08 juin 2018

ĐẶC KHU KINH TẾ 99 NĂM: MỘT BƯỚC ĐI GẤP GÁP THEO LỘ TRÌNH THÀNH ĐÔ


PHẠM ĐÌNH TRỌNG



PHẦN MỘT.



ĐẶC KHU KINH TẾ KHÔNG CÒN CẦN THIẾT VỚI VIỆT NAM

Đặc khu kinh tế ra đời ở những nước chưa phát triển, chưa có nền sản xuất công nghiệp hiện đại. Nền sản xuất công nghiệp hiện đại là vốn tư bản, công nghệ tư bản, thị trường tư bản, một thị trường toàn cầu, không biên giới và con người tư bản, những ông chủ của nền sản xuất đó. Chưa phát triển là nói tránh cho đỡ tủi thân chứ thực sự là nước nghèo, thiếu thốn đủ thứ, đói khát đủ thứ.  Đói vốn. Đói công nghệ. Đói thị trường toàn cầu. Đói khát cả cung cách làm ăn của những con người công nghiệp. Chỉ có đất tự nhiên đang chìm đắm trong giấc ngủ ngàn năm và sức lao động thừa thãi, rẻ mạt.




Trong khi đó những ông chủ tư bản ở những nước phát triển lại đang có nhu cầu phủ đồng vốn, phủ hoạt động kinh doanh, phủ thị trường ra cả thế giới và tìm kiếm, khai thác sức lao động đang dư thừa ở những nước nông nghiệp dân cư đông đúc trên khắp thế giới.  



Hai nhu cầu này gặp nhau như cô gái con nhà nghèo có chút nhan sắc đến tuổi cập kê gặp chàng trai có sự nghiệp đang muốn kiếm vợ. Đặc khu kinh tế ra đời từ đó.



Thời hệ thống cộng sản thế giới tan rã. Bức màn sắt bưng bít thế giới cộng sản bị thời đại, bị lịch sử xé toang như bức tường bê tông ngăn đôi đông tây Berlin, nước Đức, bị phá bỏ. Không còn bị bưng bít, những người lãnh đạo các nước cộng sản dụi mắt nhìn ra thế giới, chợt nhận ra đất nước của họ đã bị các nước tư bản bỏ lại phía sau quá xa. Cách xa cả một tiến trình sản xuất, tiến trình sản xuất nông nghiệp và tiến trình sản xuất công nghiệp hiện đại. Cách xa cả một chế độ xã hội, chế độ mang danh xã hội chủ nghĩa nhưng thực ra là chế độ xã hội phong kiến trung cổ bạo lực, tối tăm, ngưng đọng và chế độ tư bản văn minh, phát triển.



Tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên con người của đất nước họ đâu có kém mà sao đến nông nỗi này. Láu cá và quyết đoán, Đặng Tiểu Bình đã đi đầu trong việc lập đặc khu kinh tế và chọn 2050 cây số vuông đất Thẩm Quyến của những làng chài xơ xác, sát biền, sát Hồng Kông, thuận tiện giao thương. Từ Hồng Kông sang Thẩm Quyến chỉ nửa bước chân. Những ông chủ tư bản Hồng Kông cùng nói tiếng Quảng Đông với người Thẩm Quyến đến Thẩm Quyến như về nơi quê cha đất tổ. Đất đẹp cùng nhiều ưu đãi đặc biệt đón những ông chủ tư bản mang đồng vốn tư bản, mang công nghệ tư bản, mang thị trường tư bản vào đất nước vừa trải qua cuộc cách mạng văn hóa tốn máu của hàng chục triệu mạng người nhưng xã hội càng chìm sâu vào hướng ngược chiều văn hóa.



Dưới nòng súng pháo hạm của sức mạnh quân sự mạnh nhất thế giới thời đó là hải quân hoàng gia Anh, nhà Thanh phải cắt đất Hồng Kông nhượng cho nước Anh 99 năm. Đó là nỗi cay đắng, nỗi ô nhục muôn đời của lịch sử, của dân tộc Trung Hoa nên dù mê mẩn thèm khát đồng vốn tư bản, mê mẩn thèm khát công nghệ tư bản, Đặng cũng chỉ cho ưu đãi về thuế, về giá thuê đất, về xuất nhập cảnh, tuyệt đối không ưu đãi về thời gian thuê đất.  



