Sự giải thích và cải tạo thế giới của chủ nghĩa Marx-Lenin đã trở thành quá khứ. Thế giới hiện thực trong đó chúng ta
đang sống là hiện thực đang bị phân rã về nền
tảng. Hữu thể và tự do là một cuộc sống
đang chứng nghiệm thực tế phân giải ấy.
Phần I
Những sai lầm, hạn chế, và vấn đề cần
đặt ra.
Chúng ta đã biết, cuộc Cải cách ruộng đất (1953-1956), tổ
chức Hợp tác xã toàn xã (1976 – 1977) và công cuộc cải cách Công
thương nghiệp ở miền Nam sau 1975 là những sai lầm lớn.
Sự đổ vỡ
của hệ thống XHCN ở Liên Xô và Đông Âu cũng là kết quả của một loạt sai lầm lớn.
Người ta
đã cho những sai lầm đó thuộc về Đảng Cộng Sản, và nói rộng hơn thuộc về chúng
ta đã không hiểu và áp dụng đúng triết học Marx-Lenin trong hoạt động thực tiễn.
Không,chúng
ta không sai lầm theo cách như thế, mà ở chỗ chúng ta đã không dám nhìn ra những
sai lầm và lỗi thời của học thuyết ấy, của nền triết học ấy khi người ta theo
nó, và vận dụng nó vào trong đời sống này.
Dĩ nhiên
chúng ta cũng phải thấy rằng những tư tưởng triết học của các ông đã đáp ứng được
những đòi hỏi nào đó mà thời đại các ông đặt ra, các ông đã có những cống hiến
cho nền triết học thế giới.
Thế giới
ngày nay đã có quá nhiều biến đổi về đời sống công nghiệp,công nghệ và quan hệ
chính trị.
Và đặc
biệt chúng ta, từ một đất nước bị nô dịch bởi ngoại bang đã trở thành một nước có
chủ quyền chính thống. Và mỗi chúng ta từ thân phận thần dân và nô lệ đã biến đổi, đã trở thành công dân của một nước
độc lập chính thống, và cao hơn còn là dân trong một thế giới có hiến pháp.
Ở mức độ triết học, tôi gọi mỗi chúng ta đã sinh
ra ở “điểm” phân rã, phân giải của thế giới hiện thực. Y là một hữu thể.
Thời đại chúng ta đang sống cần phải có một trào
lưu triết học riêng, một tư tưởng triết học riêng để đáp ứng đòi hỏi của cuộc sống.
Chủ nghĩa duy vật hiện đại là một sự hạn chế, tăm
tối. Gần 50 năm đã qua chúng ta đã đi trên con đường còn nhiều tăm tối đó.
Không thay đổi để có một cách nhìn mới, không vượt
lên trên triết học đó, chúng ta khó có thể tiến lên một bước nào về phía trước.
Đây là mối bận tâm có tính chất
“hình nhi thượng học” . Đó là đề tài được ít người chú ý, thêm nữa, lại là những
nội dung lề trái, đặc biệt cấm kị đối với hệ tư tưởng chính thống. Vì lẽ đó tôi
mong nhận được sự quan tâm, thảo luận của nhiều người về một vấn đề đang có sức
chi phối, và cản trở mạnh mẽ sự vận động của thực tiễn xã hội chúng ta.
Như
chúng ta biết, triết học phương tây truyền thống đã bị các trào lưu triết học
hiện đại và hậu hiện đại phê phán mạnh mẽ.
Sự phê
phán này có thể được bắt đầu từ E.Husserl, tuy nhiên có thể nói vẫn còn như một
phiên bản của Kant với một sự cố gắng sửa đổi.Ở Kant, thế giới hiện tượng được
nhận thức, và đồng thời được tạo ra, bởi ý thức tiên nghiệm có giá trị với mọi
chủ thể quan sát trong những trạng thái khác nhau mà ông gọi là tính phổ biến,
tất yếu. Còn E.Huserl, ông đưa thế giới đối tượng vào trong tính chủ quan thuần
túy sau khi đã loại bỏ sạch nội dung của đối tượng bên ngoài vào trong dấu ngoặc,
gọi là phép qui giản. Dĩ nhiên tính chủ quan của mỗi chủ thể, mỗi cá nhân tồn tại
và nhận thức này có dựa trên cơ sở là thế giới đời sống, là sinh hoạt tại thế của
tồn tại người .
Tư tưởng về tính
chủ quan thuần túy của chủ thể người của ông đã bị Sartre phê phán gay gắt.Theo
Sartre, các vật được nhận thức tồn tại bên ngoài ýthức , rằng nó có tính không
qui được về ý thức.
Tuy vậy, Sartre cũng không đem lại một giải pháp nào mới cho
các vấn đề của triết học hiện đại ngoài chủ nghĩa duy tâm chủ quan có phần thần
bí, và nhiều mâu thuẫn.
Sự phê
phán ở Heidegger có tiến triển cũng chẳng đáng kể gì, mặc dù với ông, khởi thủy
là hành động.
Con
người đã không được sản sinh ra từ thế giới, mà ngược lại, con người được hiểu
là dasein, tồn tại-ở đây, đã như là cái “nhân” ,là thế giới trung tâm dần dần
chuyển thành thế giới xung quanh trong sự phóng chiếu của nó, rằng dasein đã
“cung cấp” ý nghĩa cho nó (thế giới, vật như là thế…) thông qua tiếp xúc, gặp gỡ
và hành động sử dụng ,cải biến công cụ.Và chúng ta cũng thấy, với ông, cũng
không vượt ra được tư duy truyền thống trong sự phê phán này. Rằng, thế giới hiện
ra vẫn là Duy nhất với cơ sở, nền tảng là dasein.
Tiếp
theo chủ nghĩa Hậu hiện đại cũng vẫn bị rơi vào bế tắc. Nó đã tấn công vào tư
duy và triết học truyền thống theo hướng vứt bỏ hoàn toàn, triệt để bản thể học
về tính qui định chung nhất của Tồn tại.Với chủ nghĩa Hậu hiện đại, thế giới
không phải là duy nhất, và thống nhất; rằng thế giới không bị chi phối bởi nền
tảng, bởi những qui luật phổ quát. Vật, thế giới này được con người đem vào ý
nghĩa, tạo nghĩa cho nó, thông qua văn bản, cách diễn trình ngôn ngữ trong mỗi
nền văn hóa riêng biệt. Và vì thế,thế giới này bao gồm nhiều thế giới, nhiều Hiện
thực, nhiều nền văn hóa tách rời nhau, không qui được về nhau. Giữa chúng, tôi
hiểu, mỗi thực tại như có hư vô bao bọc, tràn qua. Vì thế nó không tất định, bất
toàn, và nhiều hỗn độn.
Con
người trong toàn bộ hành động của mình là chỉ có những kế hoạch, dự định nhỏ,
ngắn hạn; cuộc sống là mong manh, vô định, không có nền tảng, không có quá khứ
và một tương lai không xác định. Tóm lại, vật, thế giới được tạo ra, theo chủ
nghĩa hậu hiện đại, cuối cùng cũng chỉ là những vật giả. Đại diện cho trường
phái này là Derrida, Foucault...những triết gia nổi tiếng của những thập niên
cuối của thế kỉ 20.
Tuy
nhiên, chúng ta phải ghi nhận những cố gắng, những tiến bộ mà nó đã đạt được, nếu
so với trước đó đã có rất nhiều bộ óc khổng lồ của chủ nghĩa hiện đại vật vã mà
không sao thoát ra được. Đó chính là sự chiến thắng của nó với tư duy và triết
học truyền thống về cái Tuyệt đối, cái Duy nhất, cái Đồng nhất thể đã ngự trị
suốt một chiều dài lịch sử nhiều nghìn năm.
Triết học
Marx-Lenin cũng không nằm ngoài phạm trù tư duy và triết học truyền thống ấy.
Nó đã hoàn toàn tỏ ra không còn thích hợp, phù hợp, không còn có khả năng lí giải
Tồn tại tổng quát, và trả lời cho những
vấn đề của cuộc sống, của tồn tại người mà thời đại đang đặt ra.
Thế giới
trong đó chúng ta,những con người của thế giới đương đại đang sống đã cảm thấy
rõ nét không phải là cái Duy nhất, Đồng
nhất thể, có cùng cội nguồn, đơn chiều và tuyến tính. Các lợi ích một mất, một
còn đang giằng xé nhau mạnh mẽ, hủy hoại, tiêu diệt lẫn nhau, và diễn ra đồng
thời với hợp tác, trao đổi và đối thoại.
Đời sống
của những tư tưởng bá đạo, cực quyền; độc chiếm chân lí và các chính thể độc
tài, độc quyền-toàn trị đang lụi tàn. Con người đã trở lên tự do, được tự do và
cần phải được tự do: Y như không còn bị giàng buộc, bị chi phối , bị qui định bởi
thế giới xung quanh trong tính phổ biến, bởi các quan niệm đã đóng đinh vào lịch
sử, bởi các thiết chế xã hội, bởi các thế lực, áp lực bên ngoài… Con người, bên
cạnh những sức mạnh hòng nô dịch, áp bức lẫn nhau, còn một cơ hội rộng lớn khác
luôn được lựa chọn, và cần phải lựa chọn vì sự sinh tồn: đó là sự bình đẳng, và
tôn trọng các giá trị sống, lợi ích, và sự lựa chọn các quan điểm và niềm tin của
nhau như một thực tế đang phổ biến.
