05 mai 2017

Thấy gì qua hành vi bỉ ổi của Phan Sơn Hùng?


*       VietTuSaiGon's blog
"Nếu nhìn từ góc độ chính trị, văn hóa, xã hội thì hành vi của Phan Sơn Hùng chỉ phản ánh một vấn đề duy nhất: Nhà nước Cộng sản Việt Nam đã đến hồi vỡ trận, nó không có bất cứ một thứ năng lượng nào để hấp dẫn nhân dân, và đã đến lúc nó lòi chành té bứa, xì toàn những thứ hôi thối của nó ra. Càng như vậy, nó càng chóng tàn."

"Phan Sơn Hùng chỉ phản ánh một vấn đề duy nhất: Nhà nước Cộng sản Việt Nam đã đến hồi vỡ trận"



Để nhìn vào nền kinh tế của một quốc gia, một tỉnh, một vùng, đôi khi không cần đến những bản khảo sát số liệu rối rắm mà người ta đi đến các khu chợ, chính sức mua bán cũng như hàng hóa trong các chợ cho thấy quốc gia, tỉnh, vùng đó có sức mạnh kinh tế cỡ nào. Để nhìn vào nền giáo dục của một quốc gia, đôi khi người ta không cần đi đâu xa mà chỉ cần đứng ở các ngã tư để quan sát cách người ta đi qua đèn xanh đèn đỏ, sâu xa hơn, người ta lại vào chợ để xem cách mua bán, nó cũng phản ánh không ít về nền giáo dục. Và để nhìn vào nền chính trị của một quốc gia, người ta không nhất thiết cứ phải nhìn vào các đại hội đảng, các trận đấu đá trong nội bộ hệ thống cầm quyền, bởi đó là chuyện bếp núc chính trị. Thực tế, chỉ cần nhìn vào hành tung của giới giang hồ thì người ta có thể đưa ra kết luận đầy đủ về sức mạnh của chế độ chính trị đó.

Trên thực tế, giới giang hồ chính là mặt đối trọng của giới cầm quyền, họ hội tụ đầy đủ các yếu tố đối trọng hệ thống cầm quyền gồm tham vọng, trí lực, tài chính, sức mạnh sát thương… Nhưng họ không có được lá cờ  “chính danh” trên tay để phất và đương nhiên, hệ thống tổ chứa của họ không có văn bản khế ước chung của xã hội với cái tên mĩ miều là “hiến pháp” như nhà nước, chính quyền. Đương nhiên, đây là vấn đề của giang hồ đối trọng với chính quyền chứ không phải loại đâm thuê chém mướn ăn theo chính quyền. Loại đâm thuê chém mướn, bổ bã và có hành vi cặn bã chỉ xuất hiện khi chính quyền không đủ mạnh, đặc biệt, khi chính quyền ở giai đoạn thoái trào, tan rã thì loại này xuất hiện đầy rẫy.

Vì sao, vì thực ra, trong bất kì quốc gia nào chứ không riêng gì quốc gia độc tài như Việt Nam, yếu tố đối trọng giới cầm quyền bởi giới giang hồ giống như một lối thoát nhằm cân bằng tham vọng quyền lực trong xã hội. Và đương nhiên, giới giang hồ có thể là những băng nhóm với đầy đủ sức mạnh, quyền lực và trí lực để cát cứ một vùng, thậm chí một tỉnh, một khu vực. Một khi có sự liên kết của giới giang hồ, chắc chắn sức mạnh của họ cũng chẳng kém sức mạnh nhà nước nếu không nhắc tới quân đội (bởi quân đội thuộc về vùng giao thoa giữa giới giang hồ và nhà nước nhưng trên danh nghĩa, nó vẫn là quân đội của nhà nước và chịu sự chi phối của nhà nước mạnh hơn).

Những quốc gia có nền chính trị hùng mạnh, giới giang hồ vẫn tồn tại, thậm chí tồn tại một cách mạnh mẽ và họ tách hẳn ra một khu vực quyền lợi có tính đặc thù của họ. Quốc gia có nền chính trị yếu kém, giới giang hồ và nhà nước thường có mối liên kết, quan hệ hết sức nhập nhằng. Bởi quyền lợi của giang hồ và quyền lợi của giới chức đại phương, khu vực vốn dĩ có tính chung, tính ăn chia và cùng hưởng bổng lộc. Thử nhìn vào Việt Nam, tất cả những kẻ tự vỗ ngực xưng danh giang hồ (nhưng trên thực tế chưa hẳn, họ chỉ là phường đầu trộm đuôi cướp, đâm thuê chém mướn) là những ai? Bọn họ là những tên lâm tặc, sa tặc, thảo tặc, điền tặc, thủy tặc, đinh tặc… kính thưa các loại tặc! Và gần đây, có thêm loại dân phòng tặc.

Những kẻ này có xuất thân vốn dĩ chẳng có gia thế, tha phương cầu thực hoặc lưu lạc xứ người nhưng lại có tính liều lĩnh, máu lạnh, gian manh và dễ thỏa hiệp, không phân biệt tốt xấu, không nhận thức được đâu là chính, đâu là tà. Sài Gòn Việt Nam, sau biến cố 30 tháng 4 năm 1975, trận gió di cư từ Bắc vĩ tuyến 17 vào miền Nam đang mang theo toàn bộ xú khí của nó. Trong đó, những tên đầu trộm đuôi cướp dường như không có đất sống tại miền Bắc cũng di cư vào Nam và tìm đất cắm dùi, tìm địa bàn cát cứ. Ban đầu, họ chỉ là phường trộm cướp, làm kẻ vận chuyển xì ke ma túy để sống qua ngày. Nhưng bọn này nhanh chóng mạnh lên kể từ khi nhà cầm quyền cảm thấy bất lực, cần dùng đến những kẻ bất hảo và bất lương này.

