Trúc Giang
(VNTB)
Nhân có một ông/ bà biên tập viên tờ nào đó dám kể chuyện bếp núc trên Việt Nam Thời Báo hôm 14-8 [http://bit.ly/2P0j7ZD], để xả xì trét và cũng mong bạn đọc xa gần chia sẻ dùm chuyện ‘hèn đại nhân’ của cánh nhà báo xã hội chủ nghĩa, tôi xin góp đôi chút nỗi lòng…
Phóng viên, nhà báo. Ảnh minh họa. |
Cách đây mấy hôm Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự hội nghị mời gọi đầu tư ở thành
phố Cần Thơ. Nhiều tờ báo ‘lề phải’ đã giật tít kiểu bốc thơm “Thủ tướng: Cần
Thơ phát huy tinh thần 'nói thật làm thật'”. Thế nhưng ít ai biết rằng tại hội
nghị này, ngoài VTV Cần Thơ và phân xã Cần Thơ của Thông tấn Việt Nam, thì các
phóng viên báo chí chỉ được dự 15 phút phần nghi thức mở đầu, sau đó thì được
‘mời ra phòng ngoài’ để dự tiếp hội nghị qua hai màn hình, giống như mấy phiên
tòa xử tù chính trị, chỉ khác là có thêm bánh trái, trà nước và phần âm thanh,
hình ảnh có tốt hơn.
Hôm đó, tôi chịu trách nhiệm ngồi ở tòa soạn trực tin của phóng viên dự hội nghị từ Cần Thơ gửi về. Lệ thường, cạnh tranh giữa các báo điện tử ‘lề phải’, phóng viên sẽ gửi nhanh bản tin thô tường thuật tại chỗ. Người trực tòa soạn sẽ dặm ‘mắm - muối - bột ngọt’ để lên trang.
Khá bất ngờ,
phóng viên dự hội nghị hôm đó với Thủ tướng gửi tin về là báo chí bị mời ra
ngoài, nên chỉ có mỗi bài phát biểu khai mạc của ông chủ tịch thành phố thôi. Sở
dĩ dùng từ ‘khá’, vì khi vào ca trực làm tin cho ông bạn đang tác nghiệp xứ Tây
Đô, tôi chờ đợi nhất tin tức về sự góp mặt cùng các ý kiến bên lề của những nhà
đầu tư đến từ Châu Âu, vì lâu nay Cần Thơ kiên quyết phản đối nhiệt điện than của
Trung Quốc. Còn mấy ông chủ phương Tây vốn khoái đầu tư năng lượng sạch cho Cần
Thơ.
Tay chủ tịch Cần Thơ hồi còn là sinh viên khoa Lịch Sử của Đại học Tổng hợp TP.HCM (còn tôi học khoa Văn) khá cấp tiến, khoái chơi với tư bản hơn là Liên Xô; và bét lắm thì cũng phải Đông Đức. Đó là cái thời bao cấp vừa chuyển qua chế độ giá – lương – tiền của thập niên 80 thế kỷ trước
Có lẽ cái gì liên quan tới ông bạn 16 vàng đều là nhạy cảm, nên tiếng là hội nghị công khai mời gọi đầu tư, nhưng báo chí lại được mời ra ngoài ngồi ăn bánh, uống nước. Chắc sếp lớn của Cần Thơ ngại Tuyên giáo sau này làm khó dễ các nhà báo khi nhỡ trong cơn bức xúc, và biên tập cũng dằn lòng không đặng nếu có ông bà báo chí nào đó tường thuật với những chi tiết bên lề ‘nhạy cảm’...
Cũng nói
thêm, hội nghị gói gọn trong buổi sáng, và kết quả khi kết thúc hội nghị là những
tấm hình chụp trao giấy chứng nhận đầu tư cho 10 dự án. Chẳng biết hội nghị đã
bàn và có đưa được những chính sách gì mới mẻ hay không? Và cũng chẳng có hình ảnh
nào trên báo chí chụp những nhà đầu tư xứ mô đang hiện diện ở buổi sáng mời gọi
đầu tư ấy của Cần Thơ.