Từ một huyện nghèo thuộc tỉnh Quảng Đông, trở thành đặc khu kinh tế, Thẩm Quyến trở thành trung tâm sản xuất, kinh doanh rầm rộ, phát triển nhất Trung Quốc. Năm 2017, sản lượng kinh tế của Thâm Quyến đạt 338 tỷ USD, vượt qua Quảng Châu, Hồng Kông, đứng thứ 3 trong số 659 thành phố của Trung Quốc, chỉ sau Bắc Kinh và Thượng Hải. Từ một bãi biển xơ xác, đặc khu kinh tế đã đưa Thầm Quyến trở thành cảng biển lớn thứ hai Trung Quốc chỉ sau cảng biển Thượng Hải đã có từ mấy trăm năm trước.



Thành công ngoài mong đợi của đặc khu Thẩm Quyến đã gọi những đặc khu kinh tế Chu Hải, Hạ Môn, Sán Đầu, Hùng An mọc lên. Về diện tích, các đặc khu kinh tế này nhỏ hơn một tỉnh nhỏ nhất của Trung Quốc nhưng đã đóng góp tới 22% GDP của Trung Quốc và chiếm 45% tổng nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc. Các đặc khu kinh tế Trung Quốc đã trở thành động lực kéo nền kinh tế Trung Quốc băng băng chạy đua với các nền kinh tế thế giới, góp phần đưa Trung Quốc có mặt trong tổ chức G20, nhóm các nước có nền kinh tế lớn trên thế giới. Năm 2016 tổng sản phẩm trong nước của Trung Quốc đạt 11,2 ngàn tỉ đô la, đứng thứ hai thế giới, chỉ sau Mĩ.



Ngoài ra, các đặc khu kinh tế còn như những chiếc van cực lớn giảm áp lực về dân số cho những thành phố lớn như Bắc Kinh, Thiên Tân, Thượng Hải, Quảng Châu. Trước đây dân nghèo đói ở miền Tây, ở các tỉnh nông nghiệp thường lũ lượt kéo về Bắc Kinh, Thiên Tân .  .  . làm thuê kiếm sống thì nay họ tìm đến các đặc khu kinh tế.



Với sự thành công của cải cách kinh tế và đặc khu kinh tế, đến thời Tập Cận Bình, Tàu Cộng trở thành chủ nợ của thế giới, trở thành ông chủ nắm vận mệnh nhiều nước châu Phi, châu Á. Dưới sức mạnh pháo hạm của hải quân Anh, Trung Hoa phải gán đất Hồng Kông cho Anh 99 năm. Ngày nay dưới sức mạnh đồng tiền vay nợ của Tàu Cộng, nhiều nước châu Á, châu Phi đã phải gán đất 99 năm cho chủ nợ Tàu Cộng.



Đi sau Tàu Cộng hơn một nhiệm kì đại hội đảng, năm 1986 Việt Nam mới bắt đầu thực hiện công cuộc đổi mới cách làm kinh tế. “Đổi mới” chỉ là cách nói kể công của những người cộng sản, thực ra chỉ là quay về với cách làm kinh tế tự chủ, sáng tạo và hiệu quả đã có ở xã hội Việt Nam trước đây mà những người cộng sản đã xóa bỏ, tiêu diệt. Tiêu diệt những tinh hoa biết làm giầu bị gán cho tội giai cấp tư sản. Hủy hoại công nghệ, cơ sở vật chất của một nền công nghiệp hiện đại đang hiện hình. Hủy hoại cả trật tự xã hội, văn hóa xã hội đang đi vào văn minh đô thị sang trọng, lịch lãm. Hủy hoại cả đời sống dân chủ trong xã hội. Hủy hoại cả ý thức cá nhân trong mỗi con người. Xã hội không nhìn nhận cá nhân. Con người không còn ý thức cá nhân. Xã hội trở về bầy đàn. Bầy đàn thì chỉ có bạo lực. Không thể có bình yên. Không thể có kỉ cương. Không thể có văn hóa.



