Đinh Liên
“Vạch trần cái xấu – thành tựu cơ bản của thuyết tiến bộ – là một nhiệm vụ của họ. Với sự dũng cảm, ngòi bút nhà báo lật tung những tấm vải điều che đậy nguồn gốc tài sản bất minh của nhiều quan chức tham nhũng. Họ tranh luận với một nền giáo dục nhồi sọ học sinh bằng những kiến thức vụn vặt và cả những điều to lớn huyễn hoặc chẳng có ích gì cho chính học sinh, xã hội.”
Báo Lao động vừa đăng tải bài viết đáng lưu ý của tác giả Hà Linh Quân trong dịp kỹ niệm 90 năm ngày cách mạng báo chí Việt Nam. Nơi mà bài viết phân định “sự nổi tiếng” và “tai tiếng trong lĩnh vực hoạt động báo chí nước nhà.
Nói về sự nổi tiếng, tác giả dành sự ngưỡng vọng cho những nhà báo dám “Vạch trần cái xấu – thành tựu cơ bản của thuyết tiến bộ – là một nhiệm vụ của họ. Với sự dũng cảm, ngòi bút nhà báo lật tung những tấm vải điều che đậy nguồn gốc tài sản bất minh của nhiều quan chức tham nhũng. Họ tranh luận với một nền giáo dục nhồi sọ học sinh bằng những kiến thức vụn vặt và cả những điều to lớn huyễn hoặc chẳng có ích gì cho chính học sinh, xã hội.” Và rằng, ngày hôm nay, những nhà báo dám dấn thân với nghiệp, đã và đang “đứng trên tuyến đầu chiến đấu với những luận điệu xuyên tạc, bóp méo lịch sử của “người bạn vàng” để bảo vệ vùng biển đảo tổ quốc. Khi làm được những điều đó, nhà báo trở thành nổi tiếng.”
Đây là quan điểm mới mẻ, khi nhà báo “nổi tiếng” không còn được định hình bởi nhiệm vụ lỗi thời và thiển cận trong thực hiện các bài viết “chống quan điểm sai trái” và bảo vệ tính đứng đắn trong chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng mà dời hẳn về “chủ quyền dân tộc, lợi ích nhân dân.”
Nghĩa là, chức năng nhiệm vụ của một nhà báo nổi tiếng chính là tấn công vào các điểm tệ hại, bẩn thỉu của nền xã hội, chính trị tự cho mình là nhân văn. Và rằng, nổi tiếng của nhà báo không đến từ việc làm tốt các chức năng tuyên truyền, thực hiện đường lối chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước, theo chỉ thị 08/ CT – TW 1992, Chỉ thị 12 CT/TW 1997, Chỉ thị 05/CT-TW, rằng: “Người làm báo, công tác xuất bản là những chiến sĩ cách mạng, giữ vai trò xung kích trên mặt trân tư tưởng văn hóa của Đảng.”
Tất nhiên, để có chuyển đổi trọng tâm về mặt nhiệm vụ và vai trò đó, nhằm thoát ra khỏi sự gò bó khi buộc phải làm “nhiệm vụ chính trị tuyên truyền,” thì đó là sự đấu tranh về mặt nghề nghiệp trong chính những nhà báo chân chính, và rằng, nơi đó mỗi nhà báo nổi tiếng sẽ buộc phải cầm thẳng bút trong tư thế, “Không nói yêu thành ghét. Dù ai cầm dao dọa giết. Cũng không nói ghét thành yêu.” Chấp nhận giữ lấy lương tri, lương tâm nghề báo, mặc cho hệ quả phải ngồi tù, bị mất việc chính từ sự “nổi tiếng” trong nghề đó.
Báo Người Cao Tuổi và TBT Kim Quốc Hoa là một tấm gương bứt phá khỏi nền báo chí “tự do trong Đảng” như thế.
Trong khi, thể chế không tạo nhiều điều kiện cho những nhà báo chấp nhận dấn thân vì sự thật trần trụi ở Việt Nam ra đời, thì nó (thể chế) lại thúc đẩy sự bùng nổ của những thằng nhà báo, những kẻ “bồi bút”, những kẻ viết theo lối nựng yêu chính trị chế độ, những “nhà báo” suốt đời là “thằng nhà báo” chỉ biết ghi chép và gõ máy.
