Biểu tình ở TPHCM hôm 10/6 |
Trả lời phỏng vấn của BBC, linh mục Phan Văn Lợi cho
biết ông phản đối luật An ninh mạng vì luật này xâm phạm 3 quyền của người
dân và gây 5 hậu qủa tác hại cho đất nước.
Hôm 10/6, Linh Mục Phan Văn Lợi phổ biến trên trang
Facebook của ông một áp phích (poster), liệt kê 5 hậu qủa của luật An ninh
mạng, nếu được thông qua.
Cùng ngày, Linh Mục Nguyễn Văn Lý gửi một email kêu
gọi mọi người tiếp tục biểu tình phản đối hai dự luật Đặc khu và An ninh
mạng.
BBC Tiếng Việt phỏng vấn Linh Mục Phan Văn Lợi để tìm
hiểu quan điểm của Giáo hội Công giáo Việt Nam về dự luật này.
BBC: Thưa linh mục,hôm 10/6, Linh Mục Nguyễn Văn Lý gửi
một email kêu gọi mọi người tiếp tục biểu tình phản đối hai dự luật Đặc khu
và An ninh mạng. Riêng linh mục cũng phổ biến những poster tỏ ý phản đối dự
luật An ninh mạng. Vậy đó có phải là quan điểm của Giáo hội Công giáo Việt
Nam?
LM Phan Văn Lợi: Theo như tôi biết thì email gửi
đi chỉ là một hoạt động riêng của Linh Mục Lý, vì ông không nằm trong cơ cấu
điều hành của giáo hội Công giáo.
Nằm trong ban điều hành của giáo hội công giáo thì
phải là hàng Giám Mục của Hội Đồng Giám Mục hay nằm trong uỷ ban thí dụ như Uỷ
ban Công Lý Hoà Bình vừa mới ra một cái thư về luật Đặc khu đấy.
Còn tôi thì có làm một cái poster trong đó nói lên 5
hậu qủa tác hại của luật An ninh mạng, nhưng đây là cái suy nghĩ của riêng
tôi như là một linh mục, mà cũng là của một người tha thiết với những vấn đề
của quê hương đất nước.
Tôi đã phổ biến poster này từ hôm qua lên Facebook,
gửi qua email các nhà đấu tranh dân chủ trong nước cũng như những linh mục bạn
của tôi, nói chung phổ biến khá nhiều rồi.
BBC: Theo linh mục thì người dân hay giáo dân có hiểu nhiều
về luật An ninh mạng và tầm ảnh hưởng của nó nếu dự luật này được thông qua
không?
LM Phan Văn Lợi: Nhiều giáo dân cũng chia sẻ với
tôi băn khoăn của họ về luật An ninh mạng. Thứ nhất họ băn khoăn là vì ở Việt
Nam này tất cả những cái mạng điện thoại di động đều bắt người ta phải đăng
ký, phải khai tên tuổi, phải có chứng minh nhân dân, phải chụp hình nữa.
Cái đó khiến họ thấy một sự theo dõi ngày càng chặt
chẽ của chính quyền đối với tất cả mọi người. Còn đi sâu nữa vào luật An ninh
mạng thì có lẽ chỉ có những người lật những trang web đọc những bài viết về
luật này thì họ mới thắc mắc.
BBC: Linh mục có cách nào để giải thích về luật này một
cách rất bình dân để ai cũng có thể hiểu được không? Hỏi cách khác, linh mục
thường giải thích về luật này với giáo dân như thế nào?
LM Phan Văn Lợi: Theo định nghĩa thông thường của
các quốc gia thì luật An ninh mạng là luật làm ra để bảo vệ an ninh ở trên
mạng cho người dân, chính quyền, hay cho những tổ chức. Tức là luật này chống
sự xâm nhập của các hacker, của những kẻ lên mạng để tìm những cái mã số hay
thông tin cá nhân của người khác để mà lợi dụng hay làm bậy. Nhưng luật An
ninh mạng ở Việt Nam này thì hoàn toàn ngược lại. Nó là luật của đảng cộng
sản, của một chế độ độc tài đảng trị luôn luôn băn khoăn về cái chuyện phải
kiểm soát người dân về mọi phương diện.
Thành ra với tôi luật An ninh mạng của Việt Nam nó
xâm phạm 3 quyền.
Thứ nhất là nó xâm phạm quyền riêng tư, do cái việc
nhà cung cấp mạng phải xác thực thông tin người dùng, và cung cấp nó cho cơ
quan chấp pháp khi có yêu cầu, mà không qua toà án. Như vậy thì cơ quan chấp
pháp có quyền yêu cầu thông tin cá nhân bất cứ lúc nào, mà không cần phải chứng
minh là người đó có vi phạm pháp luật hay là không. Đó là xâm xâm phạm quyền
riêng tư của cá nhân.