Tuy
nhiên cũng từ sự tự do này, trong đời sống tự do, Y cũng đã gặp phải và cảm nhận
được sâu sắc chiều kích thứ 2 của nó: chiều,cách tiêu cực của tự do trong thế
giới, trong đời sống Y đang trải nghiệm: xung đột, khủng bố, li khai, bạo loạn,bất
trắc và rất nhiều rủi ro đang chờ đợi Y. Xa lạ, cô đơn, cô độc cũng là những trạng
thái và khung cảnh thường gặp của con người hiện đại.
Thế giới
hiện đại, đó là một quá trình đang diễn ra sự phân rã, phân giải nền tảng thành
nhiều hiện thực khác nhau. Thực tế lịch sử ấy cần phải được chúng ta thấu hiểu
không chỉ trong kinh nghiệm sống hàng ngày, mà cần phải đạt tới trong những mối
bận tâm, và suy tư triết học.Trong bối cảnh đó, việc phê phán học thuyết Marx,
và nói riêng triết học của nó nhằm vượt qua, vượt trên tư duy và cách lí giải
truyền thống “về” thế giới phải trở thành nhu cầu, thành nguyện vọng chính đáng
của sự phát triển nước nhà.
Phần
II
1.
Tồn tại và hiện thực
Sự suy nghĩ triết học về thế giới, tức là về các
sự vật và hiện tượng xung quanh cho đến con người và lịch sử là nội dung trả lời
cho câu hỏi nó được sinh ra như thế nào? Bản chất của nó là gì? Có hay không?
Câu hỏi về vạn vật của thế giới đã được triết học
đặt ra và giải quyết từ lâu với những nội dung khác nhau.
Với triết học Mác-xít, thế giới là có bản chất,
và được hiểu là vật chất. Rằng vạn vật trong thế giới từ cái cây, hòn đá, cái
xanh, cái vàng là những dạng tồn tại cụ thể của nó, là vật chất được biểu hiện
ra ở một hình thái xác định.Và vì thế, Thế giới này là thống nhất ở tính vật chất
ấy.
Nhưng vật chất là gì? Ăng ghen có giải thích rằng sau
vô hạn phép loại trừ những phẩm chất, tính chất riêng biệt, đặc thù ở các sự vật,
cái chung nhất còn lại trong chúng là vật chất.
Sự giải thích này của ông đã bộc
lộ ít nhất hai hạn chế, và mâu thuẫn nhau:1,sự loại trừ ấy là vô hạn,
nên vật chất với tính cách là vật chất là một khái niệm không định nghĩa được, không xác định. 2,trong khi đó,nó đã ngầm
xác quyết ngay từ đầu sự tách rời, xác định giữa vật chất và ý thức , đó là một
sự luẩn quẩn.
Lenin sau này cũng theo phương thức tư duy đó, và
nói thêm rằng khi ta định nghĩa chẳng hạn “Con lừa là một động vật” ta đã đặt
chủ từ con lừa vào vị từ động vật có ngoại diên rộng hơn. Vật chất là vô hạn,
vô tận nên người ta không thể đưa ra định nghĩa theo cách đó được.
Điều đó
có nghĩa là theo quan điểm Bản thể học, chúng ta không xác định được vật chất
cũng như cơ cấu tồn tại tổng quát của nó là gì? [nhớ rằng quan điểm “thực tại
khách quan” của Lenin chỉ là phạm trù của lí luận nhận thức. Và ngay trong cái
giới hạn vẻn vẹn này ông cũng đã sai lầm khi vạch ra sự phân chia tuyệt đối giữa
vật chất và ý thức.]
Do đó,
đâu là cơ sở để chúng ta khẳng định vật chất là bản chất chung nhất , tính qui
định chung nhất có trong vạn vật: rằng
cái bàn, hòn đá, cái xanh, cái đỏ là hình thái tồn tại cụ thể; là biểu hiện cụ
thể của vật chất?
Chúng ta
phải có một sự thừa nhận Tồn Tại đã phát triển từ vô cơ đến giới hữu cơ, từ
không có sự sống đến sự xuất hiện của các sinh vật.
Tồn tại
tự quy định cho bản thân nó, trong giai đoạn đầu là Đống nhất với chính nó. Một
sự đồng nhất trừu tượng. Tôi gọi là Tồn- Tại -Thuần- Túy.
Tồn tại thuần túy không phải là tồn tại trống rỗng.
Nó là giai đoạn đầu của Thế giới hiện thực. Nó chưa biểu lộ mình, chuyển mình
ra ở Tồn-Tại- Khác.
Trái Đất hôm nay đã có nhiều biến đổi, nhưng khoa
học địa lý vẫn cho chúng ta biết được cái gì đó đã từng tồn tại hàng tỷ
năm về trước.
Rất nhiều các sự vật như thế: Mặt trời, mặt
trăng, ánh sáng, bụi khí... đã có “lịch sử” tồn tại lâu dài. Chúng ta tạm gọi
nó là những bộ phận của Tồn tại thuần túy.
Sự tồn tại của Tồn tại thuần túy là có thực. Nó
được suy ra từ kinh nghiệm của khoa học
tự nhiên,kinh nghiệm đời sống của mỗi chúng ta, rằng nó không phải là một tiền
đề giả định của triết học.
Một quá trình phát triển về sau đã làm xuất hiện
cảm giác ở con người.(Đó là một quá trình lâu dài của thế giới. Những phản xạ tự
nhiên, những cảm giác thích thú, đau đớn chúng ta đã thấy có ở những loài động
vật bậc cao . Cảm giác, ý thức ở con người là kết quả tiếp theo của sự biến đổi
tự nhiên ấy)
Cảm giác là hình ảnh đầu tiên của Tồn tại về
chính mình, là Tồn tại lần đầu tiên biết về mình, là ý thức phản tỉnh, là mở ra
mình như là thế trong hình thái xác định
ở con người nguyên thủy.
Trong trạng thái Đồng nhất trừu tượng, Tồn Tại
chưa như là cái gì. Sự xuất hiện của cảm giác nói lên một điều: Tồn Tại thuần
túy đã phát triển đến trình độ Bản chất, tức là đến cái trình độ có khả năng biểu
hiện mình qua cái khác, Tồn- Tại- Khác .
Tồn tại xuất hiện mình ra như là ... là Tồn tại
trong tính quy định bản chất, còn cảm giác chỉ là biểu hiện bên ngoài của thế
giới trong tính cụ thể - Nó là hiện tượng thế giới.
Tồn tại biểu hiện mình ra như là cái cây, hòn đá ấy
trong lĩnh vực của Tồn tại là những mặt, những bộ phận, khía cạnh, tính chất hợp
thành của vật chất. Nó là thực – tồn của Bản chất.
Sự thống nhất, đồng nhất giữa Bản chất và Hiện tượng
giữa vật chất và cảm giác là ở trong tính thực tồn của Bản chất,tính bị qui định;
còn sự khác biệt là ở trong tính không tồn tại của ý thức. Theo nhận thức luận,
sự thống nhất và khác nhau giữa chúng là ở trong tính khách quan do Tồn tại quy
định và trong tính chủ quan của cảm giác.(1)
Nhờ tính khác biệt này giữa tư duy và Tồn tại, giữa
Bản chất và hiện tượng thế giới mà trong sự phát triển về sau khi đã có một sự
tồn tại độc lập của Hiện tượng, của bề ngoài, cũng tức là năng lực tư duy trừu
tượng, tư duy đã phân chia, chia cắt Tồn tại ra thành những bộ phận, những mảnh
vụn để nghiên cứu xem xét. Tính ưu việt này của tư duy cũng là hạn chế của nó.
Chính từ đây đã làm nảy sinh ra biết bao sai lầm và rắc rối của tư duy triết học.
Ta xét một ví dụ: Các nhà triết học (trừ một vài
trường phái cụ thể) vẫn xem ngôi nhà có một bản chất, đó là nơi mà người ta
dùng để ở. Tất cả các ngôi nhà khác (họ gọi là các hiện tượng) đều giống nhau ở
bản chất ấy. Các triết gia duy tâm cũng như các nhà duy vật đều nói như vậy.
Khái quát nên, vạn vật tuy khác nhau nhưng đều chứa một Bản chất ấy. Sự khác
nhau chỉ ở trong cách giải thích của họ về bản chất mà thôi.
Nhưng thực ra cái bàn, hòn đá vỡ, lá cây run rẩy,
mưa rơi không phải là những hiện tượng của một bản chất nào đó. Nơi người ta
dùng để ở không phải là bản chất của nhà, mà cái nhà chỉ là một bộ phận hợp
thành của Bản chất , rằng nơi người ta dùng để ở chỉ là đặc tính chung của các
ngôi nhà đó.
Hiện tượng chỉ là cảm giác, là ý thức và ngược lại,
hòn đá, cái cây, màu xanh trong cảm giác mới là hiện tượng (thế giới).
