Sự kiện bộ sách lịch sử mới ấn hành mặc nhiên công nhận Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) như một quốc gia từng hiện hữu suy cho cùng vẫn chưa phải là sự công nhận chính thức của nhà nước cộng sản hiện nay. Hơn nữa, việc nhà nước này muốn công nhận chính quyền ở miền Nam Việt Nam giai đoạn 1954-1975 hay không, và sớm hay muộn, thật ra có gì là quan trọng?
Đối với VNCH trước đây, chỉ sự công nhận của các quốc gia khác đương thời xét về phương diện Công pháp Quốc tế mới đáng là mối quan tâm của chính quyền thời ấy. Còn sự công nhận bởi một nước thù nghịch như nhà nước cộng sản miền Bắc trước 1975 và hiện nay, hoàn toàn không cần thiết.
Sự công nhận VNCH ngày nay, ngay cả một cách chính thức, chỉ là hành động chính trị đơn thuần, chứ không mang lại giá trị hay ý nghĩa pháp lý gì. Tất nhiên nó cũng giúp người ta nhận ra tâm thế và đẳng cấp chính trị của bên thắng trận qua thái độ đàng hoàng hay không đối với bên thua trận.
Sau hơn 42 năm kết thúc chiến cuộc, việc tránh né gọi bên thua trận bằng danh xưng chính thức của nó, chỉ thể hiện tâm địa hẹp hòi và tâm lý thù hận nặng nề của những kẻ thắng trận đầy mặc cảm, thay vì phong thái xứng đáng của một nhà cầm quyền chính danh.
Sau biến cố 30/4/1975, nhà nước CHXHCNVN đã chính thức kế thừa nhà nước VHCH, nên xét về phương diện Công pháp Quốc tế sự thừa hưởng chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là đương nhiên kể từ thời điểm đó.
Mọi sự công nhận VNCH về chính trị, dù sớm hay muộn, có thể nói không giúp ích gì thêm cho lập luận xác nhận chủ quyền đối với hai quần đảo này. Bởi thế, sự công nhận đó chẳng củng cố thêm bất kỳ luận cứ pháp lý nào.
Đối với những ai dành nhiều tình cảm và cả sự luyến tiếc đối với các thành quả mà VNCH từng đạt được về kinh tế, chính trị, văn hóa và giáo dục, thì sự công nhận nhà nước VNCH hiển nhiên đã luôn hiện hữu và duy trì trong lòng họ. Sự công nhận của nhà nước cộng sản hẹp hòi và thù hận này do vậy càng vô nghĩa lý.