•
Trân Văn
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng, chủ nhân Vingroup. |
Khoảng 15 giờ 30 phút ngày 11 tháng 8, nhiều người cùng thấy khói đen cuồn cuộn thoát ra từ đoạn giữa Landmark
81, nhà chọc trời
(skycrapper) thuộc loại siêu cao
(super-tall) và đến giờ này là cao
ốc cao nhất Việt Nam (cao 461 mét, có 81 tầng, tổng diện tích
sàn 241.000 mét vuông, vừa có trung tâm thương mại, nhà hàng cao cấp, khách sạn cao cấp, vừa có văn phòng cao cấp, căn hộ cao cấp).
Landmark 81 nằm trong
Vinhomes Central Park, tọa lạc ở quận Bình Thạnh, Sài
Gòn, trị giá 30.000 tỉ đồng, do Vingroup đầu tư, Coteccons
– một doanh nghiệp Việt Nam – là nhà thầu chính. Landmark 81 được khởi công hồi tháng 7 năm 2014 và vừa khánh thành vào ngày 26 tháng 7 vừa qua nhưng phải đến giữa tháng 1 năm tới mới chính thức vận hành.
Hỏa hoạn vốn là loại sự kiện mà ít khi
nào báo giới bỏ qua nên
theo lẽ thường, hỏa hoạn ở những địa điểm đặc biệt như Landmark
81, trong bối cảnh đặc biệt như hiện nay (phòng cháy, chữa cháy, thoát hiểm tại các cao ốc ở Việt Nam đang là vấn nạn nghiêm trọng, tiềm ẩn những nguy cơ trở thành các đại họa), chuyện Landmark 81 phát hỏa sẽ được báo giới khai thác tới nơi, tới chốn cả về nguyên nhân, diễn biến, cũng như các yếu tố có liên
quan đến phòng cháy – chữa cháy – an toàn.
Tuy nhiên cách mà báo giới đề cập đến sự kiện Landmark 81 phát hỏa lại
không bình thường. Công chúng chỉ biết và mục kích sự kiện Landmark 81 phát hỏa qua thông tin, hình ảnh, video clip do những thường dân khác cung cấp qua mạng xã hội, còn báo
giới phản ứng rất… chậm.
Có facebooker vốn là nhà
báo giải thích, đại loại, đã có “chỉ đạo Tổng Biên tập các báo”
rằng Landmark 81 phát hỏa vì “sự cố kỹ thuật” ở tầng 64, Vingroup đã “khắc phục sự cố kịp thời, không có thiệt hai về người và tài sản”… (1).
Từ tiết lộ vừa kể, một ngày sau khi Landmark 81 phát hỏa, đã có những facebooker thử làm một so sánh về cách mà báo giới tường thuật về sự kiện này -
theo đó, chỉ có khoảng một chục cơ quan truyền thông đưa tin và 7/10 (Zing, Vn Express, Pháp Luật TP.HCM, Người Đô Thị, Tiền Phong, Thanh Niên, Đất Việt) chỉ cho biết đại khái là Landmark 81 đã cháy nhưng không đả động gì tới Vingroup, 3/10 còn lại (VietNamNet, Doanh Nghiệp Việt Nam, Tạp chí Công
Thương) vừa thông tin
Landmark 81 phát hỏa, vừa cho biết nhà chọc trời siêu cao
này là của Vingroup (chủ đầu tư, kinh
doanh hàng loạt cao ốc từ Bắc vào Nam)
- với sự kiện bảng quảng cáo của Diamond Plaza (một cao ốc khác ở Sài Gòn) phát hỏa vào tối cùng ngày
và được báo giới đồng loạt tường thuật cặn kẽ, kèm câu hỏi giống như một tiếng thở dài: Báo
chí của mình ngộ quá phải không em (2)?
