02 août 2014

Tập Cận Bình triệt bỏ ảnh hưởng của Giang Trạch Dân?

 
Nguồn: Theo GDVN
 
Hồng Thủy
 
Theo tờ Financial Times hồi tháng 4 năm nay cho biết, cả Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào đã kêu gọi Tập Cận Bình giảm quy mô cuộc chiến chống tham nhũng. 2 ông đồng ý điều tra Chu Vĩnh Khang, nhưng lo ngại Tập Cận Bình sẽ động tới các quan chức cấp cao khác trong đảng. Nếu đó là sự thật, trong vài tháng tới chiến dịch chống tham nhũng trong quân đội và ở Thượng Hải sẽ cho chúng ta thấy Tập Cận Bình có nghe theo lời khuyên của 2 người tiền nhiệm hay không.



 

(GDVN) - Tập Cận Bình đã nhằm tới một mục tiêu cao hơn Chu Vĩnh Khang, đó là cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân.

                     2 ông Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào trong một phiên họp.


The Diplomat ngày 1/8 bình luận, trong tuần này truyền thông Trung Quốc khẳng định rằng việc điều tra Chu Vĩnh Khang không phải là kết thúc của chiến dịch chống tham nhũng. Vậy sau Chu Vĩnh Khang còn "con hổ" nào nữa sắp bị Tập Cận Bình triệt hạ?

Đã có một số dấu hiệu cho thấy điều này. Trong dịp kỷ niệm 87 năm ngày thành lập quân đội Trung Quốc, ông Tập Cận Bình đã làm nổi bật tầm quan trọng của việc chống tham nhũng trong quân đội mà vụ xử lý Từ Tài Hậu chỉ là bước đầu.

Trong chuyến làm việc tại quân khu tỉnh Phúc Kiến hôm Thứ Tư, Tân Hoa Xã cho biết  Tập Cận Bình "cam kết thực hiện cuộc tấn công không khoan nhượng vào tham nhũng trong quân đội". Một bài xã luận riêng biệt trên Tân Hoa Xã cho rằng chiến dịch chống tham nhũng trong quân đội là rất quan trọng để xây dựng một đội quân mạnh mẽ "để bảo vệ người dân trong thời buổi xuất hiện ngày càng nhiều mối đe dọa đáng lo ngại trong khu vực".

Tập Cận Bình đã nhấn mạnh vào việc xây dựng 1 quân đội sẵn sàng chiến đấu hiện đại ở Trung Quốc. Trong khi các nhà phân tích phương Tây chủ yếu tập trung vào khía cạnh công nghệ quân sự thì mặt tổ chức, nhân sự cũng quan trọng không kém, bao gồm cả việc loại bỏ tham nhũng, mua quan bán chức.

Như vậy có vẻ như quân đội Trung Quốc đang trở thành mục tiêu tập trung chống tham nhũng, trong đó không chỉ điều tra và truy tố những "con hổ" cao cấp như Từ Tài Hậu, mà còn tiến hành kiểm soát chặt chẽ hơn các đặc quyền quân đội được hưởng, từ xe sang đến bất động sản.

                                           Ông Tập Cận Bình.

Cùng với chiến dịch chống tham nhũng trong quân đội, Tập Cận Bình còn tập trung mũi nhọn chiến dịch này vào Thượng Hải. Ủy ban Kiểm tra - kỷ luật trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc đã cử một đoàn công tác đến Thượng Hải làm việc trong 2 tháng tới.

Trọng tâm chiến dịch chống tham nhũng nhằm vào Thượng Hải đã chỉ ra rằng, Tập Cận Bình đã nhằm tới một mục tiêu cao hơn Chu Vĩnh Khang, đó là cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân. Mặc dù chính thức về hưu từ năm 2002, Giang Trạch Dân vẫn có ảnh hưởng vô cùng lớn đằng sau hậu trường.

Trên thực tế, Giang Trạch Dân vẫn có khả năng tham gia vào việc lựa chọn các ủy viên Thường vụ Bộ chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc hiện nay, 5 trong số 7 thành viên đương nhiệm có quan hệ với phe Giang Trạch Dân.

Giang Trạch Dân đi lên từ Thượng Hải và mãi mãi gắn kết với thành phố này, tạp chí Financial Times cho rằng Tập Cận Bình đang cố gắng để loại bỏ các ảnh hưởng cuối cùng của nhà lãnh đạo cao cấp đã nghỉ hưu. Cả Từ Tài Hậu và Chu Vĩnh Khang đều là đồng minh của ông Dân.

Tuy nhiên đã có những thông tin mâu thuẫn nhau về Giang Trạch Dân đối với chiến dịch chống tham nhũng của Tập Cận Bình. Tuần này Reuters cho biết Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào đã chấp thuận tiến hành điều tra Chu Vĩnh Khang cho thấy Tập Cận Bình vẫn còn phải xin ý kiến những người tiền nhiệm của mình để tiếp tục chiến dịch.

Còn theo tờ Financial Times hồi tháng 4 năm nay cho biết, cả Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào đã kêu gọi Tập Cận Bình giảm quy mô cuộc chiến chống tham nhũng. 2 ông đồng ý điều tra Chu Vĩnh Khang, nhưng lo ngại Tập Cận Bình sẽ động tới các quan chức cấp cao khác trong đảng. Nếu đó là sự thật, trong vài tháng tới chiến dịch chống tham nhũng trong quân đội và ở Thượng Hải sẽ cho chúng ta thấy Tập Cận Bình có nghe theo lời khuyên của 2 người tiền nhiệm hay không.