Mac Văn Trang
Hoàng Minh Tường(phải) và Mạc Văn Trang |
Tôi được nhà văn Hoàng Minh Tường tặng cuốn tiểu thuyết mới xuất bản, 2018, 465 trang, khổ 22x18cm, với cái tên là lạ “NHỮNG MẢNH RỒNG”. Lạ nữa là do nhà XB Edition VIPEN tại CHLB Đức xuất bản, phát hành tại Đức và EU... Đọc vào mươi trang thì hiểu rằng cuốn Tiểu thuyết không thể XB được ở trong nước, nơi “bên thắng cuộc” ngự trị; cũng không thể XB tại Hoa kỳ, nơi đông người Việt “thua cuộc” tị nạn...
Cuốn NHỮNG MẢNH RỒNG” cũng như số phận các nhân vật chính của nó, già, trẻ, nam, nữ có cả, muốn vượt lên trên nỗi đau chia rẽ dân tộc, khép lại đau thương, hận thù quá khứ, để cùng nhau hợp lực xây dựng một nước Việt mới, hùng cường, văn minh... Nhưng những tấm lòng yêu nước sáng trong ấy, bị truy sát giữa 2 làn đạn, bị quy chụp, nghi ngờ, nhục mạ... từ cả hai phía! Thật là bi kịch của dân tộc, của giống nòi!
Ngay vào đầu câu chuyện, tác giả đã kể về một ngày 30 tháng 4 ở Little Sài Gòn, quận Cam, cộng đồng người Việt kỷ niệm ngày “quốc hận”; sau mit tinh nghe những lời kêu gọi “phục quốc”, đoàn người giương cờ vàng 3 sọc đỏ diễu hành...Giữa lúc đó 2 sinh viên gốc Việt: Nguyễn Hải Hành và David Bùi, giương 2 lá cờ do các anh sáng tạo, gồm một giải đỏ bên trên, giải xanh ở giữa, có ngôi sao và giải vàng ở dưới, thể hiện sự kết hợp 3 lá cờ xuất hiện ở Việt Nam trước 1975, hòa làm một. Hai sinh viên hăm hở chạy ra, vẫy cờ và hô vang lời kêu gọi “Việt Nam là một”, “Việt Nam thống nhất muôn năm”! Nhưng hai anh bị đám người “phục quốc” la hét là “Việt cộng” và đánh cho tơi tả. May có cô sinh viên Ngô đoan Diễm cùng nhà báo Vũ Bảo Huy kịp gọi cảnh sát đến giải nguy, đưa vào bệnh viện cấp cứu... Những người thân, bạn bè của hai nạn nhân gặp nhau, rồi từ đó cứ móc nối, mở rộng mãi câu chuyện về số phận những người Việt tha hương với bao cảnh ngộ éo le, bi thương... Họ đều nặng lòng nhớ về quê hương đất nước, nhưng với những nỗi niềm, ẩn ức riêng tư, thăm thẳm...
Câu chuyện gợi cho ta thấy, dân tộc Việt, dòng giống “Tiên Rồng” bị xé nát ra thành “NHỮNG MẢNH RỒNG” để cắn xé nhau, nồi da xáo thịt lẫn nhau và làm suy yếu giống nòi... Tất cả, qua hồi tưởng lịch sử từ “Hận sông Gianh” đến những số phận của các nhân vật qua từng cuộc chiến, từng cảnh ngộ lịch sử, làm xót xa, nhức nhối lòng người...
Hoàng Minh Tường với vốn sống phong phú lạ thường, chuyện trong nước đã đành, chuyện xảy ra ở Mỹ, ở Ba lan, Nga, Tiệp, Đức...cứ như anh đã và đang sống ở những nơi này cùng các nhân vật trong tiểu thuyết. nhờ vậy, anh bao quát được “Những mảnh rồng” sống động thời hiện đại, hướng hy vọng đến tương lại...
Thông điệp của cuốn sách xem ra quá “sâu nặng”, nhưng được chuyển tải qua các nhân vật rất sinh động. Đặc biệt qua những mối tình đầy éo le, lãng mạn, trớ trêu, gợi lên bao đau thương, cũng từ cảnh ngộ của dân tộc, dính mắc vào thân phận mỗi con người...
Đọc cuốn sách này vào mấy buổi tối, tôi thường thao thức mãi, nhớ câu thơ của Chế Lan Viên:
“Chạnh thương cô Kiều như đời dân tộc
Sắc tài sao mà lắm truân chuyên”...
Đất nước mình đẹp quá. Người mình thật dễ thương. Dân mình yêu nước, yêu quê hương ít ai bằng; đoàn kết chống ngoại xâm thì đáng kính phục... Vậy mà vì đâu nên nỗi?
Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 đất nước được hòa bình, thống nhất, non sông quy về một mối... Ông Lê Duẩn nói một câu nức lòng mọi người Việt: Thắng lợi này là thắng lợi của toàn thể nhân dân Việt Nam, chỉ có đế quốc Mỹ là thua!
