Văn Quang - Viết từ Sài Gòn ngày 16.06.2015
Nghị trường của Quốc Hội VN đang nổi lên những cuộc tranh luận gay gắt về một số vấn đề liên quan trực tiếp đến cuộc sống của người dân. Có 2 vấn đề đáng chú ý nhất, trong bài trước tôi đã tường thuật cùng độc giả là “quyền im lặng” của một can phạm khi bị cơ quan điều tra tạm giữ. Vấn đề thứ hai là “nên hay không nên bãi bỏ án tử hình cho tội tham nhũng”.
Tuần này tôi đề cập đến vấn đề thứ hai.
Cũng trong buổi thảo luận ấy đã có nhiều ý kiến trái ngược nhau, hầu hết ý kiến
đều đồng tình là không bỏ án tử hình với các tội tham ô tài sản, nhận hối lộ
nhằm trừng trị nạn tham nhũng. Tuy nhiên, nguyên Phó Chánh án Tòa án Nhân Dân
(TAND) Tối cao Trần Văn Độ, thành viên Hội đồng Thẩm định các dự án luật của
Chính phủ, lại có quan điểm khác hẳn.
Tử hình quan tham không giải quyết được gì?
Ông Độ ủng hộ bỏ án tử hình trong hai
tội tham ô tài sản và nhận hối lộ. Trên báo Pháp Luật TP. Sài Gòn ngày 4-5,
Pháp Luật đã đăng bài phỏng vấn ông Trần Văn Độ, ông nói: “Tội tham ô, nhận hối
lộ là các tội tham nhũng mang tính kinh tế. Hiện hầu hết các nước đã bỏ án tử
hình đối với những tội danh này.
Ở Trung Quốc cũng có tuyên án tử hình với hành vi tham nhũng nhưng là tử
hình treo, tức hoãn thi hành, sau hai năm chuyển sang tù chung thân. Chỉ có
Việt Nam là còn áp dụng án tử hình đối với tội tham ô, nhận hối lộ và hiện nay
vẫn đang muốn giữ lại án tử hình trong dự thảo BLHS (sửa đổi). Ông cho rằng cách hành xử “không được bao nhiêu” đối với
tham nhũng càng làm mất lòng tin của người dân.
Bị cáo Vũ Quốc Hảo lãnh án tử hình trong đại án Công ty cho thuê tài chính 2 tại TP. Sài Gòn. Còn những quan tham hàng trăm tỷ vẫn chỉ bị tù ít năm rồi được thả? |
Ý kiến này lập tức bị phản đối ngay trong nghị trường, nhất là làn sóng phản kháng dữ dội của người dân.
Duy trì án tử để chống “quan tham”
Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập
pháp Đinh Xuân Thảo, việc thu thu hẹp án tử hình là phù hợp với xu hướng thế
giới. Tuy nhiên việc Dự thảo luật đề xuất bỏ hình phạt tử hình với một số tội
danh như cướp tài sản, phá hủy công trình quan trọng quốc gia là chưa phù hợp,
cần cân nhắc lại.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình
Huệ thì cho rằng, đối với tội phạm tham nhũng, khi sửa luật, điều quan trọng
vẫn phải bảo đảm tính răn đe của pháp luật. “Tội tham nhũng nếu bảo bỏ người ta
lại bảo không đấu tranh chống tham nhũng nữa. Điều này chưa thuyết phục”. Đại
Biểu Trần Du Lịch (TP Sài Gòn) cũng cho rằng, đối với tội tham nhũng là không
thời hiệu, do vậy cần phải truy tới cùng, phát hiện đến cùng mới có thể trừng
trị được.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình
Quyền cũng đề nghị không nên bỏ án tử hình bằng mọi giá để phúc đáp yêu cầu của
thế giới. Đại biểu Quyền cũng không đồng tình với việc không áp dụng hình phạt
tử hình đối với người già từ 70 tuổi trở lên. Vì hiện nay tuổi thọ đã được nâng
cao, trong khi đó nhiều đối tượng ở độ tuổi này lại “phạm tội kinh khủng”, với
tâm lý “hy sinh đời bố, củng cố đời con”.
