26 mai 2017

‘Sớm ban hành Luật Biểu tình chính là ‘trả nợ nhân dân’


 
Một vụ biểu tình chống chính sách 'thắt lưng buộc bụng' ở Tây Ban Nha


Tại phiên thảo luận tổ về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2018 vừa diễn ra, nhiều ĐBQH đã nhắc đến “món nợ” của Quốc hội từ nhiều năm qua là Luật về Hội và Luật Biểu tình.

 

Quyền của dân nhưng không có hành lang pháp lý
 

ĐBQH Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) cho rằng Chính phủ chưa thực sự quan tâm đến một số dự án luật như Luật về Hội, Luật Biểu tình dù những luật này rất cần thiết.

“Biểu tình là quyền của dân, nhưng không có hành lang pháp lý điều chỉnh cho bài bản, thì không ai biết thực hiện thế nào là đúng, thế nào là sai. Đây là vấn đề đã được hiến định, Quốc hội đã giao rồi, Chính phủ nên đưa ra”, ông Xuyền nói.

Đồng tình với ý kiến này, ĐBQH Dương Trung Quốc (Đồng Nai) bày tỏ, hiện tượng biểu tình thì ngày càng nhiều mà không có luật điều chỉnh làm cho dân không biết đúng hay sai, trong khi vấn đề này Thủ tướng cũng đã nói từ Quốc hội khóa 13.

Dẫn chứng vụ việc ở xã Đồng Tâm (Mỹ Đức, Hà Nội), ông Quốc cho biết người dân trách vì sao ĐBQH, người đại diện cho dân lại xuống với dân chậm để cho dân cô độc, còn bị quy là chống đối? 


ĐBQH Dương Trung Quốc cho rằng cần nhanh chóng xây dựng và ban hành Luật Biểu tình

ĐBQH Giàng A Chu, Phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cũng nói: “Hiện nay tình trạng đình công trong các khu công nghiệp, khu chế xuất vẫn tồn tại, nhưng lại không có luật. Tôi nghĩ luật này cũng không đến nỗi nhạy cảm. Tôi đề nghị đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và đưa ra thảo luận tại kỳ họp thứ 6”.

Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, luật sư Kiều Anh Vũ, Đoàn luật sư TP.HCM cho rằng, quyền biểu tình là quyền cơ bản của công dân được ghi nhận trong Hiến pháp của mỗi quốc gia. Tại Việt Nam, qua các bản Hiến pháp khác nhau, quyền biểu tình đều được ghi nhận và hiện nay được quy định tại Điều 25 Hiến pháp năm 2013.

Như vậy, mặc dù quyền biểu tình là quyền Hiến định, quyền cơ bản của công dân nhưng công dân chỉ được thực hiện quyền này theo quy định của pháp luật, nghĩa là phải có Luật Biểu tình. Do đó, phải có Luật Biểu tình để Hiến pháp thực sự đi vào đời sống với đầy đủ ý nghĩa của nó.

“Có thể nói Luật Biểu tình là một đạo luật “hướng dẫn thực hiện Hiến pháp” về quyền biểu tình. Sớm xây dựng và ban hành Luật Biểu tình chính là “trả nợ nhân dân”, ông Vũ nói. 

Các ĐBQH thảo luận tại tổ - Ảnh: Văn phòng Quốc hội



Trong bối cảnh hiện nay, theo ông Vũ, việc ban hành Luật Biểu tình càng trở nên quan trọng. Ở góc độ nào đó, có thể thấy rằng đã có những cuộc biểu tình diễn ra trên thực tế với tên gọi, cách thức thực hiện khác nhau như các hoạt động tập thể phản đối hành vi sai trái của Trung Quốc đối với chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa, Trường Sa; phản đối hành vi sai trái của Formosa...

Tuy nhiên, vì chưa có Luật Biểu tình nên những cuộc biểu tình như vậy chưa được thừa nhận chính thức và cũng không có cơ sở xác định tính hợp pháp hay bất hợp pháp của cuộc biểu tình.

Vì chưa có Luật Biểu tình nên cơ quan có thẩm quyền cũng chưa quản lý được hoạt động biểu tình, việc biểu tình (nếu có) của người dân chỉ mang tính tự phát và dễ gây ra tình trạng mất an ninh trật tự, an toàn xã hội. Thậm chí quyền biểu tình còn bị lợi dụng để chuyển hóa cuộc biểu tình thành hoạt động gây rối, tuyên truyền, chống phá… Những bất cập đó là vì chưa có Luật Biểu tình để điều chỉnh, quản lý.

Do đó, luật sư Vũ cho rằng, Luật Biểu tình ra đời không chỉ tạo điều kiện cho công dân thực hiện quyền Hiến định của mình mà còn phục vụ cho việc quản lý Nhà nước, đấu tranh với các hành vi lợi dụng, lạm dụng quyền biểu tình để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. 


Chưa có sự thống nhất trong tư duy làm luật?
 

Đồng tình với việc cần thiết phải ban hành Luật Biểu tình, ĐBQH Hoàng Bình Quân, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương cho rằng: “Luật có khó, có vướng nhưng cần thì cũng phải làm cho bằng được, chứ không thể để một bộ, một cơ quan chủ trì soạn thảo cứ xin lùi mãi chỉ với lý do việc chuẩn bị chưa ổn, chưa yên tâm”.

Không chỉ Hiến pháp, việc xây dựng Luật Biểu tình cũng đã được quy định trong Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24.5.2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, cụ thể: “Xây dựng các đạo luật về lập hội, biểu tình nhằm xác định rõ quyền, trách nhiệm của công dân trong việc thực thi quyền dân chủ và trách nhiệm của Nhà nước trong việc duy trì, bảo đảm kỷ cương, trật tự công cộng”. Tuy nhiên, đến nay Luật Biểu tình vẫn bị trì hoãn. 



Theo luật sư Kiều Anh Vũ, việc trì hoãn là có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, đây là đạo luật quan trọng, có tác động xã hội lớn ở nhiều mặt nên cơ quan có thẩm quyền phải thận trọng xem xét, xây dựng, ban hành nên mất nhiều thời gian.

Thứ hai, ông Vũ cho rằng có thể chưa có sự nhận thức thống nhất trong tư duy của những nhà làm luật, những người có thẩm quyền trong việc xây dựng và ban hành. Có người thì thấy cần thiết nhưng có người lại phân vân, lo ngại...

“Sự không thống nhất về nhận thức và tư duy, tất yếu sẽ dẫn đến sự trì hoãn trong thực hiện và thực thi và do đó, Luật Biểu tình vẫn là “món nợ với nhân dân”, ông Vũ nói.

Một nguyên nhân nữa, ông Vũ cho rằng những nhà làm luật, những người có thẩm quyền vẫn chưa đủ quyết tâm, quyết liệt để trả nợ nhân dân về Luật Biểu tình.

Trước đó, trong cuộc họp báo chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa 14, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định, Hiến pháp năm 2013 đã quy định về quyền con người, quyền công dân, trong đó có quyền biểu tình, quyền lập hội. Vừa qua, trong Chương trình xây dựng luật cũng đưa ra dự án Luật Biểu tình nhưng khi trình lên thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy dự án luật này chưa đảm bảo chất lượng nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện. 


Trí Lâm



Nguồn: Theo MTG