Sương Nguyệt Minh (Đại Tá, Nhà Văn): "Thương cảng Vân Đồn - bến đỗ của Đoàn thuyền lương Trương Văn Hổ ngày xưa và trận chiến sông Mang trên đảo Quan Lạn của Trần Khánh Dư như một lời cảnh báo ngoại xâm thường đến từ phương Bắc. Đừng vì cái lộng lẫy, choáng ngợp trước mắt của Đặc khu, không vì cái ngọt ngào êm dịu của viễn cảnh Đặc khu mà quên lửa đang ủ từ tay thích khách."
Đặc khu 99
năm, hoặc 0 năm nào!
CÁC NGHỊ SĨ HÃY KHOAN VỘI NHẤN NÚT!
CÁC NGHỊ SĨ HÃY KHOAN VỘI NHẤN NÚT!
(Bài đầy đủ
so với báo đã in)
Chưa bao giờ
nghe câu thơ của Tố Hữu lại thấy bất trắc, xót xa, đau thương như lúc này: “Tôi
kể ngày xưa chuyện Mỵ Châu/ Trái tim lầm chỗ đặt lên đầu/ Nỏ thần sơ ý trao tay
giặc/ Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu”.
Chưa bao giờ
trước khi Quốc hội bỏ phiếu thông qua một dự thảo luật lại có quá nhiều quan
điểm, ý kiến của người lao động, của cả nhân sĩ trí thức... tạo thành cơn địa
chấn dư luận xã hội như Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc
Vân Phong, Phú Quốc (Gọi tắt là Luật Đặc khu). Dự thảo thời hạn giao đất 99 năm
đang là vấn đề quan tâm, tranh luận nóng bỏng. Tranh luận được đẩy đi xa hơn
với những lo lắng bất an, bất trắc về an ninh chủ chuyền đất nước.
99 năm thì
sao, và 0 năm nào thì sao?
Số người quá
ít ỏi đồng tình với dự thảo Luật Đặc khu thời hạn giao đất 99 năm trước hết là
Ban dự thảo, sau đó là một số đại biểu quốc hội và tiếng nói yếu ớt của số ít
người trong xã hội. Ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí
Dũng đã giải trình ý kiến đại biểu trong phiên thảo luận ngày 23/5 vẫn đề nghị
"cho phép giữ nguyên như dự thảo, vì đây là một chính sách vượt
trội". Ông bộ trưởng còn viện dẫn các mô hình đặc khu "Hiện nhiều
nước đã giao đất 99 năm như British Virgin Islands, UAE, Malaysia...” thành
công, như một điểm sáng kinh tế, thúc đẩy quốc gia phát triển. Liên hệ với
trường hợp Việt Nam, ông Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng – Trưởng ban soạn thảo luật
cho rằng: "Nếu chúng ta không đưa ra được những cơ chế chính sách đủ để
hấp dẫn, để lôi kéo và thu hút nhà đầu tư thì mức độ thành công đối với các khu
này sẽ giảm đi. Do vậy, tôi thấy các ưu đãi ở đây vẫn phải thiết kế để đủ vượt
trội so với trong nước hiện nay và cạnh tranh được với quốc tế”. Còn đại biểu
Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) lại có lo lắng riêng, rồi khẳng định: "Nếu
không giao đất 99 năm thì các nhà đầu tư sẽ không vào”...
Sương Nguyệt Minh |
Số người
đông đảo không đồng tình với thời hạn giao đất 99 năm không chỉ đại biểu Quốc
hội mà còn nhiều nhân sĩ, trí thức và số đông công dân lo lắng, quan tâm đến
vận mệnh đất nước. Ông Trương Trọng Nghĩa – đại biểu Quốc hội ở thành phố Hồ
Chí Minh cất tiếng nói mạnh mẽ nhất: "Tôi đề nghị bỏ thời hạn giao đất 99
năm”. Ông Dương Trung Quốc - một đại biểu Quốc hội lần họp nào cũng làm nóng dư
luận bằng các câu hỏi, hoặc trả lời báo chí thì cũng lo ngại, đề nghị: “đề nghị
khi thông qua dự án luật cần phải "bấm nút" riêng về quy định giao
đất 99 năm". “Liên quan tới việc dự kiến thời hạn giao đất tại các đặc khu
kinh tế có thể lên tới 99 năm, ông Đinh Khoa Toàn - chủ tịch UBND huyện Phú
Quốc, tỉnh Kiên Giang - cho rằng nếu chủ trương này thành hiện thực, Nhà nước
sẽ thiệt hại”. Trăm người mười ý, chỉ biết rằng giao đất đặc khu 99 năm đang là
vấn đề nóng nhất trong những ngày hè oi ả, ngột ngạt.
