, nhưng trước việc Mỹ phải tàu USS Lassen
đi vào vùng 12 hải lý của các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng trái phép ở
Trường Sa, ông Aquino khẳng định: “Bất kỳ sự di chuyển nào thông qua vùng biển
này đều không bị cản trở bởi bất cứ thực thể nào”. Nhật Bản cũng chính thức
thông báo: “Chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ các thông tin tình báo của mình với
Hoa Kỳ”. Còn Úc là nước đã lên kế hoạch đưa 2 tàu chiến đến cảng Trạm Giang, nơi
đồn trú của Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc để tham gia tập trận chung với Hải
quân Trung Quốc trên biển Đông vào những ngày đầu tháng 11 này, nay có thông
tin là phía Úc đã hoãn chuyện phối hợp tập trận này. Bộ trưởng Quốc phòng Úc khẳng
định: “Tất cả các nước đều có quyền tự do hàng hải và tự do bay ngang qua các
vùng biển quốc tế, kể cả biển Đông. Úc sẽ mạnh mẽ hậu thuẫn cho các quyền đó”.
Nhớ rằng không chỉ 60% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của Úc qua biển Đông mà
Trung Quốc đang là bạn hàng lớn nhất của Úc nhưng không vì thế mà Úc phát biểu
dè dặt gì.
Trung
Quốc đương nhiên là nước hùng hổ nhất và cũng lắm lời nhất, trước hết là làm
mình làm mẩy với Mỹ. Ngoài việc triệu Đại sứ Mỹ đến Bộ Ngoại giao để phản đối
thì Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng đã công khai ra tuyên bố rằng tàu USS Lassen
“đã xâm nhập trái phép vào hải phận của Trung Quốc”. Đây là kiểu tuyên bố liều
theo luật rừng của những kẻ cướp biển chuyên nghiệp chứ theo các quy định của
Luật biển năm 1982 mà Trung Quốc đã ký công nhận thì dù những hòn đảo này có
thuộc chủ quyền của Trung Quốc thật đi chăng nữa cũng không hề có khái niệm “Hải
phận” của Trung Quốc ở những hòn đảo mà Trung Quốc mới đào đất đá đắp nên. Huống
là những bãi ngầm và rặng san hô này Trung Quốc mới đi ăn cướp của nước khác!
Điều này làm ta nhớ lại những gì đã diễn ra từ thời Đế chế La Mã hơn 2000 năm
trước. Thủa ấy Đế quốc La Mã không chỉ thiết lập một đường biên giới dài đến
56.000 dặm (gấp khoảng 4 lần biên giới TQ hiện nay) mà còn ôm trọn toàn bộ biển
Địa Trung Hải chạy từ Tây Ban Nha qua Pháp, Ý, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ đến Trung Đông
và Bắc Phi. Họ tuyên bố Địa Trung Hải là “biển lịch sử của chúng tôi”!
Hai
ngàn năm sau, vào năm 1947, khi Trung Hoa dân quốc đã được xếp vào hàng “cường
quốc quân sự” lúc bấy giờ, nhưng chưa phải là một “cường quốc biển” nên với
tham vọng bành trướng để trở thành một cường quốc, Tưởng Giới Thạch đã vẽ ra
“đường lưỡi bò” kéo dài trên biển Hoa Nam (Biển Đông) với diện tích bằng một nửa
diện tích lục địa Trung Hoa và còn khẳng định đó là vấn đề “bất khả tranh nghị”.
Đến năm 1955, Mao Trạch Đông chủ trương phục hồi lại đường lưỡi bò này và nay đến
lượt Tập Cận Bình đã và đang bất chấp luật pháp quốc tế, thực hiện tham vọng
“biển lịch sử của chúng tôi” của một Đế chế đã lụi tàn. Việc Mỹ đưa hạm tàu USS
Lassen tuần du ngang qua đảo Subi và Vành Khăn là một nhát dao đâm vào đại huyệt
của cái đường lưỡi bò ấy. Tuy chỉ là đường lưỡi bò mới tưởng tượng ra bằng cuồng
vọng bành trướng nhưng chắc chắn là rất đau đớn nhưng Trung Quốc không biết phản
ứng thế nào trong thế cô lập hiện nay của một nước lớn rất hung hăng và vô
trách nhiệm trước cộng đồng thế giới.