Cái thằng nhà báo chỉ quanh quẩn bịt mắt với dòng chữ “chống diễn biến hòa bình, thế lực thù địch,” và mớ lý luận cũ rích từ hàng chục năm trước đó, những thằng nhà báo chăm chỉ lên facebook lấy tin showbiz và tưởng tượng ra cảnh “cướp hiếp giết,” trong phòng lạnh, vỗ đành đạch và cười khoái trá khi giật được một tít (title) hay câu lượt xem (view), những thằng nhà báo sống với nghề bằng sự… tai tiếng.
Đó là những thằng nhà báo chỉ biết suốt ngày “sục sạo, lần tìm tội lỗi như con khỉ mẹ lần tìm chấy rận, vạch từng cái lông. Khi đã tìm thấy, họ vung bút múa ầm ỹ như băng mãi võ Sơn Đông đi bán thuốc rong ngoài chợ, để cho “mày” phải biết “tao” là ai, mà không cần biết đối tượng có đáng bị thế hay không,” tác giả Hà Linh Quân chỉ ra.
Sự ra đời ngày càng nhiều của những thằng nhà báo cũng chính là điều bế tắc trong định hướng nền báo chí Việt.
Tiếc rằng, báo Lao Động chưa đi đến cùng, đến tận của nguyên nhân gốc khiến nền báo chí Việt Nam đang dần cải hóa, thiếu sức sống trong vai trò mũi nhọn của mình. Nó cũng lý giải vì sao, báo Thanh Niên, tờ báo của Hội Liên hiệp Thanh Niên Việt Nam cũng có hẳn một chuyên trang “ihay” với đầy tin nóng bỏng “lộ vú, hở mông.”
Tác giả Hà Linh Quân cho rằng, “Sự xa rời những tiêu chuẩn làm báo tất yếu phải dẫn đến sự xuống cấp của nhiều nhà báo.”
Nhưng tiêu chuẩn đặt ra là gì? Đó có phải là sự thật, là khách quan, là trung thực? Hay nói trắng ra là vì tiêu chuẩn báo chí bị hạ thấp bởi chính “nhiệm vụ chính trị”, cái thứ làm nên một nền báo chí tự do trong khuôn khổ mà Đảng “quy hoạch.”.
Trong cuộc gặp mặt kỷ niệm 90 năm ngày Báo chí Cách mạng VN do Bộ TT&TT tổ chức vào ngày 19/6, có sự tham dự lần đầu tiên của ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng – người nghiêm khắc cấm báo chí tư nhân, Tông biên tập báo Tiền Phong – ông Lê Xuân Sơn đã phản ánh rằng, “trong một số trường hợp nhạy cảm như chủ quyền lãnh thổ, biển đảo, thông tin từ phía các cơ quan chỉ đạo đến với báo chí quá chậm.”
Đó là hệ quả từ mô hình “quy hoạch và định hướng báo chí”, nó chẳng những khiến báo chí nhà nước hụt hơi trong đưa tin trước mạng xã hội, mà còn mất đi cả tính sắc luận, nhất là trong các vấn đề nóng bỏng như “lãnh hải, chủ quyền, mối quan hệ với Trung Quốc.”
Cái chỉ đạo của ông Nguyễn Tấn Dũng, trong dịp kỹ niệm 90 năm báo chí Việt Nam cũng chính là sự áp đặt độc tài báo chí trong bầu không khí được mô tả là “cởi mở, thân tình, dân chủ”, rằng: “Tôi cũng chia sẻ việc các cơ quan quản lý vừa phải đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, quản lý Nhà nước đối với báo chí, vừa phải đảm bảo quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận, quyền được thông tin của nhân dân mà Hiến pháp đã quy định.”
“Đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, quản lý Nhà nước đối với báo chí” – chính cái quan điểm chỉ đạo này đã giết dần, giết mòn những nhà báo chân chính trong nước.