Các đại biểu
Quốc hội hãy nghĩ ngợi thật kĩ trước khi nhấn nút biểu quyết!
99 năm, hoặc
0 năm nào? Nếu mỗi đời cây gia phả là hơn 30 năm thì 99 năm là 3 đời trọn vẹn
của 3 thế hệ. 99 năm cũng là thời gian gần một thế kỉ. Chẳng ai biết sau thời
gian bãi bể nương dâu dài đằng đẵng ấy chuyện gì sẽ xảy ra? Lúc ấy, cháu chắt
mình sẽ sống ra sao? Lúc ấy, chúng sẽ nghĩ gì về ông, về cụ với ngón tay cái
nhấn nút Đặc khu? Thưa các vị nghị sĩ! Nhấn nút 1 quả tên lửa Tomahawk chỉ hủy
diệt một mục tiêu. Nhấn nút một quả bom hạt nhân, chỉ hủy diệt một thành phố.
Coi chừng nhấn nút Đặc khu thì rất có thể “cơ đồ đắm biển sâu”, nước mắt Mỹ
Châu rửa ngọc trai chẳng bao giờ sáng.
Có người con
người cháu cháu nào dám can ngăn cha mẹ, ông bà mình hãy khoan vội nhấn nút
trong lúc dầu sôi lửa bỏng này không?
Giao đất 99
năm, trong khi đó, doanh nghiệp nước ngoài đầu tư chỉ cần 10 năm, cùng lắm là
15 năm đã thu hồi vốn và lãi, sau đó là thời gian lãi ròng. Đất đai cũng là tài
nguyên, ngày càng hiếm. Đất đặc khu không phải chỗ nào cũng làm được, và nguy
cơ đất cho các hoạt động kinh tế, xã hội đang cạn kiệt. Chẳng khác gì cái chăn
hẹp, người này đắp kín đầu thì người kia hở chân. Một dự án có thể chỉ cần 30
năm là hết nhu cầu sản xuất, nhưng lại được cấp tới 99 năm, cũng có nghĩa là
doanh nghiệp khác mất cơ hội tiếp cận đất đai. Cơ hội cạnh tranh càng xa vời.
Ấy là chưa nói đến sau này kinh tế nước ta khá dần lên, có thêm nhiều doanh
nghiệp khủng muốn đứng chân ở quê hương thì không còn chỗ bởi 3 đặc khu chỗ
đẹp, chỗ tốt thì đã tràn ngập người nước ngoài. Nếu chỉ cho thuê 50 năm, thì
cháu chắt chúng ta mới có cửa để bước vào Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc.
Cách đây gần
40 năm, người Trung Hoa làm kinh tế đặc khu Thẩm Quyến, người Ả rập làm đặc khu
kinh tế Dubai, người Hàn làm đặc khu kinh tế Incheon. Có một sự thật không hề
chối cãi là cả hai nơi này đều thành công đến mức trở thành mẫu hình cho các
nước đang phát triển ước mơ, khát vọng và học tập. Tuy nhiên, thời đại cách mạng
4.0 với những bùng nổ về khoa học công nghệ đã khác xa với công nghiệp đại cơ
khí cách đây gần nửa thế kỉ. Kỹ thuật công nghệ cao, xây dựng thung lũng
silicon chẳng hạn, không cần đến những nhà máy đồ sộ chiếm đất chiếm không
gian. Chỉ những nước kém phát triển với nền công nghiệp gia công hay lắp ráp
thì mới cần đến đất đai, nhà xưởng lớn. Làm đặc khu theo cách Thẩm Quyến,
Dubai, Incheon là đi lại vết xe cũ người ta đã đi 40 năm trước. Ở nước Việt Nam
ta hiện nay đã qua thời kỳ kinh tế thị trường sơ khai. Không nên thu hút đầu
tư, trải thảm đỏ bằng mọi giá. Chúng ta đã có quá nhiều, thậm chí “bội thực”
các khu công nghiệp với hình thức gia công, lắp ráp là chủ yếu, tỉnh nào cũng
có. Làm 3 đặc khu kinh tế dường như mâu thuẫn với chiến lược phát triển “đi tắt
đón đầu”, và quên đi khát khao lớn nhất phù hợp với bước đi hội nhập toàn cầu
là thu hút đầu tư các ngành công nghệ cao như công nghệ thông tin, vũ trụ, sinh
học, tự động hóa,... không gây ô nhiễm môi trường... Rõ ràng là hoàn cảnh mới,
vận hội mới, việc giao đất rộng rãi quá mức và ưu đãi quá thể mời chào doanh
nghiệp nước ngoài đến đầu tư, để sử dụng đất giá rẻ, nhân công rẻ mạt không còn
phù hợp, chẳng còn quá cần thiết nữa.