Trong lĩnh vực thực- tồn, cái cây, hòn đá, màu
xanh không có một sự tồn tại riêng, độc lập với những bộ phận khác, cái khác.
Nó chỉ là những bộ phận, những mặt hợp thành không tách rời của Tồn tại.
Khi khoa học đặt ra câu hỏi cái nhà này có bản chất
gì? Hạt mưa rơi có bản chất gì? Tức là họ đã đi tìm đặc tính chung của các vật
đó, hoặc là tìm hiểu về cấu tạo, về cơ chế hoạt động của chúng, hoặc là những
nguyên nhân đã tạo ra chúng .. điều đó là đúng. Nhưng với triết học, câu hỏi đó
đáng ra phải được đặt ra là cái nhà trong cảm giác chúng ta, hạt mưa rơi ...
trong cảm giác chúng ta có từ đâu, có bản chất gì? Tổng quát phải là câu hỏi về
vạn
vật trong cảm giác chúng ta có bản chất không?
Sự sai lầm của một thời đại triết học chính là ở
chỗ chúng ta cứ loay hoay đi tìm và tranh cãi về bản chất của những vật trong
thực-tồn-bản chất, trong thực tại khách quan giống như phương pháp mà tư duy
thông thường cũng như tư duy khoa học đã làm.
Cảm giác như chúng ta thấy thông thường được sinh
ra từ sự tiếp xúc trực tiếp của giác quan với sự vật. Cảm giác mặn sinh ra khi ta
tiếp xúc với muối, nên chúng ta thường hiểu lầm rằng:
1. Mọi cảm giác chúng ta có được là do các vật ấy
đem lại (khi có sự tiếp xúc) hoặc bản thân các vật ấy biểu lộ ra trong cảm
giác.
2. Cảm giác đó là kết quả của quá trình nhận thức
của riêng chúng ta về đối tượng bên ngoài chủ thể, tức là về thế giới khách
quan.
Điều này chỉ đúng một phần, một phần nữa, là kết
quả vận động của toàn bộ Tồn tại đem lại: bộ óc của chúng ta không tách rời khỏi
cơ thể, cơ thể không tách rời khỏi môi trường… Do đó mọi suy nghĩ của chúng ta
có được về khách thể cũng là của Thế giới: cảm giác ta có về cái mặn là Tồn tại
tự biểu lộ mình ra như là mặn ở cảm giác; là thế giới đang tự nhận thức về bản
thân mình, nhận thức về những mặt, những phẩm chất, những bộ phận của mình theo
cách lộ ra, mở ra như thế. Đó cũng là những hình thái xác định cụ thể của Tồn tại,
của thế giới trong tính hiện thực.
Như vậy xét
trong tư thế này,con người chỉ là kẻ, là vật mang cái quá trình nhận
thức ấy (tri giác, biểu tượng, tri thức) của Tồn Tại. Y chưa bao giờ-trong tư
cách ấy- là kẻ sáng tạo ra ý thức, ngôn ngữ, kí hiệu; là chủ thể của Tồn Tại cả.
Quan điểm triết học về tính chủ thể đã từng tồn tại trong lịch sử, và đặc biệt
tính từ Kant đến E.Husserl trên nền của cái siêu nghiệm cho đến quan điểm chủ
thể của Marx-dù đã được bổ sung bởi hoạt động thực tiễn- là một sự nhầm lẫn của
nhân loại trong những cố gắng suy tư về chủ thể
Khi ta nói Tồn tại trong hình thái là xanh, là mặn
thì nó có nghĩa là:
1. Cái
xanh, cái mặn... chỉ là bộ phận, là một tính quy định (bên cạnh những cái khác
đã được xác định) không tách rời cái Tuyết
đối ấy,
2. Tính
quy định ấy (tức là cái xanh, cái mặn, cây...) phải gắn liền, phải đồng nhất
(trong sự khác biệt) với cái xanh, cái mặn trong ý thức do cái toàn thể tuyệt đối
đem lại. Tức là Tồn Tại tự mở ra trong cái hình hài ấy, hình thái ấy. Vật, thế
giới (như là thế) bao giờ cũng là vật
được hiện ra, được đem lại trong (bằng) cảm giác, trong tri giác, trong biểu tượng
của chúng ta.
Tồn tại
tự biểu lộ mình ra ở cảm giác, đó là một quá trình chuyển hóa vật chất thành ý
thức. Bản chất chuyển mình, đổi mình ra ở Hiện tượng. Quá trình này được thực
hiện thông qua hoạt động thực tiễn của con người được hiểu như là điều kiện, là
cơ chế của nó. Hình thức hoạt động đầu tiên ta tìm thấy ở lao động tìm kiếm thức
ăn và sản xuất ra công cụ lao động.
Hiện tượng thế giới ở trình độ ban đầu (dĩ nhiên)
còn nghèo nàn, chủ yếu mang tính hiện thực trực tiếp, cụ thể. Do đó nó còn “gần”,
còn gắn chặt với thực – tồn bản chất, bị phụ thuộc nhiều vào Tồn tại.
Nhưng dần về sau, hàng nghìn năm chậm chạp trôi
đi, thông qua lao động sản xuất đấu tranh với thiên nhiên và xã hội, rằng tri
thức con người có được trở lên phong phú về nhiều mặt, sự hiểu biết về khí hậu,
thời tiết các mùa, cách gieo trồng, chăn nuôi trong nông nghiệp, những tri thức
về khai thác mỏ, nghề mộc, nghề rèn cho đến sự hiểu biết trong lĩnh vực về kinh
tế, tài chính cho đến chính trị và quân sự.
Lúc đầu những tri thức này ở dạng thói quen và những
kinh nghiệm được đúc kết sau rất nhiều năm và rồi nó được tổng hợp, khái quát
hóa thành các khái niệm và trên đó những hệ thống lý thuyết mới được ra đời.
Như vậy hoạt động thực tiễn diễn ra đã làm cho
tri thức ngày càng được hình thành, củng cố và phong phú. Và hiện tượng thế giới
ngày một hút vào trong mình nhiều tính quy định của Bản chất. Tri thức
ngày càng một tiến gần chân lý khách quan luôn biến đổi.
Thực tiễn đồng thời còn là sự vận dụng, ứng dụng/
vật chất hóa/ những kinh nghiệm, những tri thức nhằm mục đích đáp ứng nhu cầu
ngày càng cao của cuộc sống con người. Môi trường sống, hoàn cảnh sống và những
điều kiện sản xuất luôn được cải tạo, thay đổi và làm mới (con người đã biết
làm ra nhà cửa, xây dựng làng mạc, thay đổi phương tiện đi lại, cải tạo đất đai
khô cằn thành những đồng ruộng phì nhiêu, những công cụ sản xuất mới dùng trong
nông nghiệp như cuốc, cày đã thay đồ đá, đồ đồng trước đó.
Đặc biệt là sau thế kỷ 18 trở đi, với sự ra đời của
máy hơi nước, nền công nghiệp đã xuất hiện thay cho kỹ thuật sản xuất thủ công,
cơ bắp. Thế giới hiện thực như đã có được bộ mặt hoàn toàn mới. Một khối lượng
sản phẩm khổng lồ được tạo ra làm thay đổi hẳn cách ứng xử, cách thức tổ chức đời
sống, các thiết chế, và cơ chế vận động của lịch sử, và các nhu cầu về ăn, ở và
đi lại của con người cũng như trong tất cả các lĩnh vực sản xuất vật chất đến
phong tục, tập quán, nghi lễ đều thay đổi...)
Quá trình đó là sự chuyển hóa tất yếu, sự phủ định
tất yếu Hiện tượng thành Bản chất. Ý thức phát triển thành Tồn tại ở trình độ mới
ngày càng cao.
Như vậy trước mắt chúng ta có hai quá trình của một
vòng khâu sinh thành của thế giới đã được thực hiện. Sự vận động, phát triển của
thế giới là một chuỗi những vòng khâu như thế.
Nhưng chúng ta cũng ý thức sâu sắc rằng vòng khâu
sinh thành ấy không phải cứ tuần tự diễn ra đến vô tận như một công thức có sẵn,
một quy luật giản đơn của Tồn tại mà trên thực tế, quy luật ấy đã “xuyên qua” rất
nhiều bước quanh co và thăng trầm của thế giới.Thậm chí qui luật ấy còn bị đổ vỡ,
không bao giờ xảy đến ở rất nhiều “khu vực ” của Tồn tại.
Cuộc khủng khoảng của chế độ nô lệ ở châu Âu, chiến
tranh diễn ra liên miên ở Trung Quốc cổ đại; Thế giới trong thế chiến thứ 2,
ngày nay là cuộc chiến vùng vịnh, Afganitan, những xung đột gay gắt ở Trung
Đông và Bắc phi. Đó là những hình ảnh tàn khốc và bi thương trong những ấn tượng
của chúng ta về lịch sử thế giới.
Sự khủng hoảng, đổ vỡ của thế giới hiện thực
không chỉ diễn ra trong phạm vi lịch sử nhân loại mà nó còn diễn ra từ một hướng
khác, một chiều kích khác. Kể từ khi hiện tượng đạt được sự phong phú của tính
quy định Bản chất cũng như sự phát triển bề ngoài (tức là tính chủ quan) của
nó, đã làm cho con người – kẻ mang Hiện tượng thế giới – bứt được mình ra khỏi
thế giới ấy và tồn tại như những Hữu thể độc lập.