“Cưỡi lên đầu nhân dân còn kinh khủng
hơn địa chủ, tư sản…!?”
Đó là lời nhận xét của ông Nguyễn Xuân
Tỷ, Phó Giám đốc Học viện Quốc phòng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre. Ông
Tỷ nói nguyên văn như sau: “Làm cán bộ mấy năm mà trong nhà có vài ba trăm tỉ
đồng, thậm chí cả ngàn tỉ đồng thì lấy ở đâu ra nếu không tham nhũng. Có một
đội ngũ giàu rất nhanh, cưỡi lên đầu nhân dân, còn kinh khủng hơn địa chủ, tư
sản ngày xưa”.
Có lẽ đây là lời nhận xét thẳng thắn
nhất của một đại biểu Quốc hội về việc giàu lên nhanh chóng của “một bộ phận
không nhỏ” cán bộ, công chức. Ông Nguyễn Xuân Tỷ đã nói ra một điều tưởng như
vô lý, đó là có hẳn một “đội ngũ” làm cán bộ có “mấy năm” mà trong nhà có “vài
ba trăm tỉ” đồng, thậm chí cả “ngàn tỉ đồng” thì quả là khủng khiếp. Chuyện vô
lý đã nghiễm nhiên trở thành một sự thật tràn lan không thể chối cãi ở VN ngày
nay.
Trên báo Tiền phong, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, tướng Nguyễn Đức Chung bày tỏ: “Người nghèo đi buôn ma túy bị lĩnh án tử hình, không cớ gì người có chức vụ, kiến thức mà tham ô, tham nhũng lại không bị tử hình”.
Về phía người dân, đã có rất nhiều lời
phẫn nộ, tôi chỉ nêu một ý kiến trên báo Kiến Thức của bạn Nguyễn Duy Xuân:
“Bỏ tử hình là nương tay với quan tham
nhũng! Chỉ có những kẻ tham nhũng chưa lộ mặt là hả hê chuẩn bị một quy trình
đục khoét mới...
Cách đây khoảng vài năm, ở quê tôi có
một vị cán bộ chức tước cũng cỡ trưởng phòng cấp huyện, được dân tặng cho cái biệt
danh “cá rô phi”. Hôm nghe ông tổ trưởng dân phố gọi thế, tôi ngạc nhiên hỏi
lại nguyên do. Ông tổ trưởng giải thích ngắn gọn: "Vì lão ta ăn tạp, không
từ một thứ gì".
À ra thế! Cứ nghĩ dân không biết gì, ai
dè họ tinh đời lắm! Chuyện ông trưởng phòng tham lam ăn tạp, dư luận ai cũng
tường, nhưng “tặng” cho cái biệt danh là “cá rô phi” thì chỉ có dân mới thâm
thúy đến thế. Bây giờ nghĩ lại, bỗng thấy rùng mình. Giờ không chỉ một con rô
phi mà cả một bầy rô phi nhung nhúc.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thì gọi là “một bầy sâu”. Một bầy sâu hay một bầy rô phi – đều là lũ ăn tàn phá hại – núi non cũng sạt chứ nói gì đến tài sản quốc gia. Những con sâu bự, những con cá rô phi tổ chảng ấy được che chắn bằng những chiếc bình phong “liêm khiết trong sạch”, thấy đó nhưng không dễ gì lột mặt nạ chúng được”.
Không tham nhũng thì là tội gì?
Cũng trên báo Kiến Thức, nhân dịp ồn ào
này, Luật sư (LS) Phan Xuân Xiểm nêu quan điểm về những sai phạm của quan Phó
Tổng Thanh Tra chính phủ Trần Văn Truyền mà LS xác định đây là tham nhũng.
