16 août 2014

Thủ tướng Iraq tuyên bố từ chức

Nguồn: Theo BBC

 


Ông Maliki đã đứng trước nhiều áp lực buộc nhường đường cho ông Haider al-Abadi

Thủ tướng Iraq Nouri Maliki vừa tuyên bố từ nhiệm nhằm chấm dứt thế bế tắc chính trị trong lúc chính phủ nước này tiếp tục cuộc chiến chống lại phiến quân Hồi giáo.

Trong bài phát biểu trên truyền hình nhà nước, ông Maliki cho biết đã quyết định rời khỏi quyền lực để nhường đường cho Haider al-Abadi, người mới đây được tổng thống Iraq giao trách nhiệm thành lập chính phủ mới.


Ông Maliki đã đứng trước nhiều áp lực buộc phải nhượng chức cho ông Abadi, phó chủ tịch Quốc hội.

Chiến dịch tấn công do phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) dẫn đầu đã châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng về an ninh và nhân đạo.

IS, nhóm thánh chiến Hồi giáo dòng Sunni, từng được biết đến dưới cái tên Isis, đã chiếm nhiều vùng lãnh thổ ở phía bắc Iraq và Syria trong mùa hè này.

Xung đột đã khiến khoảng 1,2 triệu người Iraq lâm vào cảnh vô gia cư.

 

   Nhiều người Thiên Chúa giáo đã tìm được đến các trại tỵ nạn bên trong Vùng tự trị Kurdistan

'Người anh em Abadi'

Xuất hiện trên kênh truyền hình nhà nước cùng với ông Abadi và các chính trị gia người Hồi giáo Shia chiếm đa số, ông Maliki đã đề cập đến mối nguy nghiêm trọng từ "khủng bố" trước khi tuyên bố từ nhiệm.

"Ngày hôm nay, tôi tuyên bố rút lui khỏi tư cách ứng viên thủ tướng và nhường đường cho người anh em, Tiến sỹ Haider al-Abadi, nhằm tạo điều kiện cho tiến trình chính trị và việc thành lập chính phủ mới" ông nói.

Trước đó, ông Maliki đã khẳng định rằng chỉ ông mới có quyền thành lập chính phủ mới, với tư cách là lãnh đạo của liên minh chiếm đa số trong Quốc hội.

Tuy nhiên phát ngôn nhân Ali Mussawi của ông Maliki nói với hãng thông tấn AFP rằng ông đã rút lại đơn khiếu nại Tổng thống Fuad Masum.

Chính phủ của ông Maliki bị chỉ trích là đã thiên vị cộng đồng Hồi giáo Shia chiếm đa số trong suốt 8 năm ông tại nhiệm.

Ông Abadi là một trong những chính trị gia cao cấp nhất của Iraq, người từng nắm nhiều vị trí quan trọng từ khi hồi hương vào năm 2003 sau một thời gian dài sống lưu vong.

Ông được cho là người quan điểm ôn hòa trong đảng Dawa của ông Maliki và dễ thỏa hiệp hơn so với người tiền nhiệm.

Hoa Kỳ ủng hộ

Cố vấn an ninh Quốc gia Mỹ, bà Susan Rice, đã hoan nghênh quyết định từ nhiệm của ông Maliki, gọi đây là "bước tiến đáng kể" hướng đến một Iraq thống nhất.

Trước đó, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã bày tỏ sự ủng hộ đối với tân thủ tướng Iraq.

 

       Quân đội Kurdistan đang tiếp tục giao tranh với IS

"Ông [Abadi] vẫn đang đối mặt với nhiệm vụ đầy thách thức, đó là thành lập một chính phủ mới. Nhưng chúng tôi đang hy vọng một cách khiêm tốn rằng ... tình hình đang diễn biến tích cực," ông Obama nói.

Ông Obama cũng tán dương quân đội Hoa Kỳ vì một chiến dịch ở miền bắc Iraq mà ông nói đã giúp đỡ hàng chục nghìn người lâm vào cảnh vô gia cư do IS.

Hàng chục nghìn người, đa số là từ các cộng đồng Thiên Chúa giáo và Yazidi thiểu số, đã mắc kẹt trong vòng vây của phiến quân trên Ngọn Sinjar sau khi bị buộc phải rời bỏ nhà cửa, Liên Hiệp Quốc cho biết.

Ông Obama nói quân đội Hoa Kỳ đã giúp phá vỡ vòng vây và tình hình hiện nay đã cải thiện đáng kể.

Tuy nhiên, các đợt không kích nhằm vào IS vẫn sẽ tiếp diễn, ông nói, đồng thời cho biết Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hỗ trợ cho các lực lượng của Iraq và Kurdistan đang chiến đấu chống lại IS.

Nhiều người tỵ nạn đã rời khỏi Đỉnh Sinjar và các chiến dịch giải cứu không còn cần thiết, ông Obama cho biết thêm.

Hàng nghìn người Yazidi đã tìm được đến các trại tỵ nạn nằm bên trong Vùng Tự trị Kurdistan, không mang theo gì ngoài quần áo mặc trên mình, hãng thông tấn AFP đưa tin từ thành phố Dohuk.

Tuy nhiên, điều kiện sống ở nơi này vẫn hết sức khó khăn. Một người tỵ nạn, ông Khodr Hussein, nói: "Chúng tôi đang từ chịu đói ở Sinjar đến chịu đói ở trong trại".

Liên Hiệp Quốc đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp 'mức độ 3' ở Iraq nhằm thúc đẩy các hoạt động cứu trợ nhân đạo.

Trong khi đó, quân đội Kurdistan tiếp tục giao tranh với IS trong ngày 14/8.

Ngày 15/8, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc tại New York được dự kiến sẽ thông qua nghị quyết nhằm trừng phạt việc tuyển quân từ nước ngoài cho IS.

Phóng viên BBC tại Liên Hiệp Quốc, Nick Bryant, nói nghị quyết do Anh quốc soạn thảo, sẽ đi kèm với các biện pháp trừng phạt đối với sáu cá nhân, trong đó có phát ngôn nhân của IS.