16 août 2018

Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm và những điều chưa kể về Gạc Ma


(Chuẩn Đô Đốc Lê Kế Lâm là nguyên Phó Tham Mưu Trưởng kiêm Trưởng phòng tác chiến Quân chủng Hải quân Việt Nam giai đoạn 1988).
Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm lên tiếng về ‘Gạc Ma - Vòng Tròn Bất Tử’:


‘Gạc Ma – Vòng tròn bất tử’ giúp cho nhân dân ta và thế giới thấy rõ sự thật về vụ việc dã man Hải quân Trung Quốc đã gây ra với Việt Nam ở đảo San Hô Gạc Ma 1988 - chứ không chia rẽ nhân dân hai nước Việt Nam - Trung Quốc. Sự thật và lịch sử cần rõ ràng để thế hệ sau hiểu rõ vì sao Việt Nam ta mất đảo Gạc Ma. Trong khi Trung Quốc xuất bản hàng chục cuốn sách, làm hàng trăm nghiên cứu về trận chiến chiếm đảo Gạc Ma của ta, vinh danh tướng chiếm đảo Gạc Ma - Thì ít ra Việt Nam ta cũng cần có một cuốn sách kể về sự kiện Gạc Ma, và để tri ân 64 người con Việt Nam đã anh dũng hy sinh 30 năm qua. Rất cần! Không thể im mãi được, và sẽ bổ sung để tác phẩm được hoàn thiện nhất và cần đưa vào sách giáo khoa.


Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm và những điều chưa kể về Gạc Ma



Ngày 14-3-1988, trong khi đang làm nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ chủ quyền tại đảo nổi san hô Gạc Ma, những chiến sĩ Hải quân Việt Nam đã phải hứng chịu những loạt đạn pháo 37mm, 100mm bắn thẳng hết sức tàn bạo và dã man của Hải quân Trung Quốc. 30 năm sau, chúng tôi gặp lại Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm để nghe ông kể lại sự kiện thảm sát này.





Thưa Chuẩn Đô đốc vào năm 1988, để cuộc thảm sát xảy ra có phải là do tình trạng lúc đó của Hải quân Việt Nam có phần lơ là, thiếu cảnh giác không?



Nói về sẵn sàng chiến đấu của quân đội nhân dân VN nói chung và Hải quân nhân dân VN nói riêng thì mức độ sẵn sàng chiến đấu luôn được đặt ở mức cao. Và đặc biệt sau sự kiện Tết Kỷ Mùi năm 1979, TQ vô cớ phát động cuộc tấn công với 60 vạn quân đánh phá suốt tuyến biên giới Việt Trung. Từ đó trở đi quân đội nhân dân VN và Hải quân nhân dân VN luôn luôn đề cao cảnh giác.

Tôi còn nhớ từ năm 1979 đến năm 1986, ngày nào TQ cũng bắn sang ta hàng loạt quả pháo và cối. Hồi đó tôi làm Tham mưu tác chiến của Hải quân nên có thể nói tuần nào tôi cũng lên Bộ tổng tham mưu giao ban, có lúc đến 3, 4 lần. Một hôm, cuối năm 86, tôi được nghe báo cáo là tình hình có dịu đi. Tôi về báo lại cho Đảng ủy và bộ tư lệnh hải quân thì đồng chí Giáp Văn Cương là tư lệnh hải quân hồi đó, nói liền là các ông chớ vội mừng, nó không bắn trên bộ nhưng nó sẽ tăng cường khiêu khích và lấn chiếm biển đảo nên chúng ta phải hết sức sẵn sàng. 

Như vậy, từ những năm 86, 87, rồi những tháng đầu năm 88 chúng ta đã sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ Trường Sa vì Hoàng Sa đã bị TQ chiếm trọn mất rồi (1 lần vào năm 1956, 1 lần vào tháng Giêng năm 1974). Tôi nói hải quân có kế hoạch tác chiến bảo vệ Trường Sa chứ tôi không nói là có kế hoạch đánh nhau với TQ. Lúc đấy, ở Trường Sa chúng ta có 9 đảo đất, tức là đảo có đất. Và có đến 7, 8 bãi san hồ và đá mồ côi nổi lên. 

