Sau sự việc phản đối của các tài xế đối với trạm BOT Cai Lậy thể hiện qua việc
dùng tiền lẻ mua vé qua trạm thu phí, bộ GTVT đã có cuộc họp với giám đốc Sở
GTVT tải tỉnh Tiền Giang và nhà đầu tư BOT Cai Lậy. Kết quả cuộc họp là Bộ GTVT
đồng ý giảm giá vé tại BOT Cai Lậy, thế nhưng nhiều tài xế vẫn không hài lòng
và sẽ dùng tiền lẻ mua vé sau khi trạm thu phí hoạt động trở lại.
Tất nhiên làm sao cánh tài xế có sự đồng thuận khi mà họ hay doanh nghiệp
mà họ đang phục vụ – những người trực tiếp bị móc hầu bao một cách vô lý để trả
tiền thu phí, và sự phản đối của họ chính là nguyên nhân gây ra cuộc họp của
các cấp lãnh đạo nhưng họ lại không được có tiếng nói trong vụ “việc đáng buồn
xảy ra tại trạm thu phí Cai Lậy”?
Thời bao cấp, các cô mậu dịch viên không cần quan tâm khách hàng nghĩ gì,
muốn gì về chất lượng sản phẩm cũng như thái độ phục vụ. Nay thì khác, các công
ty dịch vụ hay mua bán sản phẩm đều rất coi trọng những bình luận của khách
hàng về dịch vụ, sản phẩm mà họ đang giao dịch. Vì thế, nếu nhà đầu tư BOT Cai
Lậy là bên CUNG CẤP DỊCH VỤ giúp giao thông thuận lợi hơn thì tài xế-doanh nghiệp
chính là KHÁCH HÀNG sử dụng dịch vụ đó. Như vậy, một sản phẩm, một dịch vụ muốn
tiếp tục tồn tại, muốn tiếp tục được khách hàng sử dụng thì đối tượng họ cần
trưng cầu ý kiến chính là KHÁCH HÀNG. Thế thì tại sao khi khách hàng tỏ ý không
hài lòng về giá cả hay chất lượng của dịch vụ thì Bộ GTVT là bên KÝ GIẤY PHÉP
cho dịch vụ đó được hoạt động lại là những người đưa ra phương án giải quyết,
còn “Thượng Đế” lại là người buộc phải chấp hành kết quả của cuộc thương lượng
mà không hề được trưng cầu ý kiến.
Nguyên nhân phản đối của tài xế chính là việc đặt trạm thu phí BOT Cai Lậy
là bất hợp lý nhưng họ không được cất tiếng nói, do vậy mọi sự giải quyết đều
trở nên hay cố ý trở nên “lệch pha” với yêu cầu của họ. Rõ ràng việc giảm phí
không hề giải quyết rốt ráo những bất hợp lý mà tài xế-doanh nghiệp, người dân
phải chịu. Bởi lẽ ví dụ nếu thu 35 ngàn thì sẽ thu trong vòng 10 năm, giờ giảm
xuống 25 ngàn thì thời gian thu sẽ được tăng lên. Đường nào cũng về La Mã, cách
gì thì “tài xế vẫn bị hút máu”, khác chăng là thời gian bị hút ngắn hay dài mà
thôi.
Thật ra, trưng cầu dân ý là chuyện khá xa lạ và chưa được thực hiện tại nước
ta. Đại biểu quốc hội Hà Minh Huệ đã từng cho rằng : “Dân chủ của ta có hạn,
dân trí còn rất thấp, số người dân trí cao là thiểu số, trưng cầu có khi gây hại,
không thể tùy tiện”. Có lẽ vì thế mà việc thu phí BOT Cai Lậy được giải quyết
mà không cần ý kiến của người dân âu cũng là “chuyện thường ngày ở huyện” mà
thôi.
Nếu không được trưng cầu dân ý, nếu quyền lợi của khách hàng không được tôn
trọng thì các tài xế sẽ tiếp tục đấu tranh ôn hòa bằng cách dùng tiền lẻ để trả
tiền thu phí. Và chúng ta cũng hãy sử dụng quyền công dân của mình để tiếp sức
với họ trong việc bất tuân dân sự này. Vì dù không trực tiếp tham gia sử dụng dịch
vụ di chuyển này nhưng không vì thế mà mỗi người dân Việt đừng cảm thấy sự việc
không hề liên quan đến mình. Này nhé, “tài xế cầm vé về là doanh nghiệp chịu hết”.
Vâng, khi doanh nghiệp phải thanh toán tiền phí qua cổng, chắc chắc họ sẽ cộng
phí đó vào tổng phí khi luân chuyển hàng hóa, và như thế thử hỏi giá thành hàng
hóa có bị đội lên hay không? Đừng nói những thiệt thòi này thuộc về các vị lãnh
đạo ngồi họp trong phòng lạnh nhé, chính bản thân và gia đình của mỗi một người
trong chúng ta phải gánh lấy.
Và nếu như nay mai cục xà phòng, cân gạo, hàng hóa… lại đột nhiên lên giá
thì hãy hiểu rằng đồng tiền trong túi của mỗi một người dân không biết quan tâm
đến chính trị đã nhẹ nhàng bổ sung vào tiền thu phí BOT Cai Lậy. Vậy nhé, quan
tâm chính trị chính là quan tâm đến việc đừng để những kẻ lợi dụng quyền hành để
tận thu tiền bạc của người dân một cách bất hợp lý, đơn giản chỉ là thế !
Điền Phương Thảo
Nguồn: Theo TMCNN