28 août 2018

Thầy Phạm Toàn mời cộng tác, để giúp học sinh hết lớp 12 biết cách tự học


Phạm Toàn và nhóm Cánh Buồm
 

 (GDVN) - Nhà giáo Phạm Toàn và nhóm Cánh Buồm muốn mời một số cộng tác viên để hoàn thành cuốn sách về cách tự học của học sinh phổ thông sớm nhất có thể

Bài viết dưới đây là lời nói đầu của bộ sách cần hoàn thiện: sách hướng dẫn học sinh Trung học phổ thông cách tự soạn bài học cho mình. 

Đọc lời gửi người dùng sách ngắn gọn dưới đây, bạn đọc sẽ nhận ra nội dung và ý nghĩa việc làm tiếp tục của nhóm Cánh Buồm.

Đó là hoàn thiện cách tự học của học sinh khi hết 12 năm hưởng thụ và đồng hành cùng nền Giáo dục phổ thông nước nhà.

Nhóm Cánh Buồm muốn mời một số cộng tác viên để hoàn thành sách sớm nhất có thể - dự kiến trước năm học mới 2019-2020. 

Bạn nào quan tâm và thấy mình có khả năng xin vui lòng gửi thư cho nhà giáo Phạm Toàn qua trợ lý của ông: 

cô giáo Nguyễn Thị Phương Trinh, email phuongtrinh.nguyenthi@canhbuom.edu.vn.


Xin cảm ơn.




Giới thiệu đầu sách các loại của nhóm Cánh Buồm. Ảnh do nhà giáo Phạm Toàn cung cấp

Cùng bạn dùng sách


Tập sách này không có những bài học viết sẵn để giáo viên và học sinh dùng thẳng trước, trong và sau các tiết học.

Sách này chỉ có những tài liệu tổ chức tiết học để giáo viên hướng dẫn học sinh tự soạn bài học cho mình.

Tại sao lại làm như vậy?

Tư duy Giáo dục hiện đại của nhóm Cánh Buồm tập trung vào việc tổ chức cách học cho học sinh, kể từ tiết học đầu tiên ở lớp Một.

Tư duy đó thể hiện từ cuộc Hội thảo Hiểu Trẻ em – Dạy Trẻ em Tự học – Tự giáo dục, hoặc Em biết cách học… đã thể hiện trong 18 tập giáo khoa Tiếng Việt và Văn từ lớp 1 đến lớp 9, các bộ sách tiểu học môn Khoa học , môn Lối sống và môn Tiếng Anh (có đến tập 3) và bên cạnh đó là tủ sách Tâm lý học giáo dục với những bản dịch đầu tiên của Jean Piaget (3 tập), John Dewey và Howard Gardner.


Đó là những phương tiện sư phạm cơ bản để triển khai mẫu một cuộc Cải cách Giáo dục có nội dung rất lâu dài hướng tới.

Tổ chức một nền giáo dục theo hướng dạy cách học giúp các thanh thiếu niên biết học, biết tự học, muốn tự lập, giúp các em trở thành lớp người làm thay đổi và phát triển đất nước theo hướng tư duy hiện đại hóa.

Việc thực hành sản phẩm sư phạm Cánh Buồm cho phép nhận diện mẫu tổ chức một nhà trường giáo dục phổ thông, ở đó:

– Bậc Tiểu học giúp trẻ 11-12 tuổi nắm vững phương pháp học các môn khoa học, nghệ thuật và lối sống;

– Bậc Trung học cơ sở giúp trẻ em 15-16 tuổi đủ kiến thức phổ thông để tự vào đời theo một trong ba chọn lựa, tự lao động kiếm sống, học nghề bậc dưới Đại học, chuẩn bị học nghề bậc Đại học.

–  Bậc Trung học phổ thông là bậc chuẩn bị học nghề bậc Đại học. Việc học ở bậc Trung học phổ thông sẽ phải khác hẳn, theo hướng tập nghiên cứu (để lên bậc Đại học là bậc tập độc lập nghiên cứu và sau đó sẽ là bậc độc lập nghiên cứu).

Tập tài liệu Khoa học xã hội và nhân văn này tiếp tục triển khai tư tưởng giáo dục Cánh Buồm hiện đại hóa nền giáo dục phổ thông nước nhà.

Nó tiếp tục tổ chức việc học theo tinh thần tự học và rèn luyện năng lực sống tự lập của học sinh.

Tập Tài liệu này hướng dẫn học sinh tự viết tài liệu học của mình xoay quanh ba nội dung cơ bản:

Một là, tự đi tìm những khái niệm cơ bản cần trang bị vào đời xoay quanh khái niệm gốc: Cách Mạng.

Cách mạng là gì mà tác động được tới cả loài người, bằng bạo lực, bằng tư duy, bằng triết học, bằng văn hóa-nghệ thuật…?

Hai là, học đọc sách, những cuốn sách không thể không đọc trên ghế nhà trường, sách như là những cuộc cách mạng đang nung ủ.

Ba là, học nghiên cứu những vấn đề cần quan tâm trong cuộc sống từ nuôi dạy con em, sống thân thiện với môi trường… đến Cách mạng công nghệ 4.0.

Bộ sách này không có những bài soạn sẵn cho giáo viên giảng giải, mà là những đề cương việc làm.

Giáo viên tổ chức cho học sinh thảo luận, sưu tầm, rồi cùng biên soạn để có bài học của mình do mình làm phục vụ cho chính mình.

Tùy hứng thú và nhu cầu, mỗi trường, mỗi lớp (có thể cả mỗi giáo viên, mỗi gia đình riêng rẽ) theo mẫu làm việc mà thay đổi thêm bớt các chủ đề nghiên cứu.

Sách này chủ động phân phối việc học theo từng lớp. Nhưng thời gian thực hiện không cần thiết phải tự gò lại trong ba năm học. 

Hy vọng là mọi người cảm thấy dễ chịu, dễ thực hiện, dễ huấn luyện lại cho người khác, và sau các năm học cả người dạy cũng như người học, ai ai cũng nhận thấy mình sẽ tiến bộ hoặc rất tiến bộ.   
            

Phạm Toàn và nhóm Cánh Buồm

http://giaoduc.net.vn/gdvn-post189002.gd