Tương Lai
Thời điểm Đại Hội 12 đầu năm 2016 sắp tới đòi hỏi chúng ta phải nói thẳng, nói thật, nói hết với quảng đại quần chúng, với toàn thể đảng viên, với niềm hy vọng áp lực lên Đảng cầm quyền toàn trị để mong thoát khỏi sự tụt hậu ngày càng trầm trọng về mọi mặt của đất nước, đồng thời xây dựng một nước VN hòa bình, độc lập, dân chủ, giàu mạnh, toàn vẹn lãnh thổ và lãnh hải.
Các bài góp ý đã đăng :
- ông Lê Công Giàu : Thư đảng viên, không phải “Thế lực thù địch”!
- ông Võ văn Thôn : GÓP Ý VĂN KIÊN ĐẠI HỘI ĐẢNG CỘNG SẢN VN.
- ông Tống Văn Công : GÓP Ý VĂN KIÊN ĐẠI HỘI ĐẢNG CỘNG SẢN VN.
- ông Lê Thân : Bản góp ý “ Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng lần thứ 12 “
- NguyễnThu Giang, nguyên Phó GĐ Sở Tư Pháp Tp/ HCM : “QUY CHẾ BẦU CỬ ỨNG CỬ TẠI ĐẠI HỘI 12 “ ĐCSVN THEO QUYẾT ĐỊNH 244-QĐ/TW"
Chúng tôi giới thiệu bài "GÓP Ý KIẾN VÀO QUÁ TRÌNH TIẾN ĐẾN ĐẠI HỘI LẦN THỨ XII CỦA ĐẢNG" của Giáo sư Tương Lai, một nhà nghiên cứu rất sâu sát chủ nghĩa Mác. Giáo sư Tương Lai là đảng viên và là người rất khâm phục và luôn làm theo lời Chù tịch Hồ Chí Minh. Dĩ nhiên kiểu "làm theo" của ông mang đậm thực tế xã hội, trái hẳn với kiểu "học tập theo gương Bác" của ông Nông Đức Mạnh trong cung điện nguy nga.
Giáo sư Tương Lai, bằng bài góp ý rất dài với nhiều lý luận rất đáng đọc, chỉ giản dị đề nghị ba điểm:
1- Từ bỏ mô hình Xã hội Chủ nghĩa.
2- Dứt khoát loại bỏ cái gọi là Chủ nghĩa Mác-Lênin.
3- Thực hiện bằng được “điều mong muốn cuối cùng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới” chứ không phải là xây dựng Chủ nghĩa Xã hội.
GS Tương Lai: " “kim chỉ nam” của sự nghiệp xây dựng XHCH ở Việt Nam chính “Chủ Nghĩa Mác-Lênin”. Nhưng thực chất cái gọi là “chủ nghĩa Mác-Lênin” đó là gì, nó từ đâu tới và hiện nay số phận của nó ra sao thì cho đến nay, người ta vẫn chưa đưa ra những lý lẽ thuyết phục. Mà xét đến cùng thì cũng không thể thuyết phục được với một khái niệm tiên thiên bất túc như khái niệm được lấy làm “kim chỉ nam”cho việc xây dựng “chủ nghĩa xã hội” đang được áp đặt."
---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
2. Về cái gọi là Chủ nghĩa Mác-Lênin
Như vừa trình bày ở trên, “kim chỉ nam” của sự nghiệp xây dựng
XHCH ở Việt Nam chính “Chủ Nghĩa Mác-Lênin”. Nhưng thực chất cái gọi là “chủ
nghĩa Mác-Lênin” đó là gì, nó từ đâu tới và hiện nay số phận của nó ra
sao thì cho đến nay, người ta vẫn chưa đưa ra những lý lẽ thuyết phục. Mà xét đến
cùng thì cũng không thể thuyết phục được với một khái niệm tiên
thiên bất túc như khái niệm được lấy làm “kim chỉ nam”cho
việc xây dựng “chủ nghĩa xã hội” đang được áp đặt. Vì thế, cần phải thật sự
sòng phẳng trước lịch sử. Và muốn vậy, phải thật sự tường minh về cái gọi là “Chủ nghĩa Mác-Lê nin” ấy trên bình diện
lý luận cũng như trong thực tiễn.
Sự thật thì đã từ lâu, những người cộng sản có sự hiểu biết sâu sắc
về lý luận trong một số đảng Cộng sản đã từ bỏ khái niệm và cụm từ “Chủ
nghĩa Mác-Lênin”. Nhiều Đảng Cộng sản đã chính thức từ bỏ
từ khoảng hơn năm chục năm nay. Họ chỉ thừa nhận
rằng có học thuyết của C.Mác và rồi sau đó có sự đóng góp của V.I.Lênin và của
một số nhà lý luận cộng sản khác vào học thuyết ấy, chứ không hề có cái gọi là “chủ nghĩa Mác-Lênin”, một sản
phẩm xuyên tạc, cả cố ý và vô tình của J.Stalin.để rồi khi đi về phương Đông thì nó lại bị nhào nặn bởi
những tư tưởng lý luận Maoít để trở thành “kim chỉ nam” dẫn đến những thảm hoạ.
Điều cần lưu ý là, sinh thời C.Mác không
bao giờ tự nhận có một “chủ nghĩa Mác”, thậm chí C.Mác từng viết :
"Tôi chỉ biết một điều là tôi không phải là người Mác-xít". Về sau
này, do nhu cầu của cách mạng mà những đồng chí của C.Mác, trước hết là
Ph.Angghen mới nói đến “Chủ nghĩa Mác” với tính cách là một học thuyết
nhằm dẫn dắt sự nghiệp cách mạng. Điều này là đòi hỏi khách quan, cho nên nó cần
thiết. C.Mác nói vậy là do nhận thức sâu sắc được sứ mệnh chân chính của một
nhà khoa học. Nhưng sau đó, với trách nhiệm lãnh tụ của phong trào công nhân,
Ph.Angghen cần đến một học thuyết để làm ngọn cờ tư tưởng lý luận cho phong
trào, thì không có ai xứng đáng hơn là C. Mác. Khái niệm “chủ nghĩa Mác”
ra đời là một đòi hỏi của lịch sử phong trào công nhân thế giới, trước hết là
Châu Âu. Vả chăng, lúc này C.Mác đã qua đời! Hình như sau này, “chủ nghĩa Lênin” cũng được tạo dựng theo
cách ấy nhưng về sau thì bị diễn dịch theo động cơ và những dụng ý khác của J.
Stalin.