Giao đất 99
năm thực chất là... nhượng địa. Từ bối cảnh cách mạng 4.0 “một ngày bằng 20
năm”, cái vừa phát minh sáng chế có thể trở thành lạc hậu sau vài năm, chúng ta
thử hình dung ai sẽ là người hồ hởi, hăng hái xốc tới và ăn dầm ở dề Đặc khu?
Doanh nghiệp, nhà đầu tư công nghệ cao không cần đất, và cũng chẳng cần đến 99
năm, thì ắt hẳn phải là những nhà đầu tư bất động sản, casino hoặc nhà đầu cơ
đất. “... chỉ những nước nghèo đói lạc hậu và hoang sơ mới cần đến, trong khi
có những quốc gia luôn thèm khát lãnh thổ tài nguyên của nước khác thì cái họ
cần không phải là lợi ích kinh tế mà là lãnh thổ, họ sẽ di dân đến và tìm mọi
cách ở lại, thậm chí chi phối chính trị, an ninh...” - Đại biểu Quốc hội Trương
Trọng Nghĩa đã cất tiếng nói đầy trách nhiệm như thế. Thực ra cái điều dư luận
quá ồn ào, nóng bỏng quan tâm đến Luật đặc khu là vấn đề địa chính trị. Ông
Dương Trung Quốc cũng nói: “Về địa chính trị, nhất là với khu Vân Đồn (Quảng
Ninh), không cẩn thận sẽ là nơi để di dân”. Người dân chúng ta lo lắng khi ba
đặc khu được hình thành và đi vào hoạt động, cùng với sản xuất kinh doanh sẽ có
một cuộc di dân ồ ạt.
“Nhượng địa”
99 năm. Có ai hình dung đến hình ảnh những đoàn người nước ngoài lũ lượt kéo
nhau đến sống và làm việc ở đặc khu? Doanh nhân nước ngoài đời này qua đời khác
cố thủ trong “căn cứ địa” và có toàn quyền quyết định trên diện tích đất được
thuê, họ chẳng làm gì thì quyền quản lý cần thiết của chúng ta có mất? Doanh
nghiệp sẽ như một tiểu vương quốc, bất khả xâm phạm, nếu như không có những
giàng buộc, những bộ luật khác điều chỉnh, quản lý? Cảm giác bất an khi có yếu tố
nước ngoài dày đặc ở Đặc khu, cảm giác bất trắc khi nghĩ đến chủ quyền lãnh thổ
là sự thật của nhân dân trong những ngày vừa qua. Đã có quá nhiều China town
trong lòng các quốc gia phát triển và đang phát triển như một mối lo ngại chính
đáng. Dư luận ầm lên về Luật Đặc khu, lo lắng, ông Dũng – Bộ trưởng bảo: Trong
luật không có chữ nào nói rằng cho Trung Quốc thuê. Vâng! Không luật nào cụ thể
như thế. Nhưng, trong thực tế, chẳng lẽ Mỹ, Anh, Pháp, Đức... sang Vân Đồn đóng
đồn?!
Thương cảng
Vân Đồn - bến đỗ của Đoàn thuyền lương Trương Văn Hổ ngày xưa và trận chiến
sông Mang trên đảo Quan Lạn của Trần Khánh Dư như một lời cảnh báo ngoại xâm
thường đến từ phương Bắc. Đừng vì cái lộng lẫy, choáng ngợp trước mắt của Đặc
khu, không vì cái ngọt ngào êm dịu của viễn cảnh Đặc khu mà quên lửa đang ủ từ
tay thích khách. Kết hợp kinh tế với an ninh quốc phòng lúc nào cũng là vấn đề
cốt tử của mỗi quốc gia chứ không chỉ Việt Nam ta. Có nhà quân sự, có ông tướng
nào cất tiếng nói về được – mất của an ninh quốc gia lúc này không? Có nhà Quân
sự nào cũng tham gia Ban Dự thảo Luật Đặc khu hãy lên tiếng giùm? Có nhất thiết
phải thành lập Đặc khu kinh tế?
các đại biểu Quốc hội hãy khoan vội nhấn nút!
các đại biểu Quốc hội hãy khoan vội nhấn nút!
