20 juin 2015

Du lịch Trường Sa : Sáng kiến thận trọng nhưng hàm chứa rủi ro



 
Ngày 22/06/2015, một chuyến du lịch Trường Sa trên nguyên tắc, sẽ được Thành phố Hồ Chí Minh thử nghiệm. Mục tiêu chính trị rõ rệt là nhằm khẳng định thêm chủ quyền Việt Nam trong khu vực. Theo nhận định của chuyên gia Carlyle Thayer (Học viện Quốc phòng Úc), đây là một sáng kiến không mang tính khiêu khích, nhưng vẫn hàm chứa rủi ro.
 


Vào lúc Biển Đông đang căng thẳng vì các hoạt động bồi đắp đảo đá của Trung Quốc ngay tại vùng Trường Sa, các nhà quan sát đã không tránh khỏi quan ngại về khả năng động thái của Việt Nam làm tình hình căng thẳng thêm. Cho dù vậy, theo ghi nhận của báo chí trong nước, ý tưởng về tuyến du lịch Trường Sa đã được đông đảo quần chúng hoan nghênh.

Đối với các nhà phân tích, việc tổ chức du lịch tại các vùng quần đảo đang tranh chấp ở Biển Đông không phải là điều mới lạ. Ngay từ cuối năm 2012, tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) đã bắt đầu tổ chức các chuyến du lịch thường xuyên bằng tàu đến quần đảo Hoàng Sa mà Bắc Kinh chiếm trọn từ tay Việt Nam vào năm 1974.

Sau Trung Quốc, vào năm ngoái, đến lượt Quân đội Philippines tỏ ỷ định tổ chức tour du lịch đến các đảo ở Trường Sa nằm dưới quyền kiểm soát của Manila, nhưng cho đến nay vẫn chưa thấy xúc tiến.

Du lịch Trường Sa lần đầu tiên mở ra cho công chúng

Còn Việt Nam trong thời gian gần đây, cũng đã từng tổ chức những chuyến đi thăm Trường Sa, nhưng cho những phái đoàn rất hạn chế, chẳng hạn như cho báo giới, Việt kiều…, và nhân những dịp đặc biệt mà thôi.

Quyết định của Thành phố Hồ Chí Minh lần này thể hiện một bước ngoặt, vì tour du lịch Trường Sa mang hình thức của một chuyến du lịch thương mại thông thường, trên nguyên tắc mở ra cho mọi người.

Tuy vậy, ý nghĩa chính trị của chuyến du lịch Trường Sa rất rõ : Đó là một hình thức khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông, và chính khía cạnh chính trị này đã khiến cho giới phân tích quan ngại về khả năng gây thêm căng thẳng, đặc biệt là đối với Trung Quốc, nước đòi chủ quyền trên hầu như toàn bộ Biển Đông, và không ngần ngại dùng các biện pháp thô bạo để buộc nước khác tôn trọng tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh.

Là chuyên gia theo dõi sát sao các diễn biến tại Biển Đông, Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc đã rất quan tâm đến sáng kiến của Việt Nam. Trong bài phỏng vấn dành cho RFI, Giáo sư đã cho rằng việc tổ chức du lịch để khẳng định chủ quyền của Việt Nam là một động thái thận trọng, không mang tính chất khiêu khích, có thể giúp chính quyền Việt Nam nâng cao uy tín trong dân chúng, nhưng cũng hàm chứa một số rủi ro.

Khả năng Trung Quốc cản phá

Rủi ro đầu tiên, theo giáo sư Thayer, là việc nếu Trung Quốc hung hăng cản trở, chính quyền Việt Nam không thể tiếp tục để dân thường ở trên tuyến đầu của cuộc tranh chấp. Kịch bản xấu là Việt Nam bị buộc phải lùi.

Giáo sư Thayer : Trước mắt có vẻ như là chuyến du lịch « cả đời có một » đến Trường Sa sẽ chỉ là một chuyến đi duy nhất, một lần rồi thôi.

Sử dụng thường dân để củng cố đòi hỏi chủ quyền luôn luôn hàm chứa rủi ro. Việt Nam từng khuyến khích ngư dân đến đánh cá ở vùng biển chung quanh quần đảo Hoàng Sa và điều này đã khiến tàu thuyền bị hư hại, ngư dân bị thương, thậm chí mất mạng.