Ở ta, thuật ngữ “Chủ nghĩa Lênin” được xuất hiện năm 1927 trong cuốn “Đường
Cách mệnh” của Nguyễn Ái Quốc: “Bây
giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn
nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”. Lúc ấy
chưa xuất hiện thuật ngữ “Chủ nghĩa Mác-Lênin” vì thuật ngữ này chỉ được
tạo ra từ đầu những năm 1930 và chính thống hoá trong tác phẩm “Lịch sử tóm tắt của Đảng Cộng sản (BSV)”
(tức là Đảng Bolchevik ) do J.Stalin chỉ đạo soạn thảo đã là “sách gối đầu giường” biến thành kinh nhật tụng của
những người không am hiểu về học thuyết Mác. Rõ ràng là, cũng như chính bản
thân những tác giả của nó với tư cách là nhà khoa học và nhà cách mạng, Học thuyết của C.Mác cũng như sự nghiệp của ông đang còn dang dở. Vả chăng, C.Mác là người mà “sự sửa chữa đến nhanh hơn sự hình thành, chưa kịp hình thành đã sửa
chữa”*30
Vì vậy, cần phải thẳng thắn chỉ ra những sai lầm, thiếu sót trong tư
tưởng lý luận của một học thuyết ra đời trong bối cảnh của thế kỷ XIX, học thuyết Mác. Đó là những sai lầm rất cơ bản trong chính tư duy lý luận của
những người sáng lập học thuyết ấy đã bị thực tiễn bác bỏ, nhưng điều cần thiết hơn nữa là phải chỉ rõ những xuyên tạc và làm
méo mó học thuyết Mác theo ý đồ của Stalin và rồi
của Mao khi vận dụng vào thực tiễn nước ta. Những
sai lầm trong cách vận dụng học thuyết C.Mác, nhất là cố tình phóng đại một cách thô
thiển và dại dột những luận điểm sai lầm của C.Mác, đặc biệt là của V.
Lenin được biến tấu qua những luận điểm Stalinnít và Maoít. Chính điều này đã làm trầm trọng thêm những khuyết tật của
bệnh giáo điều, nô lệ sao chép những công thức, những luận điểm đã bị cuộc sống
vượt
qua! Tất cả những cái đó đã đưa đến những thảm trạng của đất
nước hôm nay.
Xin chỉ gợi ra hai điều cốt lõi nhất đã lũng
đoạn và áp đặt trong toàn bộ chủ trương đường lối xây dựng Chủ nghĩa Xã hội
trong suốt hơn nửa thế kỷ qua như: đấu tranh giai cấp là động
lực thúc đẩy sự phát triển và đấu tranh giai cấp tất yếu dẫn đến chuyên
chính vô sản và gắn liền với nguyên lý đó là xoá bỏ chê độ tư hữu. Thật ra, người
đầu tiên sử dụng thuật ngữ chuyên chính vô sản không phải là C.Mác mà là Blanqui, nhà cộng sản không tưởng người Pháp.
C.Mác đã
vận dụng khái niệm này vào năm 1848 với hàm ý rằng
"cuộc đấu tranh giai cấp nhất thiết dẫn tới chuyên chính vô sản, bản thân nền chuyên chính này chỉ là bước
quá độ tiến tới thủ tiêu tất cả mọi giai cấp để tiến tới một xã hội không giai
cấp".
Thế nhưng, dưới ngòi bút của C.Mác, kể cả trong bản nháp, bản thảo
viết tay, trong các tài liệu nội bộ không nhằm công bố, trong các bức thư viết
cho anh em bè bạn hoặc thư góp ý cho đồng chí của mình hiện còn lưu giữ được, thì
tần số xuất hiện của thuật ngữ chuyên
chính vô sản không đến mười lần! Ngoài sự xuất hiện lần đầu
vào năm 1848 ấy thì trong suốt 20 năm tiếp theo, C.Mác cũng như Ph.Angghen không
dùng thuật ngữ này nữa. Cũng xin nói thêm rằng công trình đồ sộ
nhất của C.Mác là bộ Tư Bản thì trong đó lại không có một định nghĩa rõ rang
nào về khái niện giai cấp cả.
Còn
về khái
niệm tư hữu mà trong Tuyên ngôn Cộng sản xuất bản năm 1848 C.Mác "tóm tắt lý luận của mình thành công
thức duy nhất : xóa bỏ chế độ tư hữu" thì chỉ là cách nói thật gọn
và vắn tắt "một quá trình cải tạo toàn bộ xã hội", và cũng chính ông
khẳng định rằng : "chủ nghĩa
cộng sản không tước bỏ của ai cái quyền chiếm hữu những sản phẩm xã hội cả. Chủ
nghĩa cộng sản chỉ tước bỏ quyền dùng sự chiếm hữu ấy để nô dịch lao động của
kẻ khác".
Nhưng đến
V.Lênin
rồi đặc biệt là J.Stalin thì chuyên chính vô sản là đảng
trị vì đảng đã trở thành một siêu nhà nước. Với Mao thì
biến tấu của nó càng khủng khiếp hơn để khi du nhập vào Việt Nam thì "chuyên
chính vô sản" chiếm lĩnh vị trí then chốt trong tư duy của người
nắm quyền lực
với luận điểm ưa thích là “súng đẻ ra chính quyền”. Mà vì thế, xóa bỏ chế độ tư hữu đã trở
thành điểm quy chiếu trong sự phân định cuộc đấu tranh ai
thắng ai giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội!
Một sự xuyên tạc do bất cứ lý do gì, do
trình độ hạn chế hoặc bị mê hoặc bởi những giáo điều, thì hệ luỵ của nó cũng rất
khó mà đo đếm cho xuể. Cho nên như đã trình bày, vấn đề “xoá bỏ chế độ tư hữu” trở
thành một điểm quy chiếu trong cuộc đấu tranh ai thắng ai, trong định hướng bản
chất của Chủ nghĩa Xã hội, phải giữ bằng được “công hữu”, mất sở
hữu toàn dân, trong đó có đất đai, là mất Chủ nghĩa Xã hội đã để lại
những vết hằn quá sâu trên cơ thể đất nước mà muốn xoá những vết hằn đáng xấu
hổ đó sẽ phải có một quyết tâm rất lớn cùng với những giải pháp đồng bộ và
quyết liệt.
Người ta không hiểu được rắng vấn đề xoá bỏ chế độ tư hữu nêu
trong “Tuyên ngôn của Đảng cộng
sản”
là “tóm tắt lý
luận của mình thành công thức duy nhất”
chỉ là cách nói
thật gọn, thật vắn tắt một quá trình cải tạo toàn bộ xã hội. Làm
được cái đó hay không sẽ còn rất nhiều chuyện phải bàn, song ngay vào thời điểm
ấy, chính C.Mác đã khẳng định: “chủ nghĩa cộng sản không tước bỏ của ai
cái quyền chiếm hữu những sản phẩm xã hội cả. Chủ nghĩa cộng sản chỉ tước bỏ
quyền dùng sự chiếm hữu ấy để nô dịch lao động của kẻ khác”.
Quá
trình cải tạo xã hội ấy không phải là sự xóa bỏ giản đơn bằng một mệnh lệnh
hành chính hoặc là “sự tước đoạt lại những kẻ đi tước đoạt”, mà
phải là sự phát triển tất yếu của đại công nghiệp đưa tới sự thay đổi cơ bản môi trường
sống của mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội. Trong thuật ngữ đương đại,
thì đấy là con người phải tự biến đổi để thích nghi với môi trường mới do chính
họ tạo ra. Không có sự phát triển của đại công nghiệp thì không thể có quá
trình cải tạo toàn bộ xã hội để thực hiện kết quả cuối cùng là xóa
bỏ chế độ tư hữu trong quan niệm của C.Mác vào thời điểm ấy.
C.Mác
trình bày rất dứt khoát “Như vậy là chỉ với công nghiệp lớn, mới có khả năng
xóa bỏ được sở hữu tư nhân".
Nói cách khác, trong tư duy lý luận của C.Mác, xóa bỏ chế độ tư hữu là
hệ quả của việc thực hiện thành công chủ nghĩa cộng sản như ông mơ ước. Với
ông, sở hữu tư nhân là một phương thức quan hệ cần thiết ở một
giai đoạn phát triển nào đó của lực lượng sản xuất.