***
Ai cũng biết, thể chể cộng hòa khác
với chuyên chế ở chỗ công quyền được phân lập thành ba
nhánh (lập pháp, hành pháp, tư pháp) – tam quyền phân lập - nhằm kiểm soát việc sử dụng công quyền, ngăn chặn lạm quyền. Bởi hệ thống công quyền là “của dân, do
dân, vì dân” nên hệ thống truyền thông (báo in, phát thanh, truyền hình) vốn luôn dõi theo, đào xới, tự do tường thuật các sự kiện, tự do bày tỏ các nhận định, dự báo, luôn tác động rất lớn đến nhận thức cũng như cách hành xử của đám đông,
qua đó chi phối hoạt động của hệ thống công quyền – đã được ví von là “đệ tứ quyền” (quyền lực thứ tư). Trong vòng mười năm vừa qua, sau
khi Internet trở thành đại chúng, giới nghiên cứu khoa học xã hội bắt đầu ví von
các blog, mạng xã hội là “đệ ngũ quyền” (quyền lực thứ năm) (3).
Việt Nam cũng theo thể chế cộng hòa nhưng là cộng hòa xã hội chủ nghĩa. Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam xem
tam quyền phân lập – một thứ giá trị đã phổ quát trong nhân loại trong hàng ngàn năm qua – là luận điệu của các thế lực thù địch, phản động. Ở Việt Nam không có “đệ tứ quyền”, hệ thống truyền thông chính thức được xác định một cách rạch ròi là
công cụ tuyên truyền đường lối, chủ trương. Hệ thống công quyền Việt Nam đang
tìm đủ mọi cách để vô hiệu hóa “đệ ngũ quyền”. Song khác với rất nhiều quốc gia
trên toàn cầu, dường như Việt Nam có “đệ lục quyền” (quyền lực thứ sáu), quyền lực của những cá nhân giàu nứt đố đổ vách, giống như vua vừa vì có thể xoay chuyển hoạt động của hệ thống công quyền, kiểm soát “đệ tứ quyền”, chi phối “đệ ngũ quyền” thông qua sự hỗ trợ của cả hệ thống công quyền lẫn một số blogger, facebooker nổi tiếng.
Nhân sự kiện Landmark 81 phát hỏa và cách hành xử khác thường của hệ thống truyền thông
chính thức tại Việt Nam, có thể kể ông Phạm Nhật Vượng – người đứng đầu Vingroup
vào số những ông vua không ngai đang nắm trong tay
quyền lực thứ sáu hay không? Chưa thể khẳng định, tạm thời, chỉ có thể điểm lại một số diễn biến khác để mọi người cùng ngẫm…
Cuối năm 2016, tại cuộc họp giữa lãnh đạo chính phủ Việt Nam với giới lãnh đạo chính quyền các tỉnh, thành phố, ông Nguyễn Xuân
Phúc, Thủ tướng Việt Nam đã chỉ trích gay gắt qui hoạch đô thị ở Hà Nội. Theo ông Phúc, sở dĩ môi trường, giao thông,… ở Hà Nội trở thành thảm nạn là vì chính quyền thành phố này phóng tay cấp giấy phép cho xây dựng hàng loạt cao ốc khiến hạ tầng quá tải. Ông Phúc dẫn trường hợp cho xây dựng cao ốc 50 tầng tại Giảng Võ làm ví dụ và nêu câu hỏi: Ai cho phép xây cao ốc 50 tầng tại Giảng Võ? Không có lý thuyết nào về quy hoạch lại chấp nhận chuyện cho xây dựng tại một nơi như Giảng Võ cao ốc 50 tầng, với hàng ngàn căn hộ cao cấp. Nếu mỗi gia đình có hai xe hơi thì ra vào, qua lại thế nào? Nếu khoảng đất trống nào cũng
cấp giấy phép xây
dựng cao ốc hết thì Hà Nội sẽ ra sao?
Theo lời của Thủ tướng Việt Nam thì
ông ta từng
yêu cầu chính quyền thành phố Hà Nội kiểm tra và báo cáo về trường hợp cấp giấy phép xây
dựng cao ốc 50 tầng tại Hà Nội trước ngày 15 nhưng tới 29 tháng
12 năm 2016 vẫn chưa nhận được báo cáo.
Cao ốc 50 tầng tại Giảng Võ là dự án Vinhomes Giảng Võ của Vingroup.