Trung Quốc có vẻ như là sẽ tự kềm chế nhiều hơn trước tàu du lịch, nhưng chưa thể biết là các tàu tuần duyên (Hải cảnh) của Trung Quốc có can thiệp hay không. Nếu xảy ra chạm trán, thì tàu Việt Nam rất có thể sẽ phải lùi bước vì an toàn của hành khách.

Gởi du khách đến Trường Sa là một cách để chứng minh rằng các đảo đá có chức năng kinh tế-du lịch, đồng thời cho phép nêu bật tính chất dân sự hay phi quân sự trong các lợi ích của Việt Nam (tại Biển Đông).

Phản ứng bất đồng tình của một số nước ASEAN

Về các rủi ro tiềm tàng, Giáo sư Thayer còn nêu bật phản ứng có thể là bất đồng tình của một vài nước Đông Nam Á cùng trong khối ASEAN với Việt Nam nhưng không muốn « chọc giận » Bắc Kinh.

Giáo sư Thayer : Các rủi ro là nguy cơ tuyến du lịch phản tác dụng. Ngoài việc phản đối về mặt ngoại giao, Trung Quốc có thể điều động lực lượng Hải cảnh để đối phó với tàu du lịch Việt Nam.

Ngoài ra, cho dù Việt Nam có giải bày như thế nào đi nữa, thì nhiều nước ở Đông Nam Á sẽ không tán đồng hành động của Việt Nam. Nhiều thành viên ASEAN rất kỵ rủi ro và luôn hô hào việc tránh đối đầu.

Vào lúc này, sự chú ý đang tập trung vào các hành vi quyết đoán của Trung Quốc, và những lời lẽ hiếu thắng của Philippines. Do đó, Việt Nam đứng trước nguy cơ bị quảng cáo xấu và bị lôi cuốn vào một cuộc khẩu chiến. Nói cách khác, Việt Nam mất đi lợi thế nhờ giữ thái độ kín đáo (low profile) mà mình đã duy trì.

Tuy nhiên, dù tình hình diễn biến ra sao, giới lãnh đạo Việt Nam hoàn toàn có thể thu hoạch được một số điều tích cực trong lãnh vực đối nội. Nếu mọi việc tốt đẹp, thì tuyến du lịch sẽ là một bằng chứng cho thấy là Đảng và Chính quyền biết bảo vệ chủ quyền Việt Nam. Nếu xẩy ra đối đầu, thì Trung Quốc bị xem là kẻ xấu.

Trong mọi trường hợp, Việt Nam cũng sẽ « đăng ký » được đòi hỏi chủ quyền của mình với cộng đồng quốc tế.

Vào lúc Hoa Kỳ đang có dấu hiệu dấn thân sâu hơn vào hồ sơ Biển Đông, và kêu gọi tất cả các nước có tranh chấp chủ quyền trong khu vực là nên tránh các hành vi khiêu khích, một số chuyên gia như ông Euan Graham, thuộc Viện Lowy ở Sydney đã cho rằng động thái của Việt Nam có thể bị Trung Quốc trả đũa, khiến cho tình hình xấu đi thêm, và trong bối cảnh đó sẽ làm cho Washington phật ý.

Chính Trung Quốc mới có hành vi khiêu khích

Theo giáo sư Thayer, không thể đánh đồng các hoạt động thay đổi hiện trạng mà Trung Quốc đang tiến hành ở vùng Trường Sa, với sáng kiến tổ chức du lịch của Việt Nam :

Giáo sư Thayer : Việc nạo vét cát từ đáy biển và san bằng các rạn san hô để bồi đắp đảo nhân tạo là một hành động khiêu khích vì nhằm mục tiêu xây dựng những cơ sở có tính chất ít nhiều thường trực. Các đảo đá của Việt Nam quá nhỏ để có thể có được một vai trò quân sự đáng được đề cập đến.

Công trình bồi đắp đảo nhân tạo trên quy mô lớn mà Trung Quốc đang tiến hành thực sự làm cho tranh chấp chủ quyền thêm phức tạp và leo thang do các cơ sở mà họ xây dựng trên các đảo nhân tạo đó.