Giới tự nhiên trở thành một đối tượng bên ngoài của
quá trình nhận thức, tìm kiếm và khai thác của các hữu thể như những chủ thể
chân chính của lịch sử và của những suy tư triết học.
Sự cạn kiệt các nguồn tài nguyên cũng như lũ lụt,
động đất, thảm họa sinh thái… đã đặt thế giới hiện thực vào một tình huống, một
nguy cơ mới. Những nguồn năng lượng để duy trì trình độ bản chất, tính quy định
vật chất của Tồn tại ngày một suy kiệt. Cơ sở của thế giới hiện thực đang có
nguy cơ bị phá vỡ, phá hủy...thậm chí, có thể rồi đây nó phải quay về với Tồn tại
Thuần túy, tức là một thế giới không bao giờ mở ra theo nghĩa nào đó. Trả lời
câu hỏi này cũng là sự lo ngại và quan tâm đặc biệt của toàn nhân loại trong thế
kỉ 21 này.
Tiểu
Kết:
Trong những suy nghĩ của chúng tôi, thế giới ban
đầu là Tồn tại Thuần túy.
Tồn tại Thuần túy không phải là cái gì khác mà
chính là Tồn tại... trong chính nó. Tức là trình độ còn đồng nhất với chính bản
thân nó. Ở trình độ này, Tồn Tại được “hình
dung” như một khối đồng chất chưa có bất kỳ một sự phân chia nào, một sự khác biệt
nào trong bản thân nó.Mưa rơi, gió thổi,hệ động- thực vật…như chúng ta thấy
trong tâm thế tự nhiên, trong bức tranh của khoa học tự nhiên như là cái gì có
sẵn, có trước ý thức, bên ngoài ý thức bày ra như thế. Đúng là có mưa rơi, có gió
thổi, mặt trời, những đám mây; có cái xanh,cái đỏ,cái vàng…Nhưng thực ra chúng
chỉ là những bộ phận của Tồn Tại chưa được mở ra ở ý thức như là thế. Và do đó
nó không phải là Tồn Tại trong cái hình
thái xác định ấy. Không có mưa, không có gió, không có thời gian và không gian,
không có độ dài, khối lượng, không có cái xanh, cái đỏ, cái vàng…như là Tồn Tại đang mở ra như thế, mà
chỉ có một khối đồng chất chưa phân chia . Đây cũng chính là điều mà những bộ
óc vĩ đại nhất của khoa học tự nhiên cũng không thể nào hiểu được: thế giới như là thế… không phải là cái gì có sẵn,
có trước, bên ngoài sự quan sát, và đời sống của các nhà khoa học, và của mỗi
chúng ta.
Từ trình độ còn đồng nhất với chính nó, Tồn tại
phát triển đến trình độ Bản chất, tức là hiện mình ra ở cảm giác, biểu tượng và
nói chung là ý thức. Chúng ta có thế giới hiện thực. Đó là sự thống nhất hai mặt
vật chất và tinh thần, trong đó vật chất là cơ sở, là nền tảng, là Bản chất của
thế giới trong đó có sự tồn tại, và tham dự của chúng ta.
Cái xanh, cái đỏ, cái mặn được đem lại trong cảm
giác là thực–tồn bản chất. Nó là những mặt, những bộ phận hợp thành bản chất được xác định như là thế bằng cách mở ra ở ý
thức. Còn cảm giác, ý thức đó là Hiện tượng thế giới, và chỉ có nó mới là hiện
tượng. Sự thống nhất của chúng là thế giới, là Tồn Tại trong hình thái xác định,
cụ thể như là cái xanh,cái đỏ ấy. Sự thống nhất này, xét theo nghĩa chủ yếu,
luôn hình thành, phát triển thông qua hoạt động thực tiễn của con người. Chúng
ta có một định nghĩa:
a. Con người xét như là một bộ phận của lĩnh vực
thực – tồn vật chất, thì hoạt động thực tiễn của nó là hoạt động mang tính quy
định của vật chất, tức là mang tính phổ biến, tất yếu.
b. Quá trình chuyển hóa qua lại giữa tư duy và Tồn
tại trong vòng khâu sinh thành của hiện thực chỉ được thực hiện thông qua hoạt
động thực tiễn.
(1) Ngày nay cũng đã có nhiều người nhận ra được, dù không rõ
ràng, về tính thống nhất, đồng nhất này giữa vật chất và ý thức, rằng ý thức vừa
khác biệt với cái vật chất, vừa có (mang) tính vật chất, dù chúng ta xem nó ở
giới hạn nào của lí luận nhận thức . Tuy nhiên, có phần đáng tiếc, rằng người
ta đã xem mặt đồng nhất này một cách lệch lạc, khi cho ý thức là một dạng đặc biệt của vật chất! (Xem bài “nhận thức
lại bản chất của ý thức và tâm linh” TS Hồ Bá Thâm.)
2. Hữu thể
Hiện tượng
thế giới trong những giai đoạn khởi đầu còn mang tính trực tiếp của hiện thực.
Nó là những dấu hiệu lẻ tẻ, đơn nhất xuất hiện ở trình độ cảm giác, biểu tượng
trong đầu óc con người.
Hàng vạn năm trôi qua của con người nguyên thủy,
có thể tính từ người tinh khôn, hiện tượng thế giới, tức là tri thức mà nó có
được chỉ là những phản ánh trực tiếp, đơn giản những sự vật, thế giới xung
quanh trong việc tìm kiếm thức ăn có sẵn trong tự nhiên (hoa quả, tôm cá, thú vật)
cũng như trong việc mài, đẽo những công cụ và đồ trang sức bằng đá.
Cuộc sống của nó từ ăn, mặc, đi lại đến việc thực
hiện quá trình sản xuất cũng như các quan hệ giao tiếp với cộng đồng, cho đến
việc duy trì nòi giống cho chúng ta thấy một bức tranh chung là con người còn gắn
chặt, còn lệ thuộc gần như hòan toàn vào giới tự nhiên giống như các động vật
khác.
Dần dần theo thời gian, cùng với quá trình lao động,
tri thức của con người về thế giới cũng đã đạt được sự phong phú nhiều mặt: Nó
phát hiện ra tác dụng của kim loại đồng và sắt đối với quá trình sản xuất. Nhờ
những công cụ mới được làm ra như cuốc, cày đã làm cho các nghề chăn nuôi, trồng
trọt và thuỷ lợi trong nông nghiệp, nghề rèn, mộc, gốm trong thủ công nghiệp
cũng như việc buôn bán thương mại dần ra đời và phát triển mạnh mẽ trong suốt
hàng nghìn năm sau đó.
Từ những kinh nghiệm, những tri thức dân gian
(kinh nghiệm, tập quán) trong sản xuất, trong chiến tranh quân sự, trong tôn
giáo và thi ca được tích luỹ lâu dài giúp con người khả năng trừu tượng hoá,
khái quát hoá để hình thành lên hệ thống tri thức và lý thuyết mới.
Hơn nhiều nghìn năm phát triển, hiện tượng thế giới
đã đạt được sự phong phú, đa dạng và tính độc lập trong sự tồn tại của nó.
Tính độc lập thể hiện ở chỗ xuất hiện một đội ngũ
những người lao động trí óc và các ngành học ngày càng chuyên biệt: thi ca,hội
họa, sử học, thiên văn học, toán học, chính trị học…xuất hiện.
Nếu trước kia ở giai đoạn nguyên thuỷ, hiện tượng
trực tiếp sinh ra từ Bản chất, thì giờ đây từ những tri thức kinh nghiệm có sẵn,
những mệnh đề, tiên đề có sẵn, những kiến thức mới được hình thành, tức là Hiện
tượng đã sinh ra từ trong bản thân nó (như trong toán học, định nghĩa về
hai đường thẳng // và tiên đề 5 Ơ-clít người ta suy ra hệ quả: hai đường thẳng
cùng // với đường thẳng thứ ba thì //)
Hiện tượng sinh ra hiện tượng như một hiện thực không thể chối cãi, chính khả năng này
làm cho nhiều hệ thống lý thuyết, văn chương, nghệ thuật đạt được sự độc lập
tách rời với các quá trình của lĩnh vực bản chất.
Nhưng quá trình sản xuất ra đời sống của mình, tức
là phát triển và thoả mãn các nhu cầu về ăn, ở, mặc, đi lại cùng với quá trình đấu
tranh xã hội luôn là giới hạn cho sự thống nhất giữa Hiện tượng và Bản chất, giữa
Tư duy và Tồn tại. Tức là những chân lý được kiểm chứng, được phát hiện.
Sự phát triển độc lập của Hiện tượng thế giới
luôn được đặt trong những giới hạn đó. Tuy nhiên, do sự tự hình thành, nên những
giới hạn trên cũng luôn bị phá vỡ (chúng ta tìm thấy điều này rất rõ nét trong
những lý giải sai lầm của con người về
thế giới, về bản thân mình).
