Ngọc Quang
(GDVN) - “Một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên thoái
hóa biến chất”, đấy là nói chung chung, nếu không chỉ ra cụ thể thì không xử lý
được.
Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, TS.Cao Sỹ
Kiêm – nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội doanh
nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, Đại biểu Quốc hội đoàn Thái Bình nhận định, có quá
nhiều tồn tại kéo tụt lùi sự phát triển của đất nước, trong đó có những nguyên
nhân chủ yếu đó là đổi mới về chính trị, thể chế chậm; năng lực cán bộ không
theo kịp được yêu cầu.
Nhìn lại diễn biến
của nền kinh tế đất nước suốt 5 năm qua, ông nhận thấy những vấn đề gì còn tồn
tại?
TS.Cao Sỹ Kiêm:
Tôi thấy có 5 vấn đề còn tồn tại, cần sớm được đưa ra phân tích.
Vấn đề thứ nhất: 5 năm qua, kinh tế nước ta có nhiều
khởi sắc, nhưng đổi mới về mặt chính trị, thể chế, tổ chức bộ máy, con người
thì chưa theo kịp, cho nên đã làm hạn chế tốc độ phát triển và khả năng khai thác
của nền kinh tế.
Vấn đề thứ hai: Thể chế của chúng ta nói chung định
hướng thì tốt, nhưng triển khai thì chậm. Sự phối hợp giữa các ngành, các cấp
rất nhiều thời điểm chưa có được sự đồng bộ, cho nên chúng ta dễ nhận thấy từ
nghị quyết tới thực tiễn là một khoảng cách xa. Chính điều đó khiến cho những
người thực hiện thiếu động lực, hoặc mất niềm tin, nhưng vẫn giả vờ tin.
TS.Cao Sỹ Kiêm - nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Đại biểu Quốc hội đoàn Thái Bình. ảnh: Ngọc Quang. |
Vấn đề thứ tư: Công tác quản lý cả về kinh tế, xã hội,
con người chưa chặt chẽ, biểu hiện thì có nhiều chỗ còn trầm trọng hơn. Tôi lấy
thí dụ về an ninh chính trị thì trước mắt đã được đảm bảo, nhưng an toàn trật
tự xã hội thì có nhiều biểu hiện rất đáng lo.
Ngay cả ở nông thôn bây giờ trật tự, an toàn xã hội
cũng không còn được tốt như trước nữa. Tình trạnh trộm cắp, giết người xảy ra
quá nhiều.
Đặc biệt là những năm gần đây đã xảy ra quá nhiều vụ
giết người hàng loạt, quá nhiều vụ giết người dã man, trong số nạn nhân có cả
các cháu bé. Vậy thì tại sao lại dẫn tới tình trạng này, đó là vấn đề cần phải
làm rõ và tìm ra giải pháp hiệu quả, nếu không thì rồi đây sẽ có thể xảy ra
nhiều chuyện đau lòng hơn.
Hay là vấn đề an toàn thực phẩm, môi trường cũng rất
đáng lo ngại, chẳng riêng gì thành phố mà ở nông thôn cũng vậy. Môi trường thì
ô nhiễm, ngay ở trung tâm Hà Nội mà không khí cũng bị ô nhiễm thì nói gì tới
các nơi khác. Thực phẩm thì bẩn, mất vệ sinh, sử dụng các loại thuốc… bằng mọi
cách để kiếm tiền nhanh mà trà đạp lên cả đạo đức, coi thường tính mạng của
cộng đồng.
Vấn đề thứ năm: Tham nhũng và lãng phí quá lớn. Chúng
ta cứ nói ra rả về chống tham ô, lãng phí, nhưng thực tế thì lãng phí xảy ra
ngày càng nhiều. Tôi nói đơn giản ngay ở Quảng Ninh, Hải Phòng có những nhà máy
7 – 10 nghìn tỷ “đắp chiếu”.
Ngay trước mắt chúng ta đây, tòa nhà số 8b phố Lê Trực
xây vượt tầng sai phép cũng cho thấy công tác quản lý rất kém, kể từ cấp
phường, quận cho tới cấp cao hơn. Sai phạm ấy đâu có phải chỉ diễn ra trong một
lúc mà có cả một quá trình đấy chứ, tại sao lại không ngăn chặn được, lại để
diễn ra như vậy.