Nhà cầm quyền bất lực bởi bản chất của nhà cầm quyền cũng là phường đầu trộm đuôi cướp. Có thể phần đông trong giới cán bộ Cộng sản Việt Nam là những người có tri thức, có văn hóa nhưng cam chịu. Nhưng phần nhỏ nắm quyền lực, cát cứ chính quyền địa phương lại là những kẻ bất hảo, dùng bằng giả, chạy chọt, toa rập với phường trộm cướp để thao túng quyền lực, đồng thời cũng để mượn sức mạnh bạo lực của đám này để uy hiếp giới bất đồng chính kiến, giới đấu tranh dân chủ.

Bởi hơn bao giờ hết, nhà nước Cộng sản Việt Nam đang nằm trong thế cù cum khó gở. Bởi thời kì kinh tế tập trung bao cấp, chưa mở cửa, yếu tố dân chủ chỉ ở giai đoạn nhen nhóm và phản kháng có tính đơn lẻ, nó khác xa với trào lưu mạnh mẽ, ồ ạt như bây giờ. Trong đó, thời chưa mở cửa (na ná Bắc Hàn hiện nay), chẳng có sự ràng buộc nào về mặt công pháp quốc tế cũng như chẳng có tiêu chuẩn nhân quyền nào được đặt ra bởi Việt Nam lúc đó chẳng có sự ràng buộc về kinh tế cũng như các điều ước quốc tế. Thời đó, công an tha hồ bắt những ai phát biểu “phản động” lên đồn và đập gãy răng, đập trọng thương, giết chết… Cái vệt nối đó vẫn còn đến bây giờ nhưng mức độ phủ sóng thì giảm đáng kể, con số của năm bây giờ chỉ bằng con số của tuần thời chưa mở cửa mặc dù lúc đó người phản kháng và mức độ phản kháng không giống như bây giờ. Và đến thời điểm hiện nay, việc dùng bạo lực với bất kì công dân nào cũng đều bị lên án, công an dùng bạo lực càng có nguy cơ làm cho chế độ nhanh chóng sụp đổ hơn.

Đồng thời, niềm tin của nhân dân dành cho đảng Cộng sản hầu như không còn, việc đảm bảo trật tự xã hội theo mô hình đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý và nhân dân phục tùng nghe ra có vẻ đã không còn tác dụng. Và ngay cả quyền lực công an trị, một thứ quyền lực xuyên suốt của nhà cầm quyền Cộng sản cũng đã suy suyễn đáng kể, nếu không muốn nói là nhân dân đã không còn sợ công an, thậm chí họ có thể phản ứng theo chiều hướng nguy hiểm cho công an bất kỳ giờ nào. Đây cũng là lúc an ninh buộc phải đội lốt giang hồ hoặc bắt tay với đám đầu trộm đuôi cướp, để chúng lộng hành, ăn chia với chúng và dùng chúng để trấn áp người bất đồng chính kiến.

Nói cho cùng, mức độ tàn nhẫn, man rợ và bằng bạo lực công an của nhà cầm quyền Cộng sản chưa bao giờ giảm nhưng nó đượcsang tay từ công an sang đám đầu trộm đuôi cướp bằng một cái bắt tay chia chác quyền lợi và tạo điều kiện lộng hành cát cứ cuỷa đôi bên. Và câu chuyện Phan Sơn Hùng, một tên đâm thuê chém mướn xăm trổ đầy mình đã kéo băng nhóm đến nhà đánh ba người phụ nữ không một tấc sắt trên tay là một câu chuyện sỉ nhục của giới giang hồ Sài Gòn nói riêng và Việt Nam nói chung. Nhưng nhìn từ góc độ công an trị thì đây là một câu chuyện thú vị, một chiến công của nền an ninh trá hình đầu trộm đuôi cướp.

Nhưng, nếu nhìn từ góc độ chính trị, văn hóa, xã hội thì hành vi của Phan Sơn Hùng chỉ phản ánh một vấn đề duy nhất: Nhà nước Cộng sản Việt Nam đã đến hồi vỡ trận, nó không có bất cứ một thứ năng lượng nào để hấp dẫn nhân dân, và đã đến lúc nó lòi chành té bứa, xì toàn những thứ hôi thối của nó ra. Càng như vậy, nó càng chóng tàn. Bởi nói cho cùng thì một khi nhân dân chuyển hóa từ bất bình sang thù hận, hơn chín chục triệu nhân dân chỉ cần mỗi người véo một cái thì cái đảng này cũng sập đổ. Thử tưởng tượng một người đấu với chín người (con số này là tôi đã cộng cả quân đội, công an, cán bộ nhà nước gộp thành một) thì kết quả sẽ ra sao?

Rất tiếc là càng lúc, tôi không hiểu tại sao ngành công an Việt Nam lại càng ưa chơi trò thách thức và chọc giận nhân dân? Bởi vì cái giá phải trả cho việc này không hề nhỏ chút nào! Lẽ nào đã đến lúc họ tự khai tử?!

*       VietTuSaiGon's blog