13 août 2017

Giáo dục - kêu nhiều … khản cổ!


Xuân Dương


 (GDVN) - Nếu chúng ta đã quyết tâm không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế thì tại sao chúng ta không thể đánh đổi sân golf,… cho sự nghiệp "trồng người"?



Câu nói “không thầy đố mày làm nên” thể hiện triết lý giáo dục của người xưa, quan trọng nhất trong giáo dục là người thầy.

Ngày nay dân chúng kêu chất lượng thầy cô ngành Sư phạm, báo chí kêu, chính thầy cô cũng kêu, có lẽ chỉ có Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan quản lý nhân sự giáo dục địa phương tới những cấp cao hơn là chưa (hoặc không) kêu. 

Một sự thật hiển nhiên - xin lỗi nếu nói quá - trẻ con cũng biết vào học tại các trường Y khoa, quân đội, công an là sự đảm bảo cho cuộc sống trước mắt và tương lai sau khi ra trường. 




Chưa có số liệu thống kê nào cho thấy học sinh “nhao” vào các trường này vì yêu thích ngành nghề chứ không phải vì mục tiêu kinh tế. Nói thế để thấy, dùng từ “thảm họa” để nói về đào tạo sư phạm không phải là không có cơ sở.

Một sự thật khác cũng hiển nhiên không kém, ấy là chúng ta có quá nhiều khẩu hiệu đề cao nghề dạy học và ngành giáo dục như “quốc sách hàng đầu”, “nghề cao quý”, thầy cô là “kỹ sư tâm hồn”, …

Nghề sư phạm không còn đủ sức hấp dẫn với những học sinh giỏi. (Ảnh minh họa: Báo Nhân Dân)

Các học giả thế giới cũng cùng quan điểm, chẳng hạn “Mặt trời mọc rồi lặn, mặt trăng khuyết rồi lại tròn nhưng ánh sáng mà người thầy chiếu rọi vào chúng ta sẽ còn mãi trong suốt cuộc đời” (Quách Mạt Nhược).  

Thế nhưng ở nước ta, cũng có quá nhiều lời than thở của người trong nghề và xã hội với ngành Sư phạm như “chuột chạy cùng sào”, “nghề lái đò”, “nghề bán cháo phổi”,…

Không cần cao siêu gì, không cần phải là viện sĩ, giáo sư, tiến sĩ hay người cầm cân nảy mực mới nhận thức được điều đơn giản sau đây: Không thể trồng cây ở nơi thiếu ánh sáng, không thể là thầy giỏi với tư duy trung bình, không thể dạy học trò vươn cao với niềm đam mê quá thấp.

Vậy thì phải chăng, những chuyên gia được giao trọng trách hoạch định chính sách, được chọn làm cố vấn cho lãnh đạo và những người có thể ra quyết định không biết đến hai điều hiển nhiên này?

Chắc chắn không phải như vậy.

Vấn đề là những gì đã, đang và có thể sẽ xảy ra nằm ở tầm vĩ mô, ở mối liên quan mật thiết giữa thể chế chính trị và kinh tế.

Trong kinh tế, một thời không phải là ngắn, chúng ta chạy theo tăng trưởng mà chưa dành sự chú ý thích đáng đến môi trường khiến cho không ít thảm họa do con người gây ra mà vụ Formosa chỉ là một ví dụ.

Khi chúng ta ngộ ra không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế thì đã hơi muộn.

Chỉ cần điểm qua báo chí mấy hôm nay thấy nhà máy Bauxite Tân Rai xả nước tại hồ chứa gây ô nhiễm nặng nề môi trường và lũ quét hoành hành tại Sơn La, Yên Bái khiến 34 người chết, mất tích, nhiều khu vực bị chia cắt là thấy cái giá phải trả.

Nhận thức về kinh tế đã được thể hiện bằng quyết tâm. Tháng 7/2017 Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng được thành lập, ngay lập tức hàng loạt bài báo, thông tin được cập nhật về buổi họp đầu tiên của tổ này. Không những thế lý lịch các thành viên cũng được đề cập khá rộng rãi.