Và cũng không phải chỉ có nhà số 8b phố Lê Trực xây
dựng vượt tầng trái phép đâu mà còn rất nhiều các tòa nhà khác ở Hà Nội cũng đã
làm như vậy và rất lạ là chính quyền địa phương không thể ngăn chặn được.
Chúng ta đã quá quen với những câu nói “Lãng phí là
cục bộ, là nhóm lợi ích…” hay là “Một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên thoái
hóa biến chất”. Nhưng đấy là nói chung chung, còn bây giờ chỉ ra cụ thể là ai,
ở chỗ nào thì lại không chỉ ra được. Mà không chỉ ra được thì không thể xử lý
được. Đó là những tồn tại rất cần phải chú ý.
Vấn đề công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước, mục
tiêu là năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp, nhưng bây giờ chúng ta đã
thừa nhận mục tiêu không thể đạt được.
Vậy thì bây giờ phải phân tích, làm rõ xem nguyên nhân
nào khiến chúng ta không đạt được mục tiêu ấy? Phải làm rõ để rút kinh nghiệm,
phải chỉ rõ được yếu kém ở đâu, do tư duy hay do đường lối quan điểm, hay là do
cách chỉ đạo, hay do chất lượng cán bộ không đảm bảo?
Chống tham nhũng, lãng phí là nhiệm vụ sống còn của đất nước. |
Thưa ông, lâu nay chúng ta đã quen với cụm từ “phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Với định hướng này, chúng ta có gặp khó khăn gì khi hội nhập với thế giới không, thưa ông?
TS.Cao Sỹ Kiêm:
Vấn đề đầu tiên là chúng ta đang từng bước chuyển dần sang nền kinh tế thị
trường. Cái này thì chúng ta đã có nội dung rồi, đã có mô hình rồi, nhưng cái
đuôi “định hướng xã hội chủ nghĩa” thì chưa được làm rõ.
Bây giờ mà hỏi định hướng ấy trong chỉ đạo điều hành,
trong chính sách, trong tổ chức bộ máy, con người là thế nào thì không mấy ai
nói ra được, mà nói cũng không thuyết phục. Đây là vấn đề rất cần làm rõ để tạo
sự thống nhất, đồng thuận của nhân dân cả nước.
Đối với hội nhập thì điểm tích cực là mấy năm qua
chúng ta hội nhập rất nhanh, đi theo kinh tế thị trường tốt, nhưng điều kiện
chuẩn bị của chúng ta cũng chưa được đảm bảo, nhất là hội nhập kinh tế quốc tế.
Chúng ta ký song phương, đa phương nhiều, đặc biệt là
cuối năm 2016 thì ASEAN là một thị trường, 2 năm nữa TPP (Hiệp định thương mại
xuyên Thái Bình Dương) đã thành hiện thực, nhưng sự chuẩn bị cho khối doanh
nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân thì chưa tốt.
Vấn đề đặt ra bây giờ là phải gấp rút có những bước
chuẩn bị cho khối kinh tế tư nhân hiểu rõ về những điểm thuận lợi cũng như khó
khăn, nhà nước sẽ hỗ trợ được những gì và những gì họ phải làm thì chưa rõ.
Tôi lấy thí dụ nhiều người biết rằng khi TPP chính
thức có hiệu lực thì Việt Nam được hưởng lợi vì sẽ là nước có nhiều lao động,
tăng được thu nhập với nhiều ngành như: Thủy sản, dệt may, dày da… Nhưng lại
không biết thách thức là thế nào?
Nói đơn giản nhất là ngay năng suất lao động và chất
lượng sản phẩm của chúng ta so với các nước thì vẫn còn một khoảng cách rất xa.
Chúng ta muốn có được thị trường tốt thì chất lượng sản phẩm phải được nâng
lên, muốn vậy thì trình độ tay nghề phải tốt, phải có công nghệ cao, kết hợp
tác phong công nghiệp hiện đại thì mới tạo ra năng suất tốt được.
Toàn bộ những vấn đề ấy thể hiện trên đường lối chính
sách, chỉ đạo và cả đào tạo của chúng ta, tồn tại quá nhiều vấn đề ngổn ngang
chưa thực hiện được. Đấy là những vấn đề rất lớn mà tôi mong rằng Đại hội XII
này, Đảng phải phân tích, đánh giá đúng tình hình và thảo luận một cách thực sự
dân chủ để chọn được hướng đi phù hợp cho sự triển của đất nước.
Trân trọng cảm ơn
ông!
Ngọc
Quang
Nguồn: Theo GDVN