26 juin 2015

Giáo sư Trần Văn Khê qua đời


Giáo sư Trần Văn Khê đã mang âm nhạc cổ truyền của Việt Nam ra thế giới
 

Giáo sư Trần Văn Khê, nhạc sỹ và nhà nghiên cứu âm nhạc, vừa qua đời tại Sài Gòn ở tuổi 94.



Các nguồn tin cho hay ông qua đời lúc sáng sớm nay tại bệnh viện Nhân dân Gia Định vì tuổi già, sức yếu và bị một số bệnh trong đó có bệnh viêm phổi.

Ông nhập viện từ 27/5. Giáo sư Khê có để lại di nguyện, trong đó ngỏ ý muốn được an táng theo nghi thức Phật giáo.

Ông cũng ghi rõ ước nguyện linh cữu được quàn tại tư gia ở quận Bình Thạnh, TP HCM, trong thời gian từ một tuần tới 10 ngày để con cháu, bạn bè ở xa có thời gian về kịp dự tang lễ.

Giáo sư Trần Văn Khê sinh năm 1921 tại làng Vĩnh Kim, tỉnh Mỹ Tho cũ (nay thuộc tỉnh Tiền Giang).

Ông đi du học tại Pháp từ năm 1949 và là người Việt Nam đầu tiên đậu tiến sỹ Âm nhạc học vào năm 1958, với luận án Âm nhạc truyền thống Việt Nam.

Có thể nói ông là người đã khiến thế giới biết đến âm nhạc đờn ca tài tử Nam Bộ.

Ông nguyên là giáo sư Trường đại học Sorbonne, Pháp, và là thành viên danh dự Hội đồng quốc tế âm nhạc của Unesco.

Giáo sư Khê là người có bề dày trong hoạt động nghiên cứu, giảng dạy, có công trong quảng bá âm nhạc và văn hóa Việt Nam ra thế giới.

Ông cũng là người không thờ ơ với thời cuộc, từng tham gia lá đơn của 150 trí thức hàng đầu Việt Nam kêu gọi Đảng Cộng sản và Chính phủ Việt Nam dừng dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên.

Sự có mặt của giáo sư Khê ở Việt Nam đã mang đến cho các giới nghiên cứu và âm nhạc Việt Nam sự ủng hộ, sự cổ súy cùng sự khuyến khích và định hướng rất quan trọngTrần Vương Thạch, Giám đốc Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch Việt Nam

Ông Trần Vương Thạch, Giám đốc Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch Việt Nam nói với BBC giới văn nghệ sỹ rất buồn khi nhận tin này.

“Tuy không dậy trực tiếp tôi nhưng tôi luôn coi giáo sư Khê là người thầy, một người tiên phong trong nhiều lĩnh vực trong đó có âm nhạc dân tộc.

“Ngoài những nghiên cứu ra thì ông Khê mang về Việt Nam rất nhiều tinh thần và sự cổ súy cho âm nhạc dân tộc.

“Thầy Khê đã có những công lao đóng góp vào việc đờn ca tài tử hay nghệ thuật cồng chiêng của Việt Nam đã được công nhận di sản văn hóa thế giới.

“Sự có mặt của giáo sư Khê ở Việt Nam đã mang đến cho các giới nghiên cứu và âm nhạc Việt Nam sự ủng hộ, sự cổ súy cùng sự khuyến khích và định hướng rất quan trọng để nhìn lại gia sản âm nhạc của Việt Nam,” ông Thạch nói với BBC

Nguồn: Theo BBC