24 août 2018

Nguyễn Trung - Bối cảnh của khu vực và đòi hỏi của đất nước hôm nay không có chỗ đứng cho 3 đặc khu kinh tế.


Nguyễn Trung
Trong thư ngỏ ngày 08-06-2016 gửi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và toàn thể Bộ Chính trị, tôi đã trình bầy các lý lẽ nên hoãn, tốt nhất là nên hủy bỏ dự án về 3 đặc khu kinh tế. Tham gia tọa đàm của CODE hôm nay với chủ đề “xây dựng luận cứ khoa học cho dự án ba đặc khu kinh tế”, tôi xin trình bầy thêm một số ý kiến bổ sung sau đây.


BỐI CẢNH KHU VỰC:

Trong khu vực châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng, đặc khu kinh tế theo như mô hình nêu trong dự án đã trình Quốc hội ngày nay đã trở nên lỗi thời.
Trong quá trình làm dự án 3 ĐKKT của ta, đặc khu Thâm Quyến được ca ngợi (đúng và sai) hết lời, và được coi như hình mẫu chủ yếu để biện minh cho lý lẽ ra đời 3 ĐKKT của VN. Song trong quá trình lập luận, nhiều chi tiết rất quan trọng đã bị bỏ qua. Trước hết, đặc khu Thâm Quyến ra đời năm 1980, lúc đó TQ mới có 2 năm cải cách kinh tế (bắt đầu năm 1978) nên có rất nhiều bỡ ngỡ và khó khăn ban đầu. Hơn nữa, Thâm Quyến có khu tô nhượng Hongkong rất phát triển ngay sát nách làm chỗ dựa. Trên thực tế những thập kỷ ban đầu Thâm Quyến là một khu kinh tế chủ yếu phục vục (hay khai thác) nền kinh tế Hongkong để tồn tại và phát triển. Thực tế này hôm nay về cơ bản vẫn như vậy. Nói cách khác, không có Hongkong ngay sát nách, Thâm Quyến chắc chắn không tồn tại được. Dẫn chứng cụ thể là đồng thời ra đời với Thâm Quyến còn 3 đặc khu nữa được xây dựng tại các vùng khác nhau của TQ, song cả 3 đặc khu này đều chết yểu – vì TQ chỉ có 1 Hongkong!
Trong vòng 3 – 4 thập kỷ nay, tôi chưa tìm thấy ở đâu trên thế giới một đặc khu kinh tế nào thành công theo kiểu Thâm Quyến, ở châu Á càng không, kể cả ở Châu Mỹ Latinh. Thậm chí phần lớn những ĐKKT đã ra đời trong những thập kỉ trước đây hoặc đã thất bại, hoặc ngày nay đều phải biến dạng thành những cái gì khác, hoặc không còn tồn tại nữa. Đơn gỉản vì mô hình ĐKKT đã hoàn toàn lỗi thời.
Trong khi đó tại một số nước phát triển thường có một số đặc khu hay tiểu vùng có những phát triển đặc thù cho những sản phẩm riêng rất đặc thù của nó. Ví dụ, đấy là những thành phố, vùng, hay khu vực của công nghiệp nhẹ, của công nghiệp nặng, sản phẩm dệt, sản phẩm công nghiệp hóa chất, sản phẩm công nghiệp tin học, sản phẩm thực phẩm hay đồ uống cao cấp, đặc khu dịch vụ tài chính, v… v… hoặc rất độc đáo như là cái nôi của phát triển công nghệ mới như thung lũng Silicon Valley – Hoa Kỳ… Song tất cả những nơi này, rất phát triển, rất đặc thù, dựa trên sự phát triển chung của quốc gia của chúng, và không mảy may có bất kỳ cái gì liên quan đến những vấn đề như chúng ta đang bàn về 3 đặc khu kinh tế như đang định xây dựng ở nước ta!
