ĐÀO TUẤN
Nợ công, nợ lương |
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau vừa yêu cầu các
huyện “khẩn trương chi trả các khoản nợ đối với giáo viên trên địa bàn, đảm bảo
thanh toán dứt điểm nợ trước 20.11”.
Có thể bạn không tin, nhưng đây là con số
do chính Cà Mau công bố: Từ năm 2011 - tháng 8.2016, các huyện và TP. Cà Mau đã
nợ lương và các chế độ khác của giáo viên với số tiền lên đến 139,2 tỉ đồng.
Trong đó, nhiều nhất là huyện Trần Văn Thời (44,6 tỉ đồng), U Minh (36,1 tỉ
đồng), Cái Nước (18,7 tỉ đồng), Thới Bình (16,5 tỉ đồng), TP. Cà Mau (13 tỉ
đồng)…
Nguyên nhân dẫn đến nợ nần, rất kỳ lạ, là
do “công tác quản lý, điều hành ngân sách của UBND cấp huyện để xảy ra nhiều
hạn chế: Không rà soát, báo cáo tình hình nợ lương; chế độ chính sách đối với
giáo viên; Không thực hiện nâng lương; Buông lỏng công tác quản lý, điều hành
nguồn kinh phí sự nghiệp giáo dục và chi mua sắm lớn dẫn đến mất cân đối nguồn
sự nghiệp giáo dục…Và thậm chí cả do “Sử dụng nguồn kinh phí sai mục đích”.
Có nghĩa là nhà nước T.Ư vẫn chi trả lương
đều đặn cho giáo viên, nhưng nhà nước địa phương vẫn mắc nợ.
Có nghĩa là tiền lương, thậm chí được dùng
để mua sắm những thứ mang danh nghĩa giáo dục.
Có nghĩa những người vốn đã không giàu,
phải chịu thêm hy sinh nhu cầu tối thiểu của “dạ dày và cuộc sống” chỉ vì chính
quyền các huyện có “hạn chế”.
Đọc bản tin này, chắc nhiều người sẽ nhớ
là tháng 11 này có một ngày trọng đại của các thầy cô giáo. Nhiều người sẽ coi
đó là một món quà ý nghĩa. Và nhiều người sẽ chưa quên cái hẹn “Nhà giáo sẽ
sống được bằng lương”.
Nhưng việc trả nợ lương vào trước ngày
20.11 không thể, không nên coi là một món quà. Và ngày 20.11 cũng không thể là
cái mốc để các nhà giáo nhận lương có khi còn bị nợ từ vài năm trước.
Trước nay, lương giáo viên vẫn luôn được
tiếng là thấp, là không đủ sống. Một trong những chủ đề chính của báo chí trong
ngày nhà giáo VN bao năm qua vẫn là “Bao giờ giáo viên có thể sống được bằng
lương”.
Vậy mà một tỉnh nợ đến 140 tỉ đồng thì thì
thử hỏi họ sẽ sống bằng gì? Họ sẽ tằn tiện thế nào cho đủ cái tối thiểu là “tái
tạo sức lao động”.
Xin đừng để tình trạng nợ lương giáo viên
ở Cà Mau hôm nay trở thành một câu chuyện “thường ngày” không chỉ ở Cà Mau. Xin
đừng để việc trả lương là một món quà 20.11. Xin đừng tồn tại tư duy: Giáo viên
có nghĩa là nghèo, là lương không đủ sống. Xin đừng mắc nợ cả những lời hứa.
Bởi như vậy là chúng ta đang có lỗi với các thầy cô, những người mà sản phẩm
của họ là những con người.
Nguồn: Theo Lao Động