Lúc đó, câu chuyện vừa kể được nhiều người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam nhận định là có hai điểm thú vị: Thứ nhất, lần đầu tiên một dự án của Vingroup bị một viên chức cao cấp chỉ trích công
khai và thứ hai, dẫu người chỉ trích là Thủ tướng Việt Nam nhưng giống như trước đó, những thông tin bất lợi cho
Vingroup không thể tồn tại trên hệ thống truyền thông chính thức. Ban đầu, rất nhiều bài tường thuật cuộc họp của chính phủ Việt Nam hôm
29 tháng 12 năm 2016, đưa chi tiết cao ốc 50 tầng tại Giảng Võ vào tựa vì báo giới ở đâu cũng biết độc giả của họ quan tâm đến điều gì. Tuy nhiên ngay sau đó hệ thống truyền thông
chính thức tại Việt Nam đồng loạt sửa tựa, bỏ chi tiết cao ốc 50 tầng tại Giảng Võ. Chẳng hạn, Zing đổi tựa: “Thủ tướng: Ai cấp phép xây cao ốc 50 tầng ở Giảng Võ”
thành “Hà Nội, TP.HCM cần rà soát lại qui hoạch đô thị”. Đài Phát thanh quốc gia (VOV) thì đổi tựa: “Thủ tướng nói về việc xây chung
cư cao tầng ở khu đất Giảng Võ”
thành “Cám ơn Thủ tướng”…
Rờ tới Vingroup
chỉ có các facebooker. Một facebooker tên là Nguyễn Anh Tuấn đã lục tìm, sắp đặt chuỗi sự kiện có liên quan đến Vingroup và khu Triển lãm Giảng Võ để chứng minh giữa Vingroup
và chính quyền Hà Nội có một thương vụ mua bán
chính sách: Công ty Triển lãm Giảng Võ vốn là một doanh
nghiệp nhà nước. Tháng 3
năm 2015, công ty này rao bán cổ phần nhưng thiên hạ không muốn mua vì quy hoạch về xây dựng của Hà Nội xác định khu Triển lãm Giảng Võ thuộc “nội đô lịch sử” bị hạn chế về chiều cao và
tình hình tài chính của Công ty Triển lãm Giảng Võ không sáng sủa (lợi nhuận sau thuế chỉ từ 3 đến 6 tỉ đồng). Chỉ có Vingroup bỏ tiền mua khoảng 90% cổ phiếu. Thế rồi tháng 4 năm 2016, chính quyền thành phố Hà Nội ban hành
“Quy hoạch công trình cao tầng nội đô”, theo đó, trong “nội đô lịch sử” chỉ có hai nơi được phép xây quá 39 tầng để làm “điểm nhấn đô thị” là: Khu
Triển lãm Giảng Võ “được phép xây dựng 50 tầng” và lô đất số 29 Liễu Giai “được phép xây dựng 45 tầng”. Lúc
này, cả khu Triển lãm Giảng Võ và lô đất số 29 Liễu Giai đều đã thuộc về Vingroup!
Nguyễn Anh Tuấn nêu thắc mắc, tại sao cả hai “điểm nhấn đô thị” đều rơi đúng vào hai lô đất của Vingroup?
Không lẽ “chính quyền thành phố Hà Nội ‘làm
chính sách’ cho Vingroup” và theo Tuấn, đó chính
là “tham nhũng chính sách”, là ví dụ minh họa về những “nhóm lợi ích” xem hệ thống công quyền như “công cụ của riêng chúng để đưa ra những chính sách làm lợi cho chúng, gây thiệt hại cho cộng đồng, quốc gia”. Tuấn lưu ý, nếu thông báo khu Triển lãm Giảng Võ được xây cao ốc 50 tầng và tổ chức đấu giá công khai thì tổng số tiền thu về cho ngân
sách chắc chắn sẽ lớn hơn rất nhiều so với con số 21,5 triệu/m2 thu từ Vingroup.
Vingroup chỉ bỏ ra 1500 tỉ để mua gần 90% cổ phần của Công ty
Triển lãm Giảng Võ,
trong khi giá đất ở khu vực này hiện khoảng từ 200 triệu
đến 300 triệu/m2 (4).
