Thiện Tùng
Dân sinh thuộc lĩnh vực kinh tế, Dân
chủ thuộc lĩnh vực chính trị, chúng có chung đường ranh giới –
chỉ cần nhích qua một chút thứ này sẽ trở thành thứ kia, chúng có
mối quan hệ mật thiết nhau, tác động qua lại với nhau. Vì vậy, trong
đấu tranh, người ta thường kết hợp giữa 2 mặt Dân sinh và Dân chủ.
Trong thời đại ngày nay, đấu tranh đòi Dân sinh Dân chủ là quyền hợp
pháp của người dân ở mọi quốc gia hay vùng lãnh thổ, được Luật Quốc tế Nhân quyền của
Liên hiệp quốc thừa nhận – Việt Nam đã là một thành viên.
Nhân dân Việt Nam ta truyền đời sống
dưới thể chế chính trị độc tài - hết độc tài Vua chúa trị đến độc
tài Đảng trị. Độc tài bao giờ cũng đối lập với Dân chủ. Dân chủ là
khát vọng của người dân. Khi chưa cầm quyền, Đảng Lao động Việt Nam
khai thác khát vọng Dân chủ của người dân để chiêu tập lực lượng
đánh Tây đuổi Mỹ. Khi giành được quyền, Đảng nuốt lời hứa, đàn áp Dân chủ,
thực hiện thể chế Độc tài Đảng trị. Năm 2010, trong Tùy bút “CHẠY”,
tôi có nói phớt qua về “Nợ Dân chủ”. Trong bài viết này, tôi muốn nói
rõ hơn món nợ Dân chủ ấy cho thế hệ sinh sau 1975 am tường ý nghĩa
và giá trị của nó.
Nợ Dân chủ là nợ tiền khiên, nợ
máu và nước mắt, hết hạn đã hơn 40 năm mà bên phía vay
không chịu trả, đôi khi còn hành hung chủ nợ khi họ đòi.
Nhắc lại để nhớ, từ năm 1946, trước
cảnh “nước mất nhà tan, một cổ hai tròng”, chính lãnh tụ Hồ Chí Minh
chớ không ai khác, phát động toàn dân làm cuộc cách mạng “Dân
tộc Dân chủ”.
Trải qua 2 cuộc kháng chiến ròng rã
suốt 29 năm (1946-1975), bằng máu và nước mắt…, nhân dân Việt Nam đánh
đuổi được ngoại xâm ra khỏi bờ cõi, coi như hoàn thành vế một (Dân
tộc) của cuộc cách mạng “Dân tộc Dân chủ”. Sau 30/04/1975, lẽ ra phải
tiếp tục thực hiện vế hai (Dân chủ), nhưng Đảng Lao động Việt
Nam lại đổi tên thành Đảng CSVN, đổi tên nước thành “Cộng hòa Xã hội Chủ
nghĩa Việt Nam”, lờ tịt vấn đề Dân chủ,
du nhập chủ thuyết Mác – Lê – Mao, áp đặt thể chế Độc tài Đảng trị,
tiến hành cải tạo Xã hội chủ nghĩa trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Vậy
là Đảng CSVN (Đảng) còn thiếu Nhân dân Việt Nam món nợ “Dân chủ”. Món nợ
này, dứt khoát phải trả không thể xù được đâu! Hãy nhìn vào các nghĩa
trang sẽ ước tính được lượng máu và nước mắt đã đổ ra.
Lúc sinh tiền, Cụ Hồ đã từng nói: “Độc
lập mà người dân không được tự do thì độc lập chẳng có ý nghĩa
gì”. Người còn xem Nhân quyền là quyền do tạo hóa ban cho con
người, thể hiện trong câu nói để đời: “trăm điều phải có thần
linh pháp quyền”- Thần linh là Tạo hóa, có nghĩa là Tạo hóa đã
ban cho con người quyền làm người. Khi con người mất quyền làm người
thì chỉ còn là loài động vật hạ đẳng. Vậy, đấu tranh cho Nhân quyền,
Dân quyền, Dân chủ, Tư do… đều nằm trong khuôn khổ đòi Quyền làm người.
Đã hơn 40 năm kế nghiệp tiền nhân, Đảng
chẳng những không trả nợ Dân chủ, còn xua thuộc hạ đàn áp không nương
tay bất cứ ai đòi Dân chủ, liệt họ vào tội “diễn biến hòa
bình”, “do thế lực thù địch xúi giục gây rối”, “âm mưu lật đổ chế
độ” v.v… Để trốn tránh trách nhiệm, giành phần phải về mình, Đảng
dùng hàng giả: “Dân chủ Xã hội chủ
nghĩa” trả cho Dân, xem như đã thanh toán xong nợ, cấm không được đòi
hỏi gì thêm nữa.