Sự phát triển của tri thức, của sự hiểu biết của
con người đối với thế giới gắn liền với sự mở rộng của quá trình sản xuất nông
nghiệp, thủ công nghiệp và thương nghiệp đã làm cho tính lệ thuộc, phụ thuộc gần
như hoàn toàn vào giới tự nhiên không những đã mất đi mà nó còn làm chủ được,
kiểm soát được giới tự nhiên trong những mức độ nhất định.
Trong quan hệ xã hội là sự tan rã của tổ chức
nguyên thuỷ: cộng đồng làng xã với những quan hệ láng giềng (bên cạnh quan hệ
huyết thống) và tổ chức Nhà nước ra đời.
Con người không còn là một bộ phận không tách rời
của cộng đồng nữa. Chế độ chiếm hữu tư nhân về của cải xuất hiện; mảnh vườn này
là của tôi, còn căn nhà kia là của anh là những ý niệm rất rõ ràng của nó.
Cùng với ý thức, con người đã biết hành động để bảo
vệ, để giữ gìn mảnh vườn, căn nhà và những công cụ sản xuất đơn giản, nhỏ bé
cho cuộc sống của mình. Nhờ những của cải, những tài sản riêng này mà đời sống
của Y được tồn tại. Ngược lại Y có thể bị rơi vào hàng ngũ những người nô lệ,
hoặc bị chết vì đói rét.
Như vậy ở vào thời kỳ nguyên thuỷ, xét theo bản
chất, con người cũng gần như cái cây, hòn đá, con lừa, tức là không có bản chất,
bản ngã riêng. Sự khác nhau chỉ ở hình thái tồn tại của nó: rằng chúng cùng là
một Bản chất trong những hình thái xác định của Tồn tại.
Nhưng ở vào thời kỳ lịch sử sau con người đã xuất
hiện ra như những tồn tại mang tính quy định cho riêng mình: Một lực lượng tách
rời, độc lập, hiện hữu bên cạnh thế giới.
Tuy nhiên trong thời kỳ này tính độc lập của nó mới
chỉ đạt tới trình độ đặc thù.
Tính chưa phổ biến của tồn tại người thể hiện ở
hai mặt. Một là, bên cạnh tầng lớp quý tộc, tầng lớp thị dân và nông dân tự do
còn có một giai cấp cơ bản ở vào địa vị nô lệ, hoàn cảnh sống, số phận của họ
hoàn toàn phụ thuộc vào giới quý tộc.
Mặt khác trong nhiều hoạt động sản xuất nòi giống,
nó mới chỉ thực hiện được thông qua phản xạ và đòi hỏi tự nhiên, các nhu cầu
tình dục được thỏa mãn gần như theo cách thức, và điều kiện của các loài vật.
Và trong cải tạo tự nhiên, cải tạo đồng ruộng… chủ yếu thực hiện bằng các công
cụ lao động thủ công, thô sơ.
Công cụ lao động sử dụng đơn giản như cày, cuốc,
dao, gàu tát nước…các nguyên vật liệu tạo ra những thứ này còn mang tính tự
nhiên, trực tiếp. Và nó được thực hiện chủ yếu bằng cơ bắp và sức kéo của gia
súc.
Công cụ đơn giản và kỹ thuật canh tác nghèo nàn
(chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, tập quán và phong tục) cứ lặp đi lặp lại như vậy
hàng ngàn năm. Sự thất thu của mùa màng, bệnh dịch và thiên tai vẫn hoành hành đe
doạ sự sống của con người. Ơn trời, nhờ trời là tâm lý, là ý thức phổ biến của
con người thời kỳ phong kiến.
Trong các quan hệ xã hội, gia đình, con người còn
bị lệ thuộc nhiều vào chế độ gia trưởng: Lớp trẻ phụ thuộc vào người già, người
dưới phụ thuộc vào bề trên, vợ phụ thuộc vào chồng, và tất cả đều là thần dân của
vua…
Sự phụ thuộc này còn được nâng lên thành các giá
trị đạo đức: con nghe lời cha; vợ cần, và phải nghe theo, phải chung thuỷ với
chồng; bề tôi trung với vua, biết ơn vua; kẻ dưới biết nghe theo và phải biết
kính sợ bề trên; kẻ sỹ học và làm theo gần như nguyên mẫu đạo của bậc thánh hiền
... được coi là văn hóa. Đó là chuẩn mực của đạo làm người.
Từ thế kỷ18 trở đi, thế giới như có sự thay đổi về
chất. Sự phát triển mạnh mẽ của các ngành khoa học tự nhiên theo hướng thực
nghiệm đã làm cho con người hiểu biết ngày càng nhiều hơn, phong phú hơn các
tính chất và quy định của thế giới như các quy luật vận động cơ học, điện, cảm ứng
điện từ, tính chất hạt-sóng của ánh sáng, các tính chất, phản ứng hoá học của
các chất cho đến sự tồn tại, tiến hóa của các giống loài.
Nhờ những phát hiện này về mặt lý thuyết mà quá
trình sản xuất luôn được mở rộng. Đặc biệt với sự ra đời của máy động lực (máy
hơi nước) và máy công cụ, thế giới bước vào cuộc cách mạng kỹ thuật lần thứ nhất,
giới tự nhiên từ trên rừng, trong lòng đất cho đến những khoảng không bao la đều
được con người tìm hiểu, khai thác và chiếm đoạt với một khối lượng khổng lồ chưa
từng có (như chúng ta đã nói ở phần II-1).
Từ những điều trình bày trên có thể thấy rằng Hiện
tượng thế giới không chỉ ngày càng đạt được tính độc lập mạnh mẽ mà nó còn mang
vào trong mình sự phong phú của tính Bản chất: lĩnh vực Bản chất bị “hút”,
bị “tát
cạn” nhiều hơn vào Hiện tượng.
Nhờ kết quả này, con người , đặc biệt, từ cuối thế
kỷ 19 đến nay xuất hiện như một lực lượng độc lập, bên ngoài. Còn giới tự nhiên
như một khách thể, một nguồn của cải vô hạn trong sự khai thác, sự chiếm đoạt,
cải biến của nó.
Trong xã hội, tầng lớp những người nô lệ, nô tỳ bị
xoá bỏ hoàn toàn; không còn tầng lớp những nông nô bị giàng buộc vào các chúa đất,
những nông dân phụ thuộc vào các địa chủ, và đất công làng xã. Mối quan hệ ruột
rà máu mủ,láng giềng, những ơn huệ, quan hệ trên dưới, quân - thần cùng với
hàng trăm xiềng xích khác của chủ nghĩa
phong kiến bị tuyên án.Cấu trúc làng xã cổ xưa đậm chất láng giềng,và
huyết thống; cộng đồng và các tập tục, lễ hội bị phá vỡ, bị chọc thủng, và biến
đổi mạnh mẽ bởi cách thức giáo dục-đào tạo phổ thông ngày càng mở rộng, và bởi
các trọng pháo của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Đó là thế giới hàng
hóa tràn ngập, các khu công nghiệp lớn và nhỏ, các đô thị, các trung tâm mua sắm
lớn mọc lên ở nhiều nơi,và cách sống công nghiệp của nó. Quan hệ trực tiếp giữa
người và người trong gia đình, làng xóm, bằng hữu, nghề nghiệp không còn là
quan hệ phụ thuộc, mang tính chất Bị
qui định, mà giờ đây chủ yếu được thực
hiện phần lớn là gián tiếp thông qua quan hệ hàng - tiền, quan hệ trao đổi ngang nhau.
Con người đã tự do: tự do chiếm đoạt, mua bán tài
sản; tự do sở hữu tư nhân các tư liệu sản xuất; tự do đi lại, dịch chuyển;tự do
mua bán sức lao động. Và hơn thế, y không còn bị ràng buộc vào những tín điều,
những tập tục, những hệ tư tưởng, quyền lực đang thống trị, những quan niệm và
thiết chế văn hóa –xã hội- đạo đức hiện thời. Y được tự do trong việc tìm kiếm
niềm tin, những giá trị, những quan điểm sống, cách sống, những hội đoàn mà trước đó y có được phải nhờ vào sự ban ơn,
hoặc bắt buộc từ truyền thống, quyền lực của văn hóa, và cách thức giáo dục ;Y đã
không phải và chưa bao giờ là những chủ thể, chủ nhân của quá trình lịch sử.[người
ta nói ở đâu đó rằng, con người là chủ thể sáng tạo ra lịch sử, sáng tạo ra đời
sống của mình. Đó chỉ là một mệnh đề trống rỗng,một phép khái quát vô bổ, một
nguyên lí triết học trừu tượng, khô cứng]. Giờ đây, tự do đã trở thành nhu cầu
như cơm ăn, như nước uống. Và nhu cầu ấy đã được ghi nhận vào trong Hiến pháp
như những quyền sống cơ bản của con người (dĩ nhiên khả năng và thực tế thực hiện
cuộc sống tự lập, tự do này không phải là đồng đều như nhau với tất cả mọi người
ở mọi nơi trong xã hội và trên thế giới. Còn rất nhiều những người lao động;
cũng như việc còn nhiều quốc gia lạc hậu, nghèo đói bị chủ nghĩa thực dân đô hộ,
áp bức mà đến tận nửa cuối thế kỷ 20 mới dành được tự do, thoát khỏi sự thống
trị của nó, hay đến nay nhiều dân tộc lại trở thành nô lệ kiểu mới của giới cầm
quyền đồng tộc. Tuy nhiên, tất cả những điều đó, không làm mất đi ý nghĩa con người
như một Tồn tại độc lập trong tính khả thể, tự do thực hiện khả năng chiếm hữu
tư nhân trước thế giới mà những thiên niên kỷ trước đó, nó không có được trong
sự phân tích của chúng tôi).