Phương thức quan hệ sở hữu tư nhân ấy người ta không thể tách khỏi nó, không
thể bỏ qua nó trong sự sản xuất ra cuộc sống vật chất, cho tới khi nào tạo ra
được những lực lượng sản xuất mà sở hữu tư nhân là một ngăn cản và trở ngại đối
với những lực lượng sản xuất ấy.
Để
hiểu vấn đề khá phức tạp này, xin dẫn ra đây lập luận của C.Mác về lợi
ích và sở hữu, về “lợi ích “phổ biến” hư ảo, dưới hình thức nhà
nước”…biểu hiện như một lực lượng xa lạ” trong “Hệ tư tưởng Đức”: “Sự tha hoá” ấy - dùng từ đó để cho các nhà
triết học dễ hiểu sự trình bày của chúng tôi - dĩ nhiên chỉ có thể bị xoá bỏ
khi có hai tiền đề thực tiễn. Để trở thành lực lượng“không thể chịu đựng
được" nghĩa là một lực lượng mà
người ta phải làm cách mạng để chống lại, thì điều cần thiết là sự tha hoá đó
phải biến đa số trong nhân loại thành những người hoàn toàn “không có sở hữu”,
đồng thời mâu thuẫn với cái thế giới đầy dẫy của cải và học thức đang tồn tại
thực sự - cả hai điều này đều giả định trước là phải có sự tăng lên to lớn
của sức sản xuất.
Mặt
khác, sự phát triển ấy của những lực lượng sản xuất cùng với sự phát triển này,
sự tồn tại có tính chất lịch sử thế
giới, chứ không phải có tính chất địa phương nhỏ hẹp, của con người đã thực
hiện một cách kinh nghiệm chủ nghĩa) là tiền đề thực tiễn tuyệt đối cần
thiết, vì không có nó thì tất cả sẽ
chỉ là một sự nghèo nàn sẽ trở thành phổ biến; mà với sự thiếu thốn tột độ thì
ắt sẽ bắt đầu trở lại một cuộc đấu tranh để giành những cái cần thiết, thế
là người ta lại không tránh khỏi rơi vào cũng sự ti tiện trước đây.
Cần
nhớ rằng C.Mác viết những dòng này vào năm 28 tuổi, và suốt đời C.Mác
đã tập trung nghiên cứu về sở hữu kinh tế và trình bày tập trung
trong “Tư Bản”. Chính ở đây có một tư tưởng rất quan trọng : khi sở hữu
tư nhân tư bản chủ nghĩa đã bị xóa bỏ, sẽ xuất hiện sở hữu cá nhân của người
lao động bao gồm cả tư liệu sản xuất chứ không phải chỉ là tư liệu sinh hoạt.
Tư tưởng lý luận này không phải sau này mới có mà ngay trong “Hệ tư tưởng Đức”,
C.Mác cũng đã có nói đến tuy còn lúng túng: sở hữu cá nhân của những người lao
động dựa trên những thành quả của thời đại tư bản chủ nghĩa, dựa trên sự hợp
tác của những người lao động được giải phóng và sự chiếm lĩnh chung tất cả các
tư liệu sản xuất, kể cả đất đai. Ở đây có sự nhập nhằng, đã công hữu về tư liệu sản xuất nhưng vẫn có sở
hữu cá nhân của người lao động về tư liệu sản xuất.
Dù
sao thì những lập luận nói trên vẫn còn được diễn đạt theo cách ngoại
suy. Nhiều
năm sau đó, khi viết “Tư bản”, C.Mác đã thấy ra được rằng, cái sẽ thay thế cho
sở hữu tư nhân là sở hữu cá nhân của con người lao động mới hợp tác với nhau, chứ
không phải sở hữu công cộng hiểu một cách giản đơn là tập thể hoá, quốc hữu hoá
như người ta đã làm. Rõ ràng, suốt cả quá trình suy nghĩ và trăn trở về điều
này, tư duy khoa học của C.Mác đã trải qua nhiều chặng với nhiều biến đổi,
trong đó chồng chất những sai lầm. Cũng nên nhắc lại rằng bộ Tư Bản được
C.Mác nghiền ngẫm và biên soạn ròng rã suốt 25 năm trời, thế nhưng sinh thời
C.Mác chỉ cho ra mắt Quyển I [in xong ngày 14.9.1867], còn những quyển tiếp
theo thì mãi sau khi C.Mác qua đời Ph.
Angghen mới lần lượt xuất bản.
Chính
vì thế, cần lưu ý thêm, trong một số trường hợp, đúng là C.Mác có nói về “xoá
bỏ sở hữu tư nhân”, nhất là thời kỳ đầu, lúc trẻ, nhưng suốt về sau
này, khi C.Mác dùng cụm từ “xoá bỏ sở hữu tư nhân” trong phần
lớn trường hợp, ý của C.Mác muốn chỉ rõ đó là “xoá bỏ sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa” mà theo quan niệm
của C.Mác trong bối cảnh tích lũy sơ khai của chủ nghĩa tư bản, thì sở
hữu đó là để nô dịch lao động của kẻ khác. Nhận
thức ấy của chàng thanh niên C.Mác thế kỷ XIX đúng sai như thế nào thì phải đặt
nó vào thời điểm lịch sử ấy mà xét đoán.
Nêu lên những điều trên hoàn toàn không nhằm biện hộ cho những sai lầm
của học thuyết Mác, mà chỉ để nói rõ
hơn những biến dạng của những cái mà người ta gán cho C.Mác do không hiểu một cách kỹ càng luận điểm của C.Mác, hoặc là do đọc
mà không hiểu, nhưng tệ hại nhất là do ăn theo nói leo như vẹt những giáo điều
được rao giảng bởi những người đang nắm quyền lực để dễ lọt được “mắt xanh” của
ai đó cũng rất mù mờ về lý luận Mác nhưng lại có quyền phán bảo và rao giảng!
Chính cái đó gây tai hoạ cho cuộc sống mà đã quá muộn để phải thật sòng phẳng về
điều này để rồi những biến dạng tệ hại
đó lại tiếp tục chi phối quá trình chuẩn bị tiến tới Đại hội XII, tiếp tục gây
tai hoạ cho đất nước.
Phải mạnh dạn và trung thực chỉ rõ rằng khi vận dụng một cách
quá thô thiển và nông cạn mệnh đề “xoá bỏ chế độ tư hữu” gắn liền với mệnh
đề “chuyên
chính vô sản” để thể hiện nó trong chủ trương, đường lối, trong chính sách và
giải pháp đã đưa đến những nguy hại không sao lường trước được cho đến
tận hôm nay, thập kỷ thứ hai của thế kỷ XXI! Thì chẳng phải cũng chỉ cách đây mấy
năm thôi, trong một bài viết của Võ Văn Kiệt đề cập đến vấn đề này đã lập tức bị
Trần Trọng Tân phê phán quyết liệt.
