01 août 2017

Nhớ về Tổ Tư vấn


Phạm Chi Lan
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan:  "tôi hy vọng Tổ Tư vấn mới sẽ giúp Thủ tướng trước mắt tập trung khai thông bằng được những điểm nghẽn chủ yếu do cơ chế, đảm bảo các quyết định kinh tế phải được lập trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc thị trường.  

Từ đó, mới dần tạo nên những xung lực mới hay đường băng mới để nền kinh tế cất cánh bay lên, trong một tương lai không xa."





“Đã là doanh nghiệp thì phải có vốn, mà đã có vốn thì nhà nước phải quản số vốn đó!”.

Đó là lập luận của một cựu thứ trưởng Bộ Tài chính bên bàn soạn thảo Luật Doanh nghiệp gần 20 năm về trước. Chúng tôi đã “chiến đấu” với những luận điểm như thế để Luật Doanh nghiệp ra đời như hôm nay. Và đó cũng là những tháng năm đẹp nhất của tôi, trong vai trò thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng.

Tôi bắt đầu tham gia Tổ Tư vấn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt năm 1996. 

Lúc đó, sau ba năm hoạt động, Tổ Tư vấn của Thủ tướng được tổ chức lại thành Tổ nghiên cứu đổi mới kinh tế, xã hội và hành chính  với 21 thành viên, trong đó có 11 người làm chuyên trách, 10 người kiêm nhiệm. 

Hầu hết các thành viên từng hoặc vẫn đang là trợ lý của Thủ tướng, là lãnh đạo của các viện nghiên cứu lớn của nhà nước, là chuyên viên cao cấp của Văn phòng Chính phủ hoặc các ban của Đảng. Tôi thuộc số thành viên mới và kiêm nhiệm của Tổ này. Lúc đó, tôi đang là Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Thủ tướng Võ Văn Kiệt bảo tôi: “Chị cứ tiếp tục làm việc ở VCCI và tham gia Tổ Tư vấn để giúp tôi hiểu được các vấn đề của doanh nghiệp, đưa ra được những chính sách trúng hơn cho doanh nghiệp và kinh tế nước ta phát triển”. 

Hai năm sau, Tổ được Thủ tướng Phan Văn Khải nâng cấp thành Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ, với một số quyền chủ động cao hơn về nhân sự và cơ chế làm việc. Tôi tiếp tục tham gia Ban Nghiên cứu, và từ năm 2003, sau khi nghỉ hưu ở VCCI, trở thành thành viên chuyên trách của Ban cho đến lúc Ban giải thể vào tháng 7/2006.

Khoảng đầu năm 1997, Chính phủ quyết định thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ soạn thảo Luật Doanh nghiệp, nhằm xây dựng một luật mới thay cho Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân 1990. Lần đầu tiên, theo đề xuất của Ban, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - một tổ chức đại diện cho giới doanh nghiệp và doanh nhân - được Chính phủ mời tham gia Ban Chỉ đạo và Tổ soạn thảo luật. 

Các vị lãnh đạo của CIEM chịu trách nhiệm về xây dựng Luật, cũng là thành viên, cộng tác viên của Ban Nghiên cứu, đã cùng chúng tôi ở VCCI tổ chức nhiều cuộc tham vấn doanh nghiệp và các nhà nghiên cứu, quản lý liên quan khắp ba miền về dự thảo Luật doanh nghiệp. 

Chúng tôi đã lắng nghe rất nhiều ý kiến của doanh nghiệp, của các chuyên gia kinh tế, pháp lý và đại diện các cơ quan quản lý nhà nước về Luật doanh nghiệp, trong đó không ít ý kiến trái chiều nhau giữa doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước. 

Xu hướng chung là doanh nghiệp muốn được quyền tự do kinh doanh, trong khi một số cơ quan quản lý muốn quản được đến đâu thì mở đến đó. Đương nhiên, chúng tôi ủng hộ doanh nghiệp và quyết chí xây dựng luật theo tinh thần bảo đảm quyền tự do kinh doanh cho họ, dù biết rằng việc đó hoàn toàn không dễ dàng. Khi đưa ra những dự thảo theo tinh thần đó, chúng tôi gặp không ít phản ứng gay gắt của các cơ quan liên quan. 

Ví dụ mà tôi kể ở đầu bài, về quan niệm “nhà nước phải quản vốn” chỉ là một trong số những điều chúng tôi phải đương đầu. Chúng tôi phải tận dụng tối đa sự ủng hộ của Ban Nghiên cứu và đa số thành viên Ban Chỉ đạo Luật doanh nghiệp để đánh đổ lý sự kiểu đó, và có được một dự thảo thật sự đổi mới. 