Nhờ mang hiện tượng thế giới diễn ra trong sự
phân đôi giữa Bản chất và Hiện tượng ngày càng mạnh mẽ mà con người có được năng
lực tách mình ra khỏi thế giới và người khác như một lực lượng độc lập, một thế
giới độc lập. Quan hệ giữa con người và thế giới cũng như giữa nó với người
khác không phải là giữa các bộ phận của thế giới với nhau cũng như cái bộ phận
với cái tổng thể, cái nền tảng với cái hiện có, cái trung tâm và cái bên lề. Mà
đây là quan hệ cướp đoạt, chiếm hữu, lừa đảo,đè nén và tiêu diệt lẫn nhau, hoặc
đối thoại, hợp tác, trao đổi bình đẳng/ngang nhau/ giữa các tồn tại riêng biệt,
hiện thực riêng biệt nhằm duy trì sự tồn tại lớn mạnh của chính mình. Con người
hiện đại, có thể nói, đó là một Tồn tại xuất phát từ bản thân và hồi quy vào
chính mình.
Tính độc
lập, tách rời của con người trước thế giới ngày nay càng lớn bao nhiêu thì sự cạnh
tranh giữa nó với nhau càng khốc liệt bấy nhiêu. Cuộc sống của nó có thể như tất
cả được đặt vào các quyết định của riêng mình.
Cuộc sống
của nó nghèo nàn, không anh em, không bạn bè thân thích, không vợ con có thể đem
lại trong nó cảm giác yếu đuối, bất an, cô độc và trống rỗng; sự mất mát, sự thất
bại nhiều lần trong sản xuất-kinh doanh, trong các mối quan hệ xã hội như tình
yêu, hôn nhân, nghề nghiệp... có thể dẫn Y đến với sự đau khổ, tuyệt vọng và
cái chết chờ sẵn. Đối xử với nhau như các phương tiện, sự mưu mô và tàn nhẫn sẽ
đem lại trong Y kinh nghiệm và những thủ đoạn sống; sự ổn định, sự tăng tiến
trong nghề nghiệp, trong nấc thang địa vị xã hội, quyền lực và tài sản sẽ đem lại
trong Y sự yên tâm và những lời răn dạy tốt đẹp, mĩ miều về đạo đức, về sự hi
sinh, về những cái cao cả trước đám đông.
Nói tóm
lại cái tồn tại của Y, cuộc sống của Y là vợ con, nhà cửa, tiền bạc , đất đai
và các phương tiện sinh hoạt, công cụ sản xuất, các cơ sở hạ tầng xã hội cùng
các quan hệ , nghề nghiệp và địa vị cùng các kinh nghiệm văn hóa,tư tưởng đã được
Y sở
hữu riêng như thế, tách riêng ra như thế sẽ được tự biểu lộ trong suy
nghĩ, những ước mơ, những dự định và những kế hoạch, trong những quan niệm,
thái độ và hành động của Y đối với cuộc sống.
Nếu
chúng ta đã hiểu rằng thế giới là một bản chất bởi là chỗ Tồn Tại tự biểu lộ
mình ra ở cảm giác và ở những suy nghĩ như là thế, thì rõ ràng mỗi một tồn tại
người, trong sự phân tích của chúng ta, nó cũng là những bản chất: vì mình- cho
mình.
Khác với
hòn đá, cái cây, con vật, mặt trời, mặt trăng- chúng chỉ là những bộ phận của
Thực- Tồn- Bản chất, chưa bao giờ với tính cách đó, chúng là một Bản chất, có bản
chất, bản ngã (riêng) và cũng chưa lúc nào ở trong chúng có một sự tồn tại độc
lập, riêng rẽ. Con người/giờ đây/ là một bản chất, một thực tại hữu hạn, riêng
biệt bên cạnh Tồn tại. Ta gọi đó là những hữu thể.
Dĩ nhiên
trước đó (với hàng nghìn năm của lịch sử đã qua) chủ yếu, Y cũng là một bộ phận
của bản chất, do Tồn tại sinh ra, quy định.Nghĩa là Y cũng như cái cây, hòn đá,
những con vật...mà thôi, dù ta có đem vào trong nó hàng nghìn vị từ ở đằng sau
(1),thì nó cũng không thể thoát ra khỏi sự chi phối của những tất yếu, những
qui luật, những qui định, và nguyên tắc . Nhưng khi Y đã trưởng thành và tồn tại
với tư cách là một hữu thể, Y không còn bị lệ thuộc, không bị trói chặt vào cái
Bản chất (nguyên sinh) như một định mệnh nghiệt ngã. Đời sống của Y là một hành
trình lịch sử đầy đau khổ bởi những chết chóc, đói rét, bởi đọa đầy trong tù ngục…
y phải trải qua để đi từ vô ngã đến có ngã; là hành trình
liên tục vứt bỏ tính hình thái, tính bị qui định bằng việc trực tiếp vứt
bỏ các vị từ đằng sau nó, và để trở thành kẻ sáng tạo ra lịch sử của mình.
Xã hội
hiện thời (xã hội VN hôm nay) đang tạo ra nhiều chính sách, cơ chế, môi trường
tự do và điều kiện sản xuất thuận lợi hơn về chất, nếu so với thời kì bao cấp trước
đây , đặc biệt cùng với sự phát triển mạnh mẽ của quá trình công nghiệp hóa, hội
nhập quốc tế, đầu tư nước ngoài, công nghệ thông tin, các mạng xã hội (blog,
fb…) với sự cởi mở của thể chế và những quan niệm của nó trong vài năm gần đây,
đã cho đời sống tự do, đời sống hữu thể của chúng ta ngày càng được khẳng định
và vươn lên thể hiện tài năng, nội lực trong sự phát triển bản chất và nhân
cách của nó trong nền kinh tế nhiều/chứ chưa hoàn toàn là đa/ thành phần sở hữu.(mặc
dù vậy,chúng ta vẫn còn gặp nhiều rào cản của một thể chế chính trị- kinh tế đảng
trị,toàn trị lạc hậu; những quan điểm, học thuyết giáo điều, xơ cứng, tù đọng
đã lợi dụng/nhân danh/ cái chung, cái phổ biến, cái đại cục đang đè nén, ở mức
độ nào đó, nó là sự cướp đoạt, đàn áp lên đời sống hữu thể và tâm tưởng chúng
ta, khi chúng ta muốn vượt ra ngoài không gian của thể chế toàn trị)
Hữu thể,
nghĩa là bản chất, bản ngã được tạo ra, được làm mới, trước hết từ qui luật
phân đôi, phân rã, phân giải của Tồn Tại, và đặc biệt hơn được làm mới/kiến tạo/
bởi nội lực, bởi ý chí, quyết tâm và khát vọng trong đời của nó.
Nhiều cuộc
đời nghèo khó, thấp hèn đã được thay đổi nhờ vào cơ chế, vào thời cơ và những nỗ
lực phóng chiếu/ trong hành động hiện thực/ của nó. Nhưng cũng nhiều hữu thể từ
đỉnh cao danh vọng, quyền lực, và sự giàu có đã xoá bỏ bản chất của mình, sự hiện
diện của mình, chỉ vì những ham muốn quá độ, hoặc tầm thường không vượt qua được,
chỉ vì đem đặt bản chất của mình vào những quyết định bất chính, bất minh chỉ
vì cái lợi của mình, của nhóm mình, hoặc trong những toan tính có tính chất đỏ đen,
thua được.
Với tính
cách hữu thể, mỗi một con người là/được là/ rời nhau, biệt lập hiểu theo nghĩa
nó không còn bị QUI về cái khác, về một mẫu chung. Mỗi cuộc sống xét trong cộng
đồng, trong quan hệ xã hội, trong thế giới này là một sở hữu riêng với hành vi chiếm hữu, sản xuất và hoạt động tư nhân.
Các Hữu thể có những điểm giống nhau về cấu trúc tồn tại, nhưng đời sống không bao
giờ quy được về nhau theo những vị từ nối dài dằng dặc sau đó bởi truyền thống
triết học. Mức độ “không qui” này phụ thuộc vào khả năng,năng lực, vào thực tế
sở hữu thế giới xung quanh khác nhau của mỗi tồn tại người mà chúng ta có thể
đo đếm được, mô tả được. Đó cũng là tính phi trung tâm/bên lề, tính đa nguyên của
thế giới, của Tồn Tại người hôm nay. Tha nhân và y đó là những đối tượng chiếm
hữu lẫn nhau, sử dụng nhau như những phương tiện, hoặc tiêu diệt lẫn nhau hoặc
trao đổi, hợp tác, cạnh tranh bình đẳng cùng tồn tại và phát triển vì-mình và
cho-mình trên cơ sở biết tôn trọng, tuân thủ các qui định, luật chơi đã được
thiết lập trong đó.