99 năm là
một chính sách ưu đãi vượt trội, mời gọi đầu tư. Song có một điều quan trọng
hơn là chính sách ưu đãi phải thể hiện ở môi trường đầu tư. Sự thân thiện, nhân
ái, cởi mở, bộ máy chính quyền quản lý hoạt động có hiệu quả, thủ tục hành
chính nhanh gọn sẽ tạo nên môi trường đầu tư tốt. Hiện nay, với cái lối hành
doanh nghiệp, trên trải thảm đỏ dưới dải đinh thì 999 năm cũng khó chèo kéo
được nhà đầu tư.
Chúng ta
bước vào nền kinh tế thị trường đã gần 30 năm nay, nhưng vẫn còn bất cập, lúng
túng. Một tỉnh, một huyện đã quá quen thuộc, cũ mòn, mà cán bộ lãnh đạo quản lý
địa phương mình còn chật vật, nhiều nơi ngân sách trung ương phải hỗ trợ, huống
hồ lãnh đạo quản lý đặc khu mới tinh với nhiều thành phần kinh tế nước ngoài
phức tạp? “Bỏ con săn sắt bắt con cá chép”, nhưng rồi cá bé cá to cũng chẳng
bắt được. Thái Lan sản xuất phở Việt Nam, đóng thành hộp đổ nước sôi vào chỉ 2
phút là ngào ngạt hương vị Bát Đàn, xuất sang Mỹ giá 5USD một hộp. Nước mắm Phú
Quốc là đặc sản, thương hiệu nổi tiếng cũng bị người Thái chiếm mất. Rồi còn
bao nhiêu thứ mồ hô nước mắt của nông dân làm ra không được bảo hộ thương hiệu.
Đến thế kỉ thứ 21 rồi mà nông sản vẫn còn mùa màng thất thường phụ thuộc vào
thời tiết, bị động trước người láng giềng phương Bắc. Khí hậu, thị trường hắt
hơi sổ mũi một cái là ế ẩm nông sản, không bán tống bán tháo thì cũng đổ ra
đường. Những điều nhỏ nhặt như thế mà còn không làm nổi, sao cứ nghĩ đến những
cái kì vĩ lớn lao. Liệu có phải quá mơ hồ, hoang tưởng, viển vông?
Chúng ta
chưa bao giờ làm đặc khu kinh tế. Ông Uông Chu Lưu – Phó chủ tịch Quốc hội nói
rằng: "Đây là vấn đề mới, khó, nhiều chính sách đang thử nghiệm, vì vậy
cũng phải xác định là vừa làm vừa rút kinh nghiệm". Thể nghiệm thì chỉ cần
làm 1 đặc khu, Phú Quốc chẳng hạn, đã cấp thiết cùng một lúc làm 3 đặc khu
không? Thể nghiệm thì có thể thành công, có thể thất bại. Chẳng có điều gì chắc
chắn cả. Làm Đặc khu thành công hay thất bại cũng chưa lường hết được. Nhưng,
coi chừng làm đặc khu như dọn ổ..., không đón được phượng hoàng, mà rắn rết độc
chui vào lót ổ trước. Chúng ta chưa dọn ổ mà Phú Quốc đã đầy nhóc các nhà đầu
tư. Thông qua Luật, thêm nhiều ưu đãi nữa, coi chừng đem lương thực nuôi phượng
hoàng không nuôi lại nuôi chim sẻ, chim ri và rắn độc? Vì thế phải hết sức thận
trọng khi quyết định làm đặc khu. 99 năm hay 0 năm nào? Rất nên cẩn trọng!
Chúng ta đã chậm làm đặc khu kinh tế, đằng nào cũng đã chậm rồi, cần thêm thời
gian để chuẩn bị, để nghĩ ngợi, cân nhắc cũng chẳng sợ mất thời cơ. Vả lại,
nhiều nước không làm đặc khu cũng vẫn phát triển, tiến bộ, văn minh.
Cẩn trọng
cũng không thừa!
Xin các đại biểu Quốc hội hãy khoan vội nhấn nút!
Xin các đại biểu Quốc hội hãy khoan vội nhấn nút!
Chúng ta đã
đào gần hết mỏ dầu, mỏ than,... Còn ít đất đai, chúng ta bán hết, cho thuê hết
thì con cháu chúng ta còn cái gì để định đoạt tương lai? 99 năm đằng đẵng 1 thế
kỉ là mấy thế hệ! Có những cái chúng ta quyết định vì sinh mệnh chúng ta, những
cũng có việc đừng quyết định thay con cháu. Hãy để chúng quyết định tương lai
của mình.
SƯƠNG NGUYỆT
MINH.