Thứ hai, luật An ninh mạng này xâm phạm quyền tự do
ngôn luận, khi nó buộc nhà cung cấp dịch vụ mạng phải xoá thông tin đăng tải
trên mạng, những thông tin mà cơ quan chấp xác định là xấu và phải xoá đi trên
tài khoản người dùng, theo yêu cầu của họ, nhưng cùng một lúc lại phải đưa các
thông tin đó cho công an. Trong khi đó thì các thông tin bị cho là xấu này được
liệt kê rất mơ hồ. Ở tại Việt Nam này, những tội gọi là phản động, là chống
lại chính quyền đều là rất mơ hồ, để nhà cầm quyền muốn diễn giải sao cũng được
cả.
Thứ ba, luật An ninh mạng này xâm phạm, hay nói đúng
hơn cướp đi quyền sử dụng internet của người dân. Khi mà nhà cung cấp dịch vụ
mạng phải không được cung cấp hay phải ngừng cung cấp dịch vụ internet cho
những cá nhân đăng tải lên mạng những thông tin mà nhà chức trách cho là thông
tin xấu theo luật. Như vậy thì sao? Chỉ cần nhà chức trách cho là một cá
nhân hay một tổ chức đăng những tin xấu tin độc thì họ sẽ bị mất quyền sử
dụng internet.
BBC: Thế còn những hậu qủa tác hại của luật An ninh mạng
theo linh mục là gì?
LM Phan Văn Lợi:Luật An ninh mạng đưa đến 5 hậu
qủa rất nguy hiểm. Thứ nhất, nhà nước sẵn sàng bịt miệng và bỏ tù tất cả những
ai dám lên tiếng cho sự thật, đeo đuổi công lý.
Hậu quả thứ hai là luật An ninh mạng này sẽ làm cho
sự phát triển đất nước và an ninh quốc gia bị tác hại, bởi vì người ta sẽ không
còn cái quyền nói sự thật, và khi nhà cầm quyền không nghe sự thật, thì sẽ
không biết cách để mà quản lý đất nước và điều hành xã hội, và người dân không
biết sự thật thì mọi sự sẽ đảo lộn vì sự dối trá.
Hậu quả thứ ba là khi nhà cầm quyền gây khó khăn cho
những trang mạng xã hội như Facebook, Google, làm cho họ phải bị giới hạn này
nọ, thì những cái giá trị cao đẹp của nhân loại, của thế giới văn minh sẽ bị
chặn đường đi vào Việt Nam. Chúng ta ai cũng biết bây giờ internet là cái xa
lộ thông tin, là cái kênh chuyển tải tất cả mọi điều xấu tốt của nhân loại, nhưng
mà đó là một cái kênh cần thiết để mọi người có thể đón nhận những gía trị
tốt đẹp từ mọi nơi hay biết về những cái xấu mà tránh.
Hậu quả thứ tư là khi mà các những trang mạng của thế
giới văn minh bị gây khó khăn khiến họ phải quyết định rút lui, thì những trang
mạng của Trung Quốc như Weibo chẳng hạn, sẽ có cơ hội vào Việt Nam. Nhưng đó
không phải là trang mạng mà là những trang kiểm soát mạng. Không phải là trang
mạng xã hội mà là trang kiểm soát người dân như hàng tỉ người Trung Quốc đang
bị nhà cầm quyền Bắc Kinh kiểm soát.
Hậu quả thứ năm cũng là hậu quả ghê gớm nhất là nhà
cầm quyền có thể ung dung gây ra tội bán nước, dâng đất, mà không hề bị ai
chất vấn, bởi gì người ta không biết. Hay có biết thì cũng không có cách nào để
bày tỏ sự phản đối, hay để thông báo cho nhau như người ta vẫn đang làm trên
các trang mạng xã hội cho đến giờ.
BBC: Nói tóm lại theo linh mục thì đó là những lý do khiến
ông phải lên tiếng yêu cầu quốc hội phủ quyết dự luật này?
LM Phan Văn Lợi: Đúng như vậy. Luật này sẽ được
bỏ phiếu ngày 12/6. Theo tôi ngày nào dự luật này được thông qua, ngày đó là
ngày thảm hoạ của Việt Nam.
BBC: Ngày mai là ngày 12/6 rồi. Theo linh mục thì quốc hội
liệu sẽ có thông qua dự dự luật này không?
LM Phan Văn Lợi: Cái đó thì phải chờ đợi thôi. Kể
ra thì trong hai tuần nay đã có không biết bao nhiêu là bài viết phân tích ở
trên mạng về những tai hại của luật An ninh mạng.
Những người viết những bài viết đó ai cũng mong rằng
các đại biểu có đủ sự sáng suốt và sự khôn ngoan để thấy được những tác hại bộ
luật này sẽ gây ra, trước nhất là cho tổ quốc, cho người dân và cuối cùng là
cho chính nhà câm quyền.
Người ta đã làm những gì có thể làm và bây giờ chỉ còn
cách là chờ thôi.