Những chuyến du lịch không làm thay đổi hiện trạng và về bản chất thì cũng chỉ mang tính tạm thời mà thôi.

Hoa kỳ cũng không đi xa trong việc đòi Việt Nam đình chỉ công việc gọi là « cải tạo đất » và tôi không nghĩ là Việt Nam sẽ chấp nhận ngưng các chuyến du lịch (nếu Mỹ yêu cầu).

Các chuyến du lịch của cả Trung Quốc lẫn Việt Nam đều có thể được xem là những động thái khẳng định chủ quyền được dàn dựng kỹ lưỡng. Các chuyến đi này sẽ chỉ làm dấy lên những phản đối và phản bác theo thủ tục ngoại giao, chứ không có gì hơn.

Trước đây, khi Trung Quốc tổ chức các tuyến du lịch đến Hoàng Sa, Việt Nam đã phản đối. Theo Giáo sư Thayer, căn cứ vào lập trường nhất quán của Việt Nam về chủ quyền, không có mâu thuẫn gì giữa việc Hà Nội phản đối Bắc Kinh tổ chức du lịch Hoàng Sa nhưng lại tự mình tổ chức du lịch Trường Sa.

Giáo sư Thayer : Quan điểm xuyên suốt của Việt Nam là đòi chủ quyền trên cả Trường Sa lẫn Hoàng Sa. Việt Nam không quản lý Hoàng Sa, nhưng phải lên tiếng phản đối, vì nếu không làm thì sẽ bị xem như đồng ý với đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc.

Còn về Trường Sa thì Việt Nam xem các chuyến du lịch đến Trưòng Sa hoàn toàn nằm trong thẩm quyền của mình vì Việt Nam quản lý đến 21 đảo đá trong khu vực.

Nhìn chung, Giáo sư Thayer cho rằng du lịch Trường Sa, qua việc khẳng định trở lại chủ quyền của Việt Nam, còn là một trong nhiều biện pháp nâng cao nhận thức người dân về chủ quyền biển đảo.

Giáo sư Thayer : Việt Nam đã từng cho tiến hành một loạt chiến dịch tuyên truyền để nâng cao tinh thần yêu nước của người dân. Ngay cả áp phích kỷ niệm 40 năm ngày thống nhất đất nước cũng dành một vị trí cho vấn đề Biển Đông, mà trong cuộc chiến tranh Việt Nam trước đây không được nói đến bao nhiêu.

Thanh niên Việt Nam cũng tổ chức những chuyến đi mang tính chất yêu nước đến thăm đảo Lý Sơn. Du lịch Trung Quốc cũng chỉ là một dạng thức khác của cùng chủ đề nếu ta căn cứ vào tài liệu giới thiệu tuyến du lịch.

Trải nghiệm về một chuyến đi thăm Trường Sa

Như đã nói ở trên, báo chí Việt Nam trong những ngày qua đã nêu bật tâm trạng háo hức của nhiều người trong nước, rất muốn biết là du lịch Trường Sa sẽ như thế nào, đặc biệt là trong bối cảnh chỉ cách đây vài năm thôi, quần đảo này còn được xem là cấm địa đối với tất cả những ai không có phận sự.

Để giúp thính giả hiểu rõ hơn về những gì có thể diễn ra trong một chuyến du lịch ra quần đảo Trường Sa, Lê Hải, thông tín viên của RFI tại Luân Đôn đã đồng ý chia sẻ một số điều mắt thấy tai nghe mà chính anh đã trải qua vào tháng Tư năm ngoái 2014, khi anh là một trong số các phóng viên nước ngoài đầu tiên được tổ chức đi thăm Trường Sa trong 10 ngày. Tham gia chuyến đi gồm gần 200 người đó, có một số Việt Kiều, phóng viên báo chí, truyền hình cùng nhiều văn nghệ sĩ.

Sau đây, mời quý vị nghe Thông tín viên Lê Hải kể về chuyến thăm Trường Sa mà chính anh đã tham gia.