Trong thập kỉ 2010s TQ đã xây dựng xong đặc khu kinh tế Sihanouk Ville, đặc khu kinh tế Botèn – Lào. Xin mời lên mạng, tốt hơn nữa xin mời đến khảo sát thực địa, để tận mắt hiểu biết thực trạng và rút ra cho nước ta những kết luận mất / còn vô cùng cần thiết phải rút ra. TQ đang muốn xây nhiều đặc khu như thế ở Myanmar, ở Nepal, ở Bhutan, ở Sri Lan Ka.., song đang bị nhân dân các nước này phản đối quyết liệt. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói dự án 3 ĐKKT của chúng ta không có một chữ nào nói đến TQ không thuyết phục được nhân dân ta.
Sự phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0 chẳng những mang lại công nghệ mới trong sản xuất, trong liên kết và kinh doanh.., xây dựng nên những mạng dịch vụ chưa từng có, tạo ra những kết cấu, cấu trúc mới của các loại chuỗi cung / ứng / dịch vụ, những công cụ và phương thức mới trong huy động – phân bổ các nguồn lực , vòng đời của sản phẩm thời CMCN 4.0 ngày càng ngắn và càng sớm bị thay thế, vân vân… Có thể kết luận: CMCN 4.0 loại bỏ gần như hoàn toàn mô hình các đặc khu kinh tế như nước ta đang thiết kế và dự định hình thành.
Trước chính quyền Mĩ, giới quốc phòng và nghiên cứu Mĩ chính thức nhận định TQ trên thực tế (de facto) đã chiếm và quân sự hóa xong Biển Đông, những hoạt động quân sự của TQ trên Biển Đông ngày càng gia tăng về tần suất, cường độ và tính nguy hiểm, trực tiếp uy hiếp các nước chung quanh và khu vực.., thực tế này chỉ có thể giải quyết được bằng chiến tranh. Đạo luật ngân sách quốc phòng Mĩ năm 2018 (NDAA, 716 tỉ USD) bao gồm cả những vấn đề phải xử lý liên quan đến việc TQ chiếm đóng trái phép Biển Đông. Đáp lại Tập Cận Bình tuyên bố TQ quyết bảo vệ từng tấc đất tổ tiên để lại – mặc dù theo lịch sử TQ và theo UNCLOS 1982, cũng như theo phán quyết 12-07-2016 của Tòa Trọng tài quốc tế, tất cả đều xác định rõ ràng TQ không có lãnh thổ và lãnh hải là Biển Đông. Hành xử của TQ đang đặt ra những thách thức rất nghiêm trọng cho toàn khu vực cũng như đối với chủ quyền, sự toàn vẹn lãnh thổ, an ninh và quốc phòng của nước ta. Bối cảnh này của khu vực không cho phép 3 ĐKKT như đang dự định được tồn tại ở nước ta, dù chỉ một ngày.