Phê phán cái gì? Phê phán những ý tưởng mà Võ
Văn Kiệt nhắc đến về những gợi mở của Lê Duẩn trong sự vận dụng một cách quá thô thiển và nông cạn mệnh đề “xoá bỏ
chế độ tư hữu” gắn liền với mệnh đề “chuyên chính vô sản” nói
trên :
“Trong nhiều lần trao đổi, nhận xét và chỉ
đạo những công việc chúng tôi đang tiến hành tại Thành phố Hồ Chí Minh, Anh Ba
nêu rất nhiều gợi ý hết sức mạnh dạn và sáng tạo. Qua những ý kiến chỉ đạo của
Anh, tôi hiểu Anh đang trăn trở về mô hình phát triển của đất nước mình không
thể rập khuôn theo mô hình của Liên Xô và các nước XHCN Đông Au, mô hình Trung
Quốc. Cũng như trước đây trong chỉ đạo cuộc chiến tranh cách mạng, tôi thấm
thía lời căn dặn của Anh: chỉ lúc nào
chúng ta độc lập và sáng tạo, xuất phát từ thực tiễn của đất nước, từ lợi ích
của dân tộc, lúc ấy chúng ta thắng lợi, lúc nào chúng ta lệ thuộc, giáo điều
sao chép của người ta, lúc ấy cách mạng phải trả giá nặng nề.
Tôi hiểu, Anh không tán
thành mô hình Xô Viết. Qua tìm hiểu thực tế ở các nước anh em trong phe
XHCN và suy ngẫm về lý luận, Anh nhận ra có quá nhiều vấn đề bất ổn. Anh
không tán thành áp đặt thể chế nhà nước “chuyên
chính vô sản” khi mà nhân dân đã giành lại được quyền làm chủ đất nước
mình bằng những hy sinh không sao kể xiết, không thể “vô sản” lại chuyên
chính với chính mình, với nhân dân. …
Đáng tiếc là, những lóe sáng
trong bộ óc tìm tòi, sáng tạo của Lê Duẩn chưa được giới lý luận suy nghĩ, bàn
bạc một cách nghiêm túc để định hình được một hệ thống lý luận hoàn chỉnh từ sự
đúc kết thực tiễn thay vì những lời tụng ca xu thời lúc Anh Ba giữ cương vị
Tổng Bí thư và những quy kết vô lối đầy ác ý khi Anh Ba qua đời. Giờ đây nhớ
lại, Anh Ba đã từng phê phán những tư tưởng hạn hẹp chỉ bó gọn tầm mắt và mối
quan hệ trong COMECOM.
Đôi lúc trao đổi với chúng tôi,
Anh nghĩ đến việc phải học hỏi thêm những thành tựu kinh tế và mở rộng quan hệ
với Châu Âu, với Nhật, với Mỹ. Anh Ba cho rằng đó không chỉ là chuyện chính
sách và chiến thuật, mà phải ở tầm đường lối cơ bản. Trong suy nghĩ về đường
lối phát triển kinh tế, Anh Ba cũng đã từng nói đến kinh tế hộ, kinh tế hợp tác và kinh tế tư nhân chứ không phải chỉ nhấn mạnh quốc doanh là ưu
việt nhất một cách tràn lan mọi ngành, mọi lúc. Ngay cả vấn đề “khoán hộ” của đồng chí Kim Ngọc ở
Vĩnh Phú, mặc dầu lúc ấy đã có kết luận chính thức, song Anh Ba vẫn động viên
cần tiếp tục tìm tòi cái mới trong
quản lý sản xuất nông nghiệp..
Chính tôi đã nhiều lần nghe Anh
Ba phê phán những khuyết tật cơ bản
của kế hoạch hóa tập trung quan liêu, và đòi hỏi phải dám mạnh dạn tìm
tòi cơ chế mới phù hợp với từng bước phát triển của đất nước mình. Anh Ba đã có
lần gợi ý với chúng tôi những vấn đề cần suy nghĩ về vai trò của giá, của tài chính tiền tệ, những công cụ và đòn bẩy chính của kinh tế
thị trường mà ta nói hiện nay. Rõ ràng là, từ rất sớm, bộ óc lớn ấy đã từng lóe
sáng những suy tư về đổi mới
như tôi đã nói ở trên. Chỉ có điều, từ những trăn trở
trong suy nghĩ nhằm định hình những vấn đề thuộc về đường lối, đến việc vận
dụng vào thực tế, có cả một khoảng cách rất xa…”.
Bài này vừa đăng lên thì hai hôm
sau trên báo "Sài Gòn Giải phóng" ông Trần Trọng Tân đã lên
tiếng bác bỏ trong một bài viết “đằng đằng sát khí”! Trong lập luận, Trần
Trọng Tân dứt khoát khẳng
định nhà nước của ta hiện nay, về thực chất vẫn thực hiện nội dung chuyên
chính vô sản! Quả thật, không có ví dụ nào sáng tỏ hơn về cảnh báo “mỗi bước tiến mới sẽ tất yếu biểu hiện ra như là một sự
xúc phạm tới cái thiêng liêng, là một sự nổi loạn chống lại trạng thái cũ, đang
suy đồi nhưng được tập quán thần thánh hoá” [đây điều mà Angghen đã mượn lời của Hégel khi bàn về biện chứng
của sự phát triển]. Thật
là khủng khiếp của cái trạng thái cũ, đang suy đồi nhưng được tập quán thần
thánh hoá! *
Nhưng
cũng phải công bằng mà nói, về cuối đời, ông Trần Trọng Tân đã có nhiều chuyển
biến đáng trân trọng trong tư duy. Những ý kiến mạnh mẽ và thẳng thắn của ông
khi trao đổi về thời cuộc, những đóng góp đúng đắn của ông với đường lối, chính
sách của Đảng đã có những tiếng vang trong công luận vốn đang mong chờ những
tiếng nói phản biện mạnh mẽ nhằm thúc đấy quá trình dân chủ hoá để hoá giải dần
tệ độc đoán phản dân chủ, phản tiến bộ của những thế lực bảo thủ, giáo điều
khiếp nhược trước áp lực của Trung Quốc đang cố vin vào người láng giềng “cùng chung ý thức hệ” được nhồi
vào trong “16 chữ” và “bốn nguyên
tăc” lừa mị và bịp bợm để mong giữ được cái ghế quyền lực đang chao
đảo.
Ấy
vậy mà, đối với những vấn đề vốn được xem là “nguyên lý, nguyên tắc”, thì sức chuyển biến của tư duy của
người từng là Trưởng ban Tư tưởng và Văn hoá của Đảng vẫn chưa đủ sức để vượt
qua! Thế
thì nói gì đến những đầu óc lú lẫn, xơ cứng sẽ là quá khó, nếu chưa muốn nói là
không thể, tiếp nhận được chân lý của cuộc sống. Càng nguy hiểm hơn nữa
khi những giáo điều tệ hại đã ngự trị trong não trạng của một số người do sự
đưa đẩy của thời cuộc đã chiếm lĩnh được cái ghế quyền lực ở những cấp cao
nhất, trở thành một quán tính chi phối cách tư duy và mọi hành động của họ đều
bị dẫn dắt bởi “tính chuyên chế của tập quán”.