Như vậy, nếu
thế giới trong đó Y sống, và xã hội được hiểu là môi trường ở đấy diễn ra các
ham muốn, những động lực sôi sục,và các hoạt động giao tiếp, sản xuất,giáo dục,
tranh đấu của con người trong tư cách hữu thể (tư cách này giờ đây luôn hiện hữu),
thì đối với nó sẽ không phải là một thực
tại khách quan được lấp đầy. Rằng đó là một trường loãng, các hữu thể cùng
sống, và tương tác, tranh đấu trong đó. Có những khoảng trống/ hố ngăn/ luôn được
lấp đầy, hoặc bị nới rộng ra bởi những quan hệ, và hoạt động sống của các hữu
thể.
Khoảng trống
hiện diện trong nhiều hình thái, khung cảnh của đời sống: chia li, li khai,bị kẻ
khác sở hữu; dửng dưng, xa lạ, cô đơn…Và đây cũng là điều kiện xảy đến của các
bi kịch của hữu thể. Nó là dẫn chứng cho những hoạt động kiến tạo, niềm say mê,
những mong muốn, hi vọng bị thất bại, bị đổ vỡ,bị chiếm đoạt, và những bất trắc,
rủi ro thường xảy ra trong đời sống của y.(2)
Chiếm đoạt,
khủng bố, ly khai... ,những bất ổn, bất định riêng trong đời sống hữu thể, hay
tôn trọng sự tồn tại của nhau cùng liên doanh, liên kết, tự do và bình đẳng
trong quan hệ giữa các hữu thể (trong hình thái người, cộng đồng hoặc quốc gia)
là nét chủ yếu của xã hội hiện đại, của lịch sử hiện đại. Nội dung cụ thể và mức
độ của các quan hệ này như thế nào, một phần là do cái xã hội hiện tồn, khu vực
và thế giới bên ngoài tác động thông qua cái phông lợi ích, những giá trị văn
hóa và định hướng của Hữu thể quyết định.
Chỉ với
tư cách là con người mang cái hiện tượng thế giới, thì mỗi chúng ta mới là những
bộ phận không tách rời của cái toàn bộ,cái phổ biến; là biểu hiện khác nhau, hình
ảnh khác nhau của Tồn tại, của cái Trung
tâm; là hình thái xác định cụ thể của cùng một Bản chất trong tư duy, trong
cảm giác. Khi đó, xét theo Trật Tự ấy, tư cách ấy, chúng ta cũng chỉ là những bộ
phận khác nhau của thế giới, với những vị từ được chỉ ra như động vật có ngôn ngữ, có lao động, thực thể
có tư duy, hay động vật xã hội...
Nhưng kể
từ khi mỗi một chúng ta được sinh ra từ trong quy luật phân đôi , phân rã của
thế giới, thì cái Trật Tự ấy, cũng như những qui luật đã được xác lập trước đó
chi phối đời sống của y đã bị phá vỡ ở nhiều nơi trong sự giằng xé của thực tại:
chúng ta đã là những thực tại, những chủ thể, chủ nhân độc lập trước thế giới,bên
ngoài và “đồng đẳng” với nó; không còn là vật mang trên mình gánh nặng hiện tượng thế giới nữa. Tiếc rằng, cho
đến nay vẫn còn quá nhiều người tin vào cái huyền thoại về tính Trật Tự ấy như
một vĩnh hằng của thế giới-cái mà các nhà siêu hình học truyền thống vẫn gọi là
tính chung nhất, những qui luật, và những mối quan hệ phổ biến- nghĩa là tôi và
anh không phải là những cái riêng,cái bên lề, những hình thái, (hình ảnh khác)
của một bản chất, của một phổ biến khác; không phải là sản phẩm bắt buộc bởi
quyền lực của cái chung, cái đại cục. Rằng tồn tại của tôi, đời sống của tôi được
tạo ra, và tự kiến tạo ra bởi tôi, và nó sẽ tự lộ ra, tự cảm xúc trong những
nhu cầu, những khát vọng, tư tưởng, và hành vi của mình. Tôi không cần phải
thông qua (nhờ đến, phụ thuộc vào) cái khác, người khác, hữu thể khác; không cần
đến sự ban cho, cầm tay chỉ việc, dẫn đường của những học thuyết, giáo lý, những
vĩ nhân, những anh hùng, những nhà lãnh đạo,các đảng phái…, tôi mới có được những
hiểu biết đó,mới nhận ra cái lợi ích, những nhu cầu, những
niềm cay đắng, những đam mê đó của mình-
và luôn sáng tạo, kiến tạo ra bản chất của mình, và thế giới bằng cách hành động
biến đổi, và chiếm lấy cái bên ngoài nó (bằng lao động sáng tạo, bằng sự chiếm đoạt,
cướp đoạt, hoặc hợp tác, trao đổi ngang nhau…) cho mình nhờ sự thôi thúc của
nhu cầu, của ước vọng cùng với những điều kiện có được của đời sống.
Trong
ý nghĩa đó và chỉ trong giới hạn đó, ta nói lịch sử có yếu tính đa nguyên. Đa
nguyên đang là một qui luật, một phương thức, một dạng thái chi phối xã hội hiện
đại- đó là điều chúng ta không thể lẩn tránh. Chính nó đã và đang thúc đẩy lịch
sử các dân tộc hiện đại tiến lên.
(1)
Cùng với một đời sống hữu thể chưa phát triển,
Tồn tại như thế đã là một hiện thực, cơ sở của lịch sử làm sản sinh trên đó những
tư duy triết học về cái Tuyệt đối, cái Trung tâm… của mọi triết học nhất nguyên
và Tôn giáo nhất thần như một truyền thống trong rất nhiều nghìn năm đã
qua.Truyền thống tư duy này còn in đậm tới mức những ai có cảm nhận và khai triển
đời sống đa nguyên trong cộng đồng như những mệnh đề triết học liền bị qui cho
là phản động, là cách suy nghĩ của các thế lực thù địch…
(2) Quan điểm xã hội là một trường loãng nơi diễn ra đời sống các hữu thể-tức là những thực tại
người trong nội hàm chủ thể, chủ nhân của thế giới và đời sống, nếu được thừa
nhận, sẽ đưa chúng ta tới một xác nhận khác: đảng, nhà nước không phải là chủ
thể đại diện duy nhất của xã hội; rằng bên dưới nó,cạnh nó còn cần phải có nhiều
chủ thể đại diện khác đó là các hội, đoàn dân sự biểu hiện cho quyền, lợi ích,
tiếng nói, nguyện vọng, lí tưởng của những nhóm người khác nhau, hoặc những
thân phận bé nhỏ bị lạm dụng, bỏ rơi, hoặc bị đàn áp, bị tước đoạt bởi những lực
lượng, những trung tâm quyền lực nhân danh đại tự sự,nhân danh (lợi dụng)
cái chung mà luật pháp,chính quyền không thấu hết được , không bao đỡ tới được.Các
tổ chức xhds là lời xác nhận có tính vật chất về giới hạn có thực của cái chính
thống, của cái phổ biến. Và nó cũng tạo ra một cách tích cực, thực tế trạng
thái cân bằng cần phải có của trường
loãng đó.
3. Không gian và thời gian
Vì không
có sự lựa chọn đúng đối tượng nghiên cứu của mình, vì những quan niệm sai lầm về
thế giới nên cũng dẫn chủ nghĩa duy vật hiện đại (biện chứng) tới những kiến giải
lệch lạc về hình thức tồn tại của nó, về thời gian và không gian của thế giới
hiện thực.
Thời
gian biểu thị quá trình nhanh, chậm của sự biến đổi của sự vật. Sự vật trôi đi
từ quá khứ- hiện tại và tương lai. Ngày, giờ, năm, tháng là những đơn vị qui ước
đo khoảng dài ngắn của thời gian.
Còn
không gian là nói tới độ to nhỏ, cao thấp, khoảng cách giữa các vật.
Không gian có 3 chiều, được triết học này hiểu là không
gian thực.Chúng ta phải nói ngay rằng đây là không, thời gian của vật lý học
khi nó nghiên cứu về sự vận động và biến đổi của các vật ở lĩnh vực thực tồn Bản
chất (lĩnh vực ở đấy, ý thức đã bị trừu tượng hóa).
Thế giới
hiện thực, như chúng ta đã trình bày ở trên, do đó không, thời gian của nó nhất
thiết phải có mặt của ý thức hiểu như là hiện
tượng thế giới, và hiện tượng đời sống,
nhờ đó Tồn Tại mới xuất hiện ra như thế này hay thế kia, nghĩa là cái bộ phận,
là những cái hữu hạn nhờ đó thế giới mới có tính không-thời gian. Sự có mặt của
ý thức cũng có nghĩa đó là sự tham gia của đời sống thực tiễn con người.Vì thế,
mọi cảm nghĩ, kinh nghiệm của chúng ta về không-thời gian đều phải gắn với đời
sống của y như một cấu trúc của hiện thực.