Ngưỡng vọng những nhà báo nổi tiếng, nhưng đừng dè biểu những thằng nhà báo tai tiếng cũng là vì thế. Vì suy cho cùng, trong một guồng máy mà tiếng nói chính trị chưa được coi trọng, nhiệm vụ chính trị còn nặng nề, một nền báo chí với tổng biên tập chung là báo Nhân Dân thì thằng nhà báo cũng là nạn nhân không hơn không kém.
Dù sao thì, “Báo chí tự do, dĩ nhiên, có thể tốt cũng có thể xấu, nhưng hầu như chắc chắn nếu không có tự do, báo chí chỉ có thể là xấu” – Albert Camus.
Tin liên quan trên báo Lao Động: Chuyện đăng ở báo nước ngoài. Có nhà tỉ phú trong lúc hấp hối trên giường bệnh đã gọi điện cho vị tổng biên tập của 1 tờ báo, đề nghị trả 10 triệu USD để được nhận 1 cái thẻ nhà báo. Vị tổng biên tập đồng ý. Cầm thẻ trên tay, tỉ phú thở hắt những hơi cuối cùng. Vị tổng biên tập kia nói: “Tôi rất tò mò, chẳng hiểu sao ông lại chịu mất 10 triệu USD đổi lấy cái thẻ nhà báo mà chẳng để làm gì cả?”. Nhà tỉ phú đáp: “Ồ, có gì đâu! Sau khi tôi chết đi rồi, thiên hạ sẽ thốt lên rằng: Ôi, thế là trên đời này đã mất đi được một gã nhà báo!”.
Tác giả câu chuyện vui này là một nhà báo nổi tiếng thế giới. Chỉ có những người biết được sức mạnh báo chí mới dám tự đùa cợt mình như vậy. “Kẻ mạnh là kẻ biết tự diễu mình!” – Socrates đã nói.
Sự nổi tiếng
Năm 1997, nhiều ngân hàng đã công bố những con số lãi khổng lồ, có người lại gióng hồi chuông cảnh tỉnh: Cái lợi nhuận khổng lồ đó được hình thành trên việc ăn vào sự thịnh vượng và tính hiệu quả của phần còn lại trong nền kinh tế. Họ là ai vậy? – nhà báo! Những người có tài năng, sự nhạy cảm để nhìn thấu được bản chất của các vấn đề trước khi chúng mưng mủ theo thời gian. Họ cảm nhận được hơi thở thời đại nóng hổi trong các sự kiện xảy ra đã lâu và nghe được những tiếng vọng mạnh mẽ của quá khứ trong các sự kiện vừa xuất hiện. Thói quen nhìn vụ việc theo nhiều chiều đã mách bảo họ: Đầu tư nước ngoài tạo ra việc làm và góp phần vào phát triển. Thế nhưng, quá dựa dẫm vào đầu tư nước ngoài, một quốc gia sẽ thất bại trong việc xây dựng nên những doanh nghiệp có sức cạnh tranh toàn cầu của mình. Và chính họ đã báo động xã hội: Các nhóm lợi ích đang đi lệch hướng vào “giấc mơ con”, ở đó lòng tham chỉ nuôi dưỡng những suy nghĩ ngắn hạn, không thấy được các vấn đề lớn của đất nước.
Không chỉ trong những vấn đề kinh tế vĩ mô, người ta gặp các nhà báo ở khắp mọi nơi, kể cả là trong… vườn thú, khi có người ăn chặn cả khẩu phần của loài súc vật. Vạch trần cái xấu – thành tựu cơ bản của thuyết tiến bộ – là một nhiệm vụ của họ. Với sự dũng cảm, ngòi bút nhà báo lật tung những tấm vải điều che đậy nguồn gốc tài sản bất minh của nhiều quan chức tham nhũng. Họ tranh luận với một nền giáo dục nhồi sọ học sinh bằng những kiến thức vụn vặt và cả những điều to lớn huyễn hoặc chẳng có ích gì cho chính học sinh, xã hội. Còn nếu những cánh rừng già đại ngàn đang đổ rạp dưới lưỡi cưa của bọn lâm tặc, những dòng sông bị ô nhiễm, nước vàng như bị viêm gan biết nói, thì chúng cũng sẽ bày tỏ lòng biết ơn các nhà báo. Ngày nay, họ lại đứng trên tuyến đầu chiến đấu với những luận điệu xuyên tạc, bóp méo lịch sử của “người bạn vàng” để bảo vệ vùng biển đảo tổ quốc. Khi làm được những điều đó, nhà báo trở thành nổi tiếng.