Điều này thì cách đây gần
hai trăm năm, khi phân tích về nền chuyên chế phương Đông, tác giả của cuốn
sách mang ý nghĩa khai sáng “Bàn về tự do”
đã chỉ ra: "nền
chuyên chế của tập quán đã hoàn tất triệt để. Đó là trường hợp của toàn thể
phương Đông. Ở đó Tập quán là tiếng nói quyết định cuối cùng". Jonh Stuart Mill cảnh báo: “tính chuyên
chế của tập quán ở mọi nơi là
chướng ngại thường trực cản trở con người tiến lên phía trước, luôn không ngừng
đối kháng với xu thế hướng tới cái gì đó tốt đẹp hơn thói thường, cái xu thế
mà tùy theo tình hình vẫn được gọi là tinh thần tự do". Vì
thế, cái đang ngự trị trong đời sống tinh thần của xã hội nhân danh “chủ nghĩa
Mác-Lênin” chính là cái trạng thái
suy đồi nhưng lại được tập quán thần thánh hoá chứ không là gì khác.
Dẫn
ra những điều trên để nói lên một sự thật: Thực
tiễn đã chứng minh quá rõ ràng và khắc nghiệt lý do cần phải dứt khoát vứt bỏ cái “kim
chỉ nam” đã dẫn dắt sự lựa chọn mô hình sai. Bằng chứng hiển nhiên
về sự sai lầm đó là sự sụp đổ của hệ thống XHCN thế giới
và
sự trì trệ, chậm phát triển của đất nước ta hiện vẫn đang là người chạy áp chót
trong tiến trình phấn đấu đẩy tới quá trình hội nhập quốc tế.
Có nhiếu nguyên nhân dẫn
tới sự sụp đổ và yếu kém đó. Trước hết phải nói, đó là những sai lầm, yếu kém tích tụ suốt cả một thời gian dài. Trong đó sai lầm lớn nhất là sự
xơ cứng về lý luận để cứ khăng khăng khẳng định con đường đã chọn là đúng
đắn nhất! Đó là một hệ thống lý luận xa rời thực tế và đã bị thực tế vượt
qua. Nhưng do chỉ quen với thói độc quyền tư tưởng và áp đặt tư duy, một dạng
biểu hiện sự tha hoá của quyền lực, những người gánh trọng trách không tìm cách
đổi mới hệ thống lý luận và quan điểm xây dựng chủ nghĩa xã hội, họ bị đóng
khung chết cứng trong những giáo điều đã học thuộc lòng để rồi bằng quyền lực
cưỡng bức mọi người phải tuân phục sự áp đặt đó. Quả đúng là “sự ngạo mạn của quyền lực là
kẻ thù lớn nhất của chân lý” như Einstein bộ óc lớn của mọi thời đại
đã cảnh báo.
Chính vì thế mà những rao giảng của “những nhà lý luận” đang ngự trị trên
ghế quyền lực hiện nay chỉ là bản sao nhàm chán của những giáo điều được học
thuộc từ nửa cuối thế kỷ XX, trong
lúc giới lý luận nói riêng và các nhà khoa học lớn của
thế giới đã nghiêm khắc chỉ ra rằng "khi khủng hoảng trở nên trầm trọng, những cách
tư duy thông thường không còn đúng nữa : cái bạn cho là tốt thực ra là tệ hại,
cái mà bạn tưởng là thận trọng thực ra lại đầy rủi ro, và sự khôn ngoan lại hóa
ra là dại dột” [Paul Krugman, người được giải Nobel
về kinh tế đã trình bày tại một Hội thảo ở Sài Gòn năm 2012].
Những đầu óc xơ cứng ấy
không sao hiểu được rằng “con đường cũ dừng ở đây. Thế giới đã thay
đổi, và kiểu tư duy tuyến tính không còn thích hợp vớí một thế giới phi tuyến
tính… những ai chần chừ, tin rằng tương lai sẽ là sự tiếp tục đơn giản của quá
khứ, sẽ sớm thấy mình bị hụt hẫng trước sự thay đổi. Họ sẽ bị buộc phải suy
nghĩ lại: sẽ đi đến đâu và bằng cách nào đi đến đó, khi mà có lẽ đã quá muộn để
tránh được điều không thể tránh khỏi”. Chính vì vậy người ta khẳng định
rằng, trong thời đại của nền kinh tế tri thức và nền văn minh trí tuệ “chuẩn mực chính là sự thay đổi”.
Xin trở lại với ý kiến Trần
Phương: "Thế tôi hỏi ông là: bây giờ ông nói là nền tảng của ông là chủ nghĩa
Mác – Lênin thì chủ nghĩa Mác – Lênin là cái gì đây nhỉ? …chủ nghĩa Mác – Lênin
là cái gì, mà ông nói là nền tảng của ông?
Chúng ta đã trải qua 70 năm xây
dựng CNXH theo nguyên tắc mà ông Mác đưa ra, là gì? Chuyên chính vô sản về mặt
chính quyền. Thứ hai về mặt kinh tế thì lấy chế độ công hữu làm nền tảng ấy để
thu hẹp và xóa dần cái kinh tế tư nhân và thị trường tự do, rồi phân phối theo
lao động v.v… Nhưng mà bây giờ ông xem lại tất cả những nguyên tắc đó ông có
làm không? Tôi nghĩ ông từ chối rồi còn gì nữa. Có phải không? Khi các ông đổi
mới... cái thời kỳ mà ông xây dựng CNXH từ năm 60 cho đến năm 80 là ông theo
cái tư tưởng tả khuynh. Ông theo một cái tư tưởng giáo điều mà cái điều này là
ông Mác sai, ông dự kiến là CNXH, với những đặc trưng đó thì dự kiến của ông
Mác là sai. Ông Mác có nhiều cái dự kiến phải nói là thiên tài, nhưng riêng dự
kiến là những đặc trưng của CNXH là ông Mác sai. Nhưng mà chúng ta không thừa
nhận rằng ông ấy sai. Chúng ta cứ làm giả vờ như là ta vẫn theo ông Mác. Thì
xin lỗi, ông giả vờ ông Mác thì ông đã thay đổi hành động của ông rồi”.
Nhân “tư tưởng tả khuynh” mà Trần
Phương vừa đề cập, xin nói thêm đôi câu. Những người sính trích dẫn kinh điển
hãy đọc lại cuôn “Bệnh ấu trĩ “tả khuynh”
của phong trào cộng sản” của Lênin viết vào tháng 5.1918 . Trong tác phẩm
này, Lênin đã phê phán: “luận
điệu “tả khuynh” ấu trĩ” mà ông cho là một “mớ hỗn độn cũ rich”, nếu
“cứ giữ mãi sai lầm, đi
sâu thêm để bào chữa cho nó, “đưa nó đến chỗ tột cùng” thì từ một sai lầm
nhỏ, người ta luôn luôn có thể làm cho nó thành một sai lầm lớn ghê gớm”. Lênin phê phán sai lầm của phái “tả” trong nội bộ Đảng Bônsêvích Nga, tiếp đó,
với sự ra đời của các Đảng Cộng sản, bệnh “tả khuynh” đã phát sinh trên phạm vi
quốc tế trong quãng thời gian 5 trước
khi tác phẩm này ra đời trước Đại hội II của Quốc tế Cộng sản. Khi đến Đại hội,
mỗi đại biểu đã có trong tay tác phẩm này. Thế
mà căn bệnh “tả khuynh” ở nước ta kéo
dài đã 70 năm vẫn đang tác oai tác quái mà vẫn chưa được vạch trần một cách
quyết liệt, cho dù trong bài viết “Đóng góp ý kiến vào lý luận và thực tiễn 20 năm Đổi
mới" Võ
Văn Kiệt đã vạch rõ "Chính là xu hướng
giáo điều "tả khuynh" vẫn tồn tại, muốn co kéo, kiềm chế những tiềm lực
phát triển nhưng lại mang danh nghĩa bảo vệ Đảng, bảo vệ chủ nghĩa
xã hội, chống chệch hướng".