Tiếp theo đó là quá trình thuyết phục các thành viên của Chính phủ, của các ban và ủy ban liên quan bên Đảng, bên Quốc hội... Cơ cấu và uy tín của Ban Nghiên cứu lúc đó giúp rất nhiều cho quá trình này. Đến khi đưa ra Quốc hội, lúc đầu cũng có những ý kiến trái chiều, song rút cục Luật Doanh nghiệp 1999 được biểu quyết thông qua với đa số áp đảo. Khỏi phải nói, những người ủng hộ luật này và đặc biệt là đông đảo doanh nghiệp vui mừng như thế nào. 

Không dừng ở đó, Ban Nghiên cứu còn có sáng kiến đề nghị Thủ tướng thành lập Tổ Thi hành Luật để tổ chức thi hành thật tốt luật này. Đội “chiến binh” đầy tinh thần và khí thế cải cách này đã thực sự “chiến đấu” với không ít bộ ngành trong việc xóa bỏ các giấy phép con và những thủ tục hành chính vô lý gây phiền hà và tốn kém cho doanh nghiệp, cản trở việc thực thi Luật doanh nghiệp.

Luật Doanh nghiệp 1999 đã tạo nên một cú hích phát triển mạnh mẽ khu vực tư nhân ở nước ta, nâng cao vai trò và sự đóng góp của tư nhân trong nền kinh tế, góp phần phục hồi tăng trưởng kinh tế sau suy giảm do tác động của khủng hoảng tài chính ở Đông Nam Á cuối thập niên 1990. 

Luật này cũng đánh dấu một bước cải cách thể chế mạnh mẽ theo kinh tế thị trường ở nước ta trong thời kỳ đó. Nó mở đầu cho cách làm mới trong hoạch định và ban hành chính sách: việc xây dựng pháp luật được “đưa ra ánh sáng” (chứ không làm trong phòng kín của các cơ quan nhà nước); doanh nghiệp và các đối tượng liên quan được tham vấn, được có tiếng nói trong việc thiết kế và thực thi luật pháp có liên quan để có thể giành lấy và bảo vệ quyền tự do kinh doanh chính đáng của họ.

Kinh nghiệm tham gia xây dựng và thi hành Luật doanh nghiệp 1999 đã giúp tôi hiểu sâu sắc về vai trò, nhiệm vụ của Ban Nghiên cứu và gắn bó với Ban cùng các anh chị em trong Ban cho tới bây giờ. Tôi thực sự hiểu và yêu thích cơ chế “5 không” của Ban Nghiên cứu: không biên chế, không chức vụ, không lương, không có cấp trên cấp dưới, và không bị hạn chế khi đóng góp ý kiến với lãnh đạo. 

Với cơ chế này, chúng tôi không bị chi phối bởi bất cứ lợi ích nào khác ngoài lợi ích quốc gia, lợi ích của nhân dân, cũng không sợ hãi trước sức ép của thế lực hay lợi ích ngược chiều nào đó. 

Với cơ chế này, chúng tôi thả sức nghĩ, đọc, viết, lắng nghe, học hỏi, bàn thảo, tranh luận với đồng nghiệp trong và ngoài Ban, với các cộng đồng trong xã hội, với các cơ quan liên quan, kể cả với người đứng đầu Chính phủ, để góp sức mình cho sự nghiệp đổi mới và phát triển của đất nước. 

Với cơ chế này, chúng tôi mang con tim và khối óc rộng mở của mình ra mà đoàn kết, hợp tác, đồng tâm hiệp lực với nhau và với những người có tư duy đổi mới, rồi nhận được biết bao sự ủng hộ, giúp đỡ quý báu của những người tâm huyết với sự nghiệp phát triển của đất nước, kể cả của bạn bè quốc tế, để tăng thêm sức mạnh, cùng nhau hoàn thành những công việc được Thủ tướng và nhân dân giao cho.

Hôm nay, đọc tin về Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, lòng tôi không khỏi xốn xang vì nhiều lẽ. Tôi mừng vì Tổ ra đời, trong đó có một số thành viên mà lâu nay tôi rất quý trọng cả về tri thức, sự tận tâm và sự thẳng thắn, quả cảm của họ. Tôi cũng lo trước những thách thức quá lớn của nền kinh tế nước nhà hiện nay trong một thế giới đầy biến động, đòi hỏi Tổ - cũng như biết bao chuyên gia có trí tuệ và tâm huyết khác ở trong và ngoài nước - phải cùng nhau góp phần tìm lời giải hợp lý nhất cho đất nước.  

Song tôi hy vọng Tổ Tư vấn mới sẽ giúp Thủ tướng trước mắt tập trung khai thông bằng được những điểm nghẽn chủ yếu do cơ chế, đảm bảo các quyết định kinh tế phải được lập trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc thị trường.  

Từ đó, mới dần tạo nên những xung lực mới hay đường băng mới để nền kinh tế cất cánh bay lên, trong một tương lai không xa.

Phạm Chi Lan

Nguồn: Theo VNE