Tóm lại có thể nói lúc đó tinh thần sẵn sàng chiến đầu của hải quân nhân dân và quân đội nhân dân VN là ở mức cao chứ không phải chúng ta lơ là mất cảnh giác.



Như Chuẩn Đô đốc nói, vậy có phải do chúng ta không có kế hoạch tác chiến nên Hải quân Việt Nam không cử tàu chiến hộ tống tàu vận tải ra đảo, vì vậy đã xảy ra cuộc thảm sát ở Gạc Ma?

Gạc Ma: Dư luận viên của Đảng phá tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma

Chúng ta không có kế hoạch đánh nhau với TQ nhưng có kế hoạch tác chiến bảo vệ Trường Sa, tôi xin nói lại rõ ràng như thế. Tại sao chúng ta lại cho công binh và cho các tàu vận tải chở công binh đóng ở các bãi đá mồ côi là vì tình hình trang bị của hải quân hồi đó phải nói là rất yếu. Liên Xô có trang bị cho chúng ta 1 ít vũ khí và phương tiện, như tàu tên lửa 205. Tàu này có 4 quả tên lửa P15 nhưng tầm hoạt động chỉ cách bờ 200km trở lại, không đủ sức ra đến Trường Sa, vì Trường Sa cách bờ biển đến 500km. 

Lý do thứ 2, chúng ta lúc đó chỉ có 2 tàu pháo 159AE tức là tàu hộ vệ săn ngầm 159AE mà chính tôi là người đi Liên Xô nhận về vào năm 1978. Hệ thống vũ khí của tàu này gồm 2 bệ pháo 2 nòng AK-726 cỡ 76,2mm. Như vậy chúng ta có 4 nòng pháo 76,2mm mà pháo này bắn xa nhất là 9-10km. Lúc đó chúng ta không có tên lửa. Do đó, trong chiến dịch CQ của hải quân bảo vệ Trường Sa chúng ta hoàn toàn dùng tàu vận tải, không cho tàu chiến đi theo do chúng ta không chủ định đánh ai cả. 

Và vì Trường sa là của chúng ta, cho nên chúng ta đóng trên những bãi đá ngầm, bãi cạn nhô lên hoàn toàn toàn bằng lực lượng công binh và tàu vận tải, chúng ta không hề đưa tàu chiến ra đảo. Mà thực ra có muốn chúng ta cũng không có đủ phương tiện hoạt động tầm xa như bây giờ. Còn pháo thì rõ ràng pháo đấu với pháo thì đuợc chứ làm sao đấu với tên lửa của TQ. Họ bắn tầm 40-80km, còn pháo ta bắn 9-10km thì rõ ràng ta chưa bắn được phát nào thì họ đã phóng tên lửa diệt tàu của chúng ta mất rồi. 



Như vậy chúng ta có nắm được âm mưu chiếm đảo Gạc Ma của hải quân TQ? Vậy thì chúng ta đã chuẩn bị đối phó với họ như thế nào?




Ta biết âm mưu của hải quân Trung Quốc vì ta theo dõi hoạt động trinh sát của họ từ năm 85, 86, 87. Lúc thì họ cho tàu cá vũ trang, sau đó là tàu quân sự giả dạng, có lúc họ lên đặt bia chủ quyền trên những bãi san hô của ta. Những cái đó ta phát hiện được, do đó Bộ tổng tham mưu,Tổng quân ủy trung ương cũng như hải quân đều có nhận định là TQ sẽ xuống chiếm 1 số đảo Trường Sa.



Nhưng cái chính là chủ yếu đề phòng họ chiếm những đảo đã có quân ta trấn giữ như Song TửTây rồi các Nam Yết, Sinh Tồn, Sơn Ca. Còn những bãi ngầm thì nói thật diện tích Trường Sa là 150.000 km2, trong đó có hơn 100 đảo có đất nổi lên, bãi ngầm cũng như bãi đá. Do đó cho nên lúc đó ta không đủ sức quản lý hết vùng này. Hiện TQ chiếm đóng 7 bãi đá ngầm và họ đã phun cát lên để biến thành đảo nhân tạo. Những cái đó chúng ta biết, chúng ta đề phòng nhưng nói thật là không đủ lực để đối phó hết.