Căn dinh thự của ông Truyền được mệnh danh
là hoa hậu xứ Dừa.
|
Căn nhà lụp xụp, rách nát của một người dân nghèo ngay bên cạnh dinh thự của ông Truyền. Và ở rất nhiều địa phương khác, ai cũng thấy nghịch cảnh này. |
LS phân tích tiếp:
“Nếu kết luận có tội tham nhũng thì phải xử lý hình sự. Vấn đề là phải làm rõ
tham nhũng như thế nào. Còn tôi khẳng định không tự nhiên cán bộ có tài sản
nhiều như vậy được. Chỉ có thể là do tham nhũng, móc ngoặc thì mới có. Thứ
trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam từng phát biểu trong một cuộc hội thảo rằng,
cỡ lương thứ trưởng thì phải 40 năm mới mua được nhà thu nhập thấp cơ mà. Thế
nên nói ông Truyền không tham nhũng là vô lý”.
Khi được PV hỏi: - Từ câu chuyện này,
có ý kiến cho rằng có thêm một bài học về phòng chống tham nhũng là kiểm soát
chặt những cán bộ, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo sắp nghỉ hưu để tránh tình trạng
"hốt mẻ lưới, hạ cánh an toàn", ý kiến của ông thế nào?
- "Tôi nghĩ sai
phạm của ông Truyền có tính quá trình, phải rất lâu mới tích tụ được khối tài
sản lớn như vậy, không phải gần đến lúc nghỉ hưu ông ấy mới sai. Thế nên phải
kiểm tra, giám sát chặt cả quá trình công tác, nhất là ở những vị trí, lĩnh vực
"nhạy cảm" chứ không riêng là người sắp về hưu hay mới được bổ
nhiệm”.
Tóm lại vị LS này cho
rằng cần phải tịch thu toàn bộ tài sản của ông Truyền đồng thời tịch thu tài
sản của các con cháu do quan tham để lại hoặc cho đứng tên.
Chúng ta hãy thử phân
tích trường hợp này.
Ông Trần Văn Truyền vẫn sống ung dung ngoài vòng pháp luật. |
Như trên tôi đã đề cập đến lời của Phó
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền không đồng tình với việc không áp
dụng hình phạt tử hình đối với người già từ 70 tuổi trở lên. Vì hiện nay tuổi
thọ đã được nâng cao, trong khi đó nhiều đối tượng ở độ tuổi này lại “phạm tội
kinh khủng”, với tâm lý “hy sinh đời bố, củng cố đời con”.
Bạn Nguyễn Hùng (e-mail: thehung191073@gmail.com)
viết:
“Kiếm vài ba trăm tỉ, chấp nhận án tù
vài chục năm, vào tù chỉ cần ngoãn ngoãn chấp hành tốt, án sẽ được giảm còn dăm
ba năm. Sướng thật. Đời cứ thế mà ung dung hưởng thụ bởi có tịch thu tài
sản thì giỏi lắm nhà nước cũng chỉ lấy lại được phần nào bởi tất cả đều đã được
tẩu tán, hợp thức hóa bằng cách cho vợ con cháu chắt đứng tên hết rồi”.
Đây là một thực trạng diễn ra từ lâu ở
VN, đến bây giờ vẫn chưa có quan nào bị tịch thu tài sản, con cháu cứ việc ung
dung thụ hưởng khối tài sản vĩ đại của ông cha để lại. Cần phải truy tận gốc
những tài sản đó do đâu mà có. Không thể tin vào việc kê khai tài sản của các
quan chức. Cần phải có những cuộc điều tra trung thực, quy mô hơn. Đừng để họ
hàng hang hốc các quan tham cưỡi mãi lên đầu người dân nữa.
Và không thể bãi bỏ án tử hình cho tội
tham nhũng. Nếu pháp luật đã quy định “tham ô 4-5 tỷ đồng trở lên phải tử hình”
thì cứ thế mà thi hành, còn bàn đi tán lại làm chi nữa cho dân nghi ngờ: Chắc
có ông nào sợ chết nên mới khơi ra vụ bỏ án tử hình?
Nguồn: Theo Khai Dân Trí