24 août 2018

Vì sao Trần Đại Quang phải đi Phi châu?


Phạm Chí Dũng




Ông Trần Đại Quang đi Phi Châu, Việt Nam đang muốn bắt chước Trung Quốc chăng?


Trần Đại Quang
Vào cuối tháng Chín năm 2018, ngay sau chuyến đi Trung Quốc của Thường trực Ban bí thư Trần Quốc Vượng gặp ‘Hoàng đế’ Tập Cận Bình mà chưa rõ mục đích, hoặc đang gây mối nghi ngờ về liệu có một mục đích thực chất nào hay không, giới chóp bu Việt Nam lại thu xếp một chuyến công du khác của Trần Đại Quang - Chủ tịch nước - đến hai vùng Bắc Phi và Trung Phi, nơi mà ông ta sẽ tiếp xúc với ‘đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam ở châu Phi’ là Ai Cập, và nền kinh tế lớn nhất của Đông và Trung Phi là Ethiopia.

Cả Ai Cập và Ethiopia đều không có vị trí và vai trò địa - chính trị đáng kể nào với Việt Nam, cũng không nằm trong danh sách chẵn một tá ‘đối tác chiến lược’ hay các ‘đối tác chiến lược toàn diện’ với Việt Nam.

Do vậy, chuyến công du châu Phi của Trần Đại Quang chỉ có thể mang ý nghĩa về kinh tế và thương mại chứ không có mục tiêu địa - chính trị như cách mà ông Quang đã đi Ấn Độ và Nhật Bản vào đầu năm 2018.



Quang và Trọng


Tháng Ba năm 2018, mặc dù bị xem là ‘có vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe’, Trần Đại Quang vẫn thực hiện chuyến công du đến New Delhi và đã mang về cho chính thể độc đảng ở Việt Nam thêm một ‘quan hệ đối tác chiến lược’. Nhưng quan trọng hơn cả là vị thế địa chính trị của Ấn Độ: quốc gia này không những là một đồng minh quân sự của Hoa Kỳ mà còn từng cho Việt Nam vay ‘trả góp’ nửa tỷ USD viện trợ quân sự vào năm 2016. Trong trường hợp không thể mua được hoặc chỉ mua được một ít vũ khí và khí tài quân sự của Mỹ, Bộ Quốc phòng Việt Nam vẫn có thể tìm kiếm một số chủng loại vũ khí thuộc thế hệ mới từ Ấn Độ.

Cũng vào tháng Ba năm 2018, nhân vật đầu đảng CSVN là Nguyễn Phú Trọng đã rốt ráo tìm kiếm và tiến hành chuyến công du đến Pháp. Nhưng dù đã phải chỉ đạo cho Bộ Ngoại giao Việt Nam bỏ đến hơn 4 tỷ đồng tiền thuế của dân để đăng một bài viết lê thê của Tổng bí thư Trọng về ‘triển vọng quan hệ Việt - Pháp’ trên trang quảng cáo của nhật báo Le Monde của Pháp, ông Trọng vẫn không nhận được hứa hẹn nào từ Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về khả năng Pháp sẽ vận động Nghị viện châu Âu sớm thông qua Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA). Như vậy, Nguyễn Phú Trọng đã thất thế một điểm đối ngoại trước Trần Đại Quang vào đầu năm 2018.

Ngay sau chuyến đi Ấn Độ, Trần Đại Quang còn đi Nhật vào cuối tháng Năm năm 2018. Dù được chào đón bằng 21 phát đại bác và được đón tiếp với nghi lễ dành cho nguyên thủ quốc gia, đã được đón tiếp bởi Nhà vua Akihito và Hoàng hậu, đã hội kiến với Chủ tịch Thượng viện Chuichi Date và với Thủ tướng Abe, nhưng chuyến công du của Trần Đại Quang đến Nhật Bản chỉ đạt được một kết quả nhỏ nhoi về ‘xin viện trợ’: phía Nhật cung cấp thêm khoản viện trợ phát triển ODA cho Việt Nam trị giá 16 tỉ yên, tương đương 142 triệu USD, cho dự án nâng cao năng lực đào tạo nghề.