Cũng xin có 1 tình tiết như thế này, trước tết năm 1988, tôi lúc đó là tham mưu phó tác chiến, đã viết cho tư lệnh Giáp Văn Cương: “Bộ Tư lệnh vùng 4 triển khai ngay lực lượng ra đóng giữ Chữ Thập là số 1, thứ 2 là Đá Tây, thứ 3 Châu Viên, thứ 4 là Tiên Nữ”. Nhưng hồi đó lực lượng tàu thuyền của hải quân rất ít và rất cũ, Liên Xô giúp cho ta thì như tôi đã nói, còn số tàu thu được của hải quân Mỹ cho VN cộng hòa cũng rất cũ và rất khó để hoạt động dài ngày trên biển. Do đó khi vùng 4 chuẩn bị lực lượng để đi đóng 4 vùng Chữ Thập, Đá Tây, Châu Viên, Tiên Nữ thì chỉ đóng được Đá Tây là nơi có đất nổi lên. Còn Chữ Thập ra nửa chừng thì tàu bị hỏng máy nên phải quay về, ngay lúc đó TQ đã chiếm đóng. Độ nửa tháng sau, khi ta đưa tàu ra thì TQ dùng tàu chiến ngăn cản không cho ta vào Chữ Thập. Hiện nay Chữ Thập là 1 đảo nhân tạo lớn nhất bị TQ chiếm ở Trường Sa và họ biến nó thành căn cứ quân sự, có đường băng dài hơn 3km, có các hầm để máy bay, tên lửa.



Thế giới đã chụp ảnh được và nói rất nhiều về những bãi đá mà TQ chiếm được năm 1988, đến năm 1995 thì họ biến nơi này thành những đảo nhân tạo, những căn cứ quân sự trên biển Đông. Gần đây nhất, ngoại trưởng TQ, ông Vương Nghị đã ngang nhiên tuyên bố ở hội nghị Shangri la là quân sự hóa các đảo mà TQ chiếm giữ ở Trường Sa là chủ quyền của TQ. Ta thấy được âm mưu lâu dài cùa TQ, đã chiếm trọn Hoàng Sa của chúng ta rồi, bây giờ họ muốn chiếm Trường Sa nữa. Mà chiếm trọn Hoàng Sa, Trường Sa chính là để chiếm trọn biển Đông.



Thưa Chuẩn Đô đốc, tại sao sau cuộc thảm sát Gạc Ma năm 1988, nước ta lại im lặng suốt thời gian quá dài trên 27 năm, điều gì đã dẫn đến tình trạng như vậy?



Cái này thì rất khó nói cho rành rọt để công luận biết, nhưng theo tôi thì như thế này: Ta hình dung trở lại từ năm 1979, TQ lấy cớ dạy cho VN 1 bài học và xua 60 vạn quân tàn phá các tỉnh biên giới phía Bắc của ta, lúc đó báo chí của ta, công luận của ta và mọi định hướng của ta chỉ cho nhân dân thấy rằng TQ là kẻ thù khó chơi. Và ta tuyên truyền, nói rõ nhưng cho đến năm 1991, sau khi quan hệ VN và TQ thay đổi. Hai Đảng cộng sản TQ và VN dần nối lại quan hệ thân thiện. Vậy thì từ 1991 trở đi việc tuyên truyền hoặc làm cho dân rõ trong cuộc gây hấn của TQ với VN vào năm 79, ta nói rất ít. Đó là cái thực tế ta phải thấy rõ.



Nhưng có điều các bạn lưu ý cho, ta không nói nhưng TQ thì tuyên truyền rất nhiều về những chiến thắng năm 1979 và tôi biết nhiều người tham gia vào cuộc xâm lược VN năm 79 lúc đó là cán bộ trung đội, cán bộ đại đội, nay họ đã trở thành những cán bộ lãnh đạo Bộ quốc phòng TQ. Như thế là họ rất coi trọng cuộc chiến, đánh phá VN năm 79. 



Còn cuộc thảm sát năm 88, tại sao sau 27 năm chúng ta không nói mà bây giờ mới nhắc lại? Cũng có thể trên quan hệ giữa hai đảng, nhân dân hai nước VN và TQ, chúng ta không muốn khơi dậy những vết đau. Mà những vết đau đó do họ gây ra. Tôi nghĩ có lẽ là liên quan đến chuyện nhân dân VN muốn giữ không khí hòa hảo với nhân dân TQ.