ĐÒI HỎI CỦA NƯỚC TA HÔM NAY 

Các số liệu thống kê của các cơ quan Liên Hiệp Quốc (UNIDO, UNCTAD, UNDP…) và các thể chế WB, IMF, ADB… cho thấy trong khoảng 30 năm công nghiệp hóa hiện đại hóa (1986 – 2018) khối lượng của cải huy động cho sự nghiệp này (input) của Việt Nam tính theo đầu người vượt quá gấp đôi input này của Hàn Quốc trong thời kỳ CNH-HĐH 1960 – 1988. Song sự nghiệp CHN – HĐH của Việt Nam thất bại, hiện nay vẫn chỉ là một nước có công nghiệp gia công là chủ yếu. Trong khí đó Hàn Quốc thành công, và hôm nay phát triển lên là thành viên của nhóm G20.
Hiện nay VN xếp hạng rất cao trong nhóm nước đứng đầu thế giới vê thu hút FDI và ODA tính theo đầu người. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của VN vượt 200 GDP của VN, nghĩa là độ mở trong kinh tế đối ngoại của VN cũng rất cao và thuộc top của thế giới. Hệ thống luật pháp liên quan đến kinh tế đối ngoại và thu hút FDI của VN có thể nói là hoàn chỉnh và có khả năng cạnh tranh rất cao trong khu vực cũng như so với nhiều vùng khác trên thế giới. Nguồn lực trong nước rất lớn và đã được huy động ở mức độ cao. Đồng thời nguồn lực đất đai tài nguyên, khoáng sản, môi trường… rất to lớn của đất nước đã được huy động đến mức cạn kiệt. Hiện nay VN đã có 124 khu công nghiệp và khoảng 20 khu kinh tế các loại khác đi vào hoạt động từ 2 thập kỷ nay, song trung bình mới chỉ lấp đầy được khoảng 50% diện tích mỗi khu. Hiện vẫn còn gần 100 KCN dở dang từ hàng chục năm nay. Trong khoảng 2 thập kỷ nay VN còn thu được khoảng trên dưới 200 tỷ USD kiều hối các nguồn… Song toàn bộ những nguồn lực mọi dạng rất to lớn này không làm nên được một nước Việt Nam công nghiệp, vẫn chỉ tạo ra một nước có thu nhập trung bình thấp, có năng suất lao động chỉ cao hớn Lào, Campuchia và Myanmar một chút, kết cấu hạ tâng thiếu thốn, công nghệ của toàn bộ nền kinh tế lạc hậu, chủ yếu thuộc thế hệ 4 và 3 (nghĩa là trong khi thế giới đã bước vào CMCN 4.0, nước ta vẫn đang ở trình độ “công nghệ 4 không chấm”).
Nguyên nhân của tình trạng nêu trên không phải là VN thiếu sức kéo hay lực đẩy từ bên ngoài, nếu như không muốn nói trong 3 thập kỷ vừa qua VN đã huy động một nguồn lực cực kỳ lớn cho sự nghiệp công nghiệp hóa, ít quốc gia đang phát triển nào ở thời kỳ khởi nghiệp trên thế giới hôm nay dám mơ tới. Chiến lược hoàn thành CNH – HĐH của nước ta vào năm 2020 coi như thất bại.
Nguyên nhân gốc của thất bại nêu trên là trong suốt 3 thập kỷ CNH – HĐH vừa qua Việt Nam không đặt ra và vì thế đã thất bại trong việc xây dựng một thể chế chính trị và một hệ thống quản lý quốc gia để vận hành đất nước mà sự nghiệp CNH-HĐH đất nước đòi hỏi. Hệ quả là nguồn lực to lớn trong tay bị lãng phí, hủy hoại. Đồng thời tệ nạn tham nhũng tiêu cực đã triệt tiêu nội lực, bóp nghẹt khả năng tích tụ và phát huy nội lực. Ngày hôm nay động lực phát triển kinh tế của VN chủ yếu vẫn phải nhờ vào FDI cho kinh tế gia công và xuất khẩu.
Trong hiện trạng của đất nước như đã trình bầy trên, không có một lực kéo nào từ bên ngoài – dù là 3 hay 30 ĐKKT như đang dự định – có thể xoay chuyển được xu thế phát triển hiện nay của VN. Thậm chí phải nói, trong tình hình nội trạng đất nước như hiện nay, càng thêm lực kéo từ bên ngoài, kinh tế đất nước càng phải dựa vào lực bên ngoài mà sống, mà phát triển; mọi hệ quả lệ thuộc và phụ thuộc sẽ còn trầm trọng hơn hiện nay, quyền lực mềm TQ càng có đất màu mỡ để trở thành rừng rú!
Đòi hỏi chiến lược của VN hôm nay không phải là tăng thêm lực kéo từ bên ngoài như dự án 3 ĐKKT đang hướng tới, chưa nói đến 3 ĐKKT như đang thiết kế trong tình hình thực tế của quốc gia và của khu vực hiện nay còn chứa chấp những mối nguy khó lường vượt ra ngoài khả năng kiểm soát rất yếu kém hiện nay của đất nước, và do đó không được phép tồn tại trên nước ta, dù là một ngày!
Đòi hỏi chiến lược của Việt Nam hôm nay, nhất là trong tình hình nóng bỏng hiến nay của khu vực và trên thế giới, là phải mau chóng khắc phục nguyên nhân gốc nói trên, để giải phóng và phát huy nội lực./.

Nguyễn Trung

Hà Nội, 17-08-2018