10 août 2017

Sự trùng hợp ngẫu nhiên



 Thiện Tùng

Không biết có phải do “thủy hỏa thổ” hay vì lý do nào khác mà, ở Việt Nam ta, thường xảy ra sự trùng hợp ngẫu nhiên. Nếu sự trùng hợp ngẫu nhiên cứ lặp đi lặp lại trở thành đề tài bàn tán của những người dư công rỗi việc.


 Như thường lệ, đến hẹn lại lên. Hơi khác thường, hôm nay chư huynh thường “tham chiến” dường như đủ mặt ở quán ca-phê Bờ Hồ, họ tranh luận việc gì đó ỏm tỏi. Vừa thấy tôi đến, ông tư Thời sự đứng dậy nói vui: “AnhTùng nên đổi tên để tránh rắc rối”.
 Tôi vặn lại: Đào văn Tùng là tên cúng cơm, do cha mẹ tôi đặt, Thiện Tùng là bút danh do tôi chọn, mắc mớ gì phải đổi?!.    
 Ông tư Thời sự vừa cười vừa nói: Những người có tên khởi đầu bằng chữ T như Bá Thanh, Quang Thanh, Xuân Thanh, La Thăng, Đức Thuận, Văn Thắm, Kim Thoa..v.v…đã và đang thọ nạn, lớp chết lớp bị thương đó không thấy sao ?! .
Thôi đi ông “Tam tông miếu” (1) ơi ! – tôi nói vui: Họ tranh quyền đoạt lợi với nhau nên thọ nạn chớ đâu phải do cái tên khởi đầu bằng chữ T. Đó chẳng qua là sự trùng hợp ngẫu nhiên?. Nếu có sự trùng hợp phải sửa đổi thì, ở Việt Nam ta, biết bao chuyện trùng hợp mang tính chất lịch sử phải sửa đổi hay sao ?! – sửa để tránh trùng hợp thì đâu còn là lịch sử mà “lệch sử”?
Mọi người cười rộ lên, chẳng biết họ nghĩ gì về việc đôi co giữa 2 chúng tôi. Sẵn dịp, tôi nhắc lại chuyện trùng hợp ngẫu nhiên trong quá khứ để mọi người cùng gẫm: 
1/ Những sự kiện thắng lợi mang tính lịch sử thường diễn ra những năm mà hai số chót cộng lại bằng 9:
 - “ Đã đứng dậy bao lần thất bại / Trong căm hờn trong uất hận vô biên / Ngày lại ngày như suối chảy triền miên / Chuông đã đánh âm thanh vang khời nghĩa/ Nguồn u uất vùng lên trong nghĩa địa / Trong nắm mồ Tổ quốc rêu xanh / Trong bao nhiêu xương máu của dân lành / Trong nước mắt mồ hôi nhân loại . Vì độc lập tự do, nhân dân ta chiến đấu quên mình, giành được chính quyền năm 1945. 
- Pháp trở lại đô hộ Việt Nam, cả nước phải trường kỳ kháng chiến suốt 9 năm, dẫn đến việc ký kết hiệp định Genève 1954 – Pháp rút quân, trao trả lại độc lập cho Việt Nam.
- Năm 1972, Quân Giải phóng mở Chiến dịch “Xuân Hè” chống Quân đội Việt Nam Cộng hòa lấn chiếm vùng Giải phóng, giành thắng lợi như chẽ tre, tạo tiền đế cho chiến thắng chung cuộc.

2/ Những chiến dịch quyết định trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ trùng hợp về thời gian:
- Tấn công lần thứ nhứt bất thành, lần thứ hai, với 55 ngày đêm, ta đánh chiếm toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, buộc Pháp đầu hàng, tuyên bố rút quân khỏi Việt Nam. 
- Với chiến dịch liên hoàn – từ chiến dịch Tây Nguyên đến chiến dịch Hồ Chí Minh, cũng với 55 ngày đêm, kết thúc cuộc chiến tại Sài Gòn giữa trưa 30/04/1975.
        3/ Cụ Hồ mất trùng với ngày Quốc khánh:
- Ngày 2/9/1945, Cụ Hồ thay mặt nhân dân Việt Nam đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Ba Đình, khai sinh nước Việt Nam.
- Hai mươi bốn năm sau (1945-1969), cũng vào ngày 2/9/1969, Cụ Hồ qua đời. Vậy là ngày Quốc khánh và Quốc tang lãnh tụ trùng ngày tháng cũng là ngẫu nhiên. Để tránh lời ra tiếng vào, lãnh đạo Việt Nam “hoàn sinh” cho Cụ Hồ thêm 1 ngày – công bố Cụ Hồ mất ngày 3/9/1969. Mãi sau nầy, trước sự thật hiển nhiên không thể che giấu, lãnh đạo Việt Nam phải thừa nhận sự thật, công bố Cụ Hồ mất 2/9/1969. Thế là từ ấy đến nay, Quốc khánh và ngày giỗ lãnh tụ Hồ Chí Minh cùng ngày tháng – chỉ khác năm.
 
   Lạ chưa ?! Phải chấp nhận sự thật nầy, dầu không phổ biến.
     
Đã là sự thật, dù không muốn cũng phải chấp nhận nó. Người tử tế bao giờ cũng nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật.

9/8/2017
 T.T
Chú thích
(1)“Tam tông miếu” theo nghĩa đen là tính theo Âm lịch, nghĩa bóng là ám chỉ những người thủ cựu, giáo điều, bảo thủ…