Tuy nhiên, ta không nói để cho dân ta hiểu thì đó là 1 sự không công bằng trước những hy sinh cao quý của người lính. Chúng ta phải biết quý trọng, biết ơn, tưởng nhớ sự hy sinh đó của tất cả những người đã ngã xuống để bảo vệ toàn bộ lãnh thổ, biển đảo, đất liền, bầu trời của chúng ta. Đó là 1 sự hy sinh để cho đất mẹ chúng ta trường tồn, cho nên tôi nghĩ từ nay trở đi phải làm và làm cho rõ.



Tôi thấy rằng như nhà xuất bản First News Trí Việt nhân sự kiện 30 năm của Gạc Ma đã xuất bản cuốn Gạc Ma – vòng tròn bất tử là rất ý nghĩa và rất hay. Để cho dân ta hiểu được, để cho 64 cán bộ chiến sĩ đã ngã xuống ở Gạc Ma không tủi, để thế giới biết được thực chất của hải quân TQ. Sự kiện Gạc Ma theo tôi rõ ràng là 1 cuộc thảm sát dã man vì chúng ta không có một vũ khí nào tương xứng để đánh với họ và bộ đội chúng ta cũng không bắn họ mà họ vẫn tàn sát 64 chiến sĩ trên Gạc Ma và trên 2 tàu vận tải 604, 605 vào tháng 3 năm 1988 thì đấy tôi nghĩ ngoài sự căm thù còn là 1 sự đau lòng của nhân dân VN chúng ta và đặc biệt trong hải quân VN cũng rất thương nhớ những đồng chí đó, những người đã anh dũng ngã xuống. 



Dù không giữ được Gạc Ma nhưng ta giữ được những nơi khác và sau đó chỉ mấy tháng thôi, ngày 7/5/1988, chính bộ trưởng quốc phòng Lê Đức Anh ra Trường Sa và đọc lời thề quyết tâm bảo vệ chủ quyền của quần đảo Trường Sa. 



Thưa Chuẩn Đô Đốc, sau khi cuốn Gạc Ma – vòng tròn bất tử ra mắt thì trên mạng xã hội cũng có nhiều ý kiến tranh luận trái chiều, không biết Chuẩn Đô đốc có suy nghĩ gì trước góp ý của tướng Hoàng Kiền?



Tôi có đọc bài viết của thiếu tướng Hoảng Kiền – anh hùng lực lượng vũ trang. Tôi với Hoàng Kiền là bạn thân với nhau và lúc chúng tôi hoạt động trong chiến dịch CQ anh Hoàng Kiền là 1 người có công trong việc đóng các lô cốt để trấn giữ những bãi Tiên Nữ, Thuyền Chài, Đá Tây, Đá Đông. Trong bài viết tôi đọc thì tôi thấy như này, ông nói nhiều về công lao của đại tướng Lê Đức Anh, cái đó tôi hoàn toàn đồng ý. 



Nhưng có 1 cái thế này, nhà xuất bản Trí Việt xuất bản cuốn Gạc Ma – vòng tròn bất tử, tôi phục ông Nguyễn Văn Phước là giám đốc của Trí Việt. Các bạn còn nhớ năm 2014 TQ đưa dàn khoan Hải Dương 981 vào cắm cách đảo Lý Sơn của chúng ta gần 200km và ta đấu tranh rất kiên cường, dũng cảm nhưng ta không chủ động nổ súng. 



Rồi họ còn có những hành động như cho những tàu cá rất lớn đâm chìm tàu cá rất nhỏ của chúng ta, rồi đâm vào các tàu vận tải của chúng ta đi ra quan sát và cũng là để xua đuổi cái dàn khoan 981. 




Hãy lưu ý cho, tại sao First News Trí Việt quyết tâm ra cuốn sách Gạc Ma – Vòng tròn bất tử, vì năm 2014 Trung Quốc công bố cho cả thế giới cuốn phim tư liệu họ đánh Gạc Ma và xem đây là một chiến thắng trên biển của hải quân TQ đối với hải quân VN. Và chính từ cuốn phim này đã khơi gợi cho những nhà yêu nước, những nhà viết sách, viết truyện ký của Trí Việt xây dựng cuốn sách này. Chính bộ phim tư liệu do họ công bố này đã giúp chúng ta có được bằng chứng cho thấy sự kiện 14/3/1988 là 1 cuộc thảm sát và đó là 1 hành động vô nhân tính, phi đạo lý của 1 bộ phận hải quân TQ. 



