Nguyễn Gia Hảo
Gần đây trên mặt báo và trong dư
luận xã hội đang “lùm xùm” về sự giàu sang của nhân vật nọ, nhân vật kia, là
quan chức đã về hưu, chẳng may rơi vào tầm ngắm của các vụ án tham nhũng, hay
trong tình huống bất chợt nào đó mới tóe loe ra rằng nhân vật này đã và đang sở
hữu một số tài sản kếch sù (mà mới chỉ tính ở trong nước). Vấn đề là nếu căn cứ
theo mức thu nhập được chính thức kê khai, thì các vị này có thể đạt tiêu chuẩn
được mua nhà ở xã hội hoặc thậm chí được liệt vào diện cận nghèo!
Ai cũng biết trong xã hội nước ta
đang có nhiều chuyện rối rắm rất cần tháo gỡ, ai cũng
biết tham nhũng đã trở thành quốc nạn, thành giặc nội xâm sờ sờ trước mắt gây bất
ổn cho kinh tế-xã hội. Một trong những việc cần làm để chống tham nhũng là bắt
buộc cán bộ từ cấp nhất định phải kê khai tài sản. Song, với cách làm như hiện
nay, thì kê khai chỉ để cho “tổ chức” biết thôi, người ngoài (người dân) không
được biết, và cũng chẳng ai kiểm tra, giám sát tính xác thực của việc kê khai
này, kể cả các cơ quan có chức năng kiểm tra, kiểm soát … Kê khai tài sản theo
kiểu này rốt cục chỉ là một việc làm mang tính hình thức hay một thủ tục lấy
lệ, hoàn toàn không có tác dụng gì trong việc phòng chống tham nhũng. Trên thực
tế chưa hề có vụ tham nhũng nào được phát hiện hoặc xử lý thông qua việc kê
khai tài sản.
Tham nhũng ngày càng tràn lan, ngày
càng tinh vi, trắng trợn, ngày càng mang tính chất hệ thống để hình thành các
“nhóm lợi ích” chằng chịt, câu kết với nhau và có khi cả với các nhóm “anh chị”
ngoài xã hội . Các mafia của những kẻ cộm cán, các nhóm “bảo kê” và “xã hội
đen” đâu chỉ còn là của riêng họ không thôi! Kinh tế đất nước có khó khăn, sức
cạnh tranh của ngành nọ ngành kia so với thế giới kém cỏi, tập đoàn nọ, tập
đoàn kia làm ăn thua lỗ, xí nghiệp nọ, xí nghiệp kia đang trên bờ phá sản…,
song tài sản của bản thân và gia đình, họ tộc của “một bộ phận không nhỏ” những
người điều hành bên trong hoặc bên trên những đơn vị đó cứ tăng lên theo tỷ lệ
nghịch với sự đi xuống của các đơn vị mà họ đang quản lý!
Một trong những mặt tinh vi của
tham nhũng là chẳng ai dại gì đứng ra trực tiếp nhận hối lộ hoặc đứng tên tài
sản có được nhờ tham nhũng, mà họ thường thông qua các dây mơ rễ má nhằng nhịt
… Khi bị lộ, họ sẵn sàng có cách chứng minh đó là tài sản “hương hỏa”do ông cha
để lại (cho dù trong lý lịch nhiều người lại tự liệt mình vào thành phần “cốt
cán”, “nghèo rớt mồng tơi”…), là tài sản của vợ, của con, của họ hàng, của anh
em kết nghĩa…kinh doanh và tích lũy… Không thiếu những bà vợ chẳng kinh doanh mặt
hàng gì ngoài việc đứng ra “thu tô” hay hành nghề “buôn quan, bán chức”, buôn
bán dự án, qui hoạch… Không thiếu gì những “cô chiêu”, “cậu ấm” còn ở tuổi vị
thành niên hoặc mới đi làm, mà nhờ vai vế của các bậc phụ huynh, đang sở hữu những biệt thự sang trọng, những trang
trại nguy nga, những xe hơi “khủng”, hàng triệu cổ phiếu tại các công ty, những
tài khoản vô biên tại các ngân hàng…
Ngoài việc kê khai tài sản hiện
có tại trong nước cũng chớ quên tính tới tài sản của một số người hiện có tại
nước ngoài thông qua đầu tư trực tiếp hay gián tiếp. Để kiểm soát việc này,
Ngân hàng Nhà nước có một vai trò quan trọng. Được biết Ngân hàng Nhà nước của
ta đã ký với Ngân hàng Trung ương Thái lan một thỏa thuận về chống rửa tiền, đó
là tín hiệu tốt, song, người viết thiết nghĩ hiếm có người Việt nào lại mang
tiền sang Thái lan để rửa và ngược lại người Thái cũng vậy, muốn rửa tiền chắc
họ không chọn Việt nam hay Thái lan mà chủ yếu họ phải chọn những trung tâm tài
chính quốc tế có tín nhiệm ở những nước có nền kinh tế ổn định như Singapore
hay Thụy sĩ để cất giữ. Thực ra khối người đã đầu tư, tậu nhà mua đất ở các nước
như Mỹ, Pháp,Úc, Canađa…nơi con cái họ đang ăn học, và lấy chỗ phòng xa sẽ
“bùng” khi bị lộ…
Một trong những tin vui đầu năm
2014 và xuân Giáp Ngọ được xã hội đón nhận là thông điệp của Thủ tướng chính
phủ Nguyễn Tấn Dũng và lời chúc tết của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, trong đó
đề cập tới việc đổi mới thể chế, mở rộng dân chủ, công khai minh bạch, chống
tham nhũng…
Để việc kê khai tài sản thực sự
góp phần cho cuộc chiến chống tham nhũng, rất cần phải công bố công khai bản kê
khai tài sản của các cán bộ nhà nước và gia đình họ trong từng thời gian, nhất
là trước các cuộc bầu cử, trước toàn thể đơn vị cũng như người dân ở nơi họ cư
trú. Những người dân thường khác và báo chí phải được quyền tiếp cận những
thông tin này. Phải dựa vào dân vì người dân biết hết, dựa vào báo chí vì thực
tế cho thấy hầu hết các vụ tham nhũng đều do báo chí phát hiện rồi các cơ quan
chức năng mới vào cuộc. Mặt khác, muốn khuyến khích người dân tham gia kiểm
tra, giám sát việc kê khai tài sản, muốn động viên báo chí tham gia mạnh hơn
nữa trong việc chống tham nhũng cũng rất cần có quy chế bảo vệ nhân chứng hữu
hiệu. Cần có hệ thống kiểm tra và giám sát trong sạch, giỏi nghề, có trách
nhiệm và quyền lực thực sự.
Để Thông điệp đầu năm của Thủ
tướng và lời chúc tết của Chủ tịch nước được thực hiện, cần phải làm cho các cơ
quan công quyền, cho từng cán bộ viên chức nhà nước, cho mọi người dân thấm
nhuần và chung sức thực hiện, nếu không, tất cả sẽ vẫn chỉ dừng lại trong văn
bản hoặc lời nói, bởi, như một ngạn ngữ trong tiếng Pháp, “một cánh én không
thể làm nổi mùa xuân”. Nếu không, như nhiều người thường nói đùa rằng Việt nam
là thành viên của khối NATO với ý nghĩa “NO ACTION, TALK ONLY”,
“CHỈ NÓI MÀ KHÔNG LÀM”!