03 septembre 2015

Ai là chủ lô hàng 94 khẩu súng quân dụng bị ‘đánh án’ ở Tân Sơn Nhất?


Lê Dung



Vụ nhập lô súng quân dụng lên đến 94 khẩu và được mô tả ‘lớn nhất từ trước đến nay’ qua đường sân bay Tân Sơn Nhất vẫn còn nguyên những dấu hỏi đáng ngờ, đặc biệt trong bối cảnh chỉ còn chưa đầy 6 tháng nữa sẽ diễn ra đại hội lần thứ 12 của đảng cầm quyền.



Không nhầm lẫn trong vụ bắt 94 khẩu súng quân dụng ở Tân Sơn Nhất’ - lần đầu tiên kể từ khi vụ bắt này diễn ra vào ngày 31/7/2015, một quan chức có trách nhiệm là Nguyễn Văn Cẩn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo 389 đã đưa ra lời khẳng định tại một cuộc họp báo chuyên đề vào ngày 28/8.
Dấu hỏi đầu tiên thuộc về ngày 31/7, bởi ngay sau khi vụ việc nhập súng được công khai, một tờ báo thuộc ngành công an đã nhanh nhảu thông tin rằng lô vũ khí này được Singapore nhập về từ Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng quá trình vận chuyển đã "đi nhầm" sang VN.
Tuy nhiên chỉ ít ngày sau, Thứ trường Tô Lâm đặc trách về công tác an ninh của Bộ công an đã xuất hiện chỉ đạo ‘đánh án’. Kèm theo đó là một bức thư khen ngợi ‘chiến công’ các đơn vị bắt giữ, ký tên bởi Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Sự thể đã rõ, chẳng có vụ ‘nhập nhầm’ nào, mà 94 khẩu súng ngắn quân dụng và 472 băng đạn được nhập trực tiếp vào VN, và được sử dụng cho nhu cầu nội địa của VN. Những câu hỏi còn lại là: Ai đã ‘chỉ đạo’ cho tờ báo ngành công an mau mắn ‘định hướng’ dư luận sang ‘chủ hàng là Singapore’? Tại sao lại có chuyện ‘cải chính’ sau đó về địa chỉ chủ hàng? Và chủ hàng của lô súng chưa từng có đó là ai, có liên quan gì đến vai trò của giới chính trị không?
Lâu nay, dư luận xã hội vẫn râm ran về những vụ buôn bán vũ khí trái phép qua các cửa khẩu ở VN, thậm chí có liên quan đến một số con ông cháu cha và những ‘cơ quan đặc biệt’. Tuy nhiên những vụ việc bắt giữ được công bố chỉ ở quy mô rất nhỏ và chẳng có gì đặc biệt.
Giờ đây, một câu hỏi lại mang tính ‘nội bộ’ và thời sự hơn: Liệu vụ bắt giữ lô súng vừa qua có liên quan hay không đến cuộc tranh giành địa bàn làm ăn giữa các nhóm lợi ích, hoặc ‘cao cấp’ hơn nữa là cuộc cạnh tranh ưu thế giữa các phe quyền lực?

Nguồn : SBTN