Sự nổi tiếng mang đến quyền lực mềm cho họ. Lời họ nói ra được người dân tin và quan chức phải lắng nghe. Bởi vì nhà báo nổi tiếng thì không bao giờ viết sai sự thật. Mặc dù cuộc đời không giống như 1+1 = 2, đôi khi sự thật lại được hình thành từ sự tình cờ, rủi ro, số phận. Các cuộc phỏng vấn, tài liệu văn bản, chỉ thể hiện những mảnh ghép giới hạn của cả bức tranh. Do đó nhà báo nổi tiếng phải có trực giác nhạy cảm như vòng lông cổ của con chim cú. Nhất là phải có bề dày văn hoá. Ông Phạm Huy Hoàn – nguyên Tổng Biên tập Báo Lao Động – thường dẫn chuyện: Con gấu mùa hè chịu khó đi tìm mật ong để có một lớp mỡ dày dưới chân. Khi mùa đông đến, không còn mật ong, gấu nằm trong hang mút lớp mỡ dày ở chân mà sống. Có lẽ nhờ lớp mỡ dày (bề dày văn hoá) được tích luỹ từ thời trẻ (mùa hè), bây giờ đã ở tuổi U.80 (mùa đông), ông vẫn làm Tổng Biên tập của tờ điện tử Dân Trí – một tờ báo mạng có số lượng người truy cập nhiều bậc nhất ở Việt Nam.
Lịch sử báo chí Việt Nam ghi nhận rất nhiều nhà báo nổi tiếng tài giỏi. Thường họ là những người coi làm báo là nghiệp, chứ không phải là cái nghề (kiếm sống). Vì là cái nghiệp, họ dám nói không trước sự quyến rũ của tiền và sức mạnh của quyền lực. Bởi vậy, hiếm có nhà báo nổi tiếng thực sự mà giàu. Hồi mới vào nghề, người viết bài này đã được chứng kiến một cuộc “đối đầu” giữa nhà báo TTT với tổng giám đốc của một công ty tư nhân. Ông này gây dựng nên một sự nghiệp đáng nể từ hai tay trắng. Nói thêm cho vui, tài năng của ông cũng không dừng lại ở đó. Vào tuổi 70, ông còn lấy vợ 20 tuổi và sau đó sinh ra 2 đứa con. Bước chân đến cuộc đối thoại về chuyện công ty ông có trốn thuế như báo đăng tải hay không, vị tổng giám đốc dõng dạc tuyên bố: “Ép đá còn dễ hơn ép tao phải thừa nhận điều đó!”. Quả thật, ông biết nói dối qua từng kẽ răng. Thế rồi chỉ trong nửa tiếng đồng hồ, bằng những lời nói ngọt ngào, nhỏ nhẹ mang đậm phong thái ung dung của một thầy tu, nhưng sắc như lưỡi dao cạo, nhà báo TTT đã dồn đối phương vào chân tường. Sự thật được ông bóc ra như ông bóc vỏ củ hành. Sau khi ngỏ lời xin người đối thoại mấy viên aspirin vì “đầu nặng như một bịch bùn nhão”, vị tổng giám đốc cáo lui, vẻ mặt giống như người sắp phải làm việc đóng nắp quan tài! Còn người chiến thắng? Gương mặt ông vẫn thản nhiên như đang ngồi với tách cà phê sáng.
Nhà báo nổi tiếng không bao giờ muốn dùng sức mạnh của báo chí đè người. Họ luôn thích thắng tâm phục, khẩu phục. Và càng nổi tiếng bao nhiêu họ càng bình dị, khiêm tốn bấy nhiêu. Có vẻ họ biết câu người xưa nói: Hiền nhân giống như khù khờ.
