27 août 2017

“Lũ chúng ta đầu thai nhầm thế kỷ” ? *


"Lãnh đạo vô tài, kém đức thế nhưng thử hỏi có bao nhiêu người dân dám phản đối các cuộc “ dân cử-Đảng bầu” bằng cách không tham gia bầu cử ?"

“Xã hội nào, con người đó”, ảnh hưởng của một thể chế chính trị, xã hội lên đời sống con người là điều không thể phủ nhận. Rõ ràng dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, tại miền Nam Việt Nam đã từng có những con người biết sống tử tế, văn minh, những con người được hưởng một nền giáo dục “nhân bản, dân tộc, và khai phóng”, “một nền giáo dục khá toàn mỹ” theo như nhận định của linh mục Phạm Trung Thành của Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn. Thế thì vì sao hiện nay đạo đức xã hội lại như bức từng đổ nát, tựa như không còn viên gạch nào có thể chồng lên viên gạch nào?


Tác động của thể chế chính trị khiến hình ảnh người Việt trở nên “xuống cấp” như hôm nay là một thực trạng không thể chối cãi. Tuy nhiên, cũng có câu: “Ta không được chọn nơi mình sinh ra. Nhưng ta được chọn cách mình sẽ sống”. Tuy không thể thay đổi được con đường nhưng đổi được hướng đi là điều ta có thể thực hiện.

Năm thập kỷ dưới chế độ độc tài đã biến đất nước Myanma phồn vinh thành bần cùng hóa. Trong suốt 50 năm qua, người dân Myanma đã phải thực hiện một lộ trình bảy bước để tiến hành cải cách dân chủ. Họ cố gắng tái hòa nhập cộng đồng quốc tế và tìm cách “thoát Trung”. Dĩ nhiên họ không bao giờ được sự đồng thuận của chính quyền độc tài, người dân Myanma đã không ít lần đứng lên chống lại chế độ quân phiệt, và các cuộc đấu tranh đều bị dìm trong biển máu. Thế nhưng cuối cùng thì Myanmar đã trở thành “một trường hợp điển hình cho một chế độ độc tài tự lột xác từ bên trong một cách hòa bình”.

Năm mươi năm sống dưới chế độ độc tài thế sao người dân Myanma biết “tự lột xác từ bên trong” để xây dựng một xã hội tự do và phồn vinh ở đất nước 55 triệu dân này? Trong khi đó 45 năm qua người dân Việt Nam chỉ biết than thở rằng “đất nước có bao giờ tệ như thế này chăng?”. Điều gì đã tạo nên sự khác biệt nếu không phải là khí chất của mỗi dân tộc ? Và cũng không vô cớ mà Lương Khải Siêu đã từng khuyên chí sĩ Phan Bội Châu rằng: “Quý quốc đừng lo quốc gia không có ngày độc lập, mà chỉ lo quốc dân không có đủ tư cách độc lập.”

Lần giở sách xưa, biết bao các bậc cao nhân chí sĩ khi gặp thời loạn lạc đã cởi áo từ quan về quê sống ẩn dật để giữ tròn khí tiết như cụ Đồ Chiểu, Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm. Hay ngay trong xã hội hiện tại mặc dù sự dối trá, vô cảm đã trở thành căn bệnh nan y của xã hội nhưng vẫn còn rất nhiều những người biết sống dấn thân, biết hành xử theo lương tâm và sự thật. Trong chương trình Cà phê sáng với VTV3, nhà báo Trác Thúy Miêu cũng cho rằng “mặc dù tất cả chúng ta đều phải sống trong hoàn cảnh khó khăn chung của cả xã hội, thế nhưng chúng ta vẫn có thể dùng cái gọi là ‘xoay xở theo khả năng’, nghĩa là nếu chỉ biết dùng xương sống để luồn lách hay cúi xuống thì đó là một tư thế không đẹp, thế nhưng, xoay xở làm sao để mình có thể ngồi với một tư thế đàng hoàng thoải mái thì đó cũng là lựa chọn của mỗi người”.

Đức Gioan Phaolo II đã nhận định rằng: “Chủ nghĩa cộng sản không bao giờ có thể cải cách được”. Cố nhà văn Lưu Quang Vũ cũng từng nói: “Có những cái sai không thể sửa được. Chắp vá, gượng ép chỉ càng sai thêm. Chỉ có cách là đừng bao giờ sai nữa, hoặc phải bù lại bằng một việc làm đúng khác.” Vậy nếu hiện tại chưa tìm được cách ngăn chặn để “đừng bao giờ sai nữa” thì hãy “bù lại bằng một việc làm đúng khác”, và việc đúng đó chính là bản thân mỗi người dân đừng tiếp tục sai nữa bằng thái độ chấp nhận và thỏa thuận với cái xấu.

Quan chức tham nhũng-điều này đã rõ vì lợi ích nhóm là đặc tính của một thể chế độc tài, thế nhưng nếu mỗi người dân đều cương quyết không “ bôi trơn”, không “lót tay” thì liệu có tình trạng “ ra ngõ cũng gặp tham nhũng” như hiện nay hay không?

Lãnh đạo vô tài, kém đức thế nhưng thử hỏi có bao nhiêu người dân dám phản đối các cuộc “ dân cử-Đảng bầu” bằng cách không tham gia bầu cử ?

Nhiều nhà bất đồng chính kiến đã bị kết án cách bất công với một tội danh rất mơ hồ “ tuyên truyền chống phá chế độ” và phải ngồi tù cả chục năm, trong khi đó người đưa 9000 hộp thuốc giả vào bệnh viện, trực tiếp gây cái chết cho hàng ngàn bệnh nhân cũng chỉ bị kêu án 12 năm tù, thậm chí còn xin gia giảm. Thế thì người dân đã làm gì khi những tòa án này đã nhân danh “nhân dân” để diễn những vở tuồng đã có kịch bản?

Mahatma Gandi – Người anh hùng dân tộc Ấn Độ đã nói: “Sự vĩ đại của con người không phải nằm ở khả năng tái tạo thế giới mà ở khả năng tái tạo bản thân mình”. Cho dù “lũ chúng ta đầu thai nhầm thế kỷ” * đi nữa thì việc có “bị quê hương ruồng bỏ, giống nòi khinh” * hay không điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào tâm thế sống của chính chúng ta.


Điền Phương Thảo

*Thơ Say- Vũ Đình Chương
Nguồn: Theo TMCNN