Vậy cũng ở tầm vĩ mô, giáo dục ra sao?

Tháng 3 năm 2017, Thủ tướng ký quyết định thành lập Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực. Cũng trong tháng này Chính phủ quyết định kiện toàn Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo.

Gần nửa năm sau, đến tháng 8/2017, dù đã cố tìm kiếm nhưng chưa thấy báo chí cũng như hai cơ quan này đưa thông tin về các kỳ họp cũng như quyết sách mà hai cơ quan này góp ý cho Thủ tướng.

Có phải các thông tin đó có nhiều nhưng không được phép công bố hay là chưa có gì mới để công bố?

Vì “có thực mới vực được đạo” nên phải chăng kinh tế phải được quan tâm hơn giáo dục?

“Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu”



Có thể do thiếu thông tin, chỉ dựa vào những gì báo chí đăng tải nên người dân “đoán mò” rằng kinh tế mới là mối quan tâm hàng đầu hiện nay chứ không phải là văn hóa, giáo dục. Nếu quả như thế thì phải giải thích thế nào về quy định trong Hiến pháp.

Điều 61 Hiến pháp 2013 quy định: 

1. Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu nhằm nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài.

2. Nhà nước ưu tiên đầu tư và thu hút các nguồn đầu tư khác cho giáo dục; chăm lo giáo dục mầm non; bảo đảm giáo dục tiểu học là bắt buộc, Nhà nước không thu học phí; từng bước phổ cập giáo dục trung học; phát triển giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp; thực hiện chính sách học bổng, học phí hợp lý.

3. Nhà nước ưu tiên phát triển giáo dục ở miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; ưu tiên sử dụng, phát triển nhân tài; tạo điều kiện để người khuyết tật và người nghèo được học văn hoá và học nghề.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói “vì lợi ích 10 năm trồng cây, vì lợi ích 100 năm trồng người”. Vậy nên không thể không nêu câu hỏi: “chúng ta bắt đầu “trồng cây” từ bao giờ và bắt đầu “trồng người” từ bao giờ”?

Xin nêu vài con số so sánh:

Thông tư số 47/2012/TT-BGDĐT ban hàng ngày 7/12/2012 “Quy chế công nhận trường trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học đạt chuẩn quốc gia” quy định diện tích tối thiểu tại các trường này là 6m2/1 học sinh.

Số liệu thống kê cho thấy tổng số học sinh tiểu học và trung học cơ sở vào khoảng 14 triệu người, cứ cho rằng tất cả các trường tiểu học và trung học cơ sở toàn quốc đạt chuẩn thì diện tích trường học sẽ là 14.000.000x6 bằng 84 triệu mét vuông (84.000.000).

Trong khi đó nguyên Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang cho biết tại phiên họp sáng 7/3/2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, cả nước có 58 sân golf sử dụng 92.700.000 mét vuông đất. [1]

Đất trường học của hai cấp tiểu học và trung học cơ sở cả nước cộng lại ít hơn đất sân golf nói lên điều gì?

Liệu số người chơi golf và số công ăn việc làm liên quan đến sân golf có bằng 1/10 số giáo viên và học sinh tiểu học và trung học cơ sở cả nước?

Số liệu được công ty luật LawNet thu thập cho thấy, bậc lương của một số cấp bậc thấp nhất trong lực lượng vũ trang như sau: [2]


12
Thiếu úy
4,20
5,082,000
5,460,000
13
Thượng sĩ
3,80
4,598,000
4,940,000
14
Trung sĩ
3,50
4,235,000
4,550,000
15
Hạ sĩ
3,20
3,872,000
4,160,000




Quân nhân chuyên nghiệp cao cấp
Bậc 1
3.85
4,658,500
5,005,000
3.65
4,416,500
4,745,000
Quân nhân chuyên nghiệp trung cấp
Bậc 1
3.5
4,235,000
4,550,000
3.2
3,872,000
4,160,000
Quân nhân chuyên nghiệp sơ cấp
Bậc 1
3.2
3,872,000
4,160,000
2.95
3,569,500
3,835,000


