Tô Văn Trường
Tôi không tin Gs
Lê Xuân Tùng nguyên Ủy viên Bộ Chính trị và “ê kíp” của ông sai lầm một cách
chân thành. Họ không thể không biết điều sơ đẳng : "Thực tiễn là thước đo
duy nhất đúng của chân lý ".
Chỉ cần nhìn vào thực tế trên thế giới mấy chục
năm qua thì sẽ thấy vì sao Tây Đức hơn Đông Đức, Đài Loan hơn Đại lục, Hàn Quốc
hơn Bắc Triều Tiên..., vì sao Thành trì của CNXH là Liên Xô lại sụp đổ cái rụp
như thể đó là một ngôi nhà xây trên cát ! Vì sao Việt nam tụt hậu thê thảm so với
các nước. Nhân tiện, tôi xin "biếu" họ câu nói chí lý của
"ông tổ" "Lê" Tiên sinh :
" Đào xuống,
lật lên, xới ra những lớp ngôn từ lý luận
có vẻ như cao siêu, ta sẽ thấy đằng sau chúng
hiện ra cái lõi trần trụi - đó là QUYỀN và LỢI !".
Có người hỏi cảm giác của tôi khi đọc bài “Phải chăng kinh tế tư nhân là nền tảng của nền kinh tế quốc dân?” của GS, nguyên Ủy viên Bộ chính trị Lê Xuân Tùng (dưới đây xin viết tắt: “GS LXT’) đã đăng trên tờ Dân trí gần đây?. Tôi đã trả lời hết sức nhanh rằng “tôi buồn, giận, vui khi đọc bài báo này”.
Theo như
lời phi lộ của tờ Dân trí thì đây là bài báo cực kỳ quan trọng không phải chỉ
vì trình độ và vị thế chính trị của tác giả, mà còn phản bác “những quan điểm
xa lạ” để bảo vệ “quan điểm chính thống của Đảng và Nhà nước ta”, nhất là về vấn
đề sở hữu. Tôi và chắc chắn có rất nhiều nhà báo, nhà khoa học, nhà nghiên cứu
sẽ có hàng loạt bài phản bác lại quan điểm của GS LXT.
Bài viết
ngắn đầu tiên này, tôi chỉ giải thích một điều đơn giản: tại sao “tôi buồn-giận-vui
khi đọc bài báo này”?. Để mọi người đỡ sốt ruột và cũng để mở đầu cho hệ thống
bài viết của mình về chủ đề này, xin được trả lời ngay:
- “Tôi
buồn” vì sự thủ cựu, bảo thủ đến cực điểm của GS LXT. Ông Tùng viết ra những điều
mà người đời hay nói “xưa như trái đất”. Tôi buồn hơn, sự bảo thủ này không chỉ
của GS LXT mà thực tiễn cho thấy không ít nhà lãnh đạo cao cấp của đảng hiện
nay cũng chưa thoát ra được
- “Tôi
giận” vì một người có học hàm cao và vị thế lớn như GS LXT lại nhắm mắt nói bừa
những điều sai sự thật, quá xa với cuộc sống diễn ra trên đất nước ta trong 30
năm đổi mới vừa qua. Tôi giận hơn, khi tìm hiểu hệ thống văn kiện tóm tắt đưa
xuống đại hội đảng các cấp cũng có tình hình tương tự.
- “Tôi
vui” vì GS. LXT đã
“dũng cảm” phơi bày quan điểm bảo thủ, lạc hậu của mình (và tôi hiểu cũng là của
giới bảo thủ, giáo điều trong Đảng cầm quyền) để mọi
người có dịp tranh luận công khai mà không bị “trừng trị”.
Dưới
đây, xin nói rõ hơn những điều nêu trên đây.