Việt
Nam là 1 trong 2 nước bị Trung Quốc chiếm các hòn đảo mà mỗi nước đều tuyên bố
chủ quyền, nhưng ngoài sự phản ứng hết sức mạnh mẽ và rầm rộ theo hướng hoan
nghênh hành động của Mỹ của cộng động các cư dân mạng thì các cơ quan đảng và
nhà nước, các cơ quan truyền thông chính thống của quốc gia đều đã im lặng cho
đến chiều ngày 29/10 thì người phát ngôn Bộ Ngoại giao mới có lời tuyên bố...
như không nói gì. Theo tôi hiểu thì về lĩnh vực đối ngoại, “người phát ngôn” là
cấp thấp nhất, hiệu lực yếu nhất, lại với những tuyên bố vô hại, đọc đi đọc lại
như kinh nhật tụng là việc làm không thu phục được lòng người trong bối cảnh chủ
quyền biển đảo của chính tổ quốc ta đã và đang bị Trung Quốc xâm hại một cách
nghiêm trọng. Hầu khắp các nước trên thế giới đã ủng hộ mạnh mẽ Việt Nam trong
cuộc đấu tranh chính nghĩa để bảo vệ chủ quyền quốc gia của mình. Tôi đọc trên
mạng thấy một vị quan chức làm công tác nghiên cứu nói: “Im lặng tức là đồng ý”
thì chẳng qua nói cho vui, nếu đúng có lẽ chỉ đúng cho các bạn nam nữ thanh
niên đang yêu chứ không thể dùng trong một sự kiện chính trị rất hệ trọng này.
Cổ nhân cũng đã từng dạy “im lặng là vàng” nhưng trong trường hợp nước sôi lửa
bỏng đối với chủ quyền biển đảo của đất nước hiện nay thì sự im lặng chắc chắn
không được bất kỳ ai quý trọng để xếp nó có giá trị như vàng được.
Trước
những mưu đồ đen tối của Trung Quốc quyết chiếm phần lớn biển Đông làm thành
“biển của chúng tôi”, Mỹ đã bất đắc dĩ phải dùng đến liệu pháp mạnh (Shock
treatment) mà không ai dám nói trước không có rủi ro cho phía Mỹ và các bên
liên quan. Đây là liệu pháp khả dĩ có thể ngăn chặn ý đồ quân sự hóa các đảo ở
Trường Sa nhằm kiểm soát biển Đông trong tương lai. Và không ai dám chắc rằng với
thói ngang ngược và hiếu chiến của Tập Cận Bình, Trung Quốc chỉ chiếm có mấy
hòn đảo ấy mà không đánh chiếm toàn bộ quần đảo Trường Sa như đã đánh cướp
Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974. Không ai hy vọng có một sự phục thiện dù nhỏ nhất
đối với Tập Cận Bình, nhưng chí ít, hoạt động của các hạm tàu của Mỹ và các nước
đồng minh khác sẽ có hiệu lực ngăn chặn thói vĩ cuồng tận trong tim đen của Tập
Cận Bình và một số kẻ hiếu chiến trong Ban lãnh đạo Trung Nam Hải đang là nhân
tố kích hoạt chủ nghĩa dân tộc cực đoan hết sức nguy hiểm ở Trung Quốc. Nếu Mỹ
không làm thì ai làm được việc này? Với ý nghĩa đó, người Mỹ không hoàn toàn vì
quyền quyền lợi của riêng nước Mỹ và do đó được cộng đồng quốc tế, nhất là các
nước châu Á Thái Bình Dương ủng hộ mạnh mẽ. Việt Nam là một trong những nước được
hưởng lợi nhiều trong những hành động tương tự của Mỹ và các đồng minh. Dù
chúng ta kiên trì với đường lối đối ngoại hòa bình, kiên trì với các giải pháp
ngoại giao nhưng không thể không bày tỏ một thái độ rõ ràng, tích cực trong “ván
cờ thế sự” đang diễn ra rất căng thẳng ngay trên một phần lãnh thổ của chúng
ta. Chúng ta cần ủng hộ mạnh mẽ tất cả các hành động chống lại tham vọng bành
trướng của Trung Quốc, không chỉ ở Trường Sa, biển Đông mà còn ở bất cứ đâu
trên thế giới này. Đó là trách nhiệm và nghĩa vụ mà chúng ta phải thực hiện trước
những đòi hỏi cấp bách của dân tộc và của cộng đồng quốc tế.
Hà
Nội ngày 30/10/2015. NTNg