Con số 16 tỷ yên trên chỉ bằng 10% số 160 tỷ yên mà Nhật Bản hỗ trợ ODA cho Việt Nam hàng năm, trong 5 tính theo năm tài chính Nhật Bản 2012-2016, trung bình mỗi năm. Cách nào đó, kết quả của chuyến công du ‘xin tiền’ này khó mà làm cho ngân sách toang hoác chờ chực vỡ nợ của chính thể Việt Nam được hài lòng.

Từ sau chuyến đi Pháp đến nay, Nguyễn Phú Trọng chưa đi nơi nào khác mà ngồi nhà để ‘đốt lò’. Còn Trần Đại Quang rất có thể đang mang trên mình sứ mạng ‘mở rộng thị trường Phi châu’.


Việt Nam muốn học bài Trung Quốc?


Tuy được xem là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam tại châu Phi, nhưng kim ngạch thương mại song phương năm 2016 giữa Ai Cập và Việt Nam chỉ đạt 316 triệu USD, không là gì so với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng năm của Việt Nam khoảng hơn 400 tỷ USD.

Còn trao đổi thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Ethiopia còn èo uột hơn nhiều so với Ai Cập.

Trong khi đó theo Nhật báo Le Monde, Ethiopia là ‘biểu tượng đầu tư của Trung Quốc ở châu Phi’. Le Monde đã từng có bài phóng sự về sự hiện diện khắp nơi của Trung Quốc tại châu Phi, trong đó Ethiopia là biểu tượng đặc trưng của làn sóng đầu tư ồ ạt, đặc biệt trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng.

Thị trường Ethiopia tràn ngập hàng Trung Quốc, từ quần áo đến đồ gia dụng bằng nhựa hoặc thiết bị điện tử và máy móc… Nhiều nhà sản xuất Trung Quốc đau đầu vì khối lượng hàng hóa dư thừa, giá bán rẻ, bỗng tìm được đầu ra mới ở quốc gia châu Phi này.

Bắc Kinh được lợi rất nhiều trong chiến lược hợp tác thương mại “mất cân đối” này. Năm 2016, Ethiopia có kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 88,7 triệu USD, nhưng giá trị nhập khẩu lên đến 3,21 tỷ USD, chủ yếu phục vụ các dự án hạ tầng do Eximbank tài trợ, tiếp theo là dệt may, thuộc da hoặc dược phẩm.

Việt Nam đang muốn bắt chước Trung Quốc chăng?

Trong lịch sử buôn bán hai chiều với các quốc gia trên thế giới, Việt Nam bị phụ thuộc vào Trung Quốc nhiều nhất. Từ nhiều năm qua, Trung Quốc đã trở thành thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam, chiếm tỉ trọng khoảng 20% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu. Hàng năm, Việt Nam nhập siêu chính ngạch lên đến 20 - 30 tỷ USD, chưa kể phần tiểu ngạch khoảng 20 tỷ USD nữa, tổng cộng đến 40 - 50 tỷ USD nhập siêu từ Trung Quốc.

Vì sao Trần Đại Quang phải đi Phi châu?

Hiện tượng giới chóp bu Việt Nam phải thay nhau xuất ngoại để mở mang thị trường xuất khẩu từ năm 2017 đến nay lại nằm trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump giương cao ngọn cờ ‘công bằng và đối ứng’ - một đòn thương mại liệt Việt Nam vào danh sách 16 quốc gia ‘gây hại cho kinh tế Mỹ’ và đang đòi hỏi các Bộ Thương mại và Bộ Tài chính Mỹ phải thực thi những biện pháp quyết liệt về hàng rào thuế quan thương mại đối với hàng Việt Nam.

Vào năm 2017, Việt Nam xuất sang Mỹ lượng hàng hóa tổng giá trị 41,6 tỷ USD nhưng chỉ nhập khẩu có 9,2 tỷ USD, nâng mức thặng dư thương mại lên con số 32,4 tỷ USD với Mỹ, gấp đến 160 lần so với giá trị xuất siêu chỉ 200 triệu USD vào năm 2001 - thời điểm mà Việt Nam mới ký với Mỹ Hiệp định thương mại song phương (BTA) đầu tiên.