Trời ơi ! Muốn có được Dân chủ thật sự
phải trải qua 29 năm chiến tranh tàn khốc, máu đổ, thây phơi, nhà tan
cửa nát…, giờ đây Đảng trả bằng
“Dân chủ XHCN”, loại dân chủ đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng theo kiểu
xin – cho, nó chỉ có trên giấy tờ và trên đầu môi, chót
lưỡi- giả từ đầu đến cuối, hữu
danh vô thực.
Độc tài đối lập với Dân chủ. Anh em,
bà con chú bác ruột với Độc tài là độc quyền, độc trị, độc đoán,
độc tôn, độc diễn và sẵn sàng độc ác khi đến bước đường cùng. Từ
năm 1976 đến nay, ở Việt Nam ta, Đảng áp dụng thể chế chính trị Độc
tài Độc đảng, Đảng thủ vai
chủ nhân ông đất nước, đặt lợi ích Đảng trên lợi ích Đất nước và
Dân tộc.
1/ Đối với
Đất nước: Ngày xưa Vua Chúa xem “giang sơn, thần dân là của
Trẫm”; ngày nay có khác chi xưa, Đảng xem “đất nước, dân chúng là của Đảng”
tùy nghi sử dụng.
Truyền thuyết về nguồn cội đất nước
và con người Việt Nam: Lạc Long Quân và Âu Cơ sinh ra 100 đứa con,
50 chục đứa cùng mẹ lên non (sống trên đất liền), 50 đứa theo cha ra biển
(sống dựa vào biển đảo). Từ đó, truyền đời con cháu Lạc Hồng không
hề tiếc máu để giữ đất liền, biển đảo. Khi giành quyền lãnh đạo
đất nước, Đảng “vì tình riêng” với bạn vàng của mình ở phương Bắc,
làm cho đất nước Việt Nam biến dạng, bầm dập. Ngoài việc mặc nhiên cho TQ
chiếm đảo Hoàng Sa, Đảng còn chưa công khai hóa cho dân biết việc phân
định biên giới đất liền, biển đảo giữa Việt Nam và Trung Quốc cụ
thể ra sao. Trong thực tế cho thấy: Một là, để mất một phần Thác Bản Giốc, mất hẳn cao
điểm 1509 (Núi Đất) và Ải Nam Quan. Hai là, vùng Vịnh Bắc Bộ dường như bị thu hẹp đáng
kể, TQ từng bước lộng hành nơi đây. Ba là, một số đảo ở quần đảo Trường sa cũng để mất
vào tay Trung Quốc. Bốn là, cho
TQ thuê đất, cài cắm người dài hạn ở những khu rừng đầu nguồn và
dọc theo bờ biển. Năm là,
đáng nói hơn, cho TQ khai thác và chiếm cứ những vùng hiểm yếu như
khai thác Bauxite ở Tây Nguyên; cho xây dựng khu công nghiệp và nhà nghi
dưỡng ở Vũng Áng, đèo Hải Vân ( tỉnh Hà Tĩnh).v.v…
2/ Đối
với Dân tộc: Về mặt hình thức, Đảng cho người dân rất nhiều
quyền, tên đề dấu đóng hẳn hoi: Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân,
Quân đội Nhân dân, Công an Nhân dân, Viện kiểm sát Nhân dân, Tòa án Nhân
dânv.v… Còn Hiến pháp ghi cho công dân rất nhiều quyền: “tự do
ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu
tình”…, để rồi cho khóa lại một câu “việc thực hiện các quyền
nầy do luật quy định”. Thế rồi những luật thì không ra (hoặc không dám
ra), nếu có thì chung chung nhằm dễ vận dụng một cách tùy tiện, hoặc
vi Hiến một cách trắng trợn. Trong thực tế, Đảng chỉ cho dân nói những
gì Đảng muốn nói, làm những gì Đảng cho làm. Nếu ai nói trái, làm
trái ý Đảng sẽ bị buộc không tội này cũng tội khác, cho Công an, Viện
kiểm sát, Tòa án xử trị như: bao vây khống chế, quản chế, đánh đập,
cầm giam, xử án, trục xuất.v.v…
Qua tìm hiểu, đa số công chúng, bao gồm
một số khá đông những đảng viên lão thành đang bực bội nhất 3
vấn đề:
a- Độc tài: sự lộng quyền
bất chấp pháp lý, đạo lý không chỉ ở cấp trung ương mà ngay cả ở
địa phưng và cơ sở. Nói những điều người ta đã biết khác nào
tra tấn đã man, biết vậy, người viết chỉ đơn cử một câu nói điển
hình, để đời. Là chủ tịch Quốc hội, cơ quan quyền lực cao nhứt của
dân mà đứng trước cuộc họp Quốc hội chém gió “Bộ Chính trị đã
quyết, không thể không làm” – như trường hợp khai thác Bauxite
chẳng hạn. Phải công nhận, hệ thống lãnh đạo ở nước ta hiện nay bắt
chước rất giỏi: trên làm gì, nói sao thì dưới sao y bản chính.