Và tai tiếng
Cũng là bình thường khi thật hiếm có nhà báo nào lại không thích thương hiệu hay sự nổi tiếng. Nhất là khi đã trải nghiệm mùi vị gây nghiện của việc có được ảnh hưởng đến số phận của người khác. Tuy nhiên, thương hiệu là một nghệ thuật phải biết nắm bắt chứ không phải thứ có thể chụp giật. Và làm thương hiệu nhà báo không phải là việc đánh bóng hình ảnh thô thiển như kiểu trát son đỏ lên môi con lợn quay. Để có thương hiệu, nhà báo phải có tài năng bẩm sinh và một thời gian nhiều năm sống chết với nghề. Thế nhưng, trong thời đại thức ăn nhanh (fast food), một số nhà báo rất muốn được nổi tiếng nhanh. Họ luôn muốn mình là ai mà không biết mình làm gì. Có điều chắc chắn, họ không thích giống hoặc là không có khả năng làm một chú gấu cần cù kiếm tìm mật ong. Tôi đã gặp những nhà báo chưa bao giờ mở một cuốn sách quá trang bìa. Ngoài sự thẳng thừng hơn hẳn, họ thua xa các nhà báo ngày xưa về cách đặt dấu chấm, phẩy – nền tảng cơ bản của nghề cầm bút. Vì kiến thức mỏng như cánh chuồn chuồn nên họ thường bị bế tắc trong việc tìm cách thể hiện và hay sa đà vào những vấn đề không hề tồn tại. Chẳng hạn, họ hốt hoảng vì con chó của một đại gia bị lạc, hay hý hửng khi chụp được bức ảnh cái áo trong của một cô ca sĩ hạng 3 tuột ra khi đang la hú. “Cướp, giết, hiếp” là mỏ vàng đề tài của họ. Thật trớ trêu là những nhà báo ấy lại hay ngộ nhận vai trò của mình. Họ thường cho rằng mình rất quan trọng. Trong quán cà phê, ở chốn đông người, họ không bao giờ ngừng nói liến thoắng, khoe đã “giã chết” được bao nhiêu “thằng” nếu họ là nhà báo nam, hoặc không bao giờ ngồi khép hai chân, có thể kẹp được đồng xu giữa hai đầu gối nếu họ là nhà báo nữ. Mặc cảm quan trọng khiến họ trở thành người dễ tự ái. Họ thường cãi nhau với các nhân viên bảo vệ, bởi họ cho rằng những người này không đánh giá được hết giá trị của họ. Ai làm cho họ mất lòng thì họ sôi lên, tìm cách trả đũa. Họ sẽ sục sạo, lần tìm tội lỗi như con khỉ mẹ lần tìm chấy rận, vạch từng cái lông. Khi đã tìm thấy, họ vung bút múa ầm ỹ như băng mãi võ Sơn Đông đi bán thuốc rong ngoài chợ, để cho “mày” phải biết “tao” là ai, mà không cần biết đối tượng có đáng bị thế hay không. Sự công bằng đối với họ là cảm xúc thích hay không, chứ không phải những tiêu chuẩn cố định có thể cân, đong, đo, đếm.
Thế nhưng, những nhà báo này dễ mềm lòng trước tiền bạc. Họ chỉ nhìn thấy những gì mà đồng tiền muốn họ thấy. Tiền cầm tay họ viết những bài báo chỉ dựa trên các bằng chứng chưa vượt quá cái ngưỡng cửa của sự nghi ngờ. Vậy mà họ không ngại ngùng suy diễn, chụp mũ, phê phán. Để bảo vệ mình khỏi bị kiện cáo, họ sử dụng các cụm từ nghi vấn: “Phải chăng?”, “có thể?”. Họ thường nguỵ biện theo kiểu “mẹ kiếp không phải chửi thề” hoặc là “nhà báo có quyền đưa ra ý kiến của mình”. Nhưng họ phải biết nhà báo không có quyền với sự thật. Lincoln – Tổng thống Mỹ – nói: “Dù bạn có gọi cái đuôi con ngựa là chân thì con ngựa vẫn chỉ có 4 chân, bởi cái đuôi không bao giờ là cái chân!”. Lật hồ sơ của kiểu nhà báo này, người ta sẽ thấy không ít có một quá khứ nặng mùi. Thật buồn lòng khi người đời gọi tên tuổi họ đi kèm với những biệt danh “đói”, “bẩn”.