Đổi mới, nền kinh tế không còn khép kín, bế quan tỏa cảng nữa. Hướng nội, kinh tế tư nhân được nhìn nhận. Kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể không còn độc tôn nữa. Hướng ngoại, mở cửa đón nhà đầu tư nước ngoài mang vốn, mang công nghệ hiện đại vào. Đây chính là thời điểm tốt nhất, cần thiết nhất và cũng là thời điểm duy nhất cần có đặc khu kinh tế. Nhưng đặc khu kinh tế đã bị bỏ qua. Nhà nước cộng sản Việt Nam không tính đến đặc khu kinh tế hay nhà nước cộng sản đàn anh Tàu Cộng không cho Việt Nam làm đặc khu kinh tế?



Tàu Cộng không bao giờ muốn Việt Nam phát triển, giàu mạnh. Mãi mãi yếu hèn, Việt Nam sẽ phải mãi mãi phụ thuộc vào họ. Họ luôn tìm mọi cách đánh phá nền kinh tế Việt Nam. Tung đội quân buôn gian bán lận xục xao mua móng trâu, mua rễ tiêu, mua tất cả những thứ có thể làm hại nền sản xuất nông nghiệp Việt Nam. Tung đội ngũ nhà thầu đểu thâu tóm các dự án kinh tế của Việt Nam bằng cách hối lộ quan chức chủ thầu, bỏ giá thầu cực thấp để trúng thấu rồi khi thi công liên tục đội giá lên. Đưa lao động cơ bắp Tàu sang lập làng Tầu. Đưa máy móc cộng nghệ phế thải hoặc tồn kho do đã lạc hậu từ bên Tàu sang. Thi công dầm dề kéo dài như vô tận. Nhà thầu Tầu giở đủ trò đánh phá các dự án kinh tế Việt Nam nhưng đám quan chức chủ thầu đã ăn hối lộ đầy mồm cứ phải nhắm mắt chấp nhận và hầu hết các công trình, dự án kinh tế của Việt Nam đều lọt vào tay các nhà thầu đểu Tàu Cộng.



Đánh phá nền kinh tế Việt Nam, kìm hãm sự phát triển của Việt Nam không từ một thủ đoạn bẩn thỉu, đê tiện nào là chủ trương xuyên suốt của nhà nước Tàu Cộng. Lấy ý thức hệ cộng sản và lấy đồng tiền hối lộ sai khiến quan chức nhà nước cộng sản Việt Nam thì Tàu Cộng sai khiến gì cũng phải nghe. Thời điểm tốt nhất, cần thiết nhất để Việt Nam mở đặc khu kinh tế, nhưng bị Tàu Cộng ngăn cản không cho làm cũng là điều bình thường, có sác xuất rất cao là sự thật.



Không làm đặc khu kinh tế, những chuyên gia kinh tế Việt Nam vội xây dựng luật đầu tư nước ngoài với sự cởi mở của tấm lòng và nhiều ưu đãi về chính sách. Luật đầu tư nước ngoài ra đời. Nhà đầu tư nước ngoài nhộn nhịp vào Việt Nam đã lấp đầy các khu công nghiệp mọc lên trên cả nước. Nhiều khu công nghiệp rất thành công, ngày càng được mở rộng như khu công nghiệp Vietnam – Singapore ở Bình Dương, khu công nghiệp Amata ở Đồng Nai .  .  .



Đặc khu kinh tế như cái ống thông giữa hai cái bình trên một mặt bằng. Một bình đầy nước, đầy vốn tư bản, đầy công nghệ tư bản là các nước công nghiệp phát triển. Một bình trống không là nước nghèo đang khát vốn tư bản, khát công nghệ tư bản. Năm 1995, Việt Nam và Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Hoa Kỳ bãi bỏ lệnh cấm vận với Việt Nam, mở đường cho các nước đầu tư vào Việt Nam. Khi đó nền kinh tế Việt Nam là cái bình trống không. Cái bình trống không đó nếu có cái ống thông là đặc khu kinh tế nối với cái bình đầy vốn tư bản, đầy công nghệ tư bản thì Việt Nam đương nhiên cũng phải có những Thẩm Quyến rực rỡ, phồn vinh. Thời cơ duy nhất, tốt nhất để làm đặc khu kinh tế nhưng Việt Nam đã không làm hay không được làm.



Không có đặc khu kinh tế nhưng với luật đầu tư nước ngoài đúng đắn do nhiều chuyên gia kinh tế góp trí tuệ soạn thảo, Việt Nam đã mở rộng tấm lòng, mở rộng cửa khẩu đón nguồn vốn, đón công nghệ từ các nước phát triển chảy vào. Các khu công nghiệp là những đặc khu kinh tế phân tán nhỏ mọc lên trên khắp đất nước làm cho cái bình trống không đã óc ách nước.



