21 août 2018

Tiếng dân và lòng dân


Ông Võ Văn Hào, Trưởng ban tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ngãi

Ngày 14.8.2018, báo điện tử Một Thế Giới đăng bài: “Quan chức Quảng Ngãi: MXH lan tỏa nhanh hơn báo chí trong vụ nhà máy rác”. (Quan chức Quảng Ngãi: MXH lan tỏa nhanh hơn báo chí trong vụ nhà máy rác) Bài viết nói về buổi họp báo do Sở TTTT tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với UBND huyện Đức Phổ tổ chức, “liên quan đến việc người dân xã Phổ Thạnh bao vây buộc nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt huyện Đức Phổ do Công ty TNHH Thương mại và Công nghệ môi trường MD làm chủ đầu tư, ngừng hoạt động và di dời khỏi địa phương”.

Đọc các phát biểu ông Võ Văn Hào, Trưởng ban tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ngãi, chủ trì buổi họp, tôi có 10 câu hỏi xin gởi tới ông. Các dòng in nghiêng là phát biểu của ông Hào, trích từ bài báo trên. Các câu hỏi chỉ liên quan tới sự việc và nhân sự trong bài báo.

 
“Về vụ dân bao vây nhà máy rác ở huyện Đức Phổ, Trưởng ban tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ngãi nhiều lần thừa nhận truyền thông trên mạng xã hội lan tỏa nhanh, còn báo chí chính thống lại không được như vậy”


Câu hỏi 1: Báo chí chính thống có nhiều phương tiện săn tin, được ưu tiên tiếp xúc nguồn tin, tại sao báo chí chính thống lại không nhanh chóng đưa tin cho người đọc, còn mạng xã hội thiếu trăm bề lại đưa tin được nhanh chóng?

Câu hỏi 2: Thông tin này có thuộc loại thông tin mật không? Nếu mật thì vì lý do gì là mật?

Câu hỏi 3: Sự chậm trễ thông tin có phải do có sự chỉ đạo “khoan” hay “không” đưa thông tin cho công chúng không?

Câu hỏi 4: Vì động cơ gì, đạo đức nghề nghiệp báo chí gì mà mạng xã hội đưa tin nhanh chóng, kịp thời? Vì động cơ gì, đạo đức nghề nghiệp báo chí gì mà báo chí chính thống “không được như vậy”?


“Nhưng rất tiếc dân mình giờ không đọc báo, không đọc những thông tin của mình (báo chí); thậm chí là chính quyền xã Phổ Thạnh và huyện Đức Phổ giờ đứng ngoài cuộc rồi, tức là dân không nghe nữa rồi”. 


Câu hỏi 5: Khi dân “không đọc thông tin của mình [báo chí chính thống], không nghe nữa rồi”, có phải là dân không tin chính quyền không?

Câu hỏi 6: Với tư cách là Trưởng ban Tuyên giáo một tỉnh, chắc chắn ông Hào biết rõ nguyên lý “dân là chủ xã hội, chính quyền được dân thuê làm việc cho dân”. Vậy khi dân không đọc báo chính thống, khi dân không nghe chính quyền nữa, chính quyền nên làm gì cho dân, tức người chủ, hài lòng? Dân nên làm gì, có thể làm gì để chính quyền phục vụ dân tốt hơn, đúng ý dân hơn?

Câu hỏi 7: Nếu dân không nghe chính quyền thì tổ chức đối thoại. Nếu sau khi đối thoại mà dân vẫn không nghe, không tin chính quyền, thì chính quyền nên theo yêu cầu của dân, hay chính quyền dùng biện pháp mạnh bắt dân phải nghe, phải tin? Những lúc như vậy, có nên tổ chức lấy ý kiến dân, người chủ của xã hội, không?

Câu hỏi 8: Có bao giờ ông Hào tự hỏi tại sao dân “không đọc những thông tin của mình [báo chí chính thống]... dân không nghe [chính quyền] nữa rồi”? Với cương vị và trách nhiệm của mình, ông có nghĩ tới vạch một dự án giúp chính quyền lấy lại niềm tin của dân bằng hành động, bằng thảo luận, tranh luận chứ không bằng ép buộc không?


“Giải pháp cuối cùng là lực lượng chức năng phải bảo vệ để nhà máy hoạt động”


Câu hỏi 9: Phát biểu trên đây của ông Hào cho thấy một lập trường đã được “đổ bê-tông”, không thương lượng gì cả. Vậy thì các gặp gỡ, đối thoại phải chăng chỉ có mục tiêu bắt dân phải nghe chính quyền? Khi không thuyết phục được dân bằng lý lẽ mà phải dùng “giải pháp cuối cùng là lực lượng chức năng”, ông có nghĩ ban tuyên giáo tỉnh ủy đã hoàn thành trách nhiệm của mình hay không?

Câu hỏi 10: Với cách nhìn, nghe dân phản ứng, nói chuyện với dân như vậy, ông Hào có nghĩ rằng chính quyền còn có năng lực nghe được, hiểu được TIẾNG DÂN và làm theo Ý DÂN, LÒNG DÂN không?


Lê Học Lãnh Vân

https://motthegioi.vn/chuyen-hom-nay-c-155/tieng-dan-va-long-dan-94874.html