Sự cảnh báo ấy chưa đủ để ngăn chặn thế lực bảo thủ,
giáo điều vẫn cố tình “cứ
giữ mãi sai lầm, đi sâu thêm để bào chữa cho nó, “đưa nó đến chỗ tột cùng”
theo cách nói của
Lênin, đã và đang gây nên thảm hoạ cho đất nước. Sự ngoan cố của cái
trạng
thái cũ, đang suy đồi nhưng được tập quán thần thánh hoá này
diễn ra thiên hình vạn trạng, nhưng trắng trợn và dễ thấy nhất là khi cái thế
lực này lại chiếm lĩnh được những cái ghế cao ngất ngưỡng của quyền lực để thực
thi thủ đoạn của mình. Chỉ xin dẫn ra một ví
dụ xoay quanh việc điều chỉnh và “phản điều chỉnh” Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời
kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (gọi tắt là Cương lĩnh 1991), một thủ đoạn
khôn khéo nhằm ngăn chặn những tư tưởng mới được thể hiện trong những luận điểm
tiến bộ được đưa ra tái Đại hội X để minh hoạ cho những điều vừa trình bày.
Đây là Cương lĩnh đã được Đại hội VII thông qua nhưng đến Đại hội X đã
có những điều chỉnh lớn tại Đại hội X. Chẳng hạn như về mục tiếu của xây
dựng XHCN không phải là thực hiện chế độ công hữu về tư liệu sản
xuất, thay mệnh đề nhân dân lao động làm chủ bằng nhân dân làm chủ, tức là toàn dân
làm chủ. Về Đảng thì trở lại quan điểm của đại hội II: Đảng là Đảng của giai cấp công
nhân, đồng thời là Đảng của toàn dân tộc chứ không chỉ nói Đảng là Đảng
của giai cấp công nhân nữa, việc đảng viên được làm kinh tế tư nhân cũng đã
được khẳng định tại Đại hội. Như vậy là Đại hội X đã không
khẳng định tính toàn vẹn của Cương lĩnh nữa mà đặt vấn đề sau
Đại hội sẽ làm Cương lĩnh mới.
Thế nhưng đến Đại hội
XI năm 2011 lại khẳng định mạnh mẽ Cương lĩnh 91. Có thể gọi đây là một bước “phản
điều chỉnh”, đi ngược lại những điều chỉnh của đại hội X. Nếu đại hội X khẳng định tính không trọn vẹn của Cương
lĩnh 91 và đặt vấn đề phải làm lại, thì đến đại hội XI lại đưa ra đánh
giá: từ đại hội VII đến đại hội XI (tức là khoảng 20 năm) là thời
kỳ thực hiện Cương lĩnh 91 với những thành công có ý nghĩa lịch sử. Vây
thành công “có ý nghĩa lịch sử” đó là
gì nếu không phải là làm chậm bước phát triển của đất nước, đặc biệt là với Hội
nghị Thành Đô 1990, đẩy đất nước rơi vào quỹ đạo lệ thuộc vào Trung Quốc, điều
mà Nguyễn Cơ Thạch đã từng cảnh báo về “một thời “Bắc thuộc lần thứ hai”.
Những gì tồi tệ nhất
cũng diễn ra trong gần 5 năm qua của nhiệm kỳ Đại hội XI. Chính trong thời gian
này, “luận điệu “tả khuynh” ấu trĩ ”
mà Lênin gọi là một “mớ hỗn độn cũ rich” như đã dẫn ra ở
trên, lại được rao giảng một cách trơ trẽn và nhàm chán như thế nào thì nhiều
người đã thấy rõ. Không chỉ rao giảng trong nước mà còn dại dột rao giảng tận
bên kia bán cầu để rồi sau đó bị “cấm cửa”. Chuyện đáng buồn này không là sự bẽ
mặt của một cá nhân “mình thế nào người
ta mới mời chứ”, mà còn là một sự xúc phạm đối với thể diện quốc gia vốn
chưa có tiền lệ trên lĩnh vưc ngoại giao!
Những người đang làm cái việc
nhàm chán đó không dám đọc hoặc đọc mà không hiểu nổi lời cảnh báo của chính
C.Mác: "làm
sống lại những người đã chết là để ca ngợi những cuộc đấu tranh mới, chứ không
phải để nhai lại những cuộc đấu tranh cũ, là để đề cao trong tưởng tượng một
nhiệm vụ nhất định, chứ không phải để trốn tránh việc giải quyết nhiệm vụ ấy
trong thực tế". *
Họ phải khấn vái tụng niệm vì đúng như C.Mác đã vạch ra,
là "để tự đánh lừa
mình về cái nội dung của chính mình". Vì thế, họ không chịu để
cho "những người đã chết chôn cất những người chết của mình"
vì họ không thể "làm sáng tỏ cho mình cái nội dung của chính mình",
họ không thể "tìm được thi hứng của mình ở tương lai chứ không phải ở
quá khứ" nên phải "buộc cái bóng ma của nó phải lang
thang một lần nữa". Đúng là những người cứ phải tụng
niệm những giáo điều mà có khi thật lòng họ cũng không tin, nhưng vì để “trốn tránh việc giải quyết những nhiệm vụ”
mà nếu họ thực thi nhiệm vụ đó thì họ buộc phải từ bỏ cái ghế quyền lực của
mình. Chính vì thế họ không thể "làm sáng tỏ cho mình cái nội
dung của chính mình", họ phải tự lừa dối mình và lừa dối người khác, lừa dối cả xã hội.
Phải như vậy, vì thật xót xa và
đau đớn như Nguyễn Khải viết : “Nói dối lem
lém, nói dối lì lợm, nói không biết xấu hổ, không biết run sợ vì người nghe
không có thói quen hỏi lại, không có thói quen lưu giữ các lời giải thích và
lời hứa để kiểm tra. Hoặc giả hỏi lại và kiểm tra là không được phép, là tối
kỵ, dễ gặp tai hoạ nên không hỏi gì cũng là một phép giữ mình. Người nói nói
trong cái trống không, người nghe tuy có mặt đấy nhưng cũng chỉ nghe có những
tiếng vang của cái trống không. Nói để giao tiếp đã trở thành nói để không giao
tiếp gì hết, nói để mà nói, chả lẽ làm người lại không nói. Thật ra nói thế
mà vẫn hiểu nhau cả. Người cầm quyền thì biết là nhân dân đang rất bất bình
về nhiều chuyện, nhân dân thì biết người cầm quyền đang nói dối, nhìn vào thực
tiễn là biết ngay họ đang nói dối. Nhưng hãy mặc họ với những lời lẽ dối
trá của họ, còn mình là dân chả nên hỏi lại nói thế là thật hay không thật...
