Dương Thạch Theo tin từ tổ chức Global Witness, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (Vietnam Rubber Group - VRG) đã bị loại khỏi thành phần được chứng nhận bởi Hội đồng Quản lý Rừng (Forest Stewardship Council - viết tắt FSC) sau một cuộc điều tra về đất đai và khai phá rừng bất hợp pháp ở Campuchia. Tiếp theo đơn khiếu nại do tổ chức Global Witness gửi đến hồi tháng mười một năm ngoái, FSC nhận định rằng các công ty quốc doanh đã phá hủy trái phép ít nhất 50.000 hechta rừng để trồng cao su ở Campuchia, trong đó có khu bảo tồn động vật hoang dã và các khu vực rừng được bảo vệ.
Cuộc điều tra của FSC cung cấp thêm bằng chứng về việc "Tập đoàn CN Cao su VN đã phá hủy một số khu rừng còn lại quan trọng nhất Đông Nam Á, buộc các cư dân người bản xứ phải di dời trong quá trình này, cướp đất của các chủ đất hợp pháp và phá hủy đời sống - với những hậu quả không kể xiết và không thể đảo ngược" ông Patrick Alley, giám đốc sáng lập của Global Witness nói. Sau khi Global Witness khiếu nại, Ban hội thẩm khiếu nại của FSC đã phải bỏ ra 5 tháng để điều tra sâu rộng tìm bằng chứng tại Campuchia về việc công ty con và Tập đoàn CN Cao su VN đã cưỡng đoạt đất của dân bản địa mà không có sự đồng ý của họ, phá rừng còn nguyên vẹn có nhiều cây gỗ quý như gỗ Cẩm Lai, cả trong lẫn ngoài ranh giới vùng họ được quyền sử dụng. Theo FSC, tại Campuchia khu vực Tập đoàn CN Cao su VN được cấp quyền sử dụng bao trùm gần 100.000 hếch ta đất.
Báo cáo kết luận rằng Tập đoàn CN Cao su VN và các công ty con tại Campuchia không đếm xỉa đến quyền sở hữu đất của dân bản xứ, để cho lâm tặc đốn gỗ bất hợp pháp, dùng lực lượng vũ trang đe dọa người biểu tình. Hơn thế nữa, Tập đoàn CN Cao su VN còn phá hủy đến hàng chục ngàn cây lấy nhựa, một nguồn thu nhập quan trọng của cộng đồng bản xứ mà không đền bù thỏa đáng theo kiểu áp đặt "không nhận thì mất" khiến dân địa phương không có chọn lựa nào khác mà phải chấp nhận giá rẻ mạt.
Ban hội thẩm của FSC cũng cáo buộc chính phủ Campuchia đã không thực thi luật pháp về quyền sử dụng đất của người dân trong vùng và bảo vệ rừng. Hơn 2 triệu hếch ta đất đã được giao khoán mà không hề hỏi ý kiến và sự đồng ý của những người sống trong vùng đó, tạo ra mâu thuẫn đất đai nghiêm trọng.
Các hoạt động trong lãnh vực đất đai ở Campuchia đầy bí ẩn. Nó biểu lộ cho thấy tính chất tham nhũng mà những khoản tiền hối lộ của các nhà đầu tư được cho là lên đến 2,6 triệu đô la. Kết quả của việc này không phải chỉ là sự hủy diệt chỉ môi trường và vi phạm nhân quyền mà còn dẫn đến xung đột bạo lực. Trong quá trình chiếm đất, các lực lượng vũ trang của chính phủ đe dọa và sử dụng bạo lực đàn áp người biểu tình. Trong một trường hợp ở vùng Tân Biên, dân địa phương bị phong tỏa vây kín và trong vòng hai tháng thức ăn cùng vật tư y tế không được phép đưa vào. Các nhân vật cầm đầu dân biểu tình đến họp với quan chức thì bị bắt nhốt một thời gian rồi mới được thả.
Năm 2007 Tập đoàn CN Cao su VN đuợc Hội đồng Quản lý Rừng FSC cấp giấy chứng chứng nhận (Certificate) cho hai của đồn điền cao su ở Việt Nam. Tuy nhiên giấy chứng nhận đã bị đình chỉ hồi tháng 11 năm 2013 trong khuôn khổ chính sách FSC dành cho Hiệp hội để đảm bảo các công ty liên hệ có cam kết tuân thủ nguyên tắc quản lý rừng có trách nhiệm. Việc đình chỉ này được bãi bỏ vào tháng 6 năm 2014 và là động lực khiến cho tổ chức Global Witness có phản ứng và khiếu nại hồi tháng 11 năm 2014.
Xe tải chở gỗ trái phép không gắn bảng số đợi đến đêm mới chạy. Tất cả 8 xe gặp ở Dong Nai ELC đều không gắn bảng số. (Ảnh: Global Witness)
Cũng theo Global Witness, lâm tặc đốn rừng đã dựng lều để ở trong khu vực thuộc quyền sử dụng của Tập đoàn CN Cao su VN cũng như vận chuyển gỗ trái phép. Những sự kiện này là bằng chứng rõ ràng và thuyết phục rằng Tập đoàn CN Cao su VN đã tham gia vào các hoạt động bất hợp pháp ở Campuchia.
Ông Patrick Alley đòi hỏi "Tập đoàn CN Cao su Việt Nam cần phải thực hiện tốt những cam kết rõ ràng để giải quyết các tác động có hại vốn đã được thông tin rộng rãi, không chỉ ở Campuchia mà còn ở nước láng giềng Lào". Ông nói: "Chúng tôi vẫn chưa nhìn thấy các công ty có bất kỳ một bồi thường nào có ý nghĩa đối với người dân mà sinh kế đã bị phá hủy bởi các mất mát của mình".
Trong những năm qua, các tập đoàn Việt Nam đã bị Global Witness liên tục cáo buộc chiếm đất ở Lào và Campuchia. Hai Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai và Tập đoàn CN Cao su Việt Nam bị phanh phui việc chiếm đất ở Campuchia và Lào trong một phúc trình đặc biệt năm 2013 của Global Witness mang tên "Các ông trùm cao su".
Để có lại giấy chứng nhận, FSC đòi hỏi Tập đoàn CN Cao su VN đền bù thoả đáng cho dân địa phương bị chiếm đất và các thiệt hại vì cây nhựa cây bị phá huỷ, phải thực hiện đánh giá tác động môi trường đầy đủ cũng như phục hồi rừng rộng rãi. Tập đoàn CN Cao su VN tỏ vẻ muốn thực hiện một số bước hướng khắc phục: vào tháng Tám năm 2014 Tập đoàn này thông báo đã mở cửa đón nhận và xử lý khiếu nại của người dân bị ảnh hưởng bởi các đồn điền của mình. Tuy nhiên, các công ty cho đến nay đã thất bại trong việc giải quyết thỏa đáng bất kỳ khiếu nại cụ thể thông qua cơ chế này, ông Patrick Alley cho biết.
Nếu có Giấy chứng nhận của Hội đồng Quản lý Rừng FSC, các công ty được phép ghi nhãn FSC trên sản phẩm của họ, qua đó giúp người tiêu dùng dễ dàng xác định và lựa chọn sản phẩm có hỗ trợ quản lý rừng có trách nhiệm. Nguồn : Diễn đàn VN 21 |
T