Tôi vừa đọc bài của Bình Minh trên báo điện tử Infonet của Bộ Thông tin và Truyền thông
ngày 11/6/2015, mở đầu bài viết: Tại cuộc Hội thảo khoa học “Trách nhiệm xã hội
và đạo đức báo chí trong kỷ nguyên số” do Khoa Báo chí & Truyền thông – Đại
học Khoa học xã hội và Nhân văn phối hợp Quỹ Konrad Aderiauer Stiftung (KAS) tổ
chức tại Hà Nội ngày 10/6/2015, nhà báo Hữu Thọ – nguyên Ủy viên Trung ương
Đảng, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương buồn rầu chia sẻ: “Là nhà báo 50 năm cầm bút,
tôi phải đau lòng nói rằng chưa bao giờ uy tín báo chí giảm sút như hiện nay…”.
Ông nói thêm:“Vừa rồi trong một cuộc hội thảo bàn về nguyên nhân sai sót
của báo chí, các ý kiến đã tổng kết rằng có tới 6 nguyên nhân. Nhưng theo tôi
thì chỉ có 2 nguyên nhân. Một là nhiều tờ báo in rất khó khăn về tài chính nên
số phụ và trang điện tử ra quá nhiều, cái sai chủ yếu ở đó. Hai là con người
làm báo, trong đó, nhiều phóng viên, nhà báo còn thiếu trách nhiệm rèn luyện
đạo đức người làm báo… .
Ông Hữu Thọ là cây đại thọ “báo chí cách mạng” và là lão tướng trên “mặt trận tư tưởng – văn hóa cách mạng” Việt Nam, ngày xưa tôi từng là “lính” của ông trên “mặt trận” ấy nên tôi hiểu ông, làm sao ông không “đau lòng” trước tình cảnh “báo chí cách mạng” Việt Nam giãm sút uy tín như ngày nay?! Ở đây, tôi dùng cụm từ “báo chí cách mạng”, các nhà công tác tư tưởng và báo chí của Đảng ưa dùng, tôi muốn nói đó là báo chí chính thống do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý. Qua ý kiến của ông Hữu Thọ, tôi mạo muội trao đổi đôi điều cùng ông:
Thưa ông! Hiện tình đất nước nhìn đâu
cũng thấy rối ren, đâu chỉ có báo chí và niềm tin người dân đối với sự lãnh đạo
của Đảng còn giãm sút, huống chi đối với báo chí! Ông tuổi cao sức yếu đau lòng
làm chi cho thêm tổn thọ ông ơi!
Nói về “nguyên
nhân sai sót của báo chí” theo
ông có hai nguyên nhân: Một là về tài chính, hai là về đạo đức người làm báo.
Chẳng sai. Nhưng đó chỉ là phần ngọn, nguyên nhân gốc rể ông là nhà báo lão
thành và là người “cầm trịch” nhiều năm công tác tư tưởng – báo chí của Đảng
thừa hiểu, nhưng vì sao ông không nhìn thẳng nói thật đúng bản chất sự việc,
thưa ông? Ông biết đấy, theo Bộ Thông tin và Truyền thông tính đến ngày
26/12/2013 cả nước có đến 838 cơ quan báo in với 1.111 ấn phẩm, nhưng có mấy tờ
báo được nhiều người dân bỏ tiền túi mua đọc để nắm bắt thông tin chính trị –
thời cuộc…? Ông nhìn các sạp báo, những tờ báo lớn như Nhân Dân, Quân Đội Nhân
Dân, Đại Đoàn Kết…hiếm khi có mặt! Nhiều tờ báo chính thống phát hành nội bộ
các tổ chức chính trị, xã hội, lực lượng vũ trang… của tờ báo do tiền ngân sách
nhà nước chi trả. Một trang mạng cho biết: Theo kết quả thăm dò do hãng khảo
sát quốc tế Gallup phối hợp thực hiện với cơ quan Quản trị Phát thanh (BBG)
trực thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ, thì đa số người dân Việt Nam hàng ngày truy cập
các trang báo mạng, blog cá nhân vì họ tin cậy hơn báo chí nhà nước! Cho nên,
những nhà báo nghiêm túc lo lắng xã hội tẩy chay báo chí là có cơ sở!