Xem được video clip này thì anh Phước nghĩ đến trách nhiệm của nhà xuất bản là phải làm cho nhân dân VN hiểu được đây là 1 âm mưu của TQ đồng thời là mối đe dọa của TQ đối với nhân dân và hải quân VN. Cho nên anh ấy cùng với 1 họa sĩ vẽ nên bức tranh Gạc Ma - Vòng tròn bất tử với hình tượng liệt sĩ Nguyễn Văn Thương và nảy ra ý tưởng thực hiện cuốn sách Gạc Ma – vòng tròn bất tử, một cuốn sách mà theo tôi nó vừa là 1 truyện ký vừa là 1 tư liệu. Rất nhiều phóng viên đã đi tìm tư liệu, gặp những nhân chứng lịch sử trong sự kiện Gạc Ma để viết nên cuốn Gạc Ma – vòng tròn bất tử. Cuốn sách không phải là bài viết của thiếu tướng Lê Mã Lương, cũng không phải của 1 nhà văn nào mà là 1 tập hợp những ký sự của các nhà báo, nhà văn đã tìm hiểu để đưa lên, nói lên 1 sự thật đó là hải quân TQ đã thảm sát 64 chiến sĩ của chúng ta ở khu vực Gạc Ma năm 1988. Như thế thì rõ ràng đây là 1 tài liệu tốt, 1 cuốn sách tốt. 



Và đây là cuốn sách tập trung vào sự kiện đau thương Gạc Ma ít được nhắc tới - Chứ không phải là cuốn sách về chiến công Hải Quân Việt Nam suốt một chặng đường, nên ko cần phải kể tất cả những công lao khác như tướng Hoàng Kiền yêu cầu.




Và giống như ông James G. Zumwalt - đại diện nhà xuất bản Fortis (Mỹ) - có mặt tại buổi ra mắt cuốn sách và ký hợp đồng chuyển ngữ Gạc Ma - Vòng tròn bất tử sang tiếng Anh để phát hành trên thị trường Mỹ nói rằng cuốn sách này ông nhất trí ở chỗ đây là 1 vụ thảm sát của hải quân TQ với hải quân VN trong cuối thế kỷ 20 mà thế giới chưa biết đến. Cần làm cho thế giới hiểu rõ bản chất của hải quân TQ là như thế nào. Và ông nói rằng nhiều người ở nước Mỹ nói TQ cũng tốt đấy chứ nhưng mà tôi nghĩ rằng khi đưa cuốn sách này xuất bản ở Mỹ và những nước khác nữa thì người ta sẽ nói rằng người TQ rất hiếu chiến, rất hung hăng và họ làm được vụ 14/3/1988 thì họ sẽ làm được tiếp những vụ tàn khốc hơn, dã man hơn và lớn hơn. Chính ông Zumwalt đã nói như vậy. 

Thì đó là 1 cuốn sách tốt, không có gì đáng lên án. Và thiếu tướng Hoàng Kiền hiểu vấn đề này như thế nào thì đó là việc riêng của ông ấy. Còn theo tôi cuốn sách là tốt, cuốn sách đã giúp cho dân VN hiểu rõ bản chất của hải quân TQ thời đó như thế nào và làm cho nhân dân TQ cũng hiểu được sự thật hải quân của mình đã gây ra cuộc thảm sát hải quân VN ra sao. Thế thì tôi nghĩ rằng quyển sách giúp cho nhân dân cả thế giới thấy 1 sự thật trần trụi về hải quân TQ hung hăng, khát máu, giết người không thương tiếc, không chùng tay 64 chiến sĩ ở khu vực Gạc Ma. 



Mong rằng Trí Việt sẽ tiếp tục có những quyển sách khơi dậy lòng yêu nước, yêu biển đảo của thanh niên VN chúng ta. Họ đã, đang và ngày càng thiết tha với sự nghiệp bảo vệ tổ quốc không chỉ trên đất liền mà còn trên bầu trời, trên toàn bộ vùng biển hơn 1.000.000 km2 của chúng ta.