Khoan bàn đến tính
chính xác trong nhận định của Nguyễn Anh Tuấn. Chỉ nêu vài thắc mắc: Những nhận định này cho
thấy vấn đề mà Nguyễn Anh Tuấn nêu ra rất đáng lưu ý, tại sao không
cơ quan truyền thông
chính thức nào ở Việt Nam quan tâm để xác định thực hư? Tại sao lại né tránh việc đề cập đến Vingroup kể cả khi tường thuật phát biểu của Thủ tướng Việt Nam về Vinhomes Giảng Võ?
Dẫu cho hoạt động đầu tư, khai thác các dự án của Vingroup ở Việt Nam gây ra không ít lo ngại, bất bình nhưng thường thì người ta chỉ có thể tìm thấy sự lo ngại, bất bình ấy trên… mạng xã hội. Tuy nhiên đụng đến Vingroup
trên mạng xã hội cũng
không phải là chuyện dễ. Cuối tháng 9, đầu tháng 10 năm ngoái, chẳng phải dư luận Việt Nam đã từng rúng động bởi một số facebooker bị Công an
thành phố Hà Nội “mời” đến “làm việc” do “nói
xấu, bôi nhọ một số cá nhân” đó sao (5)?
Theo tường thuật của báo chí Việt Nam khi ấy, những facebooker này bị xem là “nói xấu, bôi nhọ một số cá nhân” chỉ vì đã chỉ trích việc Vinschool – hệ thống tư thục của Vingrooup
– loan báo sẽ nâng học phí đến 50%!
Tương tự, năm ngoái, Hà Nhật Tân, một Kiến trúc sư kiêm Giảng viên Đại học Hoa Sen, người từng sử dụng kiến thức chuyên
môn phân tích về thiết kế Vinhomes Tân Cảng (theo Tân, do có quá nhiều khối nhà cao
san sát với nhau cộng với đặc điểm khu vực, nếu xảy ra hỏa hoạn, các khối nhà này sẽ trở thành… “đài hoá thân hoàn vũ” - lò
thiêu xác), kể trên trang facebook của ông rằng, sau khi đưa “Vinhomes và Đài hóa thân hoàn vũ” lên facebook thì có “bọn nào đó” đến tận Phòng Quản lý nhân sự của Đại học Hoa Sen đề dò la về ông. Tân gọi đó là “trò trẻ trâu”, Tân nhắn công an Việt Nam nên thôi “dọa bóng, dọa gió” đi. Có muốn dọa cũng nên “có tí chất xám”, bởi Tân chỉ muốn cảnh báo khi thấy nguy cơ cao và đặt vấn đề “nếu cháy thật thì sao?” mà thôi (6)…
***
Thật ra, Việt Nam đã có không ít vua không ngai. Mới đây, vừa có hai ông vua không ngai là Đinh Ngọc Hệ (tự “Út Trọc”) và Phan
Văn Anh Vũ (tự Vũ “Nhôm”) bị phế truất. Ai? Nơi nào sẽ quan tâm, nghiên cứu về những ông vua không ngai và về quyền lực thứ sáu, tuy
sinh sau, đẻ muộn nhưng tại Việt Nam có vẻ đã vượt lên, đứng trên cả các quyền chính thống (lập pháp, hành pháp, tư pháp)? Vụ Mobifone được phép dùng công quỹ mua 95% cổ phần của AVG (An Viên Group – tập đoàn tư nhân hoạt động trong
lĩnh vực viễn thông,
truyền thông do ông Phạm Nhật Vũ, em ruột ông Phạm Nhật Vượng làm chủ) với giá gần gấp bốn lần giá trị thật, khi sự việc vỡ lở, chỉ có các viên chức, kể cả những viên chức cao cấp, cỡ như hai cựu Bộ trưởng Thông tin – Truyền thông (Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn) bị truy cứu trách nhiệm, còn ông Phạm Nhật Vũ vẫn bình an
có phải là nhờ sự vô song của quyền lực thứ sáu không?
Chú thích