b- Đặt lợi ích Đảng trên lợi ích dân
tộc: Như đã nói ở trên, tổ tiên ta đặt lợi ích dân tộc
trên hết, sẵn sàng đổ máu để giữ yên bời cõi, truyền đời không để
mất đất, mất biển đảo. Dưới thời cầm quyền của Đảng, nhất là 40
năm qua, TQ gần như thường xuyên gây sóng gió với Việt Nam, nhưng ai ra
mặt chống TQ coi như phạm pháp, sẽ bị Đảng trừng phạt bằng mọi hình
thức. Đáng nói hơn hết, chống Trung quốc xâm lược chết không được vinh
danh như trường hợp chiến tranh biên giới phía Bắc, thậm chí không cho
nổ súng trân mình chịu chết để mất đảo như trường hợp ở Gạc Ma.
Đáng buồn hơn, gia đình và những người thân tổ chức tưởng niệm 64
binh sĩ chết ở Gạc Ma tại tượng đài Lý Thái Tổ, Công an làm ngơ để
cho Dư Luận Viên lộng hành phá đám giữa thanh thiên bạch nhật.
Tại Hội nghị Thành Đô (Tứ Xuyên, TQ)
trong hai ngày 3 và 4/09/1990 giữa lãnh đạo cấp cao 2 đảng Cộng sản, bàn
về việc bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, nghe nói, ông
Tổng Bí thư đã phải than thở: “Tôi cũng biết rằng, dựa vào Trung
Quốc sẽ mất nước, nhưng mất nước còn hơn mất Đảng”. Không có
lửa làm sao có khói, dầu chưa được kiểm chứng, chưa được Đảng và
nhà nước công khai, nhưng đã và đang có quá nhiều thông tin khá thuyết
phục về những nội dung bí ấn từ hội nghị Thành Đô này, khiến cho
đông đảo cán bộ đảng viên và nhân dân hoang mang. Thiết nghĩ, Đảng và
Nhà nước nên sớm công khai hóa chuyện nầy nhằm trấn an dư luận.
Có ý kiến đề nghị lãnh đạo VN
bàn với lãnh đạo TQ cho phía VN đến đảo Gạc Ma tìm hài cốt binh sĩ
bị TQ thảm sát hồi năn 1988. Trước cuộc họp, Tổng Bí thư Đảng CSVN
Nông Đức Mạnh nói tĩnh bơ: “Để họ nằm đấy có sao đâu”.
Trong bài phát biểu của mình, thiếu tướng (QĐNDVN) Lê Mã Lương nói về
biến cố Gạc Ma có đề cập đến câu nói nầy của ông Mạnh. Có lẽ ông Mạnh
quê ở Bắc Kạn, thuộc nhóm người theo bà Âu Cơ sống trên đất liền, nên Ông không
hiểu gì về giá lạnh của biển ?!.
Làm lãnh đạo mà chỉ biết đau riêng,
không cảm thông với nổi đau của dân tộc liệu có còn xứng đáng?. Thử
hỏi, cầm quyền mà hành xử như thế, liệu có mấy ai tự nguyện cho
người thân tham gia quân đội?. Và liệu binh sĩ (binh lính, sĩ quan) rồi
đây có quyết tử chiến với quân Trung Quốc xâm lược – “bạn vàng” và “bốn
tốt” của Đảng CSVN nữa hay không ?!.
C- Áp bức, bất công: Ở Việt
Nam ta hiện nay áp bức, bất công lan tràn giữa giới cai trị và bị
trị: người dân nếu không ngoan ngoãn tuân lệnh sẽ bị còng tay vì Công an,
Tòa án. Muốn vinh thân phì gia phải tìm mọi cách chui vào Đảng. Vào
Đảng như vào dân Tây, ắt sẽ được ngồi vào ghế quan, hễ quan thì có quyền,
có quyền thì có lợi. Muốn khỏi ra trận phài biết khôn hồn: đầu thai làm con
quan càng lớn càng tốt, sẽ được ngồi
mát hưởng ăn bát vàng. Sự thật diễn ra ê chề ai mà chẳng thấy - xin
không kể từng trường hợp cụ thể để
khỏi làm phiền cho đọc giả.
Chống áp bức bất công đã là bản năng
truyền kiếp của con người. Khi quá sức chịu đựng, người ta buộc phải
hành động tự vệ theo kiểu “xã hội đen, mạnh dùng sức, yếu dùng
chước”.
