Phạm Đoan Trang
Tôi cảm nhận rằng những ngày tháng qua, trong cao trào bắt bớ, khủng bố của an ninh, nhiều anh chị em trong giới hoạt động dân chủ-nhân quyền cảm thấy căng thẳng, lo sợ, và một số người đã rút lui hoặc chủ động ra đi, tìm kiếm một cuộc sống khác.
Tôi không phán xét hay khuyên nhủ ai, cũng không đánh giá quyết định cá nhân của họ. Tuy nhiên, từ giác độ một người đã từng ở nước ngoài một thời gian (với tôi là rất dài), tôi thấy:
1. Nếu đã trót có sự gắn bó với Việt Nam, thì bạn có thể rời khỏi Việt Nam, nhưng Việt Nam sẽ không bao giờ ra khỏi đầu bạn. Mãi mãi.
2. Nếu đã trót tham gia hoạt động dân chủ-nhân quyền với một mong muốn mãnh liệt rằng Việt Nam phải thay đổi, bạn sẽ không quên được cuộc sống của một người hoạt động. Đó là một cuộc sống với đầy đủ trải nghiệm về mọi cảm xúc – yêu thương, thù hận, vui, buồn, sợ hãi, cô đơn, hạnh phúc, đau khổ… Tất cả các cảm xúc đều được đẩy đến tận cùng. Nhưng có lẽ, điều đọng lại nhiều nhất là hạnh phúc.
Riêng về phần mình, tôi chắc chắn là sẽ chẳng bao giờ rời Việt Nam, ít nhất là chừng nào chế độ đảng trị-công an trị còn tồn tại, cũng như sẽ không bao giờ rút lui khỏi cuộc chiến đấu này. Chẳng dám nhận là do mình dũng cảm, yêu nước hay ghét cộng sản gì gì, mà đơn giản chỉ là vì tôi hành xử theo một câu trong một bài hát mà tôi yêu thích, If you leave me now (Chicago, 1976). Câu ấy là: “We’ve come too far to leave it all behind.” Chúng ta đã đi quá xa để có thể từ bỏ tất cả.
Phải rồi. Chúng ta đã đi quá xa để có thể từ bỏ tất cả.