Sự phát triển như vũ bão của ngành công nghệ thông tin đã đẩy nghề báo vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, đặc biệt báo giấy. Bây giờ chỉ cần có cái điện thoại di động, anh lái xe ôm trong lúc đợi khách đầu đường có thể vào mạng đọc báo Lao Động, An Ninh Hải Phòng… miễn phí. Hệ quả: Số lượng bạn đọc mua báo ít dần, quảng cáo teo đi. Để tồn tại, nhiều tờ báo đã trôi dạt và mất lái trong dòng xoáy kinh tế thị trường. Thế là ngày ngày, chuyện “cướp, giết, hiếp”, ăn chơi thác loạn và đủ thứ vô bổ khác được các tờ báo lá cải gào lên từ những quầy báo trên các vỉa hè. Để nuôi những tờ báo này, ông tổng biên tập không cần đến các nhà báo có lớp mỡ dày dưới chân, mà chỉ cần những phóng viên có thể đặt ra các định mức mới cho sự không biết hổ thẹn là gì. Thế là một chị đưa báo, một anh bảo vệ, một ông bán thẻ bảo hiểm… bỗng chốc trở thành nhà báo. Tờ báo không quan tâm họ có thể tôn trọng ngữ pháp hay không, mà chỉ cần biết họ trị giá bao nhiêu tiền qua các hợp đồng quảng cáo hoặc số lượng những tin bài nhầy nhụa giúp bán được báo.
Sự xa rời những tiêu chuẩn làm báo tất yếu phải dẫn đến sự xuống cấp của nhiều nhà báo. Đã vậy, cơ chế quản lý lỏng lẻo lại cho họ quyền tự do bay nhảy, nhất là phóng viên thường trú ở các địa phương. Nhiều tổng biên tập còn không biết mặt nhân viên của mình. Họ đến và đi như một cái chợ. Vì rất nhiều người không được toà soạn trả lương, họ kiếm sống bằng hoa hồng quảng cáo và tiền nhuận bút. Như thế, nhà báo bán mình cho quỷ là chuyện dễ thấy, dễ hiểu.
Cái thời người dân nhắm mắt tin vào mọi điều báo nói đã qua. Trong đó có phần “công” của nhà báo kiểu này. Hiện tượng nhà báo bị lưu manh đánh, chính quyền tẩy chay, phải được nhìn từ hai phía. Tại sao có các nhà báo chưa bao giờ bị côn đồ manh động và cánh cửa của chính quyền luôn mở cho họ, dù họ vẫn mài sắc bút chiến đấu? Bởi vì họ không giống những nhà báo thản nhiên ngồi hút thuốc lá trong phòng họp có biển đề “Cấm hút thuốc”, thậm chí hùng hổ kéo đàn như đám kiêu binh (họ thường tụ tập thành những băng nhóm để đánh hội đồng, bởi họ không có tài năng một mình giải quyết vấn đề). Nhà báo đích thực luôn viết báo theo phương châm: “Hãy nhớ bạn đang viết báo cho những người thông minh hơn bạn đọc!”. Nếu viết những điều lảm nhảm, ngây ngô, không kể bóp méo sự thật, thì khả năng bị bạn đọc coi thường, chính quyền từ chối hợp tác trở thành hiển nhiên.
Xã hội vẫn đánh giá cao, trân trọng nhà báo chân chính và cũng lo ngại trước sự nảy nở nhanh chóng của các nhà báo tai tiếng.
Lincoln – Tổng thống Mỹ – nói: “Dù bạn có gọi cái đuôi con ngựa là chân thì con ngựa vẫn chỉ có 4 chân, bởi cái đuôi không bao giờ là cái chân!”.