09 août 2014

Việt-Mỹ: Vũ khí đổi lại cải cách?

Theo BBC



Luật sư Vũ Đức Khanh/BBC
Ảnh bên: Quan hệ Việt-Mỹ đã được nâng lên đối tác toàn diện hồi tháng Bảy năm ngoái.
Những ngày gần đây quan hệ Việt-Mỹ cũng nóng dần theo hàn thử biểu của Thủ đô Hoa Thịnh Đốn.

Dường như hai quốc gia “cựu thù” đang cố gia tốc trong việc nâng cấp quan hệ song phương thông qua đàm phán và vận động hành lang để Hoa Kỳ sớm hủy bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam.
Động thái này được các nhà quan sát đánh giá như một chỉ dấu quan trọng trong phát triển quan hệ Mỹ-Việt, nhưng không phải là không có hậu quả.
Tin từ Hoa Thịnh Đốn cho biết có nhiều khả năng Tòa Bạch Ốc sẽ sớm bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam nội trong năm nay.
Động thái này chắc chắn sẽ làm Trung Quốc bực tức, quốc gia sẽ xem Hoa Kỳ trong chừng mực nào đó như Hoa Kỳ đã từng xem viện trợ quân sự của Liên Xô tới Cuba trong thời kỳ “Chiến tranh Lạnh”.
Tuy nhiên, chắc chắn không vì phản ứng của Trung Quốc mà Hoa Kỳ do dự, lý do chính đang lãng vãng đâu đó trong những “toan tính chính trị” của cả Hoa Kỳ lẫn Hà Nội.
Việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương có thể được xem như là một bước tiếp theo hợp lý trong việc thúc đẩy quan hệ Mỹ-Việt sau khi Tổng thống Obama và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ký kết Thỏa ước Quan hệ Đối tác Toàn diện Hoa Kỳ-Việt Nam vào ngày 25 tháng 7 năm 2013 tại Tòa Bạch Ốc.
Chắc chắn, với Hoa Kỳ trong chiến lược “chuyển trục và tái cân bằng” sang châu Á-Thái Bình Dương, cải thiện và tăng cường quan hệ với các nước trong khu vực trong đó có cả Việt Nam dường như là một bước đi cần thiết.
Lập pháp Hoa Kỳ hôm 31/7 đã chính thức mở đường qua việc Hạ nghị sỹ Randy Forbes thuộc đảng Cộng hòa, Chủ tịch Tiểu ban Hải lực và Triển khai lực lượng của Hạ viện và Colleen Hanabusa thuộc đảng Dân chủ, thành viên của Ủy Ban Quân Sự Hạ viện, bày tỏ mối quan tâm chung trong việc cung cấp các thiết bị quốc phòng cho Việt Nam.
Vấn đề dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương của Mỹ cho Việt Nam đã được liên tục đề cập trong thời gian gần đây, điển hình ông Ted Osius, ứng cử viên cho chức danh Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, cũng cho là đã đến lúc cần ủng hộ ý tưởng “hủy bỏ lệnh cấm vận” nói trên trong buổi điều trần đề cử ông tại Ủy ban Đối ngoại của Thượng viện Hoa Kỳ.
Trước đó, Đại sứ đương nhiệm David Shear hồi tháng 8 năm ngoái cũng từng khẳng định rằng Hoa Kỳ sẽ “nghiêm túc xem xét việc bỏ cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, nhưng kèm theo một số điều kiện”.
Ngoài Quốc hội và một số viên chức ngoại giao Hoa Kỳ, Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (CSIS), cũng nhập cuộc với một báo cáo công bố mới nhất có tiêu đề "Xu hướng gần đây ở Biển Đông và chính sách của Mỹ," CSIS thẳng thắn đề nghị Hoa Kỳ nên triển khai một “lộ trình thích hợp để cho phép nới lỏng từng bước các hạn chế,” cho thấy phiá Mỹ dường như đã sẵn sàng cho cuộc chơi mới.
Hủy bỏ lệnh cấm vận luôn là đặc quyền của Tổng thống Hoa Kỳ nhưng tất nhiên nếu không có sự hậu thuẩn từ lập pháp và của lưỡng đảng thì thực sự điều đó rất khó có thể xảy ra như chúng ta đã từng chứng kiến sự kiện cách đây 20 năm vào ngày 3/2/1994, Tổng thống Bill Clinton chính thức thông báo quyết định bãi bỏ lệnh cấm vận thương mại đối với Việt Nam với sự hậu thuẫn lưỡng đảng của hai Thượng nghị sỹ Hoa Kỳ từng tham chiến tại Việt Nam John McCain (Cộng hòa) và John Kerry (Dân chủ).
Liệu lịch sử có đang tái lập trong chuyến thăm Việt Nam bất ngờ ngày 7/08/2014 của Thượng nghị sĩ Cộng hòa John McCain và người đồng viện Dân chủ Sheldon Whitehouse?
Tin mới nhất từ Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội cho biết phái đoàn Hoa Kỳ sẽ thảo luận với quan chức lãnh đạo Việt Nam về các vấn đề an ninh khu vực, nhân quyền và thương mại.
Cũng cần nói thêm rằng chuyến thăm của hai vị Thượng nghị sỹ này chỉ diễn ra vài ngày sau chuyến công du của Thượng nghị sĩ Bob Corker, một thành viên cao cấp thuộc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ.
Ông Corker được tường thuật là đã "bày tỏ lạc quan rằng Hoa Thịnh Đốn sẽ dỡ bỏ lệnh cấm vận bán vũ khí sát thương cho Việt Nam trong tương lai gần.”
Yêu cầu " bán vũ khí có điều kiện"
Ảnh bên:Hồ sơ nhân quyền của Việt Nam vẫn là chướng ngại vật trong quan hệ với Hoa Kỳ