1. GS Lê Xuân Tùng cố tìm cách
(kể cả bịa chuyện) để chống lại “những quan điểm xa lạ” để bảo vệ một trong những
quan điểm chính thống của đảng cầm quyền đã được ghi vào Cương lĩnh và Hiến
pháp sau đây: “ Phát triển nền
kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, “Kinh tế nhà nước giữ vai trò
chủ đạo”, “Kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng
vững chắc của nền kinh tế quốc dân”…Vấn đề này sẽ còn được bàn kỹ hơn, ở đây
xin được nói nhanh hai điều:
Một, đường
lối của đảng cầm quyền là để chỉ đạo hành động nhằm đưa đất nước phát triển
nhanh và bền vững, vậy mà sau 30 năm đổi mới mọi người, kể cả các nhà khoa học
lớn của đất nước vẫn còn loay hoay bàn vấn đề “kinh tế thị trường định hướng xã
hội chủ nghĩa” là gì?. Một đường lối như vậy làm sao bắt mọi người phải thừa nhận
là đúng, bắt mọi người phải nói theo và làm theo; Ngay Bộ trưởng Bộ Kế hoạch
& Đầu tư Bùi Quang Vinh cũng thẳng thắn đánh giá “Chúng ta cứ nghiên cứu mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ
nghĩa mà mãi có tìm ra đâu. Làm gì có cái thứ đó mà đi tìm”!”
Ai nói
ngược nói khác thì được lãnh đạo, mà GS LXT “tặng cho” cái mũ “chệch hướng”?
Hai,
thành quả của đổi mới lớn nhất, đáng ghi nhận và nhờ đó chúng ta mới có bước
phát triển như vừa qua là phát triển kinh tế nhiều thành phần sở hữu. Các thành
phần kinh tế bình đẳng trước pháp luật. Nhưng điều rất đáng buồn là đảng đã thụt
lùi khi ghi vào Cương lĩnh (xin được nhắc lại lần nữa):. “Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều
hình thức sở hữu,[…]. Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. […]. Kinh tế nhà nước
cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế
quốc dân”.
Đoạn
trích từ Cương lĩnh trên đây đã nói lên rõ ràng rằng chính Đảng cầm quyền chứ
không phải ai khác chủ trương và cổ súy cho việc phân biệt đối xử đối với các
thành phần kinh tế. GS LXT còn bảo hoàng hơn vua khi bịa ra rằng có thế lực thù
địch nào đó muốn “kinh tế tư nhân là nền tảng của nền kinh tế quốc dân?”. Xin
thưa với GS LXT là mọi người, kể cả các nhà khoa học chỉ muốn đảng thực hiện chủ
trương các thành phần kinh tế “bình đẳng trước pháp luật” như đã hứa thôi!
2. Theo tôi, thực chất của Đổi
mới là sửa chữa những sai lầm, khuyết điểm cả về nhận thức lý luận, lẫn hành động
thực tế do chính chúng ta gây ra trước đó, đưa đất nước phát triển theo quy luật
của nó. Có những sai lầm, khuyết điểm được phát hiện khá sớm, nhưng không ít
sai lầm khuyết điểm chỉ có thể được phát hiện dần trong quá trình thực hiện đổi
mới.
Do đó, đổi
mới là một quá trình lâu dài, liên tục. Mặc dầu vậy, trong Dự thảo báo cáo
chính trị tóm tắt đưa đến Đại hội cấp cơ sở, một số chỗ có nói đến đổi mới, chẳng
hạn: “Đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế”( Văn kiện Đại hội
XII, tr. 11); “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo duc…”(Văn kiện Đại hội XII,
tr. 18); “Đổi mới công tác tư tưởng, lý luận” (Văn kiện Đại hội XII, tr. 36);
“Đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ, coi trọng công tác bảo vệ chính trị nội bộ”(
Văn kiện Đại hội XII, tr. 37)…., nhưng tuyệt nhiên không nơi nào nói rõ ràng những
sai lầm, khuyết điểm của Đảng trong lãnh đạo công cuộc đổi mới.
Trong
khi đó, qua khảo sát thực tế, ý kiến của không ít chuyên gia tâm huyết khẳng định
rằng “việc thực hiện công cuộc đổi mới
trong 30 năm qua thiếu nhất quán, không triệt để, nghiêm trọng hơn là công cuộc
đổi mới bị chững lạị. Đặc biệt, đổi mới chính trị không những không đi liền với
đổi mới kinh tế như đảng đã hứa với dân từ 1986, mà hầu như còn dẫm chân tại chỗ,
có mặt còn đi thụt lùi. Chính điều
này đã trở thành lực cản của đổi mới kinh tế - xã hội .”
Trên cơ
sở đó, nhiều nhà nghiên cứu kiến nghị “đẩy mạnh công cuộc đổi mới”; “Đổi mới lần
2”; “Đổi mới mô hình tăng trưởng”; “Đổi mới thể chế”…..Đề nghi GS. LXT và những người cổ vũ cho quan điểm của ông dành
thì giờ đọc kỹ các bài viết đăng trên các báo chính thống trước khi phát biểu ý
kiến của mình!