Trong “Phê
phán lý tính thuần túy” (bản dịch của Bùi Văn Nam Sơn) Kant đã có lí khi ông cho rằng “… thủ tiêu bản
tính cấu tạo chủ quan của giác quan nói chung, thì mọi thuộc tính, mọi mối quan
hệ của những đối tượng trong không gian và thời gian, và thậm chí cả bản thân không gian và thời gian cũng sẽ
biến mất cả” . Nhưng dĩ nhiên ông đã sai lầm khi ông đã đẩy tính chủ quan
vào trong nơi con người, và xem nó là mô
thức của trực quan thuần túy. Với
tôi cũng khẳng định rằng, không có ý thức, nhưng là với tư cách hiện tượng thế giới,và đời sống, thì cũng chẳng có không gian,
và thời gian.
Chúng ta
hiểu thời gian nói lên sự lâu (chóng); trình tự trước- sau của Hiện thực và
chúng ta cảm nhận nó, đong, đo được nó thông qua tốc độ, và dạng thái biến đổi
của đời sống chúng ta,cũng như đời sống xã hội.
Thời
gian sẽ như ngừng lại, trôi đi chậm chạp nếu các đồ vật quanh ta, cách thức mà
chúng ta sản xuất hầu như không thay đổi từ năm này qua năm khác trong nhiều
nghìn năm. Đây cũng là nét đặc trưng của thời gian ở con người phong kiến, thời
kì phong kiến. Đó là sự kéo dài quá khứ trong hiện tại, còn tương lai như
không bao giờ hiện diện.Vì sao thời gian lại như ngừng trôi, lại như quá khứ
kéo dài? Vì con người của thời kì này, về cơ bản, chỉ là hình thái xác định của
thế giới trong nhiều vị từ được chỉ ra. Y cũng như nhiều loại khác trong tự
nhiên. Y cũng chỉ như là cái cây, là hòn đá, là con lừa trong sự ổn định, gần
như bất biến của Bản Chất.
Thời gian đối
với họ sẽ không trôi theo một hướng từ quá khứ -> hiện tại -> tương lai
mà chỉ có như một vòng tròn: quá khứ-> hiện tại-.> quá khứ.
Ngày nay
con người hiện đại đã biết đến tương lai trong những dự án, những kế hoạch và
trong những hành động phủ định cái hiện tồn, hiện thực hóa nó. Thời gian tưởng
như có tính tuyến tính. Đó là nét đặc trưng của thời đại chúng ta chăng? Tuy
nhiên với con người hiện đại, với không ít cuộc đời, không ít hữu thể, thời
gian với họ còn được khám phá theo chiều cách phi tuyến tính: quá khứ (cái lịch
sử đã qua, những thế hệ trước đó, cái cuộc đời hôm qua của nó) bị lên án, bị cắt bỏ và cần phải cắt bỏ như một
gánh nặng đang đè vào thực tại của Y, một sự phi lí; tương lai thì không bao giờ
đến.Cuộc sống, đó là hiện tại, chỉ có hiện tại. Điều này đã trở thành triết lí
đời sống của họ. Sống và hưởng thụ hết mình những gì đang có do bố mẹ đem lại,
hoặc do thời cơ, cơ chế này đang tạo ra; hoặc hôm nay còn đang vui với cuộc đời,
ngày mai đã bất ngờ phải vào nhà giam bóc lịch. Một ngày mai không hề có với Y:
giờ này còn đang trên đường, phút chốc một hiểm họa khó lường bất ngờ xảy đến dù Y đã được cảnh báo, được chuẩn bị.
Y đã không còn có mặt trên trần thế; những ngày qua Y sống trong sự say sưa của
chiến thắng bởi nhờ kinh doanh, nhờ quan hệ, nhờ sức mạnh của cường quyền, và
những cố gắng, đã đưa Y từ một công chức hạng trung trở thành tỉ phú: nhà cửa,
đất đai, tiền bạc ùn ùn chảy đến.Rồi sàn giao dịch chứng khoán bất ngờ tụt dốc
thảm hại,thị trường nhà đất đóng băng,dân chúng nổi dậy tố cáo,phản ứng mạnh mẽ...,
Y không bao giờ ngờ tới. Y không còn gì cả, chỉ còn nơi trại giam, bệnh viện
tâm thần, hay cái chết chờ đợi Y .Chúng ta hiểu đó là tính dễ vỡ của thời gian
chỉ được mô tả ở con người hữu thể.
Chúng ta
nói là một sự mô tả, bởi vì còn rất nhiều những cuộc đời, mảnh đời, những kiếp
người trong đói rét, cơ hàn; trong sự khinh bạc, bị vùi dập; trong sự bao vây,
theo dõi, ngăn trở của các thế lực cường quyền…, thì thời gian, với họ, quá khứ,
hiện tại, tương lai là cái gì cay đắng, xa lạ và vô nghĩa, chẳng thể có triết
gia nào thấu hiểu, diễn đạt được những giọt nước mắt ấy trong các xúc cảm và
các khái niệm về thực tại của mình.
… Ngày, giờ, năm,
tháng là những đơn vị đo của thời gian vật lý, nó không phải là đơn vị đo của
thời gian hiện thực (hay gọi là thời gian hữu thể) nhưng giữa chúng không có sự
tách biệt nhau. Chúng ta vẫn dùng nó như một đại lượng ám chỉ sự trôi đi nhanh
hay chậm của thời gian hiện thực mà chúng ta sống trong đó.
Nếu thời
gian biểu thị tốc độ biến đổi của hiện thực, thì không gian biểu thị sự rộng hẹp
và những khoảng trống có thực của thế giới trong quá trình phát triển thông qua
hoạt động thực tiễn của con người, và cũng như thời gian, thông qua hoạt động đó
Y sẽ cảm nhận được rõ nhất tính không gian của đời sống hiện thực.
Như
chúng ta nói ở trên, thế giới trở nên ngày một phong phú tính quy định chính là
nhờ vào những hoạt động thực tiễn của con người.
Sự phát
triển phong phú của đời sống tinh thần và của các tiện nghi, đồ vật, công cụ sản
xuất và cách thức mà con người tiến hành sản xuất nói lên không gian của thế giới
này càng mở rộng và đa chiều.
Khoảng
cách, nếu được hiểu như một phẩm chất của không gian, thì nó không phải được đo
bằng đơn vị mét (m), mà bằng hoạt động, bằng khả năng sáng tạo và thâm nhập vào
đời sống,vào giới tự nhiên bên ngoài, vào các quan hệ với người khác (làm ăn,
thấu hiểu…), và với đối tượng của hành động, của nhu cầu của y, tạo thành đời sống
của nó, và do đó nó luôn là “gần”. “Xa” là một đại lượng thực khi có khoảng trống/
hố ngăn/ xuất hiện, do các hoạt động trên, cũng như nhu cầu sống của nó không
được hiện thực hóa, hoặc gặp trở ngại do nhiều lí do, như mâu thuẫn không được
khắc phục, khoảng cách địa lí, năng lực thấp kém, những thế lực ngầm ngăn trở.v.v.
Con người
đặt chân tới đâu, hoạt động thực tiễn của mình vươn tới đâu thì không gian được
mở rộng tới đó. Ngược lại những hoạt động sản xuất, giao tiếp của con người bị
giới hạn bởi nhu cầu, hay bị cản trở, bị ngăn cấm, bị chiếm đoạt, cướp đoạt với
nhiều hoàn cảnh khác nhau, thì khi ấy Y cảm nhận rõ nhất những giới hạn, những
đổ vỡ, và những khoảng trống khủng khiếp có thực của không gian. Con đường đến
với Tồn tại thuần túy đang hé mở dưới chân,và chờ Y tới như một hư vô thăm thẳm,đáng
nguyền rủa...
Hoạt động
của con người nói chung ngày càng mở rộng trên nhiều lĩnh vực: Hoạt động sản xuất
ra đồ vật, hoạt động văn hoá, hoạt động giáo dục, giao tiếp... tôi gọi mỗi hoạt
động đó là một chiều của không gian thực. Con người phải đặt mình vào các chiều
không gian đó. Khi đời sống và hoạt động của Y được diễn ra,được thực hiện
trong các chiều kích đó: Chúng ta bảo không gian của Y là ổn định.
Con người
phong kiến, xã hội phong kiến, cũng giống như thời gian, có một không gian chật
hẹp, đơn chiều, ổn định, ít đổ vỡ (*).
Không
gian con người hiện đại (hữu thể) đa chiều và mở rộng nhưng lại xuất hiện nhiều
yếu tố bất ổn, bất định, ngẫu nhiên, không ngờ được, nhiều khoảng trống(= hư
vô) xuất hiện, không gian thường bị co hẹp lại, bị bẻ gãy vụn ra (giống như thời
gian) vào bất cứ lúc nào. Đây là nét đặc trưng của thế giới hiện đại, thế giới
của những Hữu thể.
(*) Dĩ nhiên khi xã hội cổ xưa lầm vào thời kỳ khủng khoảng
trầm trọng thì không gian của thế giới hiện thực cũng thường bị bẻ gãy, bị đổ vỡ,
cuộc sống của con người, của cộng đồng khi ấy trở lên mong manh và nhiều bị kịch.