Lê Hải : …Chuyến đi được tổ chức bằng chiếc tàu vận tải tốt nhất của Hải quân Việt Nam hiện nay đang thường xuyên được dùng trên tuyến đường này là HQ571, có trọng tải rất lớn, tầm 3000 tấn, bự cỡ mấy chiếc phà Cần Thơ ngày xưa, cho nên ra biển không dễ bị lắc như kiểu tàu cánh ngầm hay ghe thuyền bé xíu.

Tốc độ khi di chuyển trên biển chỉ tà tà như đạp xe đạp, mùa này biển lại êm, cho nên chuyến đi đó có thể sánh ngang với những chuyến du lịch khác của tôi trên tàu biển hạng sang.

Mặc dù điều kiện của chiếc tàu hải quân không thể nào so được với nội thất du thuyền tỷ phú ở Anh, nhưng các phòng có máy lạnh chạy liên tục, và dù rằng các góc hành lang chưa mua máy làm đá như các khách sạn bên California, nhưng có sẵn hai vòi nước sôi để pha cà phê và nước lạnh để giải khát.

RFI : Các sinh hoạt khác ở trên tàu bao gồm những gì, và điều gì gây ấn tượng mạnh nhất ?

Lê Hải : Trên đường đi ra Trường Sa, thỉnh thoảng lại thấy có vài con cá heo bơi đua với tàu và nhanh chóng vượt qua, những đàn cá chuồn thì liên tục bay là là trên mặt biển, và có đoàn đi còn nhìn thấy cá voi.

Nhưng đẹp nhất là khi đi ngang qua vùng dầu khí Bạch Hổ, hàng chục dàn khoan nối tiếp nhau trải dài với những ngọn lửa khí đốt… nổi lên trên nền biển rất đẹp.

Quí vị có thể tưởng tượng ra con tàu du lịch giống như một cái khách sạn ba tầng, có sân trước để tụ tập trò chuyện hay đánh cờ, sân thượng để tập thể dục buổi sáng, cạnh đó là khu vực quanh đài chỉ huy có thể ngồi uống cà phê để ngắm cảnh, và nhất là khu sân sau vào buổi tuối khi tàu neo lại thì bật đèn lên cho cả đám cá chuồn và mực lao vào, vớt lên không phải để ăn mà là để làm mồi câu cá thu, cá ngừ. Chuyến của tôi câu được hai con cá thu dài cả mét rưỡi, chỉ thiếu rượu sake để uống lúc cắt khúc đuôi ra làm sashimi ăn sống.

Một số anh chị có tuổi đi theo một bác sĩ đông y học khí công, mấy ông thích chính trị thì tụ tập bàn chuyện thế giới, các bạn trẻ thì có cơ hội gặp nhau trong phong cảnh cực kỳ lãng mạn, mà trên chuyến tàu của tôi cũng có một anh họa sĩ mê mải vẽ tranh tặng các cô văn công quân đội của Quân khu 9, hay đoàn diễn viên Hà Nội đi cùng... Thỉnh thoảng lại có ông nghệ sĩ saxo nổi tiếng của Việt Nam kèm học trò ở một góc tàu, chỗ nào cũng có điều hay lạ để tham gia.

RFI : Mục tiêu chuyến đi là thăm một số đảo đá. Phải chăng tất cả đều là các căn cứ quân sự ?

Lê Hải : Trên đảo, ngoài căn cứ quân sự, thì cũng có nơi cho người dân sống, có chùa, có góc cho người tắm biển, và nhưng nơi khác cho người tham quan...

Khi đến đảo thì khỏi phải nói, tất cả du khách đều ùa xuống để chụp ảnh. Đảo lớn thì tàu cập ngay vào cảng, như ở Trường Sa Lớn, còn một số đảo khác thì dùng xuồng đi vào, nhất là ở các nơi gọi là đá, chỉ một mỏm đá trên mặt biển, nhưng trên đó Hải quân đã xây dựng những ngôi nhà.

Trên đảo có những ngôi nhà, chẳng hạn như một ngôi nhà to do độc giả báo Tuổi Trẻ (tại Thành phố Hồ Chí Minh) tặng, giống như một khu hội trường, cao ba, bốn tầng, vừa để ở, vừa làm cơ sở để phòng thủ, với công sự nối tiếp nhau.