3. Đại hội XII của Đảng sắp tới,
chắc chắn phải đánh giá chúng ta đang ở đâu và từ đó sẽ đi đến đâu trong giai
đoạn tiếp theo. Đại hội XII diễn ra trong bối cảnh nước ta đã trải qua chặng đường
30 năm đổi mới, nếu chỉ tính từ Đại hội VI (1986-2015) và một phần tư thế kỷ thực
hiện công nghiệp hóa theo mục tiêu đưa nước ta “trở thành nước công nghiệp theo
hướng hiện đại vào năm 2020” đề ra tại Đại hội VII (1991-2015). Đồng thời cũng
đã gần ¼ thế kỷ, nước ta thoát khỏi bao vây, cấm vận và tham gia ngày càng đầy
đủ vào quá trình toàn cầu hóa, thực chất là quá trình phân công lao động trên
phạm vi khu vực rộng lớn và toàn cầu.
Do đó, để
đánh giá tình hình hiện nay, cần điểm lại những thành quả quan trọng mà nhân
dân ta đã giành được, những bài học quý giá cả thành công, nhất là những bài học
thất bại xảy ra không chỉ trong một nhiệm kỳ 5 năm mà trong cả 30 năm ấy. Và
trong bối cảnh mới này, việc đánh giá những mặt làm được và chưa làm được nhất
thiết phải đặt trong mối tương quan so sánh giữa ta và các nước trên thế giới,
trước hết là các nước trong khu vực.
Trong phạm
vi bài viết này, chỉ xin nêu vắn tắt vài hệ lụy:
Một là
Việt Nam đã tụt hậu xa hơn (hay doãng ra) chứ không còn là “nguy cơ” và không
chỉ tụt hậu về kinh tế mà cả văn hóa, xã hội so với các nước. Riêng
về thu nhập bình quân theo đầu người, VN tụt hậu ngày càng xa hơn so với bình
quân chung của thế giới và khu vực đã trở thành hiện hữu, chứ không còn là nguy
cơ như các văn kiện trình Đại hội Đảng khóa XII nhận định.
Trong
các văn kiện chính thức, chúng ta thường chỉ đánh giá một chiều rằng Việt Nam đạt
tốc độ tăng trưởng kinh tế thuộc nhóm nước cao nhất thế giới, coi đó là thành tựu
“có ý nghĩa lịch sử”. Nhưng thực chất, nếu xem xét kỹ về số tuyệt đối, mà điều
đó mới là quan trọng nhất thì Việt Nam tụt hậu ngày càng xa hơn so với bình
quân chung của thế giới và các nước trong khu vực.
Mong muốn
đuổi kịp nước này nước khác trong vùng về thu nhập đầu người đã trở nên không
tưởng. Chẳng hạn, năm 1990, GDP bình quân đầu người của Thái Lan là 1508 USD và
VN là 98 USD, cách nhau 1410 USD. Đến năm 2013 lần lượt là 5674 USD và 1908
USD, cách nhau 3766 USD, tức khoảng cách doãng ra gấp 2,67 lần, sau 23 năm. So
với hầu hết các nước trong khu vực đều thấy có tình hình tương tự.
Hai là để
lại gánh nặng nợ nần cho giai đoạn tới. Do sử dụng các nguồn lực để thực hiện
nhiệm vụ công nghiệp hóa kém hiệu quả, nên để lại gánh nặng nợ nần cho giai đoạn
tiếp theo.
Ba là rất
nhiều nước, sau khoảng 30 năm thực hiện công nghiệp hóa đã phải nhập khẩu lao động,
còn nước ta chắc còn phải vác rá đi xin việc làm dài dài. Thực chất, hiện chúng
ta đang thiếu việc làm nghiêm trọng. Nếu có quyết tâm cao và tạo được nguồn lực
lớn thì cũng phải cần một thời gian dài nữa mới xử lý được vấn đề này. Thiếu
công ăn việc làm, người có việc làm thì thu nhập không đủ sống là nguyên nhân
quan trọng tạo nên sự bất an xã hội.