Như vậy hạ sĩ và quân nhân chuyên nghiệp sơ cấp bậc 1 được hưởng lương với hệ số 3,2 trong khi đó chức danh nghề nghiệp giảng viên đại học (phải có bằng thạc sĩ) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1 với hệ số lương bậc 1 là 2,34 tức là thấp hơn cả người có trình độ sơ cấp trong lực lượng vũ trang.


Lương giảng viên đại học như thế thì lương giáo viên phổ thông, nhất là cấp tiểu học và trung học cơ sở còn thấp hơn nữa.

Đến đây chắc không cần giải thích cũng biết vì sao tình trạng tuyển sinh của các trường sư phạm năm nay rơi vào thảm cảnh không thể chấp nhận.

Đào tạo sư phạm là đào tạo ra những người thầy/cô làm nhiệm vụ “trồng người”.

Một thầy thực sự giỏi trong suốt cuộc đời chỉ có thể đào tạo ra vài nhân tài kiệt xuất, một thầy dốt trong cuộc đời đi dạy sẽ đào tạo ra hàng trăm, hàng nghìn trò dốt, nếu các trò dốt ấy lại làm thầy thì số người dốt sẽ tăng theo cấp số nhân chứ không phải cấp số cộng.

“Thảm họa” trong đào tạo giáo viên các cấp là điều đã được cảnh báo từ mấy chục năm trước, từ khi câu “chuột chạy cùng sào” xuất hiện vào những năm 60 của thế kỷ trước.

Đáng tiếc là cho đến hôm nay, năm 2017 này giá trị của hai chữ “thảm họa” vẫn không thay đổi.

Gần 5 năm trước, trên chuyên mục Tuanvietnam/Vietnamnet.vn có bài của Tiến sĩ Dương Xuân Thành: “Giảng viên đại học kiểu... gà đồi!” nói về chất lượng đào tạo giảng viên đại học nước nhà. [3] 

Vì đâu mà đầu vào ngành sư phạm rơi vào thảm cảnh thấp chưa từng có?


Hôm nay nhiều người nói về đào tạo giáo viên phổ thông.

Ngày mai chúng ta sẽ nói tiếp về giáo dục, đào tạo cái gì?

Cứ cho là hôm nay chúng ta bắt đầu “giật mình” về “thảm họa” đào tạo giáo viên, bắt đầu xem xét lại chiến lược “trồng người” thì liệu chúng ta có mất 100 năm nữa như lời Cụ Hồ từng răn dạy?

Người viết bài này thực tâm không hề muốn chỉ trích bất kỳ ai, càng không muốn hạ thấp vai trò người thầy (cô) trong nhà trường bởi chính mình cũng có hơn 40 năm đứng trên bục giảng dù bị bắt buộc phải làm thầy ngay khi đang học năm thứ 2 đại học.

Nếu chúng ta đã quyết tâm không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế thì tại sao chúng ta không thể đánh đổi sân golf, khu nghỉ dưỡng,… cho sự nghiệp “trồng người”?

Tiềm lực kinh tế Bắc Triều Tiên không thể nói là mạnh, người dân nơi đây vẫn còn thiếu lương thực nhưng tiềm lực khoa học, công nghệ quốc gia này không kém các cường quốc bao nhiêu bởi họ có đội ngũ cán bộ khoa học được đào tạo chất lượng rất cao.

Đa số các gia đình người Việt có thể chịu thiếu đói để dành tiền cho con cái ăn học, nhưng nếu niềm tin ấy bị trao vào đội ngũ thầy cô được tuyển chọn, đào tạo như hôm nay há chẳng phải là chúng ta đang lừa dối chính mình?


Tài liệu tham khảo:





Xuân Dương





Nguồn: Theo GDVN