Chẳng thế mà C.Mác đã
phê phán một cách mỉa mai các sự biến lớn trong lịch sử đều xuất hiện có thể
nói là hai lần, "lần đầu như một bi kịch và lần thứ hai như một trò
hề"! Liệu có cần nói thêm
rằng cái "trò hề" hiện đại mà người ta đang công diễn, cho dù có mượn
y phục của người xưa để hiện lên trên sân khấu mới của lịch sử, cũng đã quá dai
dẳng và lố bịch khi chính họ đã mất phương hướng, mất niềm tin về chính cái tín
điều mà họ đang áp đặt cho toàn xã hội! Mất như thế nào thì chính người đang
ngồi trên cái ghế cao nhất kia đã buột miệng nói ra như vậy, bàn dân thiên hạ đều
biết cả, chắc chẳng cần nhắc lại ở đây.
Mất
phương hướng về định hướng mục tiêu. Thế nhưng những tín điều được học thuộc
lòng thì lại đã ăn sâu vào não trạng của người nắm quyền lực quyết duy trì quyền
lực tuyệt đối đó khó mà rũ bỏ. Ấy vậy mà quyền lực lại có xu hướng tha hoá, quyền
lực tuyệt đối thì sự tha hoá cũng tuyệt đối. Chế độ toàn trị phản dân chủ là nguyên nhân sâu xa
cho cái chuyện “quyền lực tuyệt đối thì tha hóa cũng tuyệt đối”
ấy. Tuy nhân danh Đảng, nhưng trên thực tế là nhân danh
cho một nhóm người đang thao túng một Đảng đã biến dạng. Họ đang phản bội lại
Đảng mà họ nhân danh, đúng hơn, đang phản bội lại Đảng của Hồ Chí Minh do sự tha hoá tuyệt đối đó của những người
nắm quyền lực. Những người ấy đang cố kết lại thành một giai cấp mới như tên gọi của một cuốn sách do Milovan Dijlas
một nhà lý luận cộng sản viết ra. Xin nói vài dòng về khái niệm này.
Vào cuối những năm 50 của thế kỷ
trước, tác giả của “Giai cấp mới”, một tác phẩm viết trong tù bí mật gửi
ra nước ngoài và được in ở New York năm 1957 từng phân tích rất rành mạch về “giai cấp mới” đó: “Đảng sinh ra giai cấp. Sau đó giai cấp tự phát triển bằng
chính nguồn lực của mình và sử dụng đảng như là cơ sở... Ở đây, muốn trở thành chủ sở hữu hay đồng sở hữu thì cần phải len
được vào hàng ngũ của bộ máy quan liêu chính trị”.
Milovan Dijlas chỉ ra rằng: “Giai cấp
mới giống như một hình kim tự tháp: đáy to, càng lên trên càng hẹp dần.
Để đi lên, chỉ ý chí không chưa đủ, còn cần phải hiểu và “vận dụng lý luận
nữa”, cần phải quyết liệt trong cuộc đấu tranh với kẻ thù, phải cực kỳ khôn
khéo khi xảy ra các cuộc tranh chấp trong nội bộ đảng, phải nắm được nghệ
thuật, thậm chí tài năng trong việc củng cố vị trí cho giai cấp nữa.”
Vì thế, “cùng với việc củng cố giai cấp mới, khi bộ mặt của nó càng
thể hiện rõ, thì vai trò của đảng cũng ngày càng giảm đi. Hạt nhân và cơ
sở của giai cấp mới đã hình thành ở bên trong cũng như trên đỉnh quyền lực của
đảng và của bộ máy nhà nước. Cái đảng từng có lúc là một tổ chức sinh động đầy
sáng kiến, thì nay, đối với những người cầm đầu của giai cấp mới, đảng đã
biến thành một vật trang trí, càng ngày chỉ càng kéo vào hàng ngũ của mình những kẻ hãnh tiến, những kẻ
muốn nhập vào hàng ngũ của giai cấp mới, và đẩy những người vẫn còn tin vào lý tưởng ra”.
Gần gũi hơn và
cũng dễ chứng minh hơn là những phát biểu của Trần Độ năm 1974 về “một thế lực xã hội” bao vây và xua đuổi những tâm hồn
trung thực” khi từ chiến
trường ra lại Miền Bắc cũng có nội dung
na ná như thế.
Ông viết: “nhiều hiện tượng tiêu cực
trong xã hội và trong tất cả các tổ chức Đảng, trong bộ máy chính quyền... Điều
đó ai cũng thấy. Thế nhưng vấn đề là tại sao nó lại chuyển biến chậm chạp. Sự
biến chuyển chậm chạp này đã tạo ra một tình trạng giảm sút lòng tin trong cán
bộ, đảng viên, trong nhân dân và đáng ngại nhất là trong thanh niên... Những
hiện tượng tiêu cực của xã hội (và trong Đảng, trong chính quyên) làm vẩn đục
sự trong sáng và đẹp đẽ của những lý tưởng, đầu độc những lòng say mê hăng hái
có tính chất lãng mạn cách mạng, “sống tiêu cực”, tạo nên “một thế lực xã hội”
bao vây và xua đuổi những tâm hồn trung thực “...mọi người trung thực đều nóng lòng mong đó một cái gì đổi
mới, chuyển biến gì mạnh mẽ...” .
Trung thực với chính mình, trung thực với cuộc sống, trung thực với lịch
sử, chính cái đó tạo ra “hiện tượng Trần Độ”, ở đây “sức hấp dẫn vĩnh hằng đối
với những chiến sĩ tranh đấu cho tự do và tiến bộ. Sức hấp dẫn mang tính nhân
bản của những lý tưởng đó” bị chính sự dối trá lọc lừa của “quyền lực bị
tha hóa” làm cho băng hoại. Bằng sự trải nghiệm của cả cuộc đời dấn thân
trọn vẹn cho lý tưởng nhân văn cao đẹp, Trần Độ tỉnh táo nhận ra sự băng hoại
khủng khiếp đó.
Xin nhắc lại rằng
Milovan Dijlas,
vốn là Phó Tổng thống Liên bang Nam Tư dưới thời Joseph Tito, được giao trọng
trách công tác tư tưởng với nhiệm vụ chứng minh cách hiểu chủ nghĩa cộng sản của
Tito là đúng đã viết “Tôi,
một trí thức đã đi trọn con đường mà một đảng viên cộng sản có thể đi. Từ những
chức vụ thấp nhất, từ các tổ chức cơ sở cho đến quốc gia và quốc tế, từ việc
thành lập một đảng cộng sản chân chính, chuẩn bị cách mạng, đến việc tham gia
xây dựng cái gọi là chế độ xã hội chủ nghĩa. Không ai buộc tôi phải tham gia
hay từ bỏ chủ nghĩa cộng sản cả. Tôi đã tự quyết, theo niềm tin của mình, một
cách tự do... Càng rời xa chủ nghĩa cộng
sản, tôi càng tiến gần đến lý tưởng của chủ nghĩa xã hội dân chủ...
Tư tưởng bình đẳng và bác ái tồn tại cũng lâu như
chính loài người, được chủ nghĩa cộng sản ủng hộ trên lời nói, vốn mang trong
mình nó sức hấp dẫn vĩnh hằng đối với những chiến sĩ tranh đấu cho tự do và
tiến bộ. Sức hấp dẫn mang tính nhân bản của những lý tưởng đó đã làm cho việc
phê phán chúng trở thành không chỉ phản động mà còn trống rỗng và vô nghĩa nữa”. Chính vì thế mà người trí thức
“đã đi trọn con đường mà một đảng viên cộng sản có thể đi” ấy đã “tập
trung mô tả đặc trưng của chủ nghĩa cộng sản hiện đại... Tất cả chỉ là sản phẩm
của thế giới mà tôi đang sống và đang phê phán. Tôi đã thấy và đã trình bày tất
cả mà không ngượng ngùng khi thú nhận rằng mình đã là sản phẩm của nó, có
lúc đã là người tham gia xây dựng nó và bây giờ là người phê phán nó”.*
Phải chăng đây là sự “phê phán nó” khi “nó” đã tự tha hóa,
tự biến mình thành công cụ trong tay “giai cấp mới” với lợi ích của
chính nó, củng cố chế độ toàn trị phản dân chủ, quay lưng lại với nhân dân?