Nói thêm, hội nghị này tổ chức ở khách sạn Mường Thanh, và nghe đâu tài trợ toàn bộ chi phí là một tập đoàn bất động sản đến từ miền Bắc. Doanh nghiệp mạnh thường quân đó nhận 2 trên tổng số 10 giấy chứng nhận đầu tư (đã nói ở trên!).
Đến đầu giờ chiều, ông bạn phóng viên nhắn tin về báo là có cuộc họp giữa tổ công tác chính phủ với thành phố Cần Thơ. Mỗi tờ báo cũng chỉ được cử một phóng viên vào dự kiểu chụp hình đủ để đưa tin, sau đó được mời ra ngoài. Vụ này thì quả tình mới là câu chuyện đáng bàn nhất, vì đây là buổi làm việc liên quan đến chuyện Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký một nghị định mang số 103 hôm 7-8, trao cho Cần Thơ một số thẩm quyền về cơ chế tài chính, đầu tư.
Liệu Cần Thơ
có sẽ là một ‘thủ phủ tự trị’ với vai trò là “thủ đô miền Tây”, như nhiều người
tin rằng đó là câu chuyện mà Nghị định 103/2018/NĐ-CP [tải về tại
http://bit.ly/2nzPXnv] muốn xa gần đề cập tới?
Rồi đến hôm 13-8, người viết lại vào ca trực tòa soạn. Anh chàng phóng viên trẻ từ Hà Nội gửi về dòng tin ngắn ngủn, vì biết có đưa bài dài đi nữa chẳng ai dám duyệt đăng: “Hôm nay 13-8 gần 200 ủy viên trung ương tham dự lớp bồi dưỡng cập nhật kiến thức. Lớp kéo dài đến cuối tuần tại một biệt thự ở thủ đô”. Nghe nói lớp bồi dưỡng đó có mặt tay chủ tịch xuất thân là dân khoa Lịch Sử đã nói ở trên.
Cũng trong
ngày 13-8, bộ phận văn thư chuyển lên tòa soạn thư mời ra mắt một hãng hàng
không tư nhân. Giở thư ra, một phóng viên thuộc ban kinh tế hí hoáy soạn liền bản
tin trên máy tính và chuyển trong hộp thư nội bộ: “Nợ phải trả của FLC là
17.600 tỷ đồng, với 14.364 tỉ nợ ngắn hạn. Nợ chúa chổm nhưng 18.8 FLC ra mắt
hàng không băm bô. Thiệp đã đến tay các lãnh đạo. Nhân tài”.
Tôi hiểu anh chàng phóng viên này đang chơi ngông, vì đăng báo kiểu ‘báng bổ Tuyên giáo” đó thì cứ coi gương ông nhà báo lão làng ở tờ Tuổi Trẻ thì biết ngay đá vàng.
Trước khi rời ca trực để về nhà, ban truyền hình gửi lên clip “Vĩnh biệt một người Hèn vĩ đại!”. Ối giời, clip này mà dũng cảm đăng ‘lề phải’ thì phận hèn mọn như tôi không còn cháo để mà húp.
À, còn một tin hậu trường nữa kể luôn vì có liên quan đến chuyến vi hành miền Tây của ngài Thủ tướng. Trước hôm ngài Thủ tướng về khai mạc hội nghị mời gọi đầu tư ở Cần Thơ, ông đã cầm chịch một hội nghị mời gọi đầu tư ở thành phố Mỹ Tho của tỉnh Tiền Giang. Hội nghị kết thúc sớm 30 phút. Khách khứa vào dự tiệc chiêu đãi. Đồng nghiệp báo Ấp Bắc bỏ nhỏ với cánh báo chí từ Sài Gòn: để ý nhé, tất cả nhân viên phục vụ nhà hàng bữa nay toàn là công an không đó.
Một nhà báo là dân Bến Tre cà rỡn: 5 phút nữa không dọn ra, tui ra ngoài ăn hủ tíu gỏ à nghen! Rất nhanh, một vị trung niên lịch sự bước đến xin lỗi, và thú thiệt với nhà báo là dù tập dợt cả tuần rồi, nhưng do mấy em yếu nghiệp vụ nên chậm… Xin nhà báo bỏ qua.
Vị trung
niên này chính là phó giám đốc công an tỉnh Tiền Giang.
Xem ra khi đi ăn tiệc, cũng nên giữ mồm, giữ miệng! - / -