Điểm thu hút khách nhiều nhất chính là cột mốc chủ quyền, luôn luôn có lính hải quân liên tục bồng súng đứng gác. Rất đẹp nên được người ta thi nhau xếp hàng chụp ảnh.

Bản thân trên các đá như vậy cũng có những tòa nhà để chơi, như đánh bóng bàn, coi phim. Cũng có những hệ thống trồng rau, tiết kiệm nước của Bộ đội, nơi nuôi vịt, nuôi những đàn chó để canh gác trên đó…

Trên đảo lớn thì khỏi phải nói, không chỉ có khu quân sự mà còn trạm thiên văn ngày xưa. Tôi đã vào xem một trạm thiên văn còn vết tích ngày xưa, thời Việt Nam Cộng Hòa. Còn có khu nhà dân và chùa, hay thậm chí thành ủy Hà Nội cách đây không lâu còn xây nhà nghỉ cho khách, nằm ngay cạnh khu bãi tắm rất đẹp.

Riêng tôi thì khi lên đảo thich đến khu trường học để xem xem thiết bị đồ chơi như thế nào. Tôi xách theo cho các em rất nhiều trái cây từ đất liền vì trên đảo không có trái cây và không có cửa hàng bán đồ cho các em, cái gì cũng chờ tiếp tế, nhưng khi tiếp tế, người ta nghĩ đến bộ đội trước, hay các nhu cầu khác, hơn là cái vặt vãnh như đồ chơi cho các em.

Sau chuyến đi tôi cũng đã đi xin sữa của Chương trình Trẻ em của Vinamilk gửi ra tặng để giúp các em phong phú hóa nguồn dinh dưỡng, chứ không phải lúc nào cũng chỉ có cá hoặc ít thịt bò từ đất liền gởi ra.

RFI : Trong bối cảnh Trường Sa hiện đang là điểm nóng của thời sự quốc tế, thì liệu chuyến du lịch sắp tới có còn đơn giản là một chuyến du lịch thuần túy hay không ?

Lê Hải : Tôi may mắn được đi đúng lúc Trung Quốc chưa leo thang gây căng thẳng ở biển Đông… và mặc dù có lúc trên tàu phát lệnh báo động khi đi ngang qua vùng Gạc Ma, nhưng toàn bộ chuyến đi khá là thoải mái.

Tất nhiên, câu chuyện Trường Sa luôn là lý do chính của chuyến đi, và đỉnh điểm là buổi lễ cầu siêu trên biển, không chỉ cho các chiến sĩ Hải quân chết thảm ở Gạc Ma năm 1988, mà còn cả binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa tử nạn ở Hoàng Sa năm 1974, cũng như những người Việt chết trên đường vượt biển.

Hàng ngàn ngọn đăng theo gió và luồng nước trôi vào phía đảo Gạc Ma mà Trung Quốc đang chiếm đóng, lúc đó cũng bật đèn báo động, sáng rực cả một góc xa, chính là điều mà tôi nhớ nhất sau chuyến đi năm ngoái.

Bây giờ thì Trung Quốc đang hung hăng và triển khai nhiều tàu chiến vào khu vực, thì không thể loại trừ khả năng sẽ gặp báo động thật vì bị tàu Trung Quốc cản đường hay giở trò gì xấu, cho nên chắc chắn là đoàn khách lần này sẽ không có nhiều tâm trí để uống rượu câu cá như tôi trong chuyến đi trước.

Tuy nhiên, họ sẽ được trải nghiệm nhiều hơn và sau chuyến đi, ngay trước khi về đến Tân Cảng vào buổi sáng, tàu sẽ neo lại ngay trước Bạch Dinh ở bãi Dứa Vũng Tàu, karaoke để chia tay.

Ngồi trên tàu nhìn vào đất liền chỉ cách vài trăm mét, ánh đèn đô thị lung linh, sẽ khiến chúng ta nhớ đến những người đang sống trên đảo xa, đang mong ngóng những con tàu và nhất là con người từ đất liền ra thăm họ, chỉ đơn giản là để nói với nhau một câu chuyện bằng tiếng Việt, hay chia sẻ niềm vui trong cuộc sống hàng ngày.
 
Nguồn: Theo RFI