Bốn là
nguyên nhân của tình hình trên có nhiều và lâu nay trong các văn kiện chính thức
chưa bao giờ nói một cách rõ ràng nguyên nhân cốt lõi. Ở đây xin nêu hai nguyên nhân cốt lõi:
Thứ nhất,
do Đảng không tiếp tục, không kịp thời đổi mới tư duy. Đảng ta vẫn cố bám lấy
những mặt sai, lỗi thời của chủ nghĩa Mác – Lênin, vẫn tiếp tục lấy nó làm nền
tảng tư tưởng và phương hướng hành động của đảng. Trong khi đó chủ nghĩa
Mác-Lênin ngày càng được nhiều học giả chân chính chứng minh là có rất nhiều
sai lầm , đặc biệt là trong những nguyên lý xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Hơn thế
nữa, chủ nghĩa này đã bị thất bại thảm hại ngay trên quê hương lần đầu tiên áp
dụng nó vào cuộc sống là Liên Xô. Điều dễ nhận thấy là tuy có một số biến tấu,
về cơ bản Đảng ta đang từng ngày, từng giờ đi theo vết xe đổ của đảng cộng sản
Liên Xô. Cho nên, Đảng ta “lấy chủ nghĩa Mác - Lênin … làm nền tảng tư tưởng,
kim chỉ nam cho hành động…” (Cương lĩnh 2011) là rất sai lầm. “Chủ nghĩa Mác-Lênin” là thuật ngữ hàm hồ
do Stalin nêu ra đầu tiên sau khi Lênin
mất, không nên tiếp thu và phổ biến.
Thứ hai,
là do Đảng vẫn duy trì mô hình về tổ chức bộ máy cầm quyền lỗi thời, lạc hậu,
kìm hãm quá trình phát triển của đất nước.
Đảng độc
quyền tuyệt đối về công tác tổ chức và cán bộ. Vì vậy, đảng phải chịu trách nhiệm
toàn diện về lĩnh vực hoạt động này. Điều rất đáng quan tâm là hiện nay đảng ta
vẫn duy trì mô hình về tổ chức bộ máy cầm quyền lỗi thời, lạc hậu, kìm hãm quá
trình phát triển của đất nước giống như Liên Xô trước khi tan rã.
Trên thực
tế cho đến nay những người lãnh đạo đảng ta là người điều hành độc quyền và duy
nhất quá trình phát triển của đất nước, can thiệp vào mọi hoạt động lớn, nhỏ của
hơn 90 triệu dân Việt Nam. Rất khó tìm một lĩnh vực, một khu vực, một hoạt động
cụ thể nào, cả đối nội lẫn đối ngoại trong đời sống hằng ngày của người dân mà ở
đó không có sự can thiệp của cơ quan lãnh đạo đảng.
Quyền cực
lớn và vô giới hạn đến như vậy, nhưng về mặt pháp luật không hề có quy định nào
nêu rõ trách nhiệm của Đảng cộng sản Việt Nam trước tổ quốc, trước dân, ngoài
vài câu khẩu hiệu ghi tại Điều 4 Hiến pháp năm 2013 (tương tự như Điều 126 Hiến
pháp Liên Xô năm 1936 và Điều 6 Hiến pháp Liên Xô năm 1977). Kinh nghiệm chung
của cả thế giới, kể cả Liên Xô và các nước XHCN cũ chỉ ra rằng: Độc quyền mà không hề bị giám sát, không hề
bị kiểm soát theo pháp luật thì tất yếu dẫn đến lộng quyền, làm những điều sai
trái gây phương hại đến lợi ích của đất nước, của người dân. “
Thay cho
lời kết
Bài viết của GS Lê Xuân Tùng
có thể làm là sắp xếp cho ra vẻ có lớp lang một mớ hổ lốn những điều cũ kỹ đã
được nhồi nhét và tự nhặt nhạnh từ những bản dịch cũ nát, đã được lựa chọn nhằm
mục đích như hai mảnh che mắt con ngựa thồ chạy đường dài. Nhưng dù có giỏi ngụy
biện đến đâu cũng không che dấu nổi mâu thuẫn ngay trong bài viết.
Bài viết của Gs Lê Xuân Tùng đại diện cho tư duy giáo điều, bảo thủ
của giới cầm quyền, vẫn bám giữ con đường xã hội chủ nghĩa theo học thuyết
Mác-Lênin. Dù sao, nó cũng tạo cơ hội cho những ý kiến phản biện lên tiếng,
trong khi giới cầm quyền đang tìm mọi cách không cho những tiếng nói phản biện
được công khai tranh luận.
Tô Văn Trường