Nhưng sau đó thì thắng lợi chỉ của “Bên thắng cuộc”. Ông Võ Văn Kiệt cũng biết: Ngày 30/4 có triệu người vui, cũng có triệu người buồn...Nhưng rồi, ông cũng không biết làm sao xử lý nổi vấn đề. Buồn chính vì “Bên thắng cuộc” coi bên thua cuộc là những “con người cũ” của “chế độ cũ”, không thể tin tưởng, không thể dùng được, thậm chí không thể sống được trong chế độ mới XHCN. Họ phải được “giáo dục, cải tạo”, “gột rửa những tàn dư của chế độ cũ”; một lời nói, việc làm, một cử chỉ lỡ theo lối cũ, cũng có thể bị quy là “phản động”! Ai cũng sống trong sợ hãi, bất an. Trẻ em cũng chia theo thành phần: “con em diện chính sách” được ưu tiên; con ngụy quân, ngụy quyền” bị phân biệt đối xử... Những cuộc cải tạo “kinh thiên, động địa” diễn ra “đồng thời”: Nền kinh tế cũ phải cải tạo thành “nền kinh tế mới XHCN”; nền văn hóa cũ phải thành “Nền văn hóa mới”; con người cũ phải thành “con người mới XHCN”...Cơ cực nhất là mấy trăm ngàn “ngụy quân, ngụy quyền” cao cấp, bị đi tập trung “học tập cải tạo”, thường gia đình tan nát. Trong đó hàng trăm ngàn người đã chết trong các trại cải tạo.
Trong bối cảnh như vậy, hàng triệu người đã vô vọng, âm thầm bỏ nước ra đi. Một cuộc di dân khủng khiếp chưa từng có diễn ra ngay cuối thế kỷ XX. Những con người đói, khát, chen chúc trên những chiêc thuyền rách nát, lênh đênh giữa mịt mù biển khơi, phó mặc cho bão tố và hải tặc cướp, hiếp, giết...
Chính nhân vật Nguyễn Hải Hành là "Thuyền nhân" (boat people), sinh ra giữa cái đêm kinh hoàng, bọn hải tặc lên thuyền cướp, bắn chết ba anh và chị gái anh trong lúc bảo vệ mẹ anh đang mang thai anh sắp đến ngày sinh... Hải Hành ra đời và lớn lên như vậy, mà anh chỉ một lòng yêu đất nước, muốn hiến dâng trọn đời mình cho quê hương, nhưng chính quyền vẫn không chấp nhận dự án làm phim “Thuyền Nhân” của anh. Mối tình trong sáng tuyệt vời của anh với Đoan Diễm, con một quan chức cao cấp cũng bị ngăn cấm, đọa đày.. .
Trong truyện có nói đến, năm 1979, khi các “Ngụy quân cao cấp” ở Trại tù T43 tại Hà Giang nghe tin quân Trung cộng tràn sang biên giới đánh ta, họ đã viết đơn tập thể, ký bằng máu, xin ra chiến đấu diệt giặc Tàu... Nhưng không những không được tin dùng, mà còn bị chuyển trại, phân tán về nơi xa xôi, hẻo lánh...
"NHỮNG MẢNH RỒNG” xét đến cùng, thực chất là cuốn tiểu thuyết của nỗi đau dân tộc, tự ta không vượt qua được sự chia rẽ “ý thức hệ”, hằn thù, định kiến... Những xiềng xích của quá khứ vẫn giam hãm người Việt trong vòng u tối, và cứ làm khổ nhau mãi, làm dân tộc này chia rẽ và suy yếu đi mãi.
Gấp cuốn NHỮNG MẢNH RỒNG lại, tôi chợt nhớ bài viết “Thư ký của Thiên thần” của bác sĩ Nguyễn thị Kim Thoa. Trong đó có kể về bác sĩ Nguyễn Hữu Thới. Một bác sĩ Nhi khoa tài giỏi, hiến cả đời mình cho chăm sóc sức khỏe đồng bào dân tộc Tây Nguyên. Ông mừng, được bổ sung bác sĩ Thoa, còn trẻ lên giúp việc. Ông hết lòng truyền kinh nghiêm cho cô. Nhưng ông bị điều về Trại lao...
Bác sĩ Kim Thoa viết: “Tôi nhớ có lần ông đã tâm sự:...“Mình con địa chủ, học trường Tây, lại là sĩ quan quân đội Việt Nam Cộng Hòa, hơn thế nữa là trí thức. Địa chủ cộng với Tây, cộng với sĩ quan ngụy quân, cộng với trí thức, cộng với Ê Đê, cộng với giải phóng, cộng với Xã Hội Chủ Nghĩa để trở thành người Việt Nam. Làm người Việt Nam mà không đói khát, không đau thương, không khổ nhục, chưa thực sự là người Việt Nam”. Ôi, cái công thức, cái con đường gì mà đắng cay đến thế. Có đi hết những chặng đường như thế mới là người Việt Nam sao? Đối với riêng tôi, những lời của Nguyễn Hữu Thới là một liệu pháp giúp tôi vượt qua được những bi quan khiếp sợ trong những ngày đối đầu với bệnh tật và môi trường sống xã hội chủ nghĩa tại Buôn Mê Thuột”.. (https://www.diendan.org/sang-tac/thu-ky-cua-thien-than).
Giờ đây, tôi dám nói rằng, chẳng có người Việt nào thực sự hạnh phúc, nếu biết tự trọng dân tộc và còn nghĩ nghĩ đến dân, đến nước. Những xiềng xích của quá khứ và cách nghĩ về lối thoát cho hiện trạng xã hội đã chia rẽ, làm đau khổ mỗi chúng ta, những con người còn tấm lòng yêu nước thương nòi.
21/8/2018
MVT