Vậy, căn nguyên vì đâu báo chí chính
thống giãm sút uy tín? Có phải vì dưới thể
chế chính trị của Đảng cầm quyền người dân không có quyền tự do ngôn luận, tự
do tư tưởng…? Có ai ngây thơ cả tin với hằng hà sa số tờ báo của các
ngành, các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp… được cấp phép hoạt động là
chế độ hiện hữu có tự do ngôn luận, tự do báo chí? Có người nói vui nhưng rất
đúng rằng, hàng trăm tờ báo chính thống chỉ có một tổng biên tập – Đó là cơ
quan Tuyên giáo của Đảng. Người viết báo chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp;
cũng như người dân bình thường trên đất nước nầy làm gì được tự do bày tỏ chính
kiến của mình, tự do chuyển tải thông tin chính trị – thời sự của đất nước một
cách trung thực, khách quan trên trang báo chính thống?! Tôi đơn cử như thông
tin thời sự về những hành vi ngang ngược xâm lấn biển đảo của Trung Quốc, hay
ngày kỷ niệm chiến tranh biên giới phía Bắc do Trung Quốc gây ra năm 1979 chẳng
hạn, hiếm có tờ báo nào vượt rào đăng tải; Như về chống tham nhũng, có mấy tờ
báo đủ dũng cảm phanh phui đăng tải những vụ tham nhũng dính đến những “con
sâu” cỡ bự, tấm gương ông Kim Quốc Hoa báo Người Cao Tuổi còn đó!; Việc phê
phán đường lối, chánh sách của Đảng, hoặc chỉ trích lối sống tha hóa của cán bộ
lãnh đạo là điều cấm kỵ v.v…!
Cơ quan Tuyên giáo là người “gác cổng tư
tưởng” của Đảng, từng thời gian chỉ đạo “định hướng công tác tuyên truyền” theo
yêu cầu nội dung công tác tư tưởng của Đảng, cơ quan báo chí theo đó thực hiện
như người đi đường phải luôn đi bên “lề phải”, nên báo chí chính thống người ta
gọi là báo chí “lề phải”! Những tin bài trung thực, khách quan, phản ánh kịp
thời diễn biến thời cuộc trong và ngoài nước, cũng như mọi ngóc ngách trong đời
sống xã hội của đất nước, người dân luôn mong đợi đón đọc trên báo chính thống,
nhưng những tin bài như vậy rất hiếm, vì thường không lọt vào quỹ đạo “định
hướng công tác tuyên truyền” của cơ quan Tuyên Giáo, nên trách sao không ít tờ
báo phải “lấp lổ trống” và câu người đọc bằng những tin bài lá cải “cướp, giết,
hiếp…” để bán được báo mà sống còn! Và, trong tình hình đạo đức xã hội băng
hoại, tệ tham nhũng làm tha hóa hệ thống cầm quyền của Đảng, đội ngũ những
người làm báo khó giữ mình, nên có một số anh chị em sa ngã vi phạm đạo đức
nghề nghiệp là điều dễ hiểu!
Để củng cố, xây dựng nền báo chí nước
nhà vững mạnh như những nền báo chí tiên tiến trên thế giới, khôi phục lòng tin
của quần chúng. Thiết nghĩ, chỉ có con đường đổi
mới thể chế chính trị của đất nước, dân chủ hóa đời sống xã hội và sinh hoạt
Đảng, quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận của người dân được thực hiện, báo
chí tư nhân ra đời bên cạnh báo chí chính thống cùng tồn tại và phát triển
trong khuôn khổ luật pháp, tích cực góp phần nâng cao đời sống văn hóa – tinh
thần của người dân, xây dựng xã hội tiến bộ, lành mạnh, đất nước cường thịnh.
Kỷ niệm Ngày Báo chí 21 tháng 6 năm 2015
Đ.K.T