30 août 2017

Vụ Trịnh Xuân Thanh: Hồ Ngọc Thắng bị sa thải chính thức kể từ ngày 1/9/2017

Linh Quang
28-8-2017
Ông Hồ Ngọc Thắng nhân viên cơ quan BAMF, trong chuyến thăm đảo Trường Sa Lớn, tháng 4-2015. Ảnh: Mỹ Hạnh/ báo QĐND.
Cơ quan Liên bang Đức về nhập cư và tị nạn (BAMF) đã ra quyết định sa thải Hồ Ngọc Thắng kể từ ngày 01.09.2017, đúng 1 ngày trước Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam. BAMF là một cơ quan của Bộ Nội vụ Liên bang Đức. BAMF cho biết, các nhân viên đều bị ràng buộc bởi các nghĩa vụ trung thành và trung lập, nếu vi phạm thì có thể bị đuổi việc.
BAMF cũng cho biết, Hồ Ngọc Thắng không phải là một công chức mà chỉ là một nhân viên bình thường của BAMF, do đó kể từ ngày bị đuổi việc ông Thắng không còn được hưởng một đồng lương nào cả.
Trước đây gần 3 tuần, ông Hồ Ngọc Thắng, tác giả bài báo “Quan hệ ngoại giao Đức-Việt sẽ ra sao sau vụ việc Trịnh Xuân Thanh?“, đã bị cơ quan BAMF buộc phải nghỉ việc (nhưng vẫn được trả lương) kể từ ngày 09.08.2017, trong thời gian điều tra về nghi vấn có liên can đến vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh hay không.
Kể từ đó, ông Thắng không được phép vào phòng làm việc của ông tại cơ quan, vì cảnh sát hình sự liên bang (BKA) đang tìm bằng chứng. Ông Hồ Ngọc Thắng cũng xác nhận trên Facebook của mình: “Do yêu cầu công việc tại cơ quan, tôi được phép đọc tất cả hồ sơ tị nạn của người nước ngoài và hồ sơ người nước ngoài cư trú ở Đức chưa hoặc không nộp đơn xin tị nạn. Như vậy, tôi được phép đọc cả các dữ liệu liên quan Trịnh Xuân Thanh và chính Bùi Thanh Hiếu (tức Người buôn gió)“.
Tuy nhiên, ông Thắng quả quyết, ông không hề làm chuyện này, ông viết: “Nhưng tôi đủ tỉnh táo và thận trọng để không động tới hồ sơ của hai người này, phần vì họ không liên quan công việc của tôi (do tôi được phân công làm việc với người xin tị nạn ở khu vực khác), phần vì tôi đã lường trước nguy cơ bị vu khống, bị nghi oan nếu tiếp cận hồ sơ của hai người này“.
Một bài báo của Đài Deutsche Welle (Làn sóng Đức) ngày 22.08.2017 còn ghi rõ:
Ban ngày thì làm việc trong cơ quan Đức, ban đêm thì hoạt động phục vụ cho Đảng Cộng sản Việt Nam? Hình như đó là cuộc sống hai mặt của một nhân viên bị buộc phải thôi việc, có lẽ người này đã có những “chỉ dẫn” giúp đội đặc nhiệm của mật vụ Việt Nam đến Berlin hồi tháng Bảy để bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.


Bài báo của Đài Deutsche Welle (Làn sóng Đức) ngày 22.08.2017. Nguồn: Deutsche Welle

Trong một bức thư trả lời gửi đến đài Deutsche Welle, cơ quan BAMF nói rằng, ngay sau khi những cáo buộc xụất hiện trên các phương tiện truyền thông, ông Hồ Ngọc Thắng đã “lập tức được triệu tập tới gặp lãnh đạo trong cơ quan và bị buộc nghỉ việc cho đến khi kết thúc điều tra“. Tuy nhiên, cơ quan BAMF cũng nói thêm rằng, “theo những gì nhận biết được, cho đến nay thì không có mối liên quan trực tiếp giữa nhân viên này với vụ bắt cóc“.
BAMF nhấn mạnh rằng, trong suốt thời gian 26 năm tại nhiệm sở, trong phần thi hành công việc ông Hồ Ngọc Thắng không có đảm trách về việc cứu xét đơn xin tỵ nạn của những người Việt Nam. Nhưng BAMF cũng nói rằng, cơ quan này không biết gì về hoạt động của ông Hồ ngoài giờ làm việc.
Sau khi vụ bắt cóc được đưa tin hồi đầu tháng Tám, các phương tiện truyền thông Đức đã phát hiện rằng ông Hồ Ngọc Thắng từng viết bài cho Đảng Cộng sản cầm quyền ở Việt Nam và thậm chí cách đây hai năm trước ông đã chính thức được nhận bằng khen vì có “công trạng đặc biệt về tuyên truyền đối ngoại” với bài viết trên báo Đảng, Nhân Dân, mang tựa đề: “Nền dân chủ phương Tây” và sự khủng hoảng niềm tin.
Vào tháng Mười năm ngoái, lúc đó chưa được rõ là Trịnh Xuân Thanh có ở Đức hay không, nhưng trên trang Facebook của mình, ông Hồ Ngọc Thắng đã lượng định rằng liệu “tên tội phạm” Thanh có bị dẫn độ về nước hay không, nếu ông Thanh bị phát hiện đang ở Đức.
Trong bài viết “Quan hệ ngoại giao Đức-Việt sẽ ra sao sau vụ việc Trịnh Xuân Thanh?“, ông Hồ Ngọc Thắng cũng nhạo báng Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel, là người đã trục xuất người đại diện cho cơ quan tình báo tại Đại sứ quán Việt Nam sau vụ bắt cóc. Vì Đức đã phải đối mặt với các cuộc bầu cử mới vào tháng tới, Hồ Ngọc Thắng đã viết rằng, toàn bộ vụ việc sẽ bị lãng quên trong vòng vài tuần tới, và sẽ có một tân Chính phủ với một chính sách đối ngoại mới.
Ông Hồ Ngọc Thắng bị đuổi việc, đó chỉ là biện pháp nội bộ của Cơ quan Liên bang Đức về nhập cư và tị nạn (BAMF), nơi ông Thắng làm việc. Vấn đề nghiêm trọng hơn là Hồ Ngọc Thắng còn có thể phải đối mặt với tòa án hình sự. Hiện nay cuộc điều tra của Sở cảnh sát hình sự Liên bang (BKA) về vụ việc này vẫn chưa kết thúc.