Nhưng Trump đang rất có thể sẽ ‘san bằng thâm hụt thương mại’, tức sẽ buộc Việt Nam phải hạ mức thâm hụt thương mại xuống mức dưới 8 tỷ USD/năm. Theo đó Việt Nam phải tự cắt giảm mức thâm hụt thương mại trong thời gian tới, có thể bắt đầu ngay trong năm 2018 này và sẽ phải giảm mạnh trong năm 2019, bi kịch xuất khẩu sẽ kéo theo bi kịch kinh tế và cũng là bi kịch ngân sách, càng khiến rệu rã chân đứng của chế độ chính trị ở Việt Nam.

Từ năm 2017 đến giữa năm 2018 đã mở đầu bằng hàng loạt “điềm xấu” dành cho hàng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Mỹ: Bộ Thương mại Mỹ nâng tỷ lệ thuế đánh vào hai mặt hàng thép và tôm Việt Nam lần lượt là 53% và hơn 25%. Cộng hưởng với việc bị Liên minh châu Âu “rút thẻ vàng” đối với hàng hải sản Việt Nam và đang lấp ló “thẻ đỏ”, kim ngạch xuất khẩu của hải sản Việt Nam vào hai thị trường EU và Mỹ trong năm 2018 chắc chắn sẽ bị giảm sút phần nào, nếu không muốn nói là giảm đáng kể so với doanh số năm 2017.

Còn nhớ vào đầu năm 2017 sau khi TPP gần như tan vỡ, Tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng đã có một phát ngôn ấn tượng: “triển vọng phát triển còn tốt lắm”.

Nhưng làm thế nào để “đất nước đi tới không gì cản nổi” - như một thể loại “tự sướng” từng ra rả vào thời chiến tranh, trong lúc tình hình các FTA (hiệp định thương mại tự do) của Việt Nam với đa số các nước vẫn rơi vào tình thế bất lợi?

Cho dù Việt Nam vẫn luôn quảng cáo rằng chính thể này có đến 16 FTA, nhưng hiện trạng các FTA vẫn ngổn ngang, nhưng chỉ có hai FTA của Việt Nam với Mỹ và châu Âu là còn xuất siêu được - lần lượt là hơn 30 tỷ USD và 25 tỷ USD mỗi năm. Còn thặng dư xuất siêu với Nhật bằng 0, trong khi ngay cả Hàn Quốc, tưởng là “dễ ăn”, nhưng Việt Nam lại phải nhập siêu đến 20 tỷ USD vào năm 2016 và gần 25 tỷ USD vào năm 2017.

Hiện tượng giới chóp bu Việt Nam phải đi tìm kiếm thị trường ở Ai Cập và Ethiopia - những quốc gia có giá trị song phương thương mại với Việt Nam rất nhỏ nhoi - cho thấy hàng xuất khẩu Việt Nam ra thế giới đang ngày càng bế tắc.

Trong khi đó, EVFTA vẫn chưa đâu vào đâu. Sau khi đạt ‘thành tích’ kết thúc giai đoạn rà soát pháp lý kéo dài đến hơn 2 năm thay vì thông thường chỉ mất 6 tháng, hiệp định này vẫn còn phải chờ đợi Ủy ban châu Âu và Nghị viện châu Âu ký kết và thông qua.

Nhưng từ sau vụ mật vụ Việt Nam bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ở Đức vào tháng Bảy năm 2017, Liên minh châu Âu đã thực sự ‘mở mắt’ trước một Việt Nam nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ‘vô số luật nhưng chỉ dùng Luật Rừng’. Trong bối cảnh cơn khủng hoảng ngoại giao Đức - Việt đã lan sang Slovakia và cả một phần khối châu Âu, muốn EVFTA được ký kết và thông qua, Việt Nam không còn cách nào khác là phải cải thiện nhân quyền, nếu không muốn nói phải cải cách thể chế chính trị.



Nguồn: Theo VOA