Tuy nhiên, không phải không có lý do để quan ngại nếu lệnh cấm vận này cần được bãi bỏ.
Một quyết định đơn phương của Hoa Kỳ hủy bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam vô điều kiện là điều vô cùng thiển cận, nhất là lại tạo thêm cơ hội cho sự lạm dụng không cần thiết từ phiá Hà Nội.
Chính phủ Việt Nam đã hứa hẹn gì và quan trọng nhất là Hà Nội đã đảm bảo gì với Hoa Kỳ rằng họ sẽ không sử dụng những vũ khí này để chống lại nhân dân Việt Nam? Liệu Hà Nội có là một đối tác đáng tin cậy? Thành tích nổi bật “nhân quyền” của họ đâu phải là chuyện mới hôm qua và cả thế giới này có ai còn lạ gì luận điệu của họ!
Mặc dù các vị Nghị sỹ Forbes và Hanabusa có cho rằng việc bán vũ khí theo dự kiến của Hoa Kỳ sẽ không bao gồm các mặt hàng có thể được sử dụng để kiểm soát đám đông hoặc các mục đích nội địa, nhưng vũ khí luôn là vũ khí dù ở bất kỳ thể loại nào nó vẫn luôn có khả năng quay lại bắn vào người dân.
Một khẩu súng chỉ đơn giản là một công cụ, vấn đề là người xử dụng nó và cho mục đích gì; người đó có thể là một viên chức công an hoặc một quân nhân ngoài mặt trận mà quyết định cuối cùng của họ là dùng khẩu súng đó để bắn ai hay cái gì.
Nếu không có hành động cụ thể, lời nói đơn giản chỉ là vô nghĩa, và Hà Nội đã từng làm thất vọng ê chề cộng đồng quốc tế bằng sự thờ ơ trong các yêu cầu cải thiện điều kiện nhân quyền. Human Rights Watch, Tổ chức Ân xá Quốc tế, các quốc gia trong Liên minh châu Âu, Australia, Canada cũng như chính Hoa Kỳ đã từng lên tiếng cảnh báo nghiêm khắc các hạn chế về nhân quyền ở Việt Nam và khuyến cáo Hà Nội cần có nỗ lực mạnh mẽ nhưng tình trạng nhân quyền Việt Nam thì ngày càng trở nên xấu đi một cách tồi tệ.
 Nếu thật sự Tổng thống Obama và Quốc hội Hoa Kỳ quyết tâm hủy bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam, dứt khoát Hoa Thịnh Đốn cần phải đặt điều kiện hết sức nghiêm túc cho những thương vụ đặc biệt này.
Hoa Kỳ cần làm cho Hà Nội hiểu rỏ rằng Hoa Kỳ không cần bán vũ khí cho Việt Nam và chắc chắn Việt Nam cũng không nhất thiết cần phải mua vũ khí từ Hoa Kỳ mà đây là một “lựa chọn chiến lược” phù hợp với nguyện vọng của nhân dân hai nước và quyền lợi của hai quốc gia Hoa Kỳ-Việt Nam.
Như vậy, việc cung cấp vũ khí cho Việt Nam sẽ tùy thuộc vào sự cải thiện nhân quyền cụ thể của Hà Nội theo một lộ trình đã được ấn định trước.
Ngoài ra, trong khi Hoa Kỳ chưa cung cấp công nghệ quốc phòng hiện đại nhất cho Việt Nam, Hoa Kỳ vẫn phải nghiên cứu nghiêm túc khả năng rất thực tế là những vũ khí này có thể rơi vào tay Trung Quốc, một cách vô tình hay cố ý. Và tuy không kém phần quan trọng, Tổng thống Obama và Quốc hội Hoa Kỳ cũng phải quyết định xem liệu họ có thể tin tưởng vào quân đội Việt Nam để giữ cho những vũ khí này không lọt vào tay một lực lượng bất hảo nào đó.
Tháo bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương là bước tiến lớn tiếp theo của Mỹ có thể làm trong việc thúc đẩy quan hệ ngoại giao với Việt Nam.
Tuy nhiên, đó là một bước đi quan trọng đòi hỏi phải có tranh luận rộng rãi, minh bạch và được đánh giá nghiêm túc cả về lợi ích lẫn cạm bẫy.
Nếu gắn liền với cải thiện nhân quyền, tháo dỡ lệnh cấm vận vũ khí sát thương là bước đầu tiên đầy hứa hẹn cho một cơ hội cải cách lớn hơn ở Việt Nam.
Tuy nhiên, nếu không có điều kiện nhân quyền kèm theo và Mỹ thất bại trong việc đảm bảo Việt Nam tuân thủ, việc làm này không những chẳng giúp ít được gì cho chiến lược chuyển trục của Hoa Kỳ trong khu vực mà còn là cơ hội trang bị cho lực lượng an ninh Việt Nam có thêm vũ khí chống lại nhân dân Việt Nam.
Không giống như quan hệ Mỹ-Việt, số phận của lệnh cấm vận này khá ư phức tạp.
Mặc dù có những “tiến bộ” đáng kể trong quan hệ song phương cũng như có “nhu cầu chiến lược” thực tiễn nhưng Hoa Kỳ vì quyền lợi tối thượng của nuớc Mỹ và nhân dân Mỹ dứt khoát không thể bỏ qua những khát vọng cháy bỏng yêu chuộng tự do, dân chủ, nhân quyền của nhân dân Việt Nam.
Nếu Hoa Kỳ đảm bảo được rằng Hà Nội sẽ triệt để tuân thủ theo các quy định của Mỹ, sự nới lỏng từng bước các hạn chế của lệnh cấm vận này có thể đạt được giá trị tối ưu của nó.