Thời điểm duy nhất, tốt nhất cho đặc khu kinh tế đã qua rồi. Lúc này, đặc khu kinh tế không còn cần cho Việt Nam nữa vì:



. Ngày nay với một dải đất hẹp và trải dài thì các khu công nghiệp trải rộng trên cả nước vừa sức với trình độ các nhà quản lí Việt Nam là phù hợp nhất, tốt nhất.



. Những nguồn vốn, những ngành công nghệ của các nước muốn đầu tư vào Việt Nam một cách chân chính, đàng hoàng, chỉ vì mục đích kinh tế, đều đã đầu tư rồi. Thương trường là chiến trường. Kinh doanh phải nhạy bén, phản ứng, chớp thời cơ mau lẹ như người lính ngoài mặt trận. Việt Nam mở cửa, tạo môi trường tốt nhất cho các nhà đầu tư nước ngoài đã 30 năm. Những nhà đầu tư chậm chân nhất cũng đã kịp có mặt.



. Với kinh tế tri thức, các nhà đầu tư ra nước ngoài tìm trí tuệ, tìm tinh hoa, săn đầu người chứ không tìm đất đai, không tìm sức lao động phổ thông nữa. Những ông chủ tư bản chỉ làm kinh tế không còn nhiều quan tâm đến đầu tư nước ngoài. Phải phân biệt rõ những ông chủ tư bàn chỉ làm kinh tế khác với những người mượn cớ đầu tư kinh tế ra nước ngoài để làm chính trị sẽ nhắc đến ở phần sau. Vào làm chủ Nhà Trắng, một trong những việc đầu tiên Donald Trump làm là thúc giục những ông chủ tư bản Hoa Kỳ rút đầu tư nước ngoài về để tạo việc làm cho người lao động Mỹ.



. Hơn 20 năm đổi mới cung cách làm kinh tế đã đánh thức nội lực Việt Nam vươn vai đứng dậy thành những ông chủ lớn, những nhà đầu tư ngang ngửa với nước ngoài thì đâu cần phải vọng ngoại tìm nhà đầu tư nước ngoài. Lập đặc khu kinh tế, ưu đãi nhà đầu tư nước ngoài sẽ tạo ra sự bất bình đẳng, chèn ép doanh nghiệp trong nước như thời thuộc Pháp, nhà nước Pháp ưu đãi doanh nghiệp Pháp, chèn ép doanh nghiệp bản địa Việt Nam vậy.



Ngày nay người dân Việt Nam đã nhận ra bộ mặt thật những nhà đầu tư như bô xít Tây Nguyên, như Formosa nhảy vào Việt Nam không hẳn vì mục đích kinh tế mà vì cái lớn hơn, sâu xa hơn, độc địa hơn kinh tế là đất đai, lãnh thổ. Có quá nhiều nhà đầu tư loại này đang lăm le muốn nhảy vào Việt Nam.



Làn sóng đầu tư nước ngoài đã mang lại cho nền kinh tế Việt Nam một sức sống mới. Nhưng độc tài về chính trị, tham nhũng về kinh tế cũng đã rước những nguồn đầu tư mang lại tai họa khôn lường, gây nên những ung nhọt nhức nhối trên cơ thể đất nước Việt Nam. Như dự án bô xít đang tàn phá màu xanh Tây Nguyên, đang làm chảy máu dai dẳng nền kinh tế Việt Nam. Như tập đoàn Hưng Nghiệp Formosa Vũng Áng, Hà Tĩnh, như nhiệt điện Vĩnh Tân, Bình Thuận đã và đang giết chết biển Việt Nam, đuổi người dân ra khỏi bến bãi, biển bờ ngàn đời của họ, để biển Việt Nam không còn bóng dáng những người dân đánh cá Việt Nam, những cột mốc sống khẳng định chủ quyền lãnh thổ Việt Nam trên biển. Trong chuyện gấp gáp, hăm hở làm đặc khu kinh tế lúc này cũng thấy rõ bóng dáng của độc tài chính trị. Đồng hành với độc tài chính trị luôn luôn là tham nhũng quyền lực và tham nhũng kinh tế.