Trong những bức thư Trần Độ gửi lãnh đạo của
Đảng, đặc biệt là bức thư viết vào
cuối năm 1974 dưới bút danh Chín Vinh, cũng có bóng dáng của sự phê phán
nói trên. Trần Độ cũng đã từng giữ trọng trách Phó Chủ tịch
Quốc hội, Trưởng ban Văn hoá văn nghệ TƯ cũng đã day dứt trong Nhật ký viết vào những năm cuối đời mà
ông gọi “đây là một tấc lòng “để tặng người đời và cuộc đời”. Đây là những ý
nghĩ nung nấu trong những tháng cuối năm Rồng và đầu năm Rắn, và cũng là những
ý nghĩ nung nấu trước đó hàng chục năm và sẽ còn nung nấu tiếp đến cả khi sang
thế giới bên kia. Đây là nỗi niềm cay đắng của một cuộc cách mạng, và của
một kiếp người”.
Không giống như
những kẻ bị C, Mác phê phán đã dẫn ra ở trên, Trần Độ không “tự đánh lừa mình về cái nội dung của
chính mình", ông
quyết liệt và thẳng thắn đòi hỏi: “Đảng Cộng sản phải tự mình từ bỏ chế độ độc đảng, toàn trị, khôi
phục vai trò, vị trí vốn có của Quốc hội, Chính phủ. Phải thực hiện đúng Hiến
pháp, tức là sửa chữa các đạo luật chưa đúng tinh thần Hiến pháp. Đó là phải có
những đạo luật ban bố quyền tự do lập hội, lập đảng, tự do ngôn luận, luật báo
chí, xuất bản. Sửa chữa các luật bầu cử ứng cử tự do, từ bỏ quyền quyết định
của cơ quan tổ chức Đảng...”.
Chắc chắn rằng những điều nói trên không chỉ là đòi
hỏi của Trần Độ, cũng như trong Đảng và trong nhân dân không chỉ có một Trần
Độ. Không thiếu những bức xúc như của Trần Độ. Càng không thiếu những người âm
thầm nung nấu những suy tư như Trần Độ. Một sức mạnh bung phá đang tiềm ẩn trong lòng xã hội, trong
sự vận động tự thân của khối quần chúng nhẫn nại chịu đựng để tĩnh lặng nung
nấu những khát vọng. Liệu có phải
đó là khoảng tĩnh lặng trước cơn bão?
Chính vì vậy, phải sòng phẳng
với cuộc sống, đừng “tự đánh lừa mình về cái nội dung của chính
mình" nữa, không thể kiên định và “trung thành” theo kiểu "quay về những thế kỷ đã lụi tàn để
ngắm một dãy dài những bóng ma" mà cần làm
ngược lại: "phải
đem hết sức mình tiến về phía tương lai, như dòng
sông chỉ có chảy ra biển mới gọi là trung thành với ngọn nguồn của
nó”.
Phải đoạn tuyệt không mảy may thương tiếc cái trạng thái cũ, đang suy đồi nhưng được tập quán thần
thánh hoá
để mạnh dạn dấn bước khi mà một cơ may và vận hội mới đang đến với nhận thức
sâu sắc rằng bỏ lỡ thời cơ là sự sai lầm tệ hại nhất mà rồi cái giả phải trả
cho sự đánh mất thời cơ sẽ là qúa lớn. Đó chính là mệnh lệnh của cuộc sống, thể hiện ý
chí của những đảng viên có lương tri, cũng là đòi hỏi bức xúc của đông đảo các
tầng lớp nhân dân.
Hãy học tập thái độ dũng cảm, thực sự cầu thị,
dám nhận sai lầm để kiên quyết sửa chữa sai lầm của cố Tổng Bí thư Trường
Chinh, viết lại Báo cáo Chính trị để dẫn đến bước đột phá của Đại hội VI, đưa đất
nước thoát khỏi sụp đổ. Quá trình tiến tới Đại hội XII phải được chuẩn bị theo
tinh thần đó thì mới đáp ứng được những bức xúc và ý nguyện của đông đảo đảng
viên và nhân dân. Quá trình đó đang diễn ra trong một bối cảnh mới phức tạp
hơn, nhưng đồng thời cánh cửa đã mở rộng cho những ai dám dấn thân vào “cuộc
chiến đấu khổng lồ” nhằm “chống lại những gì đã cũ kỹ hư hỏng, để tạo
ra những cái mới mẻ tốt tươi” theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Từ những vấn đề cơ bản đã trình bày, tôi kiến nghị
với Đảng: quá trình tiến tới Đại hội lần thứ XII phải là quá trình chuẩn bị một
cách quyết liệt để Đại hội ra Nghị quyết về 3 vấn đề sau đây :
1. Từng bước từ bỏ
mô hình Xã hội Chủ nghĩa, nghiêm túc và mạnh dạn tiếp thu những thành công của
mô hình xã hội dân chủ ở các nước Bắc Âu để vận dụng vào việc định hình một thể
chế dân chủ phù hợp với đặc điểm của Việt Nam.
2. Dứt khoát loại
bỏ cái gọi là Chủ nghĩa Mác-Lênin, lấy tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng lý luận
để định hướng mục tiêu, đề ra chủ trương đường lối xây dựng và bảo vệ đất nước.
3. Quyết tâm thực
hiện bằng được “điều mong muốn cuối cùng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Muốn thế, cần
trở lại với tên nước là Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, trở lại với
tên Đảng là Đảng Lao động Việt Nam, trở lại với
những nội dung cơ bản của Hiến pháp 1946 dể xây dựng Hiến
pháp mới thể hiện được khát vọng và ý chí của cả dân tộc, đẩy tới tiến trình
dân chủ hoá nhằm thực hiện quyền làm chủ đích thực của nhân dân, dựa vào dân để
đổi mới Đảng phù hợp với quy luật phát triển trong thời đại của nền văn minh
trí tuệ và kinh tế tri thức thế kỷ XXI.
TP Hồ Chí Minh ngày 11.6.2015
Viết để tưởng nhớ đến Võ Văn Kiệt nhân 7 năm ngày mất của ông, người cộng sản chân chính, noi gương khí phách của ông, sự trung thực và quyết liệt của ông trong cuộc đấu tranh nhằm đẩy tới quá trình dân chủ hoá trong việc chuẩn bị tiến tới Đại hội Đảng.
TP Hồ Chí Minh ngày 11.6.2015
Viết để tưởng nhớ đến Võ Văn Kiệt nhân 7 năm ngày mất của ông, người cộng sản chân chính, noi gương khí phách của ông, sự trung thực và quyết liệt của ông trong cuộc đấu tranh nhằm đẩy tới quá trình dân chủ hoá trong việc chuẩn bị tiến tới Đại hội Đảng.
_______________