Nhớ lại thời đệ nhất Việt Nam
Cộng hòa, ông Diệm thanh trừng đối lập bằng cách tổ chức liên
tiếp những cuộc hành quân cảnh sát; công an chìm nổi cài cắm khắp
nơi; tổ chức bộ máy cai trị tận ấp, khóm – có cảnh sát ấp, chủ
khóm. Do quan liêu và tệ “quan binh quan, phủ binh phủ”, cấp dưới lộng
quyền, tham nhũng gây khốn khó cho nhân dân. Không còn cách nào khác,
người dân phải “phá kềm” theo kiểu xã hội đen, đi từ thấp đến cao,
xử trị ác ôn bằng cách dùng độc dược, lén đốt nhà, khủng bố gia
đình trả thù, rình chém hoặc núp trong lùm bắn giàn thun… Trước áp
lực của xã hội đen, ác ôn bớt ác hoặc chạy khỏi địa bàn xóm
ấp, dồn về co cụm ở xã, huyện.
Dưới thể chế Cộng hòa Xã
hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay, thử kiểm lại xem, liệu đã
có những điểm tương đồng với đệ nhất Việt Nam Cộng hòa? Nếu không kịp
thời khắc phục, tôi e rằng khó tránh khỏi xã hội đen và manh động.
Những năm tháng gần đây, Xã hội đen xuất hiện ngày càng nhiều, manh
động cũng liên tiếp xảy ra, chẳng hạn: Đối phó bằng bạo
lực chống cưỡng chế nhà đất như vụ Đoàn văn Vươn, vụ 12 người ở
Thạnh Hóa (Long An), vụ nhà thờ bắt cóc Công an rồi mặc cả trao đổi
con tin v.v…Đối phó bằng bất lực như vụ 2 mẹ con trần truồng
giăng tay chống cưỡng chế nhà đất ở Cái Răng (Cần Thơ); nhiều vụ
phản đối bất công bằng tự thiêu, tự sát diễn ra khắp nơi - thời đệ
nhứt Việt Nam Cộng hòa chỉ có một vụ Thích Quảng Đức tự thiêu. Gần
đây, những lái xe dùng tiền mệnh giá thấp (tiền lẻ) gây khó cho các trạm BOT ở
Bến Thủy, Cai Lậy..v.v… gây ách tắt giao thông cũng là sáng kiến gây rối một
cách hợp pháp?. Chỉ có kẻ ba trợn mới dập lửa bằng xăng ?.
Thể chế độc tài bao giờ cũng gắn
liền với cửa quyền, tham nhũng, luôn bị công chúng thù ghét. Để bảo
vệ cho mình, khi đương quyền, thể chế Độc tài bất kỳ bao giờ cũng
trọng dụng cảnh sát. Khi thất sủng phải tháo chạy, họ chỉ lo đùm
túm của cải, dẫn dắt vợ con chớ có nghĩ gì tới tới cảnh sát. Đơn
cử, Tổng thống Ukraine Yanukovich độc tài, tham nhũng vô độ, khi dân chúng
biểu tình lên án, ông ta ra lịnh cho Cảnh sát đàn áp thẳng tay. Cảnh
sát cố sức nhưng không dập tắt được biểu tình, ông ta trốn chạy sang
Nga. Cảnh sát mất chỗ dựa, không biết đào thoát đi đâu, đành phải
xếp hàng quỳ gối xin lỗi nhân dân Ukraine để được tha mạng. Nói đến
đây tôi lại nhớ ngụ ngôn “Con chó và người đi săn” với nghĩa:
con chó không còn khả năng săn thì người đi săn phải biết ăn thịt chó.
La Fontaine có ngụ ngôn “Chó sói đàm thoại với chó săn” theo
thể văn vần thú vị:
“Chó Sói gạn hỏi chó Săn :
Ở không sung sướng có ăn mập ù,
Tại sao đâu đó trơn tru,
Mà lông cổ bậu lù xù thế ni “ ?
“Săn rằng :
Chủ cột sợi dây,
Xây qua xây lại nên trầy cổ tôi “
!
Sói nghe dây cột hỡi ôi,
Sướng mà làm mọi làm tôi ai
thèm.
Vỡ mộng “chiêu hồi”, Sói trở lại rừng tiếp tục cuộc sống tự do.
CHÓ SÓI |
Đất nước ta đang lâm vào cảnh bị Trung
Quốc liên tiếp xâm lấn; kinh tế khó khăn, nợ nần chồng chất; quyền
của người dân bị xâm phạm nghiêm trọng; tệ nạn xã hội và áp bức
bất công lan tràn; lòng dân ly tán… Nhiệm kỳ Đại hội 12 có lẽ
là cơ hội cuối cùng để cho Đảng CSVN chứng minh tài đức, bản lĩnh
và sự trung thành của mình đối với đất nước và dân tộc. Đảng
CSVN từng tự tôn mình như thế, hãy chờ xem.
18/08/2017
T.T.