03 août 2014

'Hàng không mẫu hạm' Trung Quốc dốc sức xâm chiếm biển Đông

Nguồn: Theo Đất Việt

Thiên Nam
(Đất Việt) - TQ đã thành lập biên đội "hàng không mẫu hạm ngư nghiệp" để hỗ trợ 300-500 tàu cá độc chiếm ngư trường, khẳng định chủ quyền trên biển Đông.
Ngay từ tháng 4 năm 2012, Trung Quốc đã bắt đầu triển khai bố trí biên đội "hàng không mẫu hạm ngư nghiệp" hay còn gọi là “Hạm đội hỗn hợp ngư nghiệp đặc biệt” với nòng cốt là tàu chế biến tổng hợp “Hải Nam Bảo Sa 001” nhằm mục đích bảo đảm cho các tàu đánh bắt cá xa bờ hoạt động lâu dài trên biển và biến các tàu đánh bắt gần bờ thành tàu đánh bắt xa bờ.


Ngoài các tàu phụ trợ ra, biên đội còn được bố trí máy bay trực thăng để phục vụ công tác tìm kiếm luồng cá, vận tải thiết bị qua lại giữa các tàu, hỗ trợ vận chuyển sản phẩm… Nòng cốt của biên đội là 01 tàu chế biến tổng hợp, 01 tàu tiếp dầu, 02 tàu vận tải đông lạnh, 03 tàu bảo đảm tổng hợp.
Các tàu trong biên đội bao gồm: Tàu chế biến tổng hợp 3 vạn tấn “Hải Nam Bảo Sa 001”, tàu dầu 2 vạn tấn “Hải Nam Bảo Sa 021”, 02 tàu vận tải đông lạnh loại 1 vạn tấn là tàu “Hải Nam Bảo Sa 011”, “Hải Nam Bảo Sa 012” và 03 tàu bảo đảm tổng hợp 1000 - 6000 tấn.

“Hải Nam Bảo Sa 001” nguyên là 1 trong 3 tàu chế biến sản phẩm ngư nghiệp cỡ lớn mà Phần Lan đóng cho Nga năm 1989. Trước khi được Trung Quốc mua lại vào cuối thập niên đầu tiên của thế kỷ này, nó mang tên “Всеволод Сибирцев”, hoạt động thường trực tại khu vực Viễn Đông.


Trung Quốc sẽ tập trung 300-500 tàu cá dưới sự hỗ trợ của 1 biên đội hàng không mẫu hạm ngư nghiệp”
 
Sau đó, “Всеволод Сибирцев” được 2 doanh nghiệp nghề cá của Hải Nam liên doanh với công ty RESTIS của Hy Lạp tân trang lại với giá 1,5 tỷ Nhân dân tệ mà đặt tên là “Hải Nam Bảo Sa 001”. Tàu có chiều dài 179,2m, rộng 28m, cao 11,64m, mớn nước 7,9m (khi đầy tải), lượng giãn nước tối đa 3,2 vạn tấn.
Nó có tính chất như một nhà máy chế biến công suất lớn với quy trình khép kín từ đánh bắt, đông lạnh cho đến chế biến các loại cá khác nhau. Đây là tàu chế biến tổng hợp lớn nhất Trung Quốc, hiện trên thế giới cũng chỉ có 4 tàu đạt đến tầm cỡ này.

Tàu có 4 phân xưởng chế biến với 14 dây chuyền sản xuất và hơn 600 công nhân, có khả năng tác nghiệp liên tục 9 tháng trên biển. Tàu được lắp đặt đầy đủ các thiết bị kiểm tra chất lượng phù hợp với các loại sản phẩm khác nhau, công suất chế biến 1 ngày đạt 2100 tấn cá nguyên liệu, đóng 35 vạn đồ hộp, chế biến 660 tấn cá đông lạnh ở nhiệt độ thấp, 70 tấn bột cá, 40 tấn cua…

                                    Hàng không mẫu hạm ngư nghiệp” “Hải Nam Bảo Sa 001”
 
Cũng giống như “Hải Nam Bảo Sa 001”, “Hải Nam Bảo Sa 011”, “Hải Nam Bảo Sa 012” và “Hải Nam Bảo Sa 021” cũng đều được Trung Quốc mua lại của Nga, Ba Lan vào cuối thập niên đầu của thế kỷ 21.
“Hải Nam Bảo Sa 021” nguyên là một tàu tiếp dầu do Nga đóng vào năm 2001, mang tên BERENGARIA. Tàu có chiều dài 158m, rộng 25m, mới nước 6,4m, lượng giãn nước không tải 13.817 tấn, lượng giãn nước tối đa 19.831 tấn.

“Hải Nam Bảo Sa 011” nguyên là tàu vận tải đông lạnh do Ba Lan đóng năm 1996, mang tên LOUIS PASTEURE. Tàu có chiều dài 138m, rộng 21m, mớn nước 6,6m, lượng giãn nước tối đa 9438 tấn.

Còn “Hải Nam Bảo Sa 012” nguyên là tàu vận tải đông lạnh PIERRE DOUX, cũng do Ba Lan đóng cùng loạt với tàu LOUIS PASTEURE và với lượng giãn nước tương tự như “Hải Nam Bảo Sa 011”.


                              Tàu tiếp dầu Hải Nam Bảo Sa 021 nguyên là tàu BERENGARIA của Nga
 3 tàu phục vụ do Trung Quốc tự nghiên cứu, chế tạo. Chiếc đầu tiên là tàu bảo đảm tổng hợp mang số hiệu “Quỳnh Tam Á” F8168. Chữ “Quỳnh” là tên viết tắt trên đăng ký tàu của tỉnh Hải Nam, còn khu vực đăng ký cụ thể của nó ở Tam Á - Hải Nam.

Tàu này có chiều dài 83m, rộng 13,8m, vận tốc 12 hải lý/h, lượng giãn nước thông thường 3000 tấn, lượng giãn nước tối đa gần 5000 tấn với tải trọng hàng hóa gần 2000 tấn.

Chiếc thứ 2 thuộc loại tàu bổ trợ chế biến ngư nghiệp mang số hiệu “Quỳnh Tam Á” F8138 (nguyên là tàu Giang Hải số 1). Tàu này có chiều dài 100m, rộng 15,2m, cao 13,8m, lượng giãn nước thông thường 4000 tấn, tải trọng hữu ích gần 2000 tấn.

Chiếc thứ 3 là tàu bổ trợ đánh bắt viễn dương của Tập đoàn Nam Ngư, có lượng giãn nước thấp hơn, vào khoảng 1000 tấn mang tên “Chiết Châu Ngư Lãnh 220”. Tàu này có chiều dài 57.96m, rộng 10,5m, mớn nước 4,4m, lượng giãn nước 975 tấn, máy chính 600 Hp, tốc độ 10 hải lý/h.

Tiền thân của tàu vận tải đông lạnh Hải Nam Bảo Sa 011 (trên) và Hải Nam Bảo Sa 012 là LOUIS PASTEURE
 Cụm “Hàng không mẫu hạm ngư nghiệp” này chịu sự quản lý của Cục quản lý và giám sát ngư chính cảng cá khu vực biển phía Nam, trực thuộc Bộ Nông nghiệp và được tổ chức, biên chế như 1 biên đội hàng không mẫu hạm với thiết bị thông tin liên lạc rất hiện đại.
Biên đội chịu trách nhiệm cung cấp điều kiện tác nghiệp tốt nhất cho khoảng 300 - 500 tàu cá tải trọng từ 100 tấn trở lên của Trung Quốc hoạt động ở khu vực Trung Sa và Tây Sa (Hoàng Sa). Đồng thời, biên đội tàu còn đóng vai trò như một bệnh viện mini, cung cấp dịch vụ y tế cho ngư dân trên biển.

Trên tàu “Hải Nam Bảo Sa 001” có thiết kế một bệnh viện hoàn chỉnh cỡ nhỏ với đầy đủ các phòng chức năng y tế như: Nội khoa, ngoại khoa, nha khoa, chỉnh hình, sản khoa… Ngoài ra, nó còn có cả phòng khám bệnh nhân nam, nữ riêng biệt, phòng phẫu thuật, phòng cấp cứu, phòng điều trị, thậm chí còn có cả phòng điều trị “vip”.

                                  Tàu bảo đảm tổng hợp mang số hiệu “Quỳnh Tam Á” F8168
 Sau quá trình thử nghiệm hoạt động của biên đội này, Trung Quốc sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình, phát triển thêm nhiều biên đội như trên hòng hỗ trợ ngư dân Trung Quốc độc chiếm hoàn toàn vùng biển Đông, biển Hoa Đông, thậm chí vươn xa ra tận Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương.
Ngoài ra, theo thông báo của Cục hải dương quốc gia Trung Quốc ngày 26-04-2012, Cục hải dương quốc gia đã chính thức phê duyệt cho Sở hải dương và ngư nghiệp Hải Nam tiến hành xây dựng căn cứ bổ trợ hậu cần trên đảo Tấn Khanh (Việt Nam gọi là đảo Duy Mộng - tọa độ 16 ?28'N/111 ?44'E) thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Căn cứ có tổng diện tích căn cứ là hơn 5 mẫu Trung Quốc (tương đương 3,5 km2) này được xây dựng với mục đích cung cấp dịch vụ tổng hợp cho khách du lịch đến Hoàng Sa và ngư dân đánh cá trên biển. Hiện kế hoạch xây dựng căn cứ đã qua thời gian phê duyệt luận chứng, đến giai đoạn triển khai xây dựng.

                            Tàu bổ trợ chế biến ngư nghiệp mang số hiệu “Quỳnh Tam Á” F8138
 Gần đây, ngoài sự việc giàn khoan Hải Dương 981, liên tục xảy ra các vụ việc Trung Quốc bắt giữ, bắn cháy, đâm chìm các tàu cá Việt Nam, gây khó khăn cho tác nghiệp đánh bắt xa bờ của ngư dân Việt Nam ở khu vực quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, đặc biệt là trong thời gian Trung Quốc công bố lệnh cấm đánh bắt cá trong thời gian sinh sản.
Đặc biệt hơn nữa, chính phủ Trung Quốc đã xây dựng rất nhiều căn cứ quân sự và bán quân sự, mở nhiều tour du lịch đến các đảo, tổ chức cuộc đua thuyền buồm quốc tế ở khu vực Hoàng Sa; hút cát, cải tạo địa chất các đảo Chữ Thập và Gạc Ma nhằm xây dựng căn cứ không/hải hỗn hợp ở Trường Sa..., với mục đích chủ yếu là khẳng định chủ quyền của Trung Quốc trên toàn bộ biển Đông.

Theo phản ánh của nhiều ngư dân Quảng Ngãi, hiện nay tàu cá Trung Quốc hoành hành trên vùng biển của Việt Nam, hầu hết tàu cá của Trung Quốc đều trang bị máy dò cá, rađa rất hiện đại và đánh bắt hải sản theo kiểu “tận diệt”. Thông thường các tàu này hành nghề theo cách: hai tàu một cặp và “cào” tận đáy biển, bắt tất tần tật tất cả hải sản lớn nhỏ.

                                    Tàu bổ trợ đánh bắt viễn dương “Chiết Châu Ngư Lãnh 220”
 Hơn nữa, tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép ở vùng biển Việt Nam ngày càng ngoan cố hơn. “Nếu trước đây, khi gặp tàu công vụ của ta, họ chạy đi ngay. Còn nay, khi bị đuổi ra khỏi vùng biển Việt Nam, tàu khác lại xuất hiện khai thác trái phép, thậm chí gọi tàu công vụ Trung Quốc đến “giải cứu”.
Các tàu cá Trung Quốc phần lớn là tàu bán vũ trang, nếu có sự trợ giúp của máy bay trực thăng sẽ có khả năng trinh sát, quấy rối hoạt động thăm dò, khảo sát dầu khí và hoạt động ngư nghiệp của ta trên biển. Thực tế trong đợt giàn khoan Hải Dương 981 vừa qua, lực lượng tàu cá Trung Quốc đã ngăn cản, quấy nhiễu, đâm húc cả tàu cá lẫn tàu công vụ Việt Nam.

Nếu họ được tổ chức lại thành biên đội lớn, số lượng đông đảo, khả năng bám biển dài ngày sẽ gây rất nhiều khó khăn cho hoạt động ngư nghiệp của ngư dân Việt Nam và hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí của ta, thậm chí khống chế toàn bộ